Sunday, May 5, 2019

Giáo đường Do Thái được người Hồi giáo coi sóc ở Ấn Độ

BM
Trong suốt hơn 100 năm qua, các giáo đường Do Thái ở Kolkata, Ấn Độ, đã được người Hồi giáo coi sóc, phản ánh tình bằng hữu, hoà hợp tôn giáo.

Sự ra đời của cộng đồng 'Baghdadis'

BM

Trong gần 140 năm, từ 1772 đến 1911, Kolkata là thủ đô của Ấn Độ thuộc Anh - một thành phố thương mại nhộn nhịp bên bờ sông Hugli ở miền trung Tây Bengal.

Vị trí chiến lược của nó, cách Vịnh Bengal khoảng 150km về phía thượng nguồn, không chỉ mang lại hoạt động ngoại thương nhộn nhịp mà còn thu hút cả nhiều cộng đồng nước ngoài tới sinh sống ở thành phố thịnh vượng này, từ người Hoa cho đến người Armenia, đến người Hy Lạp.

Trong số đó, có người Do Thái đến từ Trung Đông.

Được biết đến với cái tên 'người Baghdadis', hay 'người Do Thái Baghdad', gọi theo nguồn gốc của họ, vốn là những nơi mà nay là Iraq, Syria và những nơi khác nói tiếng Ả Rập, dân nhập cư Do Thái bắt đầu định cư ở Kolkata vào năm 1798, sau khi một thương nhân có tên là Shalom Cohen tới đây để tìm cách làm giàu.

Cùng với sự thành công của Cohen trong việc buôn bán kim cương, lụa, thuốc nhuộm chàm, thuốc phiện và bông, dân số Do Thái ở Kolkata cũng tăng lên nhanh chóng. Đến đầu thập niên 1900, đã có hàng ngàn người Do Thái đã sống hòa thuận bên cạnh người Ấn giáo và Hồi giáo.

Dần biến mất

BM

Sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, có tới 5.000 người Do Thái cư trú ở Kolkata.

Trong thời kỳ hoàng kim của cộng đồng này, hồi thập niên 1940, Kolkata là nơi có năm giáo đường Do Thái cùng nhiều cơ sở kinh doanh, các tờ báo và trường học của người Do Thái.
Ngày nay, những gì từng là cộng đồng Do Thái giáo lớn nhất Ấn Độ đã giảm xuống chỉ còn chưa tới 24 người, bởi nhiều người Do Thái Baghdad đã di cư sang Israel, Mỹ, Anh, Canada và Úc.

Tuy nhiên, trong khi dân số Do Thái ở Ấn Độ ngày càng già đi, ít người đi, thì cộng đồng còn lại vẫn tiếp tục truyền thống đa văn hóa tồn tại trong ba thế hệ trước: ba toà nhà thờ cúng còn lại của họ được duy trì, chăm sóc bởi những người đàn ông Hồi giáo.

Đa tôn giáo

BM

Leo lên cầu thang bằng đá cẩm thạch và đẩy qua cửa sổ kính màu của Giáo đường Do Thái giáo Beth El trong thành phố Kolkata, được xây dựng vào năm 1856, du khách có thể bắt gặp một cảnh tượng hiếm có: một nhóm bốn người đàn ông Hồi giáo mặc áo trắng đang đánh bóng ban công gỗ, quét sàn nhà bằng đá cẩm thạch để đảm bảo rằng Ngôi sao David và cỗ chân nến menorah bảy nhánh trang trí mặt tiền màu cát của tòa nhà được sạch sẽ.

Một số người, chẳng hạn như Siraj Khan, người Hồi giáo thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình đã chăm nom bảo dưỡng giáo đường Do Thái này từ suốt hơn 120 năm qua, đã lớn lên cùng với vài thành viên còn lại của Beth El.

Theo AM Cohen, tổng thư ký của Cộng đồng Do Thái tại thành phố Kolkata, Khan và những người Hồi giáo khác chăm sóc các giáo đường Do Thái trong thành phố được coi là một phần của đại gia đình cộng đồng Do Thái nơi đây.

Mối liên hệ tôn giáo

BM

Chỉ cách Beth El 300m, một trong những giáo đường Do Thái còn lại ở Kolkata là Magen David, một tòa nhà gạch đỏ kiểu Ý thời Phục Hưng, cũng được duy trì bởi bốn người đàn ông Hồi giáo từ bốn gia đình khác nhau. Đó là các gia đình đã trông nom ngôi đền qua nhiều thế hệ.

Giống như tại Beth El, sau khi mở khóa cửa và bật đèn bàn thờ chiếu sáng dòng chữ Hebrew thể hiện Mười Điều Răn, những người coi sóc giáo đường Do Thái này thường tập trung tại khu vực sân, trải tấm thảm cầu nguyện, hướng về phía Mecca và phủ phục xuống lễ lạy Đấng Allah.

Theo Jael Silliman, một trong những người Do Thái cuối cùng còn ở Kolkata và là tác giả của kho lưu trữ kỹ thuật số Nhớ lại Người Do Thái ở Calcutta, nơi lưu giữ những ký ức và di sản của cộng đồng Do Thái ở thành phố, thì luôn có sự quen thuộc về văn hóa giữa người Hồi giáo và người Do Thái ở Kolkata, bởi những người nhập cư Do Thái đầu tiên vào thành phố đã nói thứ tiếng Ả Rập - Do Thái, và mặc trang phục Ả Rập.

Bên ngoài Kolkata, hai tôn giáo này còn có Đại chiến Thế giới lần thứ hai, nhiều người Do Thái châu Âu đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã và tìm được nơi ẩn náu an toàn ở Kolkata. Giống như những lớp người Trung Đông gốc Do Thái đi trước, những người tị nạn châu Âu mới đến này sớm nhận thấy rằng họ có nhiều điểm tương đồng với người Hồi giáo, những người tạo nên nhóm sắc tộc thiểu số đông nhất ở Kolkata - từ sự tương đồng giữa thức ăn kosher của người Do Thái và thức ăn halal của người Hồi giáo với âm nhạc và những điệu nhảy của hai bên.

Tình yêu mến gắn bó đặc biệt

BM

"Chúa Trời ở khắp nơi nơi, tại nhà thờ Hồi giáo, đền thờ, nhà thờ Thiên chúa hay giáo đường Do Thái. Làm việc trong giáo đường kỳ quặc này cũng chính là phụng sự Chúa Trời, và tôi hết lòng tận tâm," ông Khan (trong ảnh) nói. Ông nội và cha của ông từng coi sóc Giáo đường Do Thái Beth El, nay đến lượt ông và anh trai đảm nhiệm công việc đó.

"Gọi Ngài dưới cái tên nào, hay Ngài được thể hiện dưới hình thức nào, điều đó không gây nên sự khác biệt gì khi được thể hiện bằng ngôn ngữ của tình yêu và lòng tốt. Và tình yêu mến gắn bó đặc biệt này là những gì tôi cảm nhận được đối với giáo đường Do Thái này."

'Nồi đun chảy'

BM

Tây Bengal là nơi tập trung người Hồi giáo đông thứ ba tại Ấn Độ, và thủ phủ Kolkata của bang này luôn là nơi dung chứa sự khoan dung tôn giáo. Trong khi phần lớn trong tổng số dân 4,5 triệu người là người theo Ấn giáo, nhưng người Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo, Phật giáo và đạo Sikh từ khắp nơi trên thế giới từ lâu nay đã cùng sống hài hoà bên nhau trong 'Thành phố Hân hoan' này.

Ngày nay, chuyện người Ấn giáo tham gia cùng người Hồi giáo ăn mừng lễ Eid-Al-Adha, tức 'Lễ Hiến sinh' - một trong những ngày lễ Hồi giáo linh thiêng nhất, không phải là chuyện hiếm.

Trường nữ sinh Do Thái, được thành lập tại Kolkata năm 1881 nay chủ yếu học sinh là người Hồi giáo. Và hàng năm trong lễ kỷ niệm Durga Puja thiêng liêng của Ấn giáo và lễ Giáng sinh của Kitô giáo, một biển người Bengal, bất kể tôn giáo, thường xuyên đổ xuống đường nhảy múa, ăn mừng.

Tàn lụi

BM

Theo AM Cohen, có một vài yếu tố dẫn đến việc dân số Do Thái ở Kolkata biến mất sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Đầu tiên, việc Ấn Độ giành độc lập từ Anh vào năm 1947 báo hiệu một thời gian bất định cho người Do Thái ở Ấn Độ. Các ngân hàng, công ty bị quốc hữu hóa; nhiều chủ sở hữu người Do Thái lo sợ tài sản của họ có thể bị chính phủ Ấn Độ tịch thu nên đã quyết định rời sang Anh hoặc Mỹ.

Ngoài ra, việc thành lập nhà nước Israel năm 1948 đã thúc đẩy người Do Thái ở Ấn Độ và từ khắp nơi trên thế giới di cư tới đất nước mới.

Tương lai bất định

BM

Ngày nay, dân số người Do Thái ở Kolkata đang ngày càng giảm dần phải đối mặt với một tương lai rất không chắc chắn.

Tuy cả hai giáo đường Beth El và Magen David hiện được công nhận là tòa nhà di sản được Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ bảo vệ, nhưng chúng, cùng với giáo đường Do Thái cổ nhất trong thành phố là Neveh Shalom - đã không thực hiện các buổi lễ cầu nguyện thứ Bảy một cách thường xuyên kể từ cuối những năm 1980 tới nay. Lý do là bởi có quá ít tín đồ tham dự.

Theo quy định về giáo đoàn Do Thái giáo thì cần có 10 người đàn ông trưởng thành hiện diện để thực hiện nghi lễ cầu nguyện nơi công cộng, và hiện không có đủ số lượng đó tới các giáo đường.

Vào những năm 1940, Ian Zachariah, thủ quỹ của Quỹ Emunah của Người Do Thái tại Calcutta (Emunah Calcutta Jewish Trust), nhớ rằng những chiếc ghế gỗ tại các giáo đường Do Thái ở thành phố Kolkata đã từng phục vụ hàng trăm tín đồ trong các ngày lễ thiêng Rosh Hashanah ('ngày đầu năm') và Yom Kippur ('lễ chuộc tội').

Ngày nay, ba giáo đường này chỉ được mở theo một cuộc hẹn đặc biệt hoặc bằng cách yêu cầu một trong những người Hồi giáo coi sóc nơi đó, những người được Quỹ Emunah của Người Do Thái tại Calcutta trả tiền để làm nhiệm vụ dọn dẹp, cho vào.

Trong số khoảng 24 người Do Thái còn đang sống ở Kolkata, hầu hết đều đã trên 50 tuổi, đa phần đều lớn tuổi hơn những người anh em Hồi giáo làm công việc coi sóc các giáo đường.

Cảm hứng Ấn Độ

BM

Khi bạo lực và căng thẳng chính trị chống lại người Do Thái và Hồi giáo tiếp tục thu hút sự chú ý trên khắp thế giới, thì việc có những người Hồi giáo ở Kolkata coi sóc các giáo đường Do Thái một cách tận tâm là một lời nhắc nhở rằng hai cộng đồng này có nhiều điểm chung và và là điều nêu bật tầm quan trọng của việc yêu thương láng giềng.

Dân số Do Thái ở Kolkata có thể sớm biến mất, nhưng chừng nào còn ai đó chăm sóc các giáo đường Do Thái nơi đó, mở cửa dọn dẹp và cho du khách vào trong, thì một phần di sản của họ sẽ còn tồn tại, nhờ sự tận tâm của các huynh đệ Hồi giáo.



Kalpana Pradhan & Sreya Chatterjee

BM

Tình huống chính trị tại Ba Đình
Đi “săn” rác thải nhựa VN
Fake News ở Mỹ tinh vi như thế nào?
Nhà sáng lập WikiLeaks ra tòa xử dẫn độ sang Mỹ
Vua Thái Lan Vajiralongkorn đăng quang
Quần đảo Thất vọng _ Hành trình đến thiên đường có thật
Không có “Bác” trong ngày … vui đại táng!
Nguyễn Văn Thiệu _ “Người Mỹ đã phản bội chúng tôi.”
Cô Nhíp
Cuộc sống, cái chết và vẻ đẹp trong mất mát
Mất tích _ chỉ vì bài viết “Những khó khăn của Việt Nam hiện nay”?
Thư của “quân Giải Phóng” gửi “Ngụy Quân”
Tuổi trẻ Tàu _ ước mơ hay sống vội ?
Kẻ thù của tiến bộ
Vì sao Nguyễn Tấn Dũng phì cười giữa đám ma Lê Đức Anh?
Thương chiến Mỹ-Trung và vòng đàm phán Lighthizer-Lưu Hạc
Vì sao người Thụy Sĩ vẫn thích tiền mặt
Chuyện “Cái nồi ngồi trên cái cốc”
Bí ẩn bao quanh tân Hoàng hậu Thái Lan
Triều Tiên và Việt Nam _ hai cuộc chiến hai vĩ tuyến

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.