Wednesday, May 14, 2014

Tàu Thì Lạ Mà Hèn Hạ Thì Quen

image
1* Mở bài

“Tàu thì lạ mà hèn hạ thì quen” đó là nhận định chính xác về các đồng chí Hán ngụy hiện nay ở Việt Nam.

Sở dĩ Trung Cộng ngang nhiên đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đó là vì sự hèn nhát và vì truyền thống cỏng rắn về cắn gà nhà, rước voi về vầy mả tổ của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trung Cộng coi vùng Biển Đông như ao nhà của họ bởi vì Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng công nhận Hoàng Sa và Trường Sa với lãnh hải 12 hải lý là của họ, và tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng xin cho Việt Nam được trở thành một khu tự trị trực thuộc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Do đó chuyện vừa xảy ra trên biển không có gì lạ cả.

Thái độ hèn nhát của Việt Cộng là đưa tàu ra ngăn chặn tàu Trung Cộng nhưng lại ra lịnh là tuyệt đối không được nổ súng, cho nên tàu Việt Nam đưa hông ra cho tàu Trung Cộng đâm vào làm hư hại 8 chiếc và làm tổng cộng 9 thủy thủ bị thương.

Sự hèn nhát khiến cho nhà bình luận Nguyễn Hưng Quốc phải buộc miệng thốt ra “Sao bỗng dưng họ lại hèn đến thế?”

Cái thâm độc của Trung Cộng là, không chỉ chiếm dầu mỏ mà việc đưa giàn khoan là bước đầu thực hiện chủ quyền trên một cụm đảo chung quanh Hoàng Sa mà họ đang làm chủ, và bước kế tiếp là thực hiện quyền làm chủ toàn bộ vùng lưỡi bò trên biển Đông.

Trung Cộng biết Hoa Kỳ không giúp Việt Nam để chống lại họ về quân sự, vì CSVN luôn luôn khẳng định việc giải quyết song phương, tức là việc riêng của hai nước Cộng Sản anh em. Và hơn nữa, Hoa Kỳ cũng khẳng định không can dự vào tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông, mà chỉ thực hiện những hiệp ước đã ký với các đồng minh trong vùng.

Nhìn lại cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 để thấy sự hèn nhát của đảng CSVN. Có câu: “Tàu lạ, người lạ nhưng hèn hạ lại rất quen”.

2* “Sao tự dưng họ lại hèn đến như vậy?”

image
Đó là cái tựa của bài viết của nhà bình luận của Nguyễn Hưng Quốc, luận về chữ hèn của những lãnh đạo trong lịch sử Việt Nam.

Đề cập đến tình hình đang sôi động khi Trung Cộng đưa giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam, nhà bình luận nầy buông một câu hỏi lịch sử vô cùng thấm thía về hành động và bản chất hèn nhát của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam.

Bài viết nêu ra những cái hèn cụ thể như sau:

- “Hình như mọi người đều đồng thanh giới lãnh đạo Việt Nam: Hèn!”

- “Trung Cộng ngang nhiên chiếm Hoàng Sa và Trường Sa mà chính quyền cúi đầu im lặng: Hèn!”

- “Khiếp nhược trước Trung Quốc lại thẳng tay đàn áp thanh niên, sinh viên xuống đường phản đối bọn Tàu khựa: Lại Hèn!”

- “Tàu Trung Quốc giết ngư dân Việt Nam trong vùng biển Việt Nam mà chính quyền không dám lên tiếng: Lại Hèn!”

- Kết luận: “Tàu thì lạ mà hèn hạ thì quen”.

Nhà bình luận Nguyễn Hưng Quốc còn nương tay khi viết mấy chữ “Sao bỗng dưng”, thật ra không phải “bỗng dưng”, mà đó là cái truyền thống bán nước của đảng Cộng Sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đến ngày nay. Hèn từ bản chất chớ không phải bỗng dưng.

Từ hơn mấy chục năm nay, Trung Cộng đã ra lịnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mỗi năm ba tháng. Những ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển của mình thì bị cho là vi phạm luật cấm, bị bắt, tịch thu dụng cụ và tài sản, đồng thời buộc phải đóng tiền phạt. Những ngư dân bỏ chạy thì bị rượt đuổi theo bắn cháy tàu và bắn chết người, có đến hàng trăm vụ như thế, thế mà lãnh đạo Việt Nam không có một người nào dám lên tiếng phản đối bọn Trung Cộng cả.

Người dân chưa bao giờ nghe Nguyễn Phú Trọng, Ba Dũng, Tư Sang và các lãnh đạo khác dám lên tiếng tố cáo và phản đối bọn Tàu khựa nầy cả.

Quần chúng chỉ nghe anh cán bộ hạng bét phát ngôn viên bộ Ngoại giao nhai đi nhai lại cái điệp khúc, bài bản cũ rich, nào là: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, được xác định phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982",

Im lặng, ngoảnh mặt làm ngơ khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm là một cái hèn, và hèn hạ hơn nữa là lại luôn luôn lên tiếng ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung trên 16 chữ vàng và 4 tốt. Đồng thời luôn miệng bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của đảng và nhân dân Việt Nam đối với đảng và nhân dân Trung Quốc. Hết nước nói!

Trả lời truyền hình Reuters chiều 7-5, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhấn mạnh:

“Việt Nam nên tiếp tục phản đối ngoại giao ở cấp cao hơn với Trung Quốc”

Nhận xét tế nhị nhưng cho thấy lãnh đạo cấp cao đã im lặng vì hèn nhát trước kẻ thù.

Đại tá Phạm Xuân Phương từng công tác trong Cục Chính trị cho biết:

“Tôi nghĩ chuyện này phải phản đối ở mức cao hơn nữa, ở mức chính phủ chứ không phải chỉ ở Bộ Ngoại giao mà thôi. Phải nâng mức phản đối lên”.

3* Nhục nhã cho tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

image
Ngày 5-5-2014, trong bài viết “ Việc phải tới, đã tới” của biên tập viên Mặc Lâm, đài Á Châu Tự Do (RFA). Việc phải tới là hậu quả của hành động bán nước. Việc đã tới là mất chủ quyền.

3.1. Nhận xét của Tiến Sĩ Vũ Cao Phan

Bài viết của đài RFA nêu nhận xét của TS Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội Hữu nghị VN-TQ, nguyên cán bộ giảng dạy Học viện Quân sự Cấp cao thuộc Học viện Quốc phòng, nêu ra những điều khiến Trung Quốc ngày càng xem thường Việt Nam dẫn tới kết quả của ngày hôm nay:

“Quan hệ Việt Nam Trung Quốc có thể tốt nhưng phải trên cơ sở bình đẳng. Tôi từng viết có một câu ngạn ngữ: “Đành để người ta ghét, chớ để người ta khinh”. Tại sao Trung Quốc có hành động như thế? Thì họ có ý đồ của họ nhưng cũng xuất phát từ cách hành xử của chúng ta. Đó là chúng ta ứng xử mà không để cho người ta phải nể trọng”. Không nể trọng tức là khinh miệt.

3.2. Nhận xét của ông Nguyễn Khắc Mai

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết, đặt câu hỏi:

“Anh Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, ngày mùng 3 tháng 5 đi tiếp xúc cử tri để chuẩn bị ra họp Quốc hội, không hề có một nửa tiếng, nửa lời. Tôi hỏi anh trong tư cách một Tổng Bi thư của đảng cầm quyền mà như vậy thì là thế nào? Và tư cách của anh là một lãnh đạo cao nhất của đất nước hiện nay thì như thế nào? Tôi rất bất bình và thấy xấu hổ, nhục nhã khi một người lãnh đạo trước một sự kiện lớn của dân tộc lại không hề có một nửa ý kiến. Như thế tấm lòng của anh với dân, với đất nước là thế nào, anh sợ cái gì và tại sao anh không dám lên tiếng để phát động sức mạnh của nhân dân bảo vệ đất nước?

Tôi xin nói rõ là 4 triệu đảng viên không đủ sức để bảo vệ dân tộc đâu, mà phải là toàn dân. Anh không dựa vào dân, anh không phát động dân, anh không nói rõ chính kiến của mình đối với dân, thì dân sẽ nghi ngờ anh làm tay sai cho họ. Anh có ngậm miệng trong việc họ cho anh cái gì không, mà anh lại im lặng?

Trung Quốc cũng đã bước chân vào căn nhà Việt Nam và đặt con dao trên bàn tiếp khách. Cách nói chuyện làm sao để cho kẻ mạnh đừng vung dao vấy máu là điều khôn khéo của chính phủ. Tuy nhiên cái gọi là khôn khéo bằng cách hạ mình đã bị phá sản, vì việc hạ mình đã dẫn tới kết quả của ngày hôm nay”. (hết trích)

3.3. Ý kiến của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết quan điểm của ông về cách đối phó, trong đó kể cả khả năng đưa Trung Quốc ra tòa:

“Tôi rất bất bình và thấy xấu hổ, nhục nhã khi một người lãnh đạo trước một sự kiện lớn của dân tộc lại không hề có một nửa ý kiến”.

Tất nhiên im lặng thì Trung Quốc nó càng lấn tới. Ta không chủ động hành động quân sự nhưng mà phải kiện ra tòa án quốc tế. Mình không chủ động dùng quân sự chống lại họ, nhưng khi họ dùng quân sự đánh mình thì mình phải đánh trả thôi”.

Khiếp nhược trước kẻ thù thì cũng là hèn. Quân đội nhân dân anh hùng đâu rồi? Quân

đội ta khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Khí thế Điện Biên Phủ của ngày 7-5 vừa qua đâu rồi?

Biển Đông dậy sóng, Hà Nội lo sợ.


4* Cuộc “thư hùng” giữa tàu Trung Cộng và tàu Việt Nam

image
Bài báo trong nước ghi lại nội dung như sau:

Trận “thư hùng oanh liệt” giữa tàu Việt Nam và tàu lạ diễn ra sáng ngày 5-5-2014 tại một địa điểm cách giàn khoan HD-981 3 hải lý tức là nằm ngoài vùng cấm tiếp cận của bọn Tàu khựa. Đoàn tàu Việt Nam gồm 29 chiếc lên đường lãnh nhiệm vụ ngăn chặn và bảo vệ chủ quyền của vùng biển Viêt Nam.

Đoàn tàu Việt Nam đã anh dũng bất chấp những loạt súng bắn bổng cảnh cáo của tàu lạ, hiên ngang tiến ra phía trước. Đoàn tàu lạ gồm 80 chiếc ỷ thế đông và to lớn với tốc độ nhanh và mạnh, đã dùng vòi rồng và súng nước áp suất cao ngăn chặn không cho tàu Việt Nam đến gần. Đồng thời, tàu lạ dùng mũi tàu đâm vào hông tàu VN làm hư hỏng máy và các trang thiết bị khác.

Các tàu lạ có trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, che pháo để sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào.

Vì có lịnh tuyệt đối cấm nổ súng nên tàu VN bèn đưa hông tàu của mình cho tàu lạ đâm vào mà thôi.

Chỉ huy đoàn tàu VN cũng tệ thật. Lịnh cấm nổ súng chớ đâu có cấm đâm lại tàu lạ? Lãnh đạo hèn nhát thì thuộc cấp cũng thế thôi.

Kết cuộc 8 tàu VN bị đâm bể hông, lỗ rộng khoảng 3m, dài 1m, những trang thiết bị trên tàu bị vòi rồng của Trung Cộng làm hư hỏng. Có tất cả 9 thủy thủ bị thương vì miển kiếng văng vào phần mềm của cơ thể, không thấu xương.

Khả năng bảo vệ chủ quyền vùng biển VN chỉ có thế thôi. Khiến cho nhà bình luận Nguyễn Hưng Quốc đã kết luận: “Sao tự dưng họ lại hèn đến thế!”.

5* Giàn khoan HD-981

image
5.1. Vị trí giàn khoan giữa “lãnh thổ” Trung Cộng và lãnh thổ Việt Nam

Ngày 1-5-2014, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan HD-981 và 3 tàu bảo vệ của Trung Cộng di chuyển từ đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Cộng quản lý) về phía Nam. Đến ngày 2-5-2014, giàn khoan neo đậu ở vị trí 18 hải lý về phía nam của đảo Tri Tôn, hiện do Trung Cộng làm chủ. Giàn khoan được 27 tàu bảo vệ lập ra một khu vực cấm tiếp cận bán kính 3 hải lý.

Đối với Việt Nam, giàn khoan nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ=Exclusive Economic Zone) của VN, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý.

5.2. Những lý do được hai bên đưa ra tranh cãi

Phía Trung Cộng.

Trung Cộng cho rằng đảo Tri Tôn là lãnh thổ của họ, giàn khoan cách Tri Tôn 18 hải lý thì thuộc về vùng biển do họ làm chủ.

Phía Việt Nam

Giàn khoan HD-981 cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý, thuộc về Vùng Đặc Quyền Kinh tế của Việt Nam. Vì vậy giàn khoan Trung Cộng xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam.

6* Cuộc nói chuyện giữa hai người điếc

image
Vào ngày 6-5-2014, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng là Dương Khiết Trì, khẳng định “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”. Ông tố cáo Trung Cộng vi phạm chủ quyền VN và cho biết VN sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Ngược lại, Dương Khiết Trì cảnh cáo VN là đã vi phạm chủ quyền của họ. Lý luận đưa ra là giàn khoan nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý của lãnh thổ mà Trung Cộng đang làm chủ, đó là đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của VN). Vùng lãnh hải 12 hải lý của Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) đã được Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng công nhận bằng công hàm ngày 4-9-1958.

Do đó Dương Khiết Trì kêu gọi phía VN không nên can thiệp vào hoạt động bình thường của Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC= China National Offshore Oil Corporation)

Trung Cộng tố cáo VN đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của họ khi can thiệp vào Tổng Công ty CNOOC.

Hai bên tố qua tố lại như thế sẽ làm sức mẻ tình hữu nghị Việt-Trung trên căn bản 4 tốt và 16 chữ vàng, là lý tưởng mà CSVN đang theo đuổi.

7* Cộng Sản Việt Nam bị kẹt bởi cái công hàm năm 1958 và biên bản Thành Đô năm 1990.

image 
Trên thực tế, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ai ai cũng biết như thế. Cũng trên thực tế, Trung Cộng đang làm chủ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa do họ cướp được.

Khi CSVN chấp nhận giải pháp song phương để giải quyết vấn đề chủ quyền, thì bị kẹt bởi hai văn bản bán nước là công hàm ngày 4-9-1958 của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và biên bản Thành Đô năm 1990 của Nguyễn Văn Linh.

Căn cứ vào hai văn bản nầy, Trung Cộng cho rằng đó là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi được, nó xác nhận quyền làm chủ của họ. Đảng CSVN bị cứng họng, không thể chối cãi được vì hai văn bản còn sờ sờ trước mắt, giấy trắng mực đen có đóng dấu ký tên. Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đâu có phải là mấy cha căn chú kiết khố rách áo ôm, đầu đường xó chợ nào đó, mà chữ ký bị xem thường và từ chối vì không có giá trị?

Cũng trên thực tế thì CSVN hoàn toàn bị lệ thuộc vào Trung Cộng do chủ trương hợp tác chiến lược toàn diện, và bị lệ thuộc vào Trung Cộng về chính trị, kinh tế, chiến lược quân sự, văn hoá…

Khi chấp nhận giải pháp song phương thì vụ việc Biển Đông được xem như công việc nội bộ của hai nước Cộng Sản anh em, và Việt Nam như là một khu tự trị của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Vậy thì vấn đề chủ quyền trên biển Đông chỉ có thể giải quyết được khi loại bỏ cái đảng ôn dịch có truyền thống tôn thờ ngoại bang (Mác&Lênin) và bán nước là đảng CSVN. Hoặc ít ra thì phải có hợp tác liên minh với thế giới tự do như Philippines đã làm.

8* Giàn khoan Hải Dương HD-981 và luật biển

image
8.1. Đặc điểm của giàn khoan HD-981

Giàn khoan hải dương HD-981 (Haiyang Shiyou-981) được cho là nửa chìm nửa nổi, thật ra nó là một hàng không mẫu hạm dầu mỏ (Offshore Oil Aircraft Carrier) vì nó là một chiếc tàu khổng lồ di động bởi động cơ đẩy sức mạnh bằng 5 đầu máy xe lửa. Phải mất ba năm mới hoàn thành với tổng số chi phí lên tới 1 tỷ USD.

Giàn khoan được thiết kế bằng những trang thiết bị hiện đại nhất thế giới. Bong tàu có kích cở bằng một sân bóng đá chuẩn, đủ sức chịu đựng bão cấp 10.(từ 90 đến 102km/giờ). Hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động.

Dài 114m. Rộng 90m. Cao 137.8m. Nặng 31,000 tấn. Hoạt động sâu 3,000m. Khoan sâu 12,000m.

8 máy phát điện công suất 44,000 kilowatt đủ cung ứng cho 200,000 người, nơi dự trữ nhiên liệu cho máy phát điện có dung tích 4,500 tấn.

8.2. Giàn khoan HD-981 là lãnh thổ của Trung Cộng

Ngày 7-7-2012, tờ Wall Street Journal vạch rõ chân tướng của giàn khoan HD-981. Cho biết.

Đôi khi hãng dầu theo sau lá quốc kỳ. Đôi khi lá quốc kỳ theo sau các hãng dầu. Và đôi khi hãng dầu lại trở thành lá quốc kỳ”, đó là trường hợp của giàn khoan HD-981, nó là lãnh thổ di động của quốc gia Trung Cộng. Giàn khoan HD-981 neo đậu ở đâu thì Trung Cộng có chủ quyền ở đó.

Chủ tịch CNOOC (China National Offshore Oil Corporation) mô tả tàu sân bay nầy là “Biên cương di động và là vũ khí chiến lược trong việc khai thác dấu.

Giàn khoan neo đậu ở chỗ nào thì chỗ đó là lãnh thổ và chủ quyền của Trung Cộng.

Biển Đông ước tính có từ 20 đến 30 tỷ tấn dầu mỏ và 16,000 tỷ mét khối (m3) khí đốt tự nhiên.

8.3. Tóm tắt về Công Ước Quốc Tế về Luật Biển

Công Ước LHQ về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea-UNCLOS) thành lập năm 1982, có hiệu lực kể từ 16-11-1994.

Các quốc gia công nhận và tự nguyện ký tên, cam kết thi hành, ngoại trừ Hoa Kỳ và một số nước khác. Nói chung, quốc gia nào không công nhận, không ký tên, không phê chuẩn, thì không cần phải thi hành. Đó là điểm yếu nhất của các Công ước QT, vì nó không có tính cưỡng chế.

Những quy định căn bản của Công Ước:

- Lãnh hải quốc gia: 12 hải lý, nếu có bờ biển rộng.

- Vùng tiếp giáp lãnh hải: 24 hải lý tính từ bờ biển trong đất liền.

- Vùng Đặc quyền kinh tế: 200 hải lý từ bờ biển.

- Thềm lục địa: 350 hải lý tính từ bờ biển.

Trong Vùng Đặc Quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone-EEZ), Công Ước Luật biển có quy định những quyền của các quốc gia khác như sau:

*Tự do hàng hải. Là tàu thuyền dân sự của các quốc gia khác, có quyền lưu thông trong vùng biển cách bờ 200 hải lý.

*Tự do hàng không. *Tự do đặt ống dẫn ngầm và dây cáp.

Công Ước LHQ về Luật Biển là căn bản pháp lý của Toà án QT về Luật Biển.

9* Sự khác biệt giữa COC và DOC

image
COC= Code of Conduct là Bộ quy tắc ứng xử. DOC= Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea-DOC) là Bản Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông

9.1. Cần xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử

Để đạt được mục đích: Xây dựng những chuẩn mực ngăn ngừa xung đột. Giải quyết xung đột. Xây dựng hòa bình sau xung đột tại Biển Đông, tại phiên họp thượng đỉnh của ASEAN ở Indonesia, hội nghị đã đồng ý là cần thiết phải xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct-COC) ở Biển Đông, và cố gắng hoàn tất vào năm 2022.

Bộ Quy tắc ứng xử là một bộ liệt kê những nguyên tắc, những điều khoản phải làm, xem như một nội quy có tính pháp lý, buộc các bên phải tuân hành về những thỏa thuận và cam kết trong việc giải quyết những tranh chấp với nhau. Về kinh tế bộ quy tắc hành động thường áp dụng chung cho các công ty liên doanh và tổ chức đa thành phần.

9.2. Bản Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông

Khối ASEAN và Trung Quốc, sau 3 năm làm việc với nhau mà không đạt được một Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC), cho nên phải hạ xuống một cấp, là đưa ra Bản Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea-DOC).

Bản Tuyên bố chỉ là một thông cáo phổ biến công khai sau những cuộc thảo luận, không phải là một văn bản có tính ràng buộc các bên phải thi hành theo cam kết.

Nội dung của DOC năm 2002 như sau:

Không mở rộng vùng chiếm đóng mới * Không làm phức tạp thêm tình hình * Hợp tác với nhau trong những lãnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, chống hải tặc…

Bản Tuyên bố DOC được ký giữa ASEAN và TQ năm 2002 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. VN và ASEAN tố cáo TQ không thi hành DOC, trái lại TQ cho rằng họ hành động hợp pháp trên phần biển thuộc chủ quyền của họ. Tranh cãi kéo dài và bên nào cũng cho rằng mình phải.

9.3. Từ DOC đến COC còn là một khoảng đường rất dài

Đối với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Cộng là một cường quốc nên họ không dại gì phải ký một thỏa thuận tự trói tay mình trong tham vọng làm chủ những vùng biển Đông.

Trên nguyên tắc, những bên thương thuyết cần phải có sức mạnh về quân sự hoặc về kinh tế để gây áp lực, buộc đối phương phải chấp nhận làm những việc mà họ không muốn. Rất tiếc là khối ASEAN không có hai thức sức mạnh đó. Cho nên từ DOC đến COC còn là một con đường rất xa, rất dài.

10* Trung Cộng khó có thể rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam

image
Trước khi quyết định đưa giàn khoan vào vị trí hiện tại, đương nhiên là Trung Cộng đã tính toán, cân nhắc, đo lường khả năng phản ứng của các đồng chí Hán ngụy, bởi vì sẽ không còn mặt mũi nào khi phải rút trở ra trong khi vẫn an an toàn toàn nắm quyền chủ động ở thế thượng phong.

Vậy thì giải quyết vụ việc như thế nào?

10.1. Gác bỏ chủ quyền qua một bên

GS Tô Hào, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu QT của Bộ Ngoại Giao cho biết, đến lúc phải “dẹp vấn đề chủ quyền qua một bên, tạo ra vùng biển hợp tác chung”.

Trước kia, CSVN đã đồng ý chấp thuận gác bỏ vấn đề chủ quyền qua một bên, ai chủ ai tớ thì hiểu ngầm với nhau là đủ rồi. Một giải pháp gọi là hợp tác khai thác chung hai bên đều có lợi cũng đã được CSVN nhất trí.

Việt Nam không có phương tiện hiện đại để tự khai thác nên giao cho Ấn Độ.

Ngày 1-5-2014, đài VOA cho biết Việt Nam đề nghị dành hai lô nữa thêm cho 5 lô đã được giao cho công ty dầu khí quốc Ấn Độ ONGC (Oil and Natural Gas Corporation) vào hồi tháng 11 năm 2013.

Tất cả những lô đó không qua thủ tục gọi thầu. Thế nhưng, tờ Kinh tế thời báo Ấn Độ dẫn lời của các viên chức chính phủ, cho rằng Ấn Độ chỉ nhận một trong 5 lô trước kia, còn hai lô sau nầy sẽ được cứu xét lại sau.

10.2. Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp tác song phương ra đời

Nói đến “Hợp tác song phương” có nghĩa là không còn tranh chấp về chủ quyền nữa, mà là bàn về việc hợp tác chung của 2 bên để cùng khai thác tài nguyên.

Ngày 11-5-2013, tại Bắc Kinh, diễn ra phiên họp thứ 6 của Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp tác song phương Việt-Trung. Nguyễn Thiện Nhân làm chủ tịch ủy ban Việt Nam, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Chủ tịch ủy ban TQ.

Hai bên nhất trí thúc đẩy tổng thể cùng có lợi trên mọi lãnh vực. Đương nhiên là trong đó có phần phân chia tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

11* Mang ơn và kể ơn

image
11.1. Việt Nam luôn tỏ lòng biết ơn Trung Quốc vĩ đại.

Trung Cộng thường chửi Cộng Sản Việt Nam một cách thậm tệ, nào là vong ân bội nghĩa, phản bội, tiểu nhân bỉ ổi, lòng lang dạ sói, vô liêm sỉ…cho nên lãnh đạo đảng CSVN luôn miệng tỏ ra một lòng một dạ mang ơn Trung Cộng.

Nguyễn Tấn Dũng nói rằng “Việt Nam luôn luôn ghi nhớ sự giúp đở to lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong việc xây dựng phát triển kinh tế ngày nay. Khẳng định, chính sách trước sau như một của VN là tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị trên phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt”.

Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố: “Việt Nam không bao giờ dựa vào bất cứ một quốc gia nào để chống lại Trung Quốc. Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác phát triển, thì đâu có ai hơn được một Trung Quốc XHCN láng giềng, với hơn 1 tỷ 300 triệu dân, đang phát triển và có vị trí và uy tín ngày càng cao trên thế giới.”

11.2. Trung Cộng kể ơn

Trong khi Việt Nam tổ chức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014) tại Hà Nội thì Trung Cộng cũng tổ chức kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ để kể công và để nhắc nhở VN phải đền ơn đáp nghĩa một cách cụ thể hơn là những lời nói suông.

Ngày 4-5-2014, Viện Khoa học Xã hội tỉnh Quảng Tây và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Quảng Tây đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và quan hệ Việt Trung tại Nam Ninh, khu tự trị của dân tộc Choang, Quảng Tây.

Viện trưởng Lữ Dư Sinh ôn lại việc Trung Quốc đã cử những đoàn cố vấn chính trị và quân sự sang giúp đỡ Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, và những cuộc kháng chiến nói chung. Trung Quốc khẳng định chiến thắng vĩ đại đó thể hiện tình nghĩa sâu đậm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Trung Quốc đã góp phần to lớn trong chiến thắng lẫy lừng đó.

Phía Việt Nam, ông Phan Huy Minh, đại diện Tổng lãnh sự quán VN, bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân VN hết sức trân trọng sự giúp đỡ quý báu đó, và nguyện sẽ luôn luôn ghi lòng tạc dạ ân nghĩa đó của Trung Quốc, vừa là đồng chí vừa là anh em.

Buổi lễ được tổ chức ở khu tự trị người Choang nhắc nhở VN cũng là khu tự trị mà Nguyễn Văn Linh tha thiết thỉnh cầu ở Thành Đô năm 1990.

Quen miệng hứa ẩu nên nay mới bị kẹt.

11.3. Cộng Sản VN lâm vào tình trạng khó xử: trên đe dưới búa.

Theo nhận định của hãng tin AP (Associated Press) thì chính quyền độc đoán CSVN bị lâm vào tình trạng khó xử vì người dân và những người bất đồng chính kiến vẫn căm ghét quan thầy của CSVN là Trung Cộng. Các thái thú Hán ngụy bị kẹt ở tư thế trên đe dưới búa, giữa quan thầy và nhân dân.

Hiện có những lời kêu gọi biểu tình, và đã biểu tình của 20 tổ chức dân sự VN, yêu cầu CSVN có thái độ quyết liệt hơn là những lời tuyên bố suông, đánh giặc mồm, ngoại giao.

Yêu cầu trả tự do cho những công dân yêu nước chống Trung Cộng như: Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đinh Nguyên Kha…

“Trận hải chiến” Trường Sa nêu bật khả năng bảo vệ lãnh thổ do thái độ hèn nhát trước kẻ thù.

12* Về trận hải chiến Trường Sa

image
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, một trận đụng độ giữa Hải quân Trung Cộng (HQ/TC) và Hải quân Cộng Sản Việt Nam (HQ/CSVN) tại khu vực của Quần đảo Trường Sa. Thắng lợi về phía TC. Phía CSVN mất 3 hải vận hạm và 64 thủy thủ tử thương.

Tài liệu về "Hải chiến" Trường Sa của HQ/CSVN được đặt dưới cái tên CQ-88 (Chủ Quyền 88)

Cuộc đụng độ giữa hải quân TC và hải quân CSVN diễn ra ở 3 đảo chính là: Đảo Gạc Ma, Đảo Cô Lin và Đảo Len Đao.

12.1. Lực lượng tham chiến của 2 bên

1). Hải quân Trung Cộng

Chỉ huy. Trần Vĩ Văn (Chen Weiwen), Hạm trưởng tàu Nam Sung (502)

Các tàu chiến: Tàu 502, Nam Sung (Nan Chong), Tàu 065, Giang Nam (Jiangnan), Tàu 556, Trương Đàm (Xiangtan), Tàu 331, Ưng Đàm (Yiangtan)

2). Hải quân Cộng Sản Việt Nam.

1. Hải vận hạm 605, Thần Kim Qui (USS PGM-59) là tàu của Hoa Kỳ chuyển giao cho HQ/VNCH, 2. Tàu 604, (USS PGM-68), 3. Tàu 505, Nha Trang (USS Jerome County)

Trung đoàn Công binh 83, Lữ đoàn 146, LĐ 125, LĐ 172, Các hải đội 131, 132, 134, 41 tàu thuyền và phương tiện nổi.

12.2. Cuộc “thi đua” chiếm đảo

Đầu năm 1988, HQ/TC bắt đầu chiếm một số bãi đá thuộc khu vực Trường Sa.

1). Hải quân Trung Cộng chiếm các đảo.

Ngày 31-1-1988. HQ/TC chiếm bãi Đá Chữ Thập. Ngày 18-2-1988, chiếm đảo Châu Viên. Ngày 20-2-1988, chiếm Ga Ven. Ngày 28-2-1988, chiếm đảo Huy Cơ. Ngày 23-3-1988, chiếm Xu Bi.

Như vậy, TC chiếm 5 đảo và bãi.

2). Hải quân CSVN chiếm đảo

- Ngày 26-1-1988, HQ/CSVN chiếm đảo Đá Tiên Nữ. - Ngày 5-2-1988, chiếm đảo Đá Lát

- Ngày 6-2-1988, chiếm đảo Đá Lớn. - Ngày 18-2-1988, chiếm đảo Đá Đông. - Ngày 27-2-1988, chiếm đảo Tốc Tan. - Ngày 2-3-1988, chiếm đảo Núi Le.

Như vậy, trong cuộc “thi đua chiếm đảo”, CSVN thắng lợi vẻ vang vì đã chiếm được 6 đảo của mình, trong khi đó TC chỉ chiếm có 5 đảo mà thôi.

Việc thi đua chiếm đảo tự nó mang ý nghĩa là Hải quân nước nào có mặt ở đảo nào, thì đảo đó thuộc chủ quyền của quốc gia đó.

Hành động thi đua chiếm đảo, tự nó đánh mất chủ quyền của VN trên quần đảo Trường Sa. Cũng như nhà của mình, mà kẻ địch vào chiếm phòng khách, thì mình chạy đi chiếm nhà bếp, địch chiếm phòng ngủ, thì mình chiếm phòng ăn...

12.3. “Thi đua” cắm cờ giành đảo

Theo tài liệu CQ-88, trích như sau:

"Lúc 19h ngày 11-3, tàu HQ 604 rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ CQ-88 (CQ=Chủ Quyền-88)

Ngày 12 tháng 3, tàu HQ 605 thuộc Lữ Đoàn 125, do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh trên chỉ thị từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14-3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu 605 đã đến Len Đao lúc 5h ngày 14-3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.

1). Giữ đảo Gạc Ma và Cô Lin

Tài liệu CQ-88 ghi lại như sau:

"Lúc 9h ngày 13-3, HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Gạc Ma và Cô Lin.

Hai phân đội công binh (70 người) thuộc trung đoàn Công binh 83, chia ra 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó chỉ huy.

Sau khi 2 tàu 604 và 505 thả neo được 30 phút, thì tàu hộ vệ Trung quốc từ Huy Cơ chạy về phía Gạc Ma, hai bên cách nhau 500 mét.

Đến 17h ngày 13-3, tàu TQ áp sát vào 604 và dùng loa gọi sang. Tuy bị "uy hiếp", hai tàu 604 và 505 vẫn kiên trì giữ neo.

Còn chiến hạm TQ cơ động chạy quanh đảo Gạc Ma.

"Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, Bộ Tư Lệnh HQ/VN ra chỉ thị cho Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma và Cô Lin. Tiếp đó, Bộ TL/HQ chỉ thị cho lực lượng công binh khẩn trương tiến hành dùng thuyền nhỏ chở vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13-3.

Thi hành mệnh lệnh, tàu 604 cùng lực lượng công binh trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Tiếp đó, lực lượng của Lữ Đoàn 146 bí mật đổ bộ lên cắm cờ VN và triển khai 4 tổ chiến đấu bảo vệ đảo.

Lúc nầy, TQ phát loa yêu cầu VN rút ra khỏi đảo Gạc Ma.

Ban chỉ huy tàu 604 họp lại để nhận định và nhất trí quyết tâm bình tĩnh xử trí, thống nhất hành động, thực hiện phương án tác chiến đề ra với quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên bảo vệ cờ Việt Nam được cắm trên bãi.

Phía TQ cử 2 xuồng chở 8 lính "và vũ khí" lao thẳng về phiá đảo. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành một tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên".

"Lúc 6h ngày 14-3, bọn TQ thả 3 thuyền nhôm và 40 quân, đổ bộ lên đảo. Bọn TQ dựa vào thế quân đông (40 người) tiến đến giật cờ. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng, xông lên giành lại cờ. Bọn TQ láo xược, hung hản đã dùng lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông ra cứu bạn, lập tức bị bọn TQ bắn chết.

Trước khi tắt thở, Trần Văn Phương hô to "Thà hy sinh chớ không chịu bị mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của HQ/VN"

Nhận xét về phần trên.

Nhiệm vụ của HQ/CSVN là được lịnh rõ ràng ra trận chiến đấu bảo vệ lãnh thổ VN. Cường địch trước mắt thế mà 2 tàu chiến 604 và 505 lại thả neo đậu lại một chỗ, có nghĩa là làm tấm bia cố định, đưa lưng ra cho địch bắn vào cho chính xác.

Tình trạng trước mắt không phải là lúc để cho công binh lên đảo dùng gạch, đá, cát, xi măng xây trụ cờ, mà cũng không phải là lúc để cắm cờ. Mà chính là lúc phải đuổi giặc, ngăn cản giặc bằng vũ khí.

Bọn TC 40 người mà bảo là ỷ vào số đông, mà lại còn dùng tay không giành giật cờ với kẻ địch. Thế thì Lữ đoàn 146 đã lên đảo tổ chức 4 tổ chiến đấu trốn ở đâu mà không ra bảo vệ cờ?

Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bảo vệ cờ bằng cách nào? Tại sao thằng TC lại dám giật cờ khi mà trong tay bộ đội tên Thông có súng? Và nếu có súng trong tay mà để bị giật cờ và để bị đâm bằng lưỡi lê thì thật là quá tệ. lại hèn!

Hết vụ thi đua chiếm đảo rồi đến vụ thi đua giật cờ và tuyến bố là hành động dũng cảm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, thì thật là quái gở vô cùng.

Bảo vệ "lá cờ tổ quốc" bằng tay không và bị mất cờ và mất mạng trong tay 40 thằng Tàu, thì quả thật là quá bết bát. Thế thì tàu chiến 604 ở đó làm gì? Ngoài việc đứng xem đồng đội ngã xuống?

Lại còn cái màn họp để ra quyết tâm và nhất trí trong lúc súng của kẻ thù đang nhắm vào đầu thì thật là hết nước nói nữa rồi.

Lại còn cái màn hô khẩu hiệu trước khi chết nữa. Nguyễn Văn Trổi trước khi bị bắn cũng hô khẩu hiệu, bác sĩ gái Đặng Thùy Trâm bị mấy viên M-16 vào đầu, cũng hô khẩu hiệu trước khi tắt thở. Thật là quê quá!

Tài liệu CQ-88 ghi tiếp:

"Do HQ/VN không chịu rút khỏi đảo, vào lúc 7h30 TQ dùng 2 chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604 đang thả neo, làm tàu bị hỏng nặng, HQ/TQ cho quân xông về phía tàu VN, Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại vũ khí AK, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.

Hải quân VN vừa chiến đấu vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh. TQ tiếp tục nã pháo, tàu 604 bị thủng nhiều lổ rồi chìm dần.

Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng, Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó LĐ 146 cùng một số thủy thủ trên tàu tử trận cùng tàu 604 ở khu vực đảo Gạc Ma"

Nhận xét phần trên

Cái chết của Vũ Phi Trừ thật là lãng nhách. Đã là thuyền trưởng của 1 chiến hạm gốc của Hoa Kỳ, có trang bị đủ thứ súng trong tay, thế mà thuyền trưởng lại đi chỉ huy đám lính bắn AK, B-40... rồi lại vừa khẩn trương, tiến hành, tham gia tổ chức băng bó vết thương, vừa cứu thương binh, đúng là thuyền trưởng làm công việc tào lao quá! Tàu bị chìm là do cái tào lao nầy gây ra.

Tàu 604 bị bắn chìm, thế mà không dám bắn trả một phát đạn nào cả, nể nang kẻ thù thì cũng phải có chừng mực nào đó thôi chớ!. Chiến thuật hải chiến nào cho phép tàu chiến thả neo đậu lại một chỗ, đưa lưng ra hứng đạn?

Trận chiến ở đảo Cô Lin.

Tài liệu CQ-88 ghi như sau:

"Tại đảo Cô Lin, lúc 6h, tàu HQ 505 của VN đã cắm xong 2 lá cờ trên đảo. Khi thấy tàu 604 bị chìm, tuyền trưởng HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, cho tàu ủi bãi.

Phát hiện tàu 505 lên bãi, 2 tàu của TQ quay sang tấn công. Khi tàu trườn lên được 2 phần 3 thân tàu, thì tàu bốc cháy.

8h15, thủy thủ tàu 505 “triển khai” lực lượng dập tắt lửa, bảo vệ đảo, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ của tàu 604 ở đảo Gạc Ma gần đó".

Nhận xét phần nầy.

Rõ ràng là tàu 505 "lâm trận bỏ chạy". Hành động ủi bãi thật đúng là bỏ chạy. Bởi vì, tàu là phương tiện chiến đấu trên mặt biển. Khi ủi bãi, thì tàu bị đặt vào tình trạng "mắc cạn" cũng giống như con rùa bị lật ngữa trên mặt đất vậy. Tàu không thể chạy trên đất liền được. Ủi bãi là để tránh cho tàu không bị chìm và cũng để cho thủy thủ được an toàn ở trên bờ, nghĩa là không bị trôi giạt trên biển cả và sẽ bị chết vì khát, vì đói và vì cá mập.

Tinh thần chiến đấu còn tệ hại hơn nữa khi thấy tàu 604 bị chìm. Đáng lẻ, phải chỉa tất cả súng ống vào tàu địch, rồi mở máy hết ga đâm vào tàu địch cho cả hai cùng chìm, để trả thù cho bạn. Nếu không làm được, thì bỏ chạy.

Thật sự, đây không phải là một trận hải chiến, bởi vì các tàu chiến CSVN có dám bắn phát súng nào vào tàu địch đâu?

Mặt trận đảo Len Đao

Tài liệu CQ-88 ghi như sau:

"8h20 ngày 14 tháng 3, HQ/TQ bắn mãnh liệt vào tàu 605 của HQ/VN. Tàu 605 bốc cháy và chìm vào lúc 6h ngày 15-3, thủy thủ đoàn bơi vào đảo Sinh Tồn.

Thiếu úy Nguyễn Văn Chương và Trung úy Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh về tàu 505 sau khi bị bắn cháy nằm trên đảo Cô Lin. Số người còn sức, một tay bám vào thành xuồng, một tay làm mái chèo đưa xuồng lết trên mặt nước để tới bãi Cô Lin.

Kết quả.

Trong trận chiến ngày 14-3-1988, VN bị thiệt hại, 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 70 người bị mất tích. Sau đó, TQ thả 9 người, 61 người vẫn còn mất tích, được xem là tử trận cộng với 3 người chết tại chỗ là 64".

Thông tin thêm.

"Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, HQ Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp, mặc dù giữa VN và LX đã có Hiệp ước Liên Minh Quân Sự được ký vào tháng 11 năm 1978.

Tháng 5 năm 1978, 2 tháng sau ngày Hải chiến Trường Sa, một Nghị Quyết của Bộ CT đảng CSVN đã điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại dựa vào Liên Xô, chuyển sang Đa phương hoá".

Trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, CSVN tố cáo Trung Cộng là "Hải quân Trung Quốc đã tấn công và tàn sát những người lính công binh VN “không võ trang” và đã chiếm đảo ngày 14-3-1988" (The Chinese Communist Naval Forces attacked and murdered unarmed Vietnamese troops of Army Corp of Engineers and occupied the Spratly Islands on 03-14-1988"

13* Kết luận

image
Trung Cộng vào chiếm vùng biển Việt Nam, không chỉ cướp tài nguyên mà còn thực hiện một âm mưu thâm độc là từng bước xác định quyền làm chủ cả vùng biển hình lưỡi bò như đã tuyên bố. Trung Cộng hiện đang làm chủ quần đảo Hoàng Sa và 5 đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa.

Đảng CSVN không giữ được chủ quyền lãnh thổ vì đã hèn nhát trước kẻ thù cướp nước là Trung Cộng. Không chỉ hèn nhát mà còn là truyền thống bán nước lâu đời nữa.

Việt Nam không có một hiệp ước quân sự với bất cứ quốc gia nào. Khi VN tuyên bố giải quyết tranh chấp song phương thì chả có ai muốn xen vào binh vực cả. Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường là không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền với bất cứ quốc gia nào. Mỹ chỉ binh vực và bảo vệ những quốc gia có hiệp ước với Mỹ mà thôi.

Qua vụ giàn khoan HD-981, Việt Cộng thể hiện rõ nét cái bản chất gọi là hèn với giặc, ác với dân.



Trúc Giang
Minnesota ngày 11-5-2014.



image

Người Công giáo Việt Nam không thờ ơ với tình hình...
Học giả Edward Luttwak phân tích Trung Quốc
Chủ nhật 18/5: Toàn quốc xuống đường!
Biển Đông vì ai nên nỗi
Người Trung Quốc ở Việt Nam bỏ chạy sang Campuchia...
Philippines tố cáo TQ lấp biển lấy đất ở hòn đảo c...
Đình công chống Trung Quốc lan rộng trên quy mô cả...
Báo nước ngoài bình vụ Bình Dương
Tập Cận Bình từ chối tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng
Bài thơ của một thi nhân Miền Bắc
Những hình ảnh về buổi biểu tình sáng nay ở Bình D...
Dấu "Hỏi Ngã" Trong Văn Chương Việt Nam
Cù Huy Hà Vũ tuyên bố sẽ trở về Việt Nam trong thắ...
Mối nguy TQ và cơ hội cho VN
Công nhân VN biểu tình phản đối Trung Quốc
Về lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc
WHO: “Nốc bia rượu” gây hại nhất cho sức khỏe
Giàn khoan nước sâu và câu chuyện chủ quyền
Bước ngoặt chính trị tại Việt Nam
Gs. Taylor Fravel nói về xung đột Việt-Trung
Vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc tại Việt Nam
Lằn đỏ trong chính sách với Trung Quốc
Báo động: NHANH LÊN KẺO MUỘN!
BCT-Trung ương đảng tứ bề thọ địch.
Ai thù, ai bạn?
Nỗi sợ Ba Sàm
Ngày Nhân quyền cho Việt Nam được cử hành tại Quốc...
Chủ giàn khoan Hải Dương 981 là ai?
Không ai cứu được Việt Nam cả!
Thằng mập CSB 8001 phun nước
Lời kêu gọi biểu tình Yêu Nước
Giàn khoan và Diên Hồng
Pháp rút khỏi VN đúng 60 năm, bước ngoặt trong lịc...
Nhà văn sáng chói!
Đưa TQ ra tòa, VN sẽ bị trả đũa?
Quốc tế bình luận va chạm trên Biển Đông
Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Thầy giáo cũ và lá Cờ Vàng
Tại sao chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn sống?
Chuyện Biển Đông: Muốn thắng Goliath thì cần David...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.