Tuesday, July 15, 2014

William Hague và ngoại giao Anh với VN

image
Ông William Hague là Ngoại trưởng Anh đầu tiên thăm Việt Nam sau 17 năm
Tin ông William Hague rời chức Bộ trưởng Ngoại giao Anh không làm tôi ngạc nhiên.
Chính phủ của Thủ tướng David Cameron rất cần một cuộc cải tổ nội các rõ nét hơn lần ‘cải tổ mini’ lần trước, nhằm làm mới nghị trình chính trị một năm trước bầu cử.
Nhưng tạm để sang một bên chuyện chính trường Anh thì tin ông Hague sang nắm vị trí lãnh đạo Hạ viện (Leader of the Commons) cũng là dịp ghi nhận các nỗ lực của ông cho nước Anh ở mảng ngoại giao.

Ông Hague không chỉ là một chính khách mà còn là một học giả.

image
Tốt nghiệp Magdalen College, Oxford, ông viết cuốn sách được đánh giá cao về William Pitt (1759 -1806), người lên làm thủ tướng năm 24 tuổi.
Điều đó cũng cho thấy tham vọng chính trị của ông Hague, người cũng lên làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ Anh năm 34 tuổi.

Nếu như William Pitt là nhân vật chính trị góp phần tạo ra nước Anh mới giữa thời kỳ biến động (Cách mạng Pháp, nước Mỹ giành độc lập), hẳn ông Hague cũng muốn tạo ra một chính sách mới cho Anh Quốc thời Toàn cầu hóa.
Và điều thú vị là một trong những ý tưởng lớn của ông về ngoại giao Anh được bộc lộ trong chuyến thăm Việt Nam hai năm trước.

Luôn rất thiện chí

image
Tôi cũng theo dõi quan hệ hai nước từ góc độ một người làm báo và có thể chia sẻ một vài nhận xét riêng.
Điều đầu tiên là ông William Hague rất ‘ngoại giao’ vì luôn giữ được nụ cười thân thiện nhưng phát ngôn cũng rất kín kẽ, không nói gì ‘phá rào’.

Tôi chứng kiến điều đó khi dự lễ ông thay mặt chính phủ Anh ký với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Gia Khiêm tại Whitehall, văn bản Đối tác Chiến lược Anh – Việt hồi tháng 9/2010.
Trả lời câu hỏi của tôi về ý nghĩa của lễ ký kết trong lúc ống kính camera do đồng nghiệp Chris Marshall quay, ông mỉm cười rất rộng:
“Đây là sự kiện quan trọng cho cả hai nước và hai bên sẽ từ đây thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận này".

Thật khó nói đấy là cách ông William Hague hy vọng hay nhắn nhủ phía Việt Nam thực hiện mọi chi tiết của thỏa thuận này, gồm cả rất nhiều mục chính giới Việt Nam coi là ‘tế nhị’ như nhân quyền, cải tổ tư pháp, tự do báo chí?

Nhưng cảm giác của tôi là ông William Hague tỏ ra rất ‘ngoại giao’ với cả BBC và phái đoàn Việt Nam có mặt.

image
Ông Hague thể hiện tư duy chính trị qua cuốn sách về William Pitt Trẻ Tuổi, người làm thủ tướng Anh năm 24 tuổi hồi thế kỷ 18
Ở Anh, dù là nhân vật có uy tín lớn trong đảng Bảo Thủ và gần như là nhân vật số ba trong cả hệ thống chính trị, sau Thủ tướng David Cameron, Bộ trưởng Tài Chính George Osborne, ông cũng không ồn ào mà có vẻ thiên về suy tư, định hướng chiến lược cho ngoại giao Anh.
Thậm chí để biết được ông nghĩ gì về vai trò của Anh Quốc trên thế giới, báo Anh phải tìm đến phát biểu của ông ở Hà Nội trong chuyến thăm hồi tháng 5/2012.

The Economist viết rằng khi trả lời các bạn sinh viên Việt Nam, ông Hague đã bộc lộ rõ viễn kiến ngoại giao của mình.
Sức mạnh của Anh Quốc theo ông, không còn đến từ nỗi niềm lưu luyến một thời đế quốc, mà từ sự ý thức được vai trò thực tế của Anh.
Những gì Anh Quốc có thể ‘trình làng’ ra quốc tế thời nay là các trường đại học, là hệ thống hành chính công, và các ngành dịch vụ, từ pháp luật đến tài chính, ngân hàng.
Sức mạnh quân sự của Anh cũng được ông nhắc đến nhưng hai nhóm giá trị bao trùm cho đường lối ngoại giao mang phong cách William Hague là tình bạn (friendliness), cộng với quyền lợi riêng (self-interest), theo The Economist.

image
Từ đó là suy ra, chắc các bạn cũng thấy chính sách của London với Hà Nội là tập trung vào ‘quyền lực mềm’, thậm chí có thể có người cho là ‘mềm ơi là mềm’.
Nhưng đây cũng không phải vì Anh Quốc ‘sợ làm phiền’ các chính trị gia ở Hà Nội, mà ‘quyền lực mềm’, thuyết phục nhiều hơn can thiệp là cách làm chung của châu Âu ngày nay với thế giới bên ngoài.
Điều này là khó hiểu cho nhiều bộ phận dân cư châu Á, nơi các cường quốc đang lên đều muốn ‘diễu võ dương oai’, khoe ra nào tàu ngầm, chiến hạm, nào tên lửa đạn đạo, nào vũ khí tấn công mạng.
Vì ở Anh, đến hợp tác của ngành an ninh chống khủng bố cũng chỉ được coi là một thứ dịch vụ, hay ‘công nghệ’, gọi là ‘counter-terrorism know-how’, nghe hệt như các thứ ‘know-how’ để sản xuất ô-tô hay chế biến điện thoại di động.

Sau hai cuộc chiến hủy diệt và cuộc đối đầu tàn hại thời Chiến tranh Lạnh, người châu Âu ý thức rất cao về cái giá của chiến tranh.

Năm nay BBC chúng tôi cũng liên tục có chương trình kỷ niệm 100 năm Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, khi cũng là lần thứ nhất vũ khí hóa học được sử dụng tràn lan, dội xuống hàng vạn binh lính ở các chiến hào châu Âu 1914 -1918.

Cũng từ sau cuộc can thiệp vào Iraq, rồi vào Afghanistan, tâm lý chủ hòa luôn thắng thế trong mọi cuộc thảo luận ở London, Paris hay Berlin.

Ngôn ngữ và sự hiểu lầm

image
William Hague đã thúc đẩy mạnh 'xuất khẩu giáo dục' của Anh sang Việt Nam
Nhưng cũng cần hỏi mối bang giao Anh – Việt mà ông Hague có công khởi động – ông là Ngoại trưởng Anh đầu tiên quay trở lại thăm Việt Nam sau 17 năm – có tương lai ra sao?

Vẫn trang The Economist bình luận về chuyến thăm đầy thiện chí của ông Hague sang Hà Nội năm 2012 cũng trích lời một chuyên gia ngân hàng Singapore bình luận rằng “một số sinh viên Việt Nam từ Anh trở về với tấm bằng tốt, nhưng trình độ tiếng Anh rất thô sơ” (rudimentary).

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này.

Nền giáo dục Anh nổi tiếng là có chất lượng ở cấp đại học, chứ không phải tiểu học và trung học, trừ các trường công dạng grammar school mà ông William Hague là một sản phẩm.
Nhưng khi vào đại học ở Anh, sinh viên Việt Nam phần nhiều đã định hình cách nghĩ, các thói quen cả tốt lẫn xấu qua thời kỳ học tại Việt Nam.
Dùng thói quen ‘tốt’ như chịu học gạo, chịu luyện thi để chạy nhanh qua một năm học MA hay ba năm Bachelor, họ quả là có tấm bằng giá trị.
Nhưng trong một thời gian ngắn như thế chỉ cắm đầu vào học và thi, khả năng mở rộng giao tiếp, giao lưu và tiếp thu văn hóa, lối sống, nhất là lối nghĩ Ăng-lê không còn bao nhiêu.

image
Người Anh thành công toàn cầu chính là nhờ tiếng Anh, một công cụ hữu hiệu cho họ làm dịch vụ ở mọi quốc gia dùng tiếng trên thế giới.
Nhưng nếu người Việt học ở Anh về mà chỉ có khả năng dùng tiếng Anh rất hạn chế thì còn nói gì đến việc áp dụng các kiến thức luật pháp, tài chính học được.

Ngoài ra, cũng dễ thấy là đa số các bạn sinh viên sang đây du học thuộc tầng lớn trên, có tiền của, quyền lực trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Quyền lợi của họ vì thế gắn liền với mô hình chính trị – kinh tế hiện nay.
Nên sẽ là phi thực tế nếu mong chờ rằng ai về cũng sẽ áp dụng các giá trị pháp quyền và tự do tư tưởng ở Anh vào xã hội Việt Nam để thay đổi chính hệ thống nuôi dưỡng họ ở vị trí đầy ưu thế.
Bài toán hội nhập cho Việt Nam thông qua sự thăng tiến về giáo dục bằng tiếng Anh, nhờ vào sự đầu tư vào gần một vạn sinh viên sang Anh, phải chăng vẫn đang chờ lời giải?

image
Bộ ba quyền lực: George Osborne, David Cameron và William Hague

Về lĩnh vực giáo dục và xã hội là thế.

Tương kính và 'fair play'

Còn về mặt chính quyền, tôi tiếp xúc nhiều với giới ngoại giao Anh Quốc phụ trách châu Á và chưa hề nghe mọi ai nói một điều gì không thiện chí về Việt Nam.
Nhìn chung họ đều cảm thông với quá khứ chiến tranh của người Việt Nam từ cả hai miền, thuyền nhân Việt cũng như những người miền Bắc có thời đói khổ hậu chiến.
Họ cũng đều vui mừng về số sinh viên sang Anh học nhiều, và quan tâm đến đề tài như biến đổi khí hậu, cải tổ tư pháp mà họ thực lòng muốn giúp Việt Nam thực hiện.
Chuyện nhân quyền với Việt Nam mà ông William Hague chủ trương cũng là một đề tài không nặng nề.

Vì không dính líu vào Cuộc chiến Việt Nam bên cạnh Hoa Kỳ, Anh Quốc chẳng có món nợ hay mặc cảm có lỗi gì với Hà Nội cả.

Nhưng London cũng là nơi các làn sóng tỵ nạn châu Âu chạy khỏi hai chế độ phát xít và cộng sản cập bến, là nơi Ân xá Quốc tế đóng trụ sở nên nhân quyền - quyền sống có nhân phẩm, không bị kìm kẹp - là điều hiển nhiên người Anh ủng hộ.
Họ vận động cho nhân quyền, cho tự do biểu đạt qua báo chí còn vì trọng sự ‘công bằng’ (fairness), một đặc tính khá Ăng –Lê, có lẽ đến từ các cuộc chơi thể thao, từ cricket, rugby hay bóng đá, vốn đều từ Anh mà ra hoặc do Anh đặt luật chơi.
Họ sẽ chê cuộc chơi xấu do tỷ số bị áp đặt từ trước, hay có cầu thủ bị thẻ đỏ vô cớ, chứ không phải vì ý thức hệ gì cả.

image
Cũng chính vì tinh thần trọng ‘fair play’, sẽ không bao giờ có chuyện Anh Quốc áp đặt gì lên Việt Nam.
Nhưng nhìn từ phía Việt Nam thì có lẽ cuộc đối thoại nhân quyền với Anh hay các vấn đề liên quan đến tự do báo chí không nên bị diễn giải cứng nhắc, hoặc để mặc cả gì đó về chính trị, điều mà Anh không muốn, và cũng không có gì để đánh đổi.

Quan hệ hai nước còn rất mới, và rất nhiều tiềm năng nhưng cũng còn tuỳ thuộc rất nhiều vào hai chính phủ và những con người cụ thể trong hai chính quyền và ngoài xã hội.
Với những người Việt có duyên đến với nước Anh, các cơ hội vẫn còn rất lớn, chưa khai thác hết.

Để giao lưu Anh - Việt có ý nghĩa hơn, người Việt Nam cần cảm và hiểu thấu đáo hơn một xứ sở tuy là châu Âu nhưng luôn hướng ra Đại Tây Dương, và một nền văn hóa đủ ý nhị để biến làn gió lạnh Biển Bắc thành tính 'coolness' đặc trưng.

Giới chính khách đến rồi đi nhưng trong cuộc hành trình Anh - Việt hơn 10 năm qua, ông William Hague và tinh thần làm mới, trẻ hóa của ông đã luôn có mặt đâu đó.



Nguyễn Giang


image

Tầm quan trọng của kiều hối
Hai nhóm chính trong cộng đồng người Việt hải ngoạ...
Hội thảo: Xu hướng gần đây ở Biển Ðông và Chính sá...
Hãy thôi lừa dối nhau và lừa dối chính mình
TNS John Cornyn chào mừng cuộc tổng vận động cho V...
Đường hóa học giết người không gươm dao
Đức đăng quang World Cup 2014
Đại Hội Giới Trẻ Cao Đài Thế Giới và một quyết địn...
Trò chuyện với con gái người tự thiêu phản đối già...
Bạo loạn bùng lên ở Argentina sau thất bại bóng đá...
Đức: Vộ địch túc cầu Thế giới 2014
Bên trong lò lột da rắn ở Indonesia
9 nơi nổi tiếng không được chụp ảnh
Chọn ai: Thời gian quyết định không còn dài nữa
Thiếu nữ Việt với sản phẩm tẩy rửa và bảo vệ tai
Bệnh Gan ở Mỹ tăng nhiều do thuốc Lá Cây
Cha già lận đận
Bàn về nước tiểu
Ngũ Giác Ðài có chiến thuật mới để ngăn chặn TC ở ...
Thượng Viện HK: Trung Cộng rút giàn khoan
Chống giặc Tàu Ô ngoại xâm
Formosa Hà Tĩnh đã trở thành đặc khu của Trung Cộn...
Tố cáo thẳng thừng "Súc vật hồ chí minh" trên Yout...
Làn gió mới lướt qua Xã hội dân sự VN
Xem phân định bệnh
Nếu đảng cộng sản TC không còn?
Trọng tài mất mạng trên sân bóng đá
Bà Mẹ Việt Nam anh hùng
Cuộc cách mạng của bóng đá Đức
Cảm phục nữ Thủ tướng Đức
Cái chết của một nền bóng đá?
Ăn cơm mới, nói chuyện cũ…
Chuyện ở Học Viện Quân Sự West Point
Huỳnh Thục Vy điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ
Thời điểm 'bất ổn' ở Đông Bắc Á
Kẻ cắp bán đồ gian
Chiến tranh và ký ức về chiến tranh
Ý nghĩa của thay đổi quân sự Nhật Bản
Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫn gởi các bạn Thanh N...
Mỹ: Bắt vợ tỷ phú Trung Cộng ăn cắp bắp giống

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.