Bộ Ngoại giao Trung cộng khẳng định đã hoãn vòng thứ 2 của Đối thoại Ngoại giao và An ninh song phương theo yêu cầu của Mỹ
Sau cuộc đối đầu giữa tàu khu trục Mỹ và tàu hải quân Trung cộng ở biển Đông mới đây, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã lên kế hoạch phô trương lực lượng để gửi thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh.
"Đấu trường" trên biển
Theo kế hoạch, hạm đội trên sẽ tiến hành một loạt chiến dịch trong vòng một tuần của tháng 11 nhằm chứng tỏ Mỹ có thể nhanh chóng ứng phó với các mối đe dọa, đối thủ tiềm tàng trên nhiều mặt trận khác nhau. Cụ thể, tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ tới biển Đông và tại eo biển Đài Loan với mục tiêu khẳng định quyền đi lại tự do qua các vùng biển quốc tế. Theo đài CNN, đề xuất này đồng nghĩa tàu chiến, máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần các lực lượng Trung cộng, có nguy cơ dẫn đến phản ứng mạnh từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định họ không hề muốn xung đột.
Ông Su Hao, chuyên gia tại Trường ĐH Ngoại giao Trung cộng, cho rằng những vụ việc gần đây là dấu hiệu cho thấy biển Đông đã trở thành "đấu trường" của Bắc Kinh và Washington. Theo ông Su, Mỹ sẽ leo thang đáng kể cuộc đối đầu này nếu mở rộng khu vực hoạt động đến eo biển Đài Loan và Trung cộng sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại cả 2 khu vực nói trên.
Thông tin về đề xuất mới xuất hiện vài ngày sau cuộc chạm trán nguy hiểm giữa tàu khu trục USS Decatur và một tàu hải quân Trung cộng ở biển Đông hôm 30-9. Hải quân Mỹ cáo buộc tàu Trung cộng tiếp cận USS Decatur không an toàn và thiếu chuyên nghiệp. Tờ Washington Examiner nhận định bài học lớn rút ra từ vụ việc là Mỹ phải có kế hoạch ứng phó trong trường hợp căng thẳng giữa hai bên vượt tầm kiểm soát tại khu vực.
Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington hôm 4-10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định nước này sẽ không lùi bước trước "sự dọa dẫm" của Trung cộng ở biển Đông. Nhắc lại hành động nói trên của tàu Trung cộng, ông Pence khẳng định: "Bất chấp sự quấy nhiễu đầy khinh suất này, tàu và máy bay hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi yêu cầu".
Nỗi lo về "ngoại giao nợ"
Đi xa hơn, ông Pence cho rằng Trung cộng đang sử dụng "ngoại giao nợ" để mở rộng ảnh hưởng trên thế giới. "Nước này hiện cung cấp các khoản vay về hạ tầng trị giá hàng trăm tỉ USD cho nhiều chính phủ ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latin. Dù vậy, điều khoản cho vay tỏ ra mơ hồ và Bắc Kinh hưởng phần lớn lợi ích" - ông Pence nhận định.
Trong động thái nhằm bắt kịp hoạt động đầu tư của Trung cộng khắp thế giới, Thượng viện Mỹ hôm 3-10 thông qua dự luật nhằm cải tổ chuyện chính phủ liên bang cho vay tiền để phục vụ hoạt động phát triển ở nước ngoài. Dự luật này đã qua ải hạ viện trước đó và dự kiến được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành.
Theo dự luật, một cơ quan mới sẽ được thành lập - gọi là Công ty Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) - để phụ trách cho vay tiền thực hiện các dự án năng lượng, cảng, hạ tầng nước... tại những nước đang phát triển. Giới chức Mỹ lo ngại nhiều nước có nguy cơ "hy sinh" chủ quyền khi vay tiền của Trung cộng để trang trải các dự án hạ tầng.
Ngoài ra, bài phát biểu của ông Pence còn nhắc đến việc cộng đồng tình báo Mỹ xác định Trung cộng đang nhằm vào các chính quyền bang và địa phương tại Mỹ, tìm cách khai thác bất kỳ sự rạn nứt nào về chính sách để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Phó Tổng thống Mỹ cũng cho rằng giới chức Trung cộng tìm cách tác động lên các lãnh đạo doanh nghiệp để họ lên án chính sách thuế quan của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh.
Bài phát biểu trên nhiều khả năng khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm xấu đi giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày một leo thang. Căng thẳng giờ đây còn lan sang lĩnh vực an ninh sau khi Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 3-10 khẳng định đã hoãn vòng thứ 2 của Đối thoại Ngoại giao và An ninh song phương theo yêu cầu của Mỹ.
Hoàng Phương
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.