Biểu
tình tại Hà Nội chống Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ở Biển Đông, ngày 11/5/2014.
Các
biến động ồn ào chung quanh sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào khu
vực được xem là thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chưa biết
sẽ kết thúc như thế nào, tuy nhiên, theo tôi, có một điều hầu như chắc chắn:
sau này, nhìn lại, có thể thấy đây là một trong những bước ngoặt quan trọng
trong tiến trình phát triển của chính trị Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua.
Khả năng xấu nhất, đáng lo ngại và đáng buồn nhất là nó biến cuộc tranh chấp
giữa Việt Nam
và Trung Quốc từ phạm vi pháp lý và ngoại giao sang phạm vi quân sự. Khi tiếng
súng đã nổ, không ai dám chắc là diễn tiến của cuộc chiến sẽ như thế nào. Từ
xưa đến nay, trong lịch sử, tất cả các nhà lãnh đạo đều chỉ biết khai chiến
nhưng không ai dám chắc chắn cách thức kết thúc cuộc chiến ấy cả. Tất cả đều
tùy thuộc vào đối thủ và những yếu tố bên ngoài, có khi rất ngẫu nhiên, làm
lệch hẳn những dự định ban đầu.
Tạm thời loại trừ khả năng quân sự ở trên, biến cố HD-981 chắc chắn sẽ làm thay
đổi quan hệ giữa Việt Nam
và Trung Quốc. Lâu nay, hầu như ai cũng thấy Trung Quốc có một tham vọng chính:
trở thành một siêu cường quốc số một nếu không phải của thế giới thì ít nhất
của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Để thực hiện tham vọng ấy, một trong những
điều Trung Quốc cần làm và nhất định sẽ làm là chiếm lĩnh các con đường hàng
hải phía đông và phía nam, trong đó, có Biển Đông thuộc về Việt Nam. Khó tin là
giới lãnh đạo Việt Nam
không thấy được điều đó. Nhưng, căn cứ vào ngôn ngữ và cách hành xử của họ,
không loại trừ khả năng là họ vẫn có chút ảo tưởng là sự nhẫn nhục của có thể
sẽ làm động lòng Bắc Kinh để Bắc Kinh sẽ nhẹ tay với họ hoặc trì hoãn các ý đồ
tấn công, nhờ đó, họ sẽ có thêm thời gian để phát triển kinh tế và chuẩn bị lực
lượng. Bây giờ, sự ngang ngược của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến nhà cầm quyền
Việt Nam
thức tỉnh, thấy những hy vọng của họ thực chất chỉ là một ảo tưởng.
Sự thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ dẫn đến những sự thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác. Trước đây, chắn chắn là chính quyền Việt Nam muốn và cố tìm cách mở rộng, hơn nữa, thắt chặt quan hệ với nhiều nước khác, nhất là với Mỹ, để tạo thế liên minh chiến lược. Nhưng họ lại sợ Trung Quốc. Khi sự xung đột đã bị đẩy lên điểm cao và công khai, có lẽ chính quyền Việt Nam có thể vượt qua những sự sợ hãi ấy để xúc tiến thật nhanh các quan hệ chiến lược họ cần.
Hai sự thay đổi trên sẽ dẫn đến sự thay đổi trong tuyên truyền. Thứ nhất, những
khẩu hiệu 4 tốt (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và 16
chữ vàng (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới
tương lai) mà họ cứ lặp đi lặp lại trong các diễn văn và các cơ quan truyền
thông sẽ trở thành vô duyên, thậm chí, ngu ngốc. Thứ hai, nếu họ không đủ can
đảm để gọi thẳng Trung Quốc là kẻ thù thì ít nhất cũng xem các hành động bành
trướng trên Biển Đông của Trung Quốc là một hành động xâm lược. Những thay đổi
trong tên gọi này sẽ là điều kiện để thổi bùng lòng yêu nước của người Việt Nam. Nói chung,
khó nói được là người Việt Nam
hiện nay không yêu nước như lời phàn nàn của một số nhà bình luận hoặc hoạt
động. Tuy nhiên, khác với các loại tình cảm cá nhân vốn dễ thể hiện trong đời
sống hàng ngày, lòng yêu nước thường chỉ chìm ẩn, có khi ngỡ không hề tồn tại,
nếu nó không được nuôi dưỡng và khơi động bằng hai hoặc một trong hai thứ cảm
xúc khác: tự hào và/hoặc căm thù. Tự hào thì Việt Nam không có hoặc chưa có gì để tự
hào. Nhưng căm thù thì có sẵn, chỉ cần chính quyền gọi thẳng tên ra: xâm lược.
Khi đã thừa nhận Trung Quốc là kẻ thù hoặc ít nhất, kẻ đang tiến hành một hành
động xâm lược trên biển đảo, chính quyền khó có lý do để ngăn chận các biểu
hiện căm thù của dân chúng đối với Trung Quốc. Không sớm thì muộn, họ sẽ bị
buộc phải phóng thích những người đã bị bắt bớ và giam cầm chỉ vì cái “tội”
xuống đường biểu tình chống Trung Quốc trước đây và cũng bị buộc phải ít nhiều
hợp thức hóa việc bày tỏ thái độ phẫn nộ của dân chúng đối với Trung Quốc.
Việc hợp thức hóa ấy, bất kể ở mức độ nào, cũng là một cách mở ngỏ cho khả năng
hình thành và phát triển các loại hình xã hội dân sự tại Việt Nam. Tôi cho đó
là một trong những điều kiện quan trọng nhất để xây dựng một nền dân chủ thực
sự trong tương lai. Những thay đổi về thể chế rất dễ có nguy cơ dẫn đến một nền
độc tài kiểu khác khi người dân chưa sẵn sàng cho sinh hoạt dân chủ. Sự sẵn
sàng ấy có thể được nhìn thấy qua hai hiện tượng: một, hữu hình: các tổ
chức xã hội dân sự; và hai, mơ hồ và trừu tượng hơn: văn hóa dân chủ ở đó mọi
người biết tôn trọng những cái khác và sẵn sàng chấp nhận giải quyết các xung
đột qua biện pháp thương thảo, kể cả nhân nhượng.
Cuối cùng, một điều có thể sẽ xảy ra, khi Việt Nam dám công khai xem Trung Quốc
là kẻ thù, là sự sụp đổ của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Người Việt Nam, từ xưa đến
nay, chưa bao giờ mạnh về lý thuyết và cũng chưa bao giờ tự tin trong các vấn
đề liên quan đến chủ thuyết. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Nga và Đông
Âu, lý do chính khiến nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi chủ
nghĩa xã hội là vì họ có một chỗ dựa về trí thức cũng như tính thần nói chung:
Trung Quốc. Khi Trung Quốc đã trở thành kẻ thù hoặc, ít nhất, kẻ đối lập, Việt Nam sẽ trở
thành lố bịch nếu vẫn tiếp tục nhân danh lý tưởng xã hội chủ nghĩa theo mô hình
của Trung Quốc.
Ngay cả khi những khả năng ở trên (trừ điểm thứ nhất) thành hiện thực, một kết
thúc thực sự có hậu cũng chưa chắc đã xảy ra. Không nói, hầu như ai cũng biết,
chính quyền Việt Nam
hiện nay theo đuổi hai tính toán khác nhau: Một, hòa giải các áp lực đến từ
Trung Quốc; và hai, hoá giải các yêu sách dân chủ hóa của dân chúng. Mục tiêu
lớn nhất của họ là, một mặt, không có xung đột với Trung Quốc, hoặc nếu có, sẽ
chiến thắng và chấm dứt xung đột một cách nhanh chóng; và hai, vẫn duy trì được
quyền lực độc tôn tại Việt Nam.
Nếu phải chọn một, có khi họ chọn mục tiêu sau. Trong trường hợp đó, không có
gì bất hạnh hơn cho dân tộc.
Nguyễn
Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.