Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày bầu cử QH quan trọng 6/11 khi người dân Mỹ sẽ bầu lại 435 dân biểu Hạ viện và thay 33 Thượng nghị sĩ mới.
Thường được gọi là giữa kỳ vì cuộc bầu này nằm giữa nhiệm kỳ TT & Phó TT đương nhiệm và thường được coi như phản ảnh tín nhiệm với hai vị đó.
Không khí sôi động hẳn lên trong các tầng lớp dân chúng Mỹ. Và cũng hâm nóng cộng đồng người Mỹ gốc Việt, dù bình thường nổi tiếng chỉ lo chuyện cơm áo hàng ngày và ít tham dự các hoạt động chính trị như bầu và ứng cử ở địa phương, trừ hai bang California và Texas nơi có đông người Việt sinh sống.
Thí dụ rõ rệt nhất là bài của người viết này, nói lên quan điểm của một cử tri Cộng hòa về những chuyện "cuồng ghét Trump" quanh cuộc bầu cử sắp tới đã gây nên một phản bác mạnh mẽ từ một ứng viên dân cử ở California (ông Thắng Đỗ), cũng như một bài khác của một nhân vật nữ cùng đảng (Dana Nguyễn) chung một quan điểm phần lớn chỉ trích cá nhân phong cách ông Trump, thay vì đưa ra được một "agenda" khác khả dĩ tương ứng của đảng Dân chủ.
Vào ngày cuối của những vận động tranh cử ở các tiểu bang, nhất là sự có mặt trở lại của Tổng thống Trump ở Pensacola một thành phố biển nhỏ của Florida nơi tôi sinh sống, tìm cách ủng hộ các ứng viên Cộng hòa địa phương, lại có thể làm sống lại các chỉ trích về cá nhân ông Trump. Nhưng nghe đi nghe lại mãi cũng nhàm, khiến người viết chợt cảm thán muốn thốt lên là "Biết rồi, khổ lắm nói mãi."
Và chợt muốn bắt chước một người bạn lớn tuổi ở Nam California nhận xét về ông Trump như sau:
"Hãy đừng nghe những gì Trump nói, mà nhìn những gì Trump làm"
Anh này mô phỏng theo câu tuyên bố nổi danh của cựu Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu về khác biệt giữa lời nói và hành động của CSVN thời nào, áp dụng vào thời bầu cử này (50 năm sau) của Mỹ để nhận xét về Tổng thống Trump lại thành hay và có phần đúng.
Như vậy sau gần hai năm qua, chúng ta cần ghi lại những thành tích chính mà Chính phủ Trump đã làm được, và tự hỏi có nên chọn lá phiếu cho đảng Dân chủ mà làm đảo lộn giữa kỳ các thành quả đó chăng?
Kết quả thống kê kinh tế Mỹ tháng 10 cho thấy có mức thất nghiệp vẫn giữ được mức thấp nhất từ 18 năm qua (3.7%), và đặc biệt nhất là cùng lương bổng tăng vọt—sau nhiều năm đình trệ. Tăng trưởng GDP vượt 4,1% trong quý 2 và 3,5% trong quý 3 năm nay, đã đưa thị trường chứng khoán lên mức cao kỷ lục gần đụng mức 27,000 của DJ Index, trước khi tụt 6,4% xuống mức 25,270 hôm 2/11.
Công ăn việc làm tốt, lương tăng, niềm tin người tiêu thụ cao, và nhiều hãng Mỹ xếp hàng quay về Mỹ như dự kiến của luật giảm thuế doanh nghiệp--mạnh bạo đưa thuế từ 35% xuống 21%.
Là người Mỹ, bạn có dễ chối bỏ con đường đang đi này để mong trở lại thời kỳ quen thuộc của các chính phủ đảng Dân chủ có trợ cấp thất nghiệp cao hay những phúc lợi xã hội hấp dẫn khác—điển hình là chuyện khó khăn tài chính quen thuộc của chính vùng đất vàng Cali, vì những chính sách này của những vị dân cử thuộc đảng Dân chủ?
Về mặt đối ngoại, điều mà người viết chủ quan cho rằng trong lịch sử nhiều thời Tổng thống Mỹ, chỉ có Tổng thống Trump mới dám gây cuộc chiến thương mại mạnh mẽ như đang xảy ra hiện nay, với nhiều đối tác cả đồng minh và đối nghịch, để tái lập công bằng cho cán cân thương mại Mỹ sau nhiều thập niên "nhường nhịn" để thế giới chấp nhận tự do mậu dịch và các nước khác lấn tới lợi dụng chính sách này. Nay là lúc, theo ông Trump, phải làm "Hoa Kỳ Mạnh Trở lại".
Và kết quả sơ khởi cho thấy ông Trump đã làm được. Từ việc tăng thuế sơ khởi trên các hàng nhập nhôm và thép để thử "nắn gân" cả các "bạn hàng" và địch thủ chính là Trung cộng, Mỹ đã đạt được các chiến thắng thương mại quan trọng song phương (với Nhật, Hàn, các nước khối EU…) hay đa phương duyệt lại (NAFTA) với Canada và Mexico, để từ đó lại tạo thành một liên minh quan trọng thắt chặt vòng vây thương mại với Trung cộng.
Là người Mỹ, bạn có tạm hài lòng với các kết quả này không? Nhất là nhìn ông Trump đêm ngày làm việc và mỗi cuối 3 tháng lại tìm cơ quan từ thiện để tặng lương của mình, vì ông đã là tỷ phú.
Riêng với Trung cộng, qua việc áp thuế "tariffs" cao trên 250 tỷ đô hàng nhập hiện nay; và còn dọa áp thuế lên nốt 267 tỷ đô hàng nhập còn lại từ nước này. Thêm vào đó, là giai đoạn 2 của cuộc chiến, với áp lực tài chính tiền tệ, khiến tiền chứng khoán New York mất gần 10% trong 7 tháng qua, chứng khoán Thượng hải giảm trên 25%, và khối dự trữ ngoại hối mất đi trên 1,200 tỷ đô.
Thế Cờ Vây của Chính phủ Trump tỏ ra càng siết chặt và tạo áp lực chính trị và kinh tế tài chính đáng kể lên Chính phủ ông họ Tập. Tin không lạ là cuộc nói chuyện giờ chót tuần qua giữa ông Trump và ông Tập, và hôm thứ sáu 2/11 chính Tổng thống Trump đã tuyên bố có thể có thỏa thuận "mới" giữa hai bên để giảm nhiệt cho cuộc thương chiến vào kỳ họp cuối tháng 11 này bên lề cuộc họp G-20 ở Argentina. Đồng thời trong chiến lược quen thuộc "cây gậy và củ cà rốt", ông cũng thêm là Mỹ sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng nhập Trung cộng, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong kỳ họp này.
Tin này giúp thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới phục hồi trở lại từ vài ngày qua ngay trước bầu cử Mỹ, điều không làm ngạc nhiên về chiến thuật cố hữu của ông Trump.
Là người Mỹ, bạn có thấy hãnh diện với thế thượng phong này của Mỹ, để đối lại âm mưu bành trướng của Trung cộng qua kế hoạch "Một Vành Đai Một Con Đường", thay vì chỉ dựa vào hiệp ước TPP mà còn rất nhiều người Mỹ e ngại dưới thời Tổng thống Obama là sẽ làm mất việc làm nghiêm trọng cho giới lao động Mỹ?
Sau hết, quan điểm cá nhân đã dẫn nhằm phản bác người viết này, còn vô tình hay "cố ý" bỏ quên mối âu lo chung của cộng đồng Việt hải ngoại và cả trên 90 triệu đồng bào ở bên kia đại dương, là đe dọa bành trướng của Trung cộng sang Việt Nam trong tương lai gần.
Cuối cùng, quan trọng nhất cho các người Mỹ gốc Việt, khi cuộc bầu cử giữa kỳ lần này của Mỹ được tiên đoán sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến tương lai chính trị Việt Nam, là bạn mong đảng nào có được chính sách rõ ràng, hiệu quả, nhất là sự can thiệp quân sự mạnh mẽ của Mỹ và liên minh ở Biển Đông, để bảo đảm sự độc lập tự chủ của quê hương cũ của chúng ta trong tương lai?
Xét cho cùng đảng nào điều hành Hoa Kỳ thì các vấn đề nội bộ của nước Mỹ gồm chuyện yêu ghét giữa người gốc Việt chúng ta cũng sẽ được hàng trăm triệu cử tri lựa chọn, nhưng tác động tức thời của lá phiếu chúng ta bỏ ở Mỹ lại có thể có tác động lâu dài vào thời điểm hết sức nguy kịch cho tương lai Việt Nam, và triển vọng đang hé ra của cơ hội thoát Trung để Việt Nam xích lại gần tới dân chủ và phú cường.
TS Phạm Đỗ Chí
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.