Stendhal nói rằng tới thăm Thánh đường Santa Croce Basilica là "trải nghiệm sâu sắc nhất"
Oliver McAfee lẽ ra đã phải về nhà vào dịp Giáng sinh 2017. Nhưng người làm vườn chuyên về phong cảnh 29 tuổi, người gốc từ Dromore, Hạt Down, Bắc Ireland, đã mất tích kể từ 21/11/2017.
McAfee đã đạp xe dọc theo Đường mòn Quốc gia Israel, gần thành phố sa mạc Mitzpe Ramon, trước khi anh biến mất. Người ta tìm thấy chiếc xe và chiếc lều du lịch của anh hai tháng sau đó, trong miệng núi lửa Ramon ở miền nam Israel. Những lữ khách đã trao ví, chìa khóa và máy tính bảng của anh, là các vật được phát hiện nằm dọc đường mòn.
Hội chứng Jerusalem
Các báo đài đã nhanh chóng nêu ra khả năng là anh mắc hội chứng Jerusalem - một trạng thái tâm lý (hoặc tình trạng thoát ly khỏi thực tế) thường liên quan đến những trải nghiệm tôn giáo. Những người bị hội chứng này trở nên hoang tưởng. Họ nhìn thấy, nghe thấy những điều không xảy ra. Họ bị ám ảnh. Và đôi khi, họ biến mất.
Vào lúc bước sang thiên niên kỷ này, các bác sĩ từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Israel Kfer Shaul ở Israel báo rằng họ đã gặp khoảng 100 khách du lịch mỗi năm mắc hội chứng này, trong đó có 40 người cần nhập viện.
Trong số những người này, phổ biến nhất là người Kitô giáo, nhưng cũng có một số người Do Thái, và một số ít người Hồi giáo.
Hội chứng Jerusalem là một dạng rối loạn tâm thần, các bác sĩ viết trên Tạp chí Tâm thần học Anh, xảy ra tại một thành phố "gợi lên cảm giác về thánh thần, lịch sử và thiên đàng".
Jerusalem "gợi lên cảm giác về thánh thần, lịch sử và thiên đàng" - tới mức có thể tạo cảm xúc mãnh liệt quá mức.
Nhiều người đã mang sẵn tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực, và điều đó khiến họ dễ dàng rơi vào thứ mà họ ảo giác là thánh vụ họ cần làm.
Các bác sĩ đã mô tả về trường hợp một du khách Mỹ mắc chứng tâm thần phân liệt: người bắt đầu tập tạ tại nhà và ngày càng trở nên trông giống như nhân vật Samson trong Kinh thánh.
Ông này đi đến Israel, cố gắng di chuyển những khối đá khổng lồ của Bức tường Than khóc. Bị cảnh sát chặn lại, người đàn ông được đưa vào bệnh viện, điều trị bằng thuốc chống loạn thần và được cha ông đi kèm, bay về nhà.
Nhưng còn có cả những người phát chứng tâm thần ở Jerusalem trong khi không có tiền sử bệnh tâm thần. Con số này tương đối nhỏ - 42 trong tổng 470 khách du lịch được ghi nhận trong 13 năm qua - nhưng lại là các trường hợp gây kịch tính đến không ngờ.
Thông thường, những người này bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ và tinh khiết ngay sau khi họ đến thành phố. Họ tắm vô số lần, cả tắm bồn lẫn tắm vòi hoa sen, và cắt móng chân móng tay sạch sẽ.
Họ khoác tấm áo choàng toga trắng, mà thường là lấy từ khăn trải giường của khách sạn ra để quấn. Họ thuyết giảng, hô vang các câu thánh vịnh và hát thánh ca trên đường phố hoặc tại một trong những thánh địa của thành phố.
Tình trạng rối loạn tâm thần này thường kéo dài trong khoảng một tuần lễ gì đó. Thỉnh thoảng, họ được điều trị bằng thuốc an thần hoặc được tư vấn - nhưng phương pháp chữa trị dứt điểm phải là đưa họ cách ly khỏi Jerusalem và các địa điểm thiêng liêng trong thành phố.
Các tác giả cho rằng những du khách này (thường là từ "các gia đình cực kỳ sùng đạo") đã trải qua sự bất đồng giữa hình ảnh lý tưởng trong tiềm thức của họ về Jerusalem và thực tế trần trụi rằng đó là một thành phố thương mại sầm uất, dẫn đến hội chứng đó.
Một nhà văn cho rằng thành phố này có thể là "nơi sản sinh ra sự ảo tưởng hàng loạt", ý nói tới hàng thế kỷ tranh chấp lãnh thổ giữa các tín ngưỡng với kết quả là "ma sát, âm mưu và suy nghĩ ảo tưởng".
Thực sự thì hội chứng Jerusalem không phải là một vấn đề gì mới: có những lời kể cho thấy nó đã có từ thời Trung Cổ.
Một người hành hương đọc Kinh Thánh tại Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem
Về khả năng Oliver McAfee có mắc hội chứng Jerusalem hay không, thì niềm đam mê tôn giáo không phải là chuyện gì mới mẻ đối với anh; anh đã được biết đến là một người Kitô giáo rất sùng đạo.
Nhưng ngay sau khi ông mất tích, anh trai của anh bày tỏ sự lo lắng về những bức hình chụp trong máy ảnh của Oliver. "Nội dung các ảnh đó không giống như những gì phản ảnh tính cách Oliver. Một trong số chúng cho thấy rất nhiều rác rưởi và mảnh vụn xung quanh lều trại của cậu ấy, mà điều đó hoàn toàn không giống cậu ấy chút nào."
Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo sau đó, sau khi đã xem xét thêm các bằng chứng khác, có vẻ như anh trai của Oliver đã thay đổi quan điểm, và nói họ đã bỏ ra "giờ này sang giờ khác để xem các bức ảnh, xem từng ghi chép và mọi thứ liên quan - tất cả cho thấy với Oliver đó là một chuyến đi bình thường".
Các nhà điều tra đã chỉ ra việc phát hiện ra những đoạn rách từ Kinh Thánh được đè xuống bằng những tảng đá nơi anh biến mất, những đoạn trích trong Kinh Thánh mà anh chép tay ra, những ghi chép tham khảo mà anh viết về sự kiện Jesus nhịn ăn chay trên sa mạc, và theo một bản phúc trình, có một 'nhà nguyện' - một chỗ trống toàn cát, được gạt phẳng bằng một dụng cụ sửa xe đạp, nằm trong một vòng tròn đá.
Một trang Facebook (@helpusfindollie) đã được mở sau khi anh mất tích. Và đây là nội dung một trong những bài viết cuối cùng: "Tôi đã tự hỏi 'Tôi sẽ nói gì khi không có gì để nói?' Ngày kỷ niệm tròn một năm việc Oliver mất tích đã đến và rồi đã đi; và thật đáng buồn là cảm giác như câu trả lời vẫn còn ở vạn dặm nơi xa."
Hội chứng Stendhal
Giống như các bác sĩ ở Jerusalem có thể dễ chẩn đoán hội chứng Jerusalem hơn vì họ gặp nó thường xuyên hơn, các bác sĩ tâm thần ở Florence gặp phải các triệu chứng tương tự trong các trường hợp khác nhau.
Dường như du khách do bị cuốn hút bởi sự tráng lệ của nghệ thuật và kiến trúc thành phố mà đôi khi họ bị mắc chứng tâm thần.
Một nghệ sĩ 72 tuổi đến thăm cầu Ponte Vecchio chỉ trong vài phút đã bị thuyết phục rằng ông đang bị các hãng hàng không quốc tế theo dõi và phòng khách sạn của ông bị gắn thiết bị nghe lén.
Một phụ nữ ở độ tuổi 40 tin rằng các nhân vật trong các bức bích họa của Nhà nguyện Strozzi thuộc Nhà thờ Santa Maria Novella đang chỉ vào cô: "Dường như với tôi rằng họ đang viết bài báo về tôi, họ nói về tôi trên kênh phát thanh, và họ theo tôi trên đường phố. "
Bác sĩ tâm thần Florence, Graziella Magherini mô tả hơn 100 khách du lịch đến bệnh viện Santa Maria Nuova từ năm 1977 đến 1986. Đó là những người bị cảm giác hồi hộp, đổ mồ hôi, tức ngực, chóng mặt và thậm chí bị ảo giác, mất phương hướng, cảm giác bị xa lánh và mất khả năng định danh. Một số người đã tìm cách huỷ hoại các tác phẩm nghệ thuật.
Điều này là do, Magherini nói, "tính cách nhạy cảm, sự căng thẳng do di chuyển, và trạng thái tâm lý phát sinh từ việc tới một thành phố như Florence, nơi bị ám bởi những bóng ma vĩ đại, chết chóc và lịch sử".
Những thứ đó, bà dự đoán, là quá mức chịu đựng đối với các du khách nhạy cảm.
Bà đặt tên cho tình trạng này là Hội chứng Stendhal, lấy theo tên của tác giả người Pháp, người tự mô tả mình là kẻ "mê mẩn chiêm ngưỡng vẻ đẹp siêu phàm" và "bị tràn ngập cảm giác tim đập hồi hộp vô cùng mãnh liệt" khi ông đi vào Thánh đường Santa Croce Basilica của thành phố trong chuyến đi năm 1817.
Gần đây, một người đàn ông đã lên cơn co giật khi ngắm bức hoạ Primavera (Mùa Xuân) của Botticelli
Mặc dù ta chỉ thấy có hai hoặc ba trường hợp được gọi là hội chứng Stendhal mỗi năm, nhưng phòng tranh Uffizi Gallery ở Florence vẫn tiếp tục đón nhận những trường hợp khẩn cấp.
Gần đây, đã có một người đàn ông đã lên cơn co giật khi nhìn chằm chằm vào bức tranh Primavera (Mùa Xuân) của danh họa Botticelli, một vị khách khác ngất xỉu trước tác phẩm Medusa của nghệ sĩ Caravaggio.
Nói chuyện với tờ báo Corriere Della Sera ngay sau khi một khách tham quan bị đau tim trước một bức họa khác của Botticelli (bức Sự ra đời của Thần Vệ nữ), giám đốc phòng trưng bày Uffizi nói rằng "tôi không định chẩn đoán, nhưng tôi biết rằng khi tới một bảo tàng như bảo tàng của chúng tôi đây, nơi có toàn những kiệt tác cực phẩm, chắc chắn sẽ tạo thành một dạng cảm xúc, tâm lý và thậm chí là căng thẳng về thể chất cho du khách đến thăm".
Ngược lại, đôi khi một thành phố không được như trong suy nghĩ của một người có thể cũng gây ra trạng thái tâm lý bất thường cho người đó.
Hội chứng Paris
"Hội chứng Paris" được dùng để chỉ các du khách Nhật Bản mắc chứng loạn thần (hơn 63 bệnh nhân được mô tả trong loạt trường hợp này) vì cảm giác tan nát khi thấy rằng Paris không giống như thành phố mà họ đã mơ nghĩ về nó.
"Hội chứng Paris" được dùng để chỉ trạng thái phát sinh ở một số du khách Nhật, những người cảm thấy vỡ mộng khi cho rằng Paris không phải là thành phố trong mơ
Căng thẳng bởi những khuôn mặt nghiêm khắc của dân địa phương và thái độ bị cho là lạnh lùng quá mức của các trợ lý cửa hàng thân thiện, một số người trở nên suy sụp thần kinh.
"Tại các cửa hàng Nhật Bản, khách hàng là thượng đế," một đại diện hiệp hội hỗ trợ các gia đình Nhật định cư tại Pháp nói, "trong khi các trợ lý ở đây hầu như không buồn nhìn vào họ".
Nhưng những hội chứng này có thực sự đặc trưng cho Jerusalem, Florence hay Paris không?
Những thành phố này có đáng được trao nhãn hiệu cảnh báo hay không?
Các vấn đề sức khỏe tâm thần nằm trong số những nguyên nhân hàng đầu khiến du khách ốm bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, "tình trạng khẩn cấp tâm thần" là một trong những lý do y tế phổ biến nhất khiến bệnh nhân cần được đưa đi sơ tán gấp bằng phi cơ. Cụ thể, rối loạn tâm thần cấp chiếm tới một phần năm trong số tất cả các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở khách du lịch - và hầu hết những người này đều không phải là đang đứng trước Nhà thờ Giáng sinh hay Bức tường Than khóc của Bethlehem.
Có đủ những lý do khác nhau khiến du khách 'ngã ngựa'. Mất nước, mất ngủ và trạng thái lệch múi giờ có liên quan đến rối loạn tâm thần khi đi du lịch, chưa kể còn việc dùng thuốc ngủ hoặc uống rượu trên chuyến bay, hoặc trong một số trường hợp là uống các loại thuốc như mefloquine ngừa bệnh sốt rét.
Tỷ lệ sợ bay chiếm từ 2,5% đến 6,5% và tâm trạng lo lắng, hồi hộp cấp tính ở khách du lịch chiếm khoảng 60%.
Còn nữa, đủ các thứ gây căng thẳng khác như phải trải qua kiểm tra an ninh sân bay, phải xếp hàng dài bên ngoài bảo tàng, rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa, và sau nữa, có lẽ là một cuộc hành hương tôn giáo hoặc văn hóa được chuẩn bị từ lâu, và thế là một cơn bão hoàn hảo được hình thành.
Một khách tham quan khi tới Phòng tranh Uffizi ở Florence đã ngất xỉu trước bức hoạ Medusa của danh hoạ Caravaggio
Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, có vẻ như các khách tham quan đã mắc tình trạng tâm thần không được chẩn đoán, hoặc có khuynh hướng bị rối loạn tâm thần từ lâu rồi, trước khi họ đến phòng tranh Uffizi hoặc Galleria dell'Accademia ở Florence.
Hơn một nửa số người nhập viện trong nghiên cứu Magherini trước đó đã có liên hệ với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý học.
Các nhà bình luận viết trên Tạp chí Tâm thần học Anh Quốc rằng "Jerusalem không nên bị coi là một yếu tố gây bệnh, vì ý tưởng bệnh hoạn của những du khách bị ảnh hưởng đã bắt nguồn từ nơi khác".
Thậm chí bản thân Stendhal cũng có dấu hiệu như thế. Nhật ký chi tiết của ông về chuyến thăm Florence hồi năm 1817 đơn giản chỉ ghi chép những chuyện bình thường, chẳng hạn như phàn nàn về đôi giày bó chẽn mang trên chân, mà không hề có lời nào về cảm xúc mãnh liệt của ông tại Thánh đường Santa Croce Basilica, dẫu cho cuốn du ký được xuất bản của ông thì gọi đó trải nghiệm sâu sắc nhất, và rằng ông đã "đạt đến trạng thái như khi ta ở nơi thiên đàng".
Liệu đó có thể là một lời tuyên bố rằng cảm xúc ngất ngây khi chiêm ngưỡng nghệ thuật Phục Hưng chính là điều khẳng định vị thế, sự tinh tế và mức độ ưu tú của một người?
Hay chúng ta nên tin rằng sự huy hoàng, rực rỡ của nghệ thuật Phục Hưng chứ không phải là tình trạng bị lệch múi giờ và chuyện phải xếp hàng dài đợi vào xem bảo tàng, mới thực sự là lý do khiến cho ai đó trở nên tâm trí rã rời?
Jules Montague
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.