Tuesday, May 7, 2019

Chiến lược thu lại Đài Loan của ông Tập có nhầm về quyết tâm của Hoa Kỳ?

BM

"Tora, Tora, Tora" phi công Mitsuo Fuchida gửi mật hiệu về trung ương báo cáo đã thành công ở Trân Châu Cảng, lực lượng Mỹ bị oanh kích hoàn toàn bất ngờ.

Đế quốc Nhật mừng chiến thắng.

Đó là 8 giờ sáng ngày 7/12/1941.

Cũng 8 giờ sáng gần bốn năm sau, quả bom nguyên tử đầu tiến rơi xuống Hiroshima, ngày 6/08/1945.

BM
  
Nhật Bản đã tính lầm về phản ứng của Mỹ và cho rằng Hoa Kỳ đang kẹt cứng ở Âu châu nên không thể nào đánh cả hai mặt trận một lúc.

Tokyo tính lầm rằng có thể ra một 'cú đấm' nhắm vào Mỹ mà không sợ bị phản ứng quá mạnh.

Có ngờ đâu, ngay ngày hôm sau, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đế quốc Nhật.

Nhật cũng cho rằng tấn công bất ngờ vào sáng Chủ Nhật thì chắc ăn vì tình trạng 'sẵn sàng ứng chiến' của Hải quân Mỹ xuống thấp vào weekend.

Chỉ đúng một phần. Điều mà tình báo Nhật không nghĩ tới là vào sáng Chủ Nhật thì sĩ quan và binh lính Mỹ lại lên bờ ăn nghỉ chứ không ở trên chiến hạm.

BM
  
Vì vậy nên lực lượng của Mỹ đã không bị thiệt hại về người và bốn tháng sau, từ đầu tháng 4/1942 không quân Mỹ oanh tạc Nhật Bản.

Sang tháng 4, Mỹ đã mở trận hải chiến Midway.

Ngay khi chiến tranh với phát-xít Đức bước vào giai đoạn cuối, Mỹ đã đổi ưu tiên chiến lược để tái phối trí lực lượng về Á châu.

Ngày 23/02/1945 Thủy quân Lục chiến Mỹ cắm cờ trên núi Suribachi ở Iwo Jima.

BM
  
Tháng 3/1945 Mỹ oanh tạc Tokyo và sang tháng 8 ném bom nguyên tử.

Năm năm sau đó, đến lần Trung cộng tính lầm.

BM
Hướng dẫn viên du lịch Đài Loan cho xem các trái bom quân Trung cộng dùng để tấn công Kim Môn, ngoài khơi Phúc Kiến

Mao Trạch Đông cử 1,3 triệu chí nguyện quân cùng với quân Bắc Hàn tràn qua vỹ tuyến 38 tấn công Nam Hàn.

Tổng thống Harry Truman chỉ định Tướng MacArthur làm Tư lệnh Quân đội Liên Hiệp Quốc, chiến đấu trực diện với Trung cộng.

MacArthur còn muốn đánh thẳng vào Bắc Kinh nhưng Tổng thống Truman đã kềm lại khiến ông phản kháng và bị giáng chức.

BM
  
Chiến tranh Triều Tiên gây tổn thất lớn cho TC: 300,000 quân nhân tử trận, số người bị thương vong lên tới 410,000.

Chiến tranh Triều Tiên vừa chấm dứt, Chủ tịch Mao đã nghĩ ngay tới chiến lược uy hiếp Đài Loan. Nhưng động tới Đài Loan là Mỹ quyết liệt.

1954-1955: xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan lần thứ nhất

BM  
Ông Donald Trump thay đổi chính sách của Hoa Kỳ với Đài Loan và chính quyền của nữ Tổng thống Thái Anh Văn

Sau chiến tranh Triều Tiên, Truman không ra ứng cử thêm nhiệm kỳ hai và ông Eisenhower lên kế vị (1953). Với sự ủng hộ của tân tổng thống Mỹ, chính phủ Tưởng Giới Thạch đem 58,000 quân đến đóng trên đảo Quemoy và 15,000 quân trên đảo Mã Tổ (Matsu).

Quân đội Trung cộng bắt đầu pháo vào hướng đảo Quemoy.

Ngày 11/08/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố Đài Loan phải được "giải phóng."

Sau đó Bắc Kinh cho pháo kích vào Quemoy. Tổng thống Eisenhower đưa ra một Hiệp ước Quốc phòng Song Phương giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Hiệp ước này được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn ngày 9 tháng 2, 1955.

BM
  
Tới ngày 29/01/1955, một Nghị quyết được Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, cho phép TT Eisenhower sử dụng quân đội Mỹ để bảo vệ Đài Loan.

Ngoại trưởng Dulles công khai tuyên bố, "Hoa Kỳ đang xem xét một cuộc tấn công bằng khí giới nguyên tử."

Cuối tháng 3, Đô đốc Mỹ Robert B. Carney tiết lộ là TT Eisenhower đang có kế hoạch "để tiêu diệt tiềm năng quân sự của Trung Cộng".

Sang ngày 23/04 Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đàm phán để hạ nhiệt chiến tranh.

Ngày 1/05, hòa bình trở lại trên hai đảo Quemoy và Matsu nhưng chỉ tạm bợ vì ba năm sau lại có một xung đột thứ hai.

1958 xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan lần thứ hai

BM  
Thứ trưởng Marie Royce của Mỹ và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã dự lễ khai trương Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc hôm 12/06

Năm 1958 Quemoy và Matsu lại bị pháo.

Ngồi xem TV tại Đại Học Virginia sáng hôm ấy, chúng tôi còn nhớ rõ hình ảnh về biến cố này: TT Eisenhower cho hàng không mẫu hạm USS Lexington cùng với tàu khu trục và một tàu tiếp liệu tiến vào eo biển Đài Loan.

Sau đó, ông chỉ thị tăng cường Hạm Đội 7 và ra lệnh cho các tàu Hải quân Mỹ phải giúp chính phủ Tưởng Giới Thạch để bảo vệ các đường cung cấp cho Đài Loan.

BM
  
Ngoài ra, trong một nỗ lực bí mật gọi là "Operation Black Magic", Mỹ còn tân trang Không quân Đài Loan với tên lửa mới chế tạo 'AIM-9 Sidewinder,' giúp cho phi công Đài Loan ở thế thượng phong đối với phi công Trung cộng.

Nghiên cứu gần đây của Lưu trữ Quốc gia cho thấy Không quân Mỹ đã chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân chống lại Trung cộng. Bắc Kinh biết được cho nên đã tuyên bố "ngưng pháo kích các hải đảo vào ngày 6/10."

1995-1996: Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ ba

BM
  
Hai mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam, Bắc Kinh muốn cảnh cáo Tổng thống Đài Loan Lý Tăng Huy khi ông thay đổi chính sách "Một Trung cộng" để tiến tới một nước Cộng Hòa Đài Loan. Như vậy là muốn thử thách ý chí của Hoa Kỳ.

Từ ngày 21/07/1995 tới 23/03/1996, khủng hoảng kéo dài 8 tháng và 2 ngày, khởi đầu bằng việc Bắc Kinh cho tiến hành một loạt những vụ thử nghiệm tên lửa tại vùng biển xung quanh Đài Loan bao gồm Eo biển Đài Loan. Tất cả có ba lần thử nghiệm chính yếu:

·        Đợt phóng tên lửa lần thứ nhất xảy ra 21-27/07/1995;

·        Lần thứ hai 15-25/08/ 1955;

·        Lần thứ ba từ 8-15/03/ 1996.

Tới lần thứ ba thì Hoa Kỳ phản ứng bằng những hành động mạnh mẽ nhất để thể hiện sức mạnh tại Á châu kể từ Chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Clinton cho tăng cường sự có mặt của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.

BM
  
Cùng ngày 8/03, Washington tuyên bố đã có lệnh cho nhóm 'Hàng Không Mẫu hạm 5' (Carrier Group Five) dẫn đầu bằng hàng không mẫu hạm USS Independence tiến vào vùng biển gần Đài Loan.

Ngay ngày hôm sau (9/03), Trung cộng phản ứng và cho tập trận bắn đạn thật gần đảo Bành Hồ từ ngày 12 tới 20/03. TT Clinton lập tức cho nhóm 'Hàng Không Mẫu Hạm 7' (Carrier Group Seven) dẫn đầu bằng hàng không mẫu hạm USS Nimitz tiến thật nhanh từ Vịnh Ba Tư tới Đài Loan.

Tình hình lại càng căng thẳng khi Bắc Kinh công bố sẽ có diễn tập đổ bộ.

BM
Thiếu tá Dương Vận Tuyền, nữ phi công đầu tiên của châu Á lái trực thăng Apache do Mỹ sản xuất trong Không lực Đài Loan, trong ảnh chụp tháng 7/2018

Nhưng trước sự sửa soạn để sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ, Trung cộng quyết định ngừng các cuộc tập trận giả.

Khủng hoảng chấm dứt vào ngày 23 tháng 3, 1996.

2019-2020: khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan lần thứ tư?

BM
  
Ngày nay, vấn đề căng thẳng số một giữa Hoa Kỳ và Trung cộng không phải là chiến tranh mậu dịch mà là Đài Loan.

Gần đây dư luận quốc tế đã bàn tới khả năng một cuộc chiến về Đài Loan sẽ có thể xảy ra vì Hoa Kỳ đã thay đổi cách nhìn đối với Đài Loan.

Thay đổi vì không phải chỉ có phía hành pháp - như TT Eisenhower hay Clinton - mà bây giờ cả Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ chính sách xích lại Đài Loan.

Ngày 01/04/2019 tờ South China Morning Post bình luận:

"Nhiều cựu quan chức Mỹ đã cảnh báo sẽ có một năm căng thẳng ở Eo biển Đài Loan trong bối cảnh Quốc hội Mỹ ngày càng chống Trung cộng và ủng hộ một quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và hải đảo tự trị này."

Tại sao Mỹ thay đổi cái nhìn về Đài Loan?

Đó là vì Đài Loan - cùng với Nam Hàn - là một cái chốt ở trên tuyến biên phòng của Mỹ ở vùng đông bắc Thái Bình Dương. Nó như một cái lá chắn bão tố đến từ Bắc Kinh.

Đầu thập niên 1970, cố vấn Henry Kissinger đã thuyết phục TT Nixon và Quốc Hội Mỹ rằng Trung cộng không nguy hiểm, có thể thành bạn đồng phường với Mỹ.

BM
  
Nay cố vấn John Bolton đã thuyết phục được TT Trump và Quốc Hội rằng Trung cộng đã thay thế Nga để trở thành mối nguy hiểm số một của nước Mỹ.

Còn trong cuốn 'The Hundred Year Marathon' (2015), ông Michael Pillsbury chứng minh rất đáng thuyết phục rằng:

"Bắc Kinh đã có chiến lược 100 năm để thay thế Mỹ trong vai trò cường quốc số một trên thế giới vào năm 2049, khi họ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa."

Năm 2049 thì cũng chẳng còn bao xa: chỉ gồm bốn 'kế hoạch 5 năm'.

Chúng tôi giả thuyết rằng, trong 'Kế hoạch 5 năm 2015-2019' Trung cộng tập trung chính vào Biển Đông.

Nay là lúc triển khai 'kế hoạch 5 năm 2020 -2024: tập trung vào Đài Loan, và Triều Tiên, không để ông Kim Jong-un tự do hành động.

Muốn trở thành cường quốc thay Mỹ vào năm 2049 thì cần phải chọc thủng tuyến phòng thủ Đông Bắc thật sớm.

Sau đó, cùng với những lối đi ở đường 9 vạch, Trung cộng mới có thể vươn ra các đại dương khác trong ba kế hoạch 5 năm còn lại.

Ngày 02/01/2019 Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố:

BM
F-16 do Hoa Kỳ sản xuất trong Không lực Đài Loan

BM
Cả nhà vui chụp ảnh trên bệ cao xạ tại triển lãm ở Bắc Kinh. Trung cộng coi Đài Loan là tỉnh ly khai, cần đem về với 'đất mẹ'

"Phát triển hòa bình và ổn định của quan hệ xuyên eo biển là xu thế không ai, không thế lực nào ngăn được."

Rồi ông kết luận: "Trung cộng phải thống nhất và sẽ thống nhất."

Năm 1954 Thủ tướng Chu Ân Lai cũng từng muốn "Đài Loan phải được giải phóng", và đến năm 1995, TC cảnh cáo Tổng thống Lý Đăng Huy thay đổi chính sách "Một Trung cộng" để tiến tới Đài Loan độc lập.

BM
  
Giờ Trung cộng muốn cảnh cáo Tổng thống Thái Anh Văn vì bà vẫn tiếp tục chính sách 'Đài Loan là một quốc gia độc lập.'

Ngày 03/04 vừa qua, Bắc Kinh cho hai phi cơ J-11 vòng 43 dặm qua đường phân chia không phận với Đài Loan. Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố sẽ mạnh mẽ trục xuất các máy bay này nếu chúng vượt qua ranh giới ở giữa một lần nữa.

Sau đó bà đã chỉ thị cho các phi công đáp trả những cuộc xâm phạm không phận trong tương lai và thề sẽ chiến đấu với họ để bảo vệ chủ quyền Đài Loan cho tới cùng.

Biến cố này lại làm cho chúng tôi nhớ tới diễn biến của mấy trận không chiến giữa Trung cộng và Đài Loan cách đây trên 60 năm: ngày 22/09/1958, 100 phi cơ MiG của TC đụng độ với 32 phi cơ F-86 của Đài Loan.

BM
  
Tên lửa Sidewinders do Mỹ cung cấp giúp phi công Đài Loan bắn rơi nhiều máy bay MiG của TC.

Bây giờ Đài Loan đang tiến hành mua hơn 60 máy bay chiến đấu F-16V của Mỹ, một hành động mà Bắc Kinh đã mô tả là cực kỳ nguy hiểm.

BM
  
Ngày 26/03 vừa qua, một dự luật được đưa ra tại Thượng Viện Mỹ yêu cầu chính quyền Trump phải xem xét lại chính sách đối với Đài Loan và nâng cao quan hệ hai bên về quân sự.

Dự luật này cũng nhắc lại Nghị quyết của Lưỡng viện Quốc hội cho phép TT Eisenhower sử dụng quân lực Mỹ để bảo vệ Đài Loan ngày 29/01/1955.

Ngày nay, không chỉ bán phi cơ F-16V cho Đài Bắc, Mỹ còn cho tàu chiến đi qua Eo biển, tập trận giả, và để các chính khách Hoa Kỳ liên tục sang thăm Đài Loan.

Qua hành động và tuyên bố của Chủ tịch Tập về Đài Loan - nhất là trong bối cảnh "xoay trục" về Á Châu của Mỹ, ta thấy ông dễ nhạy cảm, dễ nổi nóng.

Chắc hẳn ông muốn giải quyết vấn đề này cho xong trong triều đại của mình.

BM
  
Đối với ông Tập, có thể là Đài Loan là 'cục xương kẹt trong họng' - như lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng ví khu vực Tây Berlin, nằm trên lãnh thổ Đông Đức, giống như "a bone stuck in our throat".

Nhưng gỡ đi miếng xương đó không hề dễ.

Trong những ngày tháng sắp tới ta sẽ thấy liệu lịch sử về Eo biển Đài Loan có tái diễn.



TS Nguyễn Tiến Hưng

BM

Nghĩ gì khi Đoàn Thị Hương được đón như một anh hùng
Việt Nam đừng ‘ham rẻ’, ‘ham dễ’ _ Xây dựng mạng 5G
Trung cộng gọi trại tập trung ở Tân Cương là ‘trường nội trú’
Nước Mỹ sẽ thức tỉnh trước họa Tàu cộng
Sang Nhật lao động _ 'Yêu thì yêu nhưng đừng mang thai'
Thơ _ THỬ ĐI ANH
Chứng khoán Trung cộng sụt giảm vì Mỹ dọa đánh thêm thuế
Cuộc sống ở những quốc gia sạch nhất thế giới
Mỹ sẽ không thua cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh
Việt Nam _ Dạy về một quá khứ bạo lực
Một vành đai, một con đường & hai con tim bộ lạc
Những chuyến đi làm con người bỗng dưng phát điên
Joe Biden _ Ký ức không quên
Ai đã chôn vùi giấc mộng của Hillary Clinton?
Điển hình của ngạo mạn quốc doanh
Tuyển cử và cử tuyển, chiếc đèn cù của bộ máy nhân sự VN
Giáo đường Do Thái được người Hồi giáo coi sóc ở Ấn Độ
Tình huống chính trị tại Ba Đình
Đi “săn” rác thải nhựa VN
Fake News ở Mỹ tinh vi như thế nào?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.