Vừa
rồi, tôi tham gia cuộc hội thảo quốc tế do Hội Nghiên cứu Văn học Úc được tổ
chức tại trường Đại học Sydney với một bài tham
luận về đề tài “Vấn đề ngôn ngữ và bản sắc trong văn học Việt Nam tại Úc”.
Bài tham luận khá dài, tôi chỉ xin tóm tắt lại phần đầu: Tại sao nhiều, rất
nhiều nhà văn và nhà thơ tại Úc chọn viết tiếng Việt?
Trước
hết, cần lưu ý là tại Úc hiện nay, có trên 200.000 người Việt sinh sống, trong
đó, có khoảng vài chục người có thể được xem là nhà văn hay nhà thơ với những
tác phẩm được công bố trên các tạp chí hoặc diễn đàn văn học có uy tín. Đứng về
phương diện ngôn ngữ, những người này có thể được chia thành ba nhóm chính:
Một, những người chỉ viết bằng tiếng Anh, chủ yếu thuộc thế hệ thứ hai, sinh
trưởng tại Úc, trong đó, nổi bật nhất chắc chắn là Nam Lê, tác giả tập truyện
ngắn The Boat đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, kể cả giải thưởng văn
học dành cho thể truyện của Thủ tướng Úc vào năm 2009. Thứ hai là những người
vừa viết bằng tiếng Việt vừa viết bằng tiếng Anh. Nhóm này có thể được chia
thành hai nhóm nhỏ hơn: một, những người bắt đầu bằng tiếng Việt, sau đó, khi
đã tự tin hơn, viết thêm cả tiếng Anh. Hai, những người bắt đầu viết bằng tiếng
Anh, sau, vì một lý do nào đó, chuyển sang viết tiếng Việt. Với một mức độ nào
đó, có thể gọi những người này là những nhà văn hay nhà thơ song ngữ. Cuối
cùng, nhóm thứ ba, đông và hoạt động sôi nổi nhất, là những người viết toàn
bằng tiếng Việt; hoặc, nếu viết bằng tiếng Anh thì cũng chỉ hoạ hoằn, lâu lâu
mới có một vài bài, chủ yếu là thơ hoặc tiểu luận.
Trong
bài này, tôi chỉ tập trung vào những người chủ yếu viết bằng tiếng Việt với hai
câu hỏi chính: Một, tại sao họ lại chọn viết bằng tiếng Việt thay vì bằng tiếng
Anh? Và hai, họ nghĩ gì về bản sắc của họ với tư cách một nhà văn hay nhà thơ
viết bằng tiếng Việt trong một quốc gia nói tiếng Anh như Úc?
Đối
với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời đơn giản có thể là vấn đề ngôn ngữ. Nhiều,
nếu không muốn nói là tất cả những nhà văn và nhà thơ viết bằng tiếng Việt tại
Úc đều thuộc thế hệ thứ nhất sang Úc với tư cách tị nạn hoặc sinh viên du học.
Trong số đó, nhiều người sống tại Úc còn lâu hơn cả thời gian họ sống ở Việt Nam ; tiếng Anh
của họ rất giỏi. Họ có thể được xem là những người song ngữ. Tuy vậy, không có
ai có thể được xem là cây bút song ngữ thực sự. Dù viết bằng cả hai thứ tiếng
nhưng phần thành công nhất của họ vẫn thuộc về phần tiếng Việt. Chưa có ai
khẳng định tên tuổi trong làng văn và làng thơ Úc. Sự thất bại - nếu có thể gọi
là “thất bại” - này tương đối dễ hiểu. Trên thế giới, dù có nhiều nhà văn
và nhà thơ song ngữ nhưng số người thành công trong cả hai ngôn ngữ rất hiếm.
Samuel Beckett, viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, Vladimir Nabokov, viết bằng
tiếng Anh và tiếng Nga, chỉ là những ngoại lệ hoạ hoằn. Cực kỳ hoạ hoằn. Nhưng
ngay cả Nabokov, người được xem là bậc thầy trong văn xuôi tiếng Anh, cũng từng
thú nhận, viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của ông, luôn
luôn là một “bi kịch thầm kín” hoặc, nói theo lời của ông, “việc tôi chuyển hẳn
từ văn xuôi tiếng Nga sang văn xuôi tiếng Anh là một sự đau đớn kinh khủng, nó
giống như việc học cầm vật gì sau khi đã mất bảy hay tám ngón tay trong một vụ
nổ”.
Lý do của những khó khăn hay thất bại này không có gì đáng ngạc nhiên.
Ngôn ngữ văn chương, đặc biệt ngôn ngữ thơ ca khác hẳn ngôn ngữ chức năng hoặc
học thuật. Nó không phải chỉ thuần là các cái biểu đạt (signifiers). Nó còn cắm
rễ sâu xa trong cả lịch sử dân tộc lẫn ký ức cá nhân, và hệ quả là, nó không
chỉ có tính khái niệm hoặc trí thức mà còn có nhạc điệu và cảm xúc. Chính khía
cạnh nhạc điệu và cảm xúc này làm cho những người sử dụng ngôn ngữ không
phải tiếng mẹ đẻ của mình khó có một lỗ tai thật tinh tế để nghe ngóng các âm,
các nhịp điệu, các màu sắc và tính liên văn bản của ngôn ngữ. Nó cũng gây khó
khăn để họ có được một sự nối kết về cảm xúc đối với những từ ngữ họ sử dụng.
Vì thiếu “lỗ tai” và sự nối kết về cảm xúc này, Stanislaw Baranczak đã chỉ ra,
“những trò chơi ngôn ngữ hầu như bất khả đối với các nhà văn lưu vong khi họ
chọn viết bằng một ngôn ngữ khác”. Linda Lê, một nhà văn Pháp gốc Việt diễn tả
một cách mạnh mẽ hơn: “Viết văn bằng thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của
mình giống như làm tình với một xác chết”. Điều này giải thích tại sao có nhiều
nhà văn song ngữ thành công hơn những nhà thơ song ngữ.
Trở
lại trường hợp của Nabokov, Ha Jin nhận xét: “Nabokov dường như không biết cách
chơi với nhịp điệu để làm nảy sinh ra những hiệu ứng đầy kịch tính và dường như
ông chỉ là một bậc thầy lỗi lạc về văn xuôi nhưng chỉ là một nhà thơ tầm thường
trong tiếng Anh”. Czesław Miłosz, một nhà thơ Mỹ gốc Ba Lan, người đoạt giải
Nobel văn chương năm 1980, là một ví dụ khác. Mặc dù sống và dạy đại học ở Mỹ
hơn 40 năm, biết khá nhiều thứ tiếng, và thường xuyên dịch thơ từ tiếng Anh
sang tiếng Ba Lan hoặc ngược lại, ông chỉ làm thơ bằng tiếng Ba Lan và để cho
người khác dịch sang tiếng Anh. Có lần ông tuyên bố là người ta chỉ làm thơ
bằng thứ tiếng mình học từ nhỏ. Chia sẻ kinh nghiệm ấy, hầu hết, nếu không nói
là tất cả các nhà văn và nhà thơ thuộc thế hệ thứ nhất đều viết chủ yếu bằng
tiếng Việt. Chỉ có một số người thử viết tiếng Anh. Nhưng dường như chưa có ai
thực sự thành công.
Lý
do thứ hai khiến nhà văn và nhà thơ Việt Nam chọn viết bằng tiếng Việt là
lòng trung thành đối với ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào cũng gắn liền với khái niệm gốc
rễ, tinh thần dân tộc, ký ức tập thể và bản sắc, chọn viết bằng một ngôn ngữ
khác, do đó, bao giờ cũng được xem như một sự mất mát hoặc cắt đứt quan hệ với
quá khứ và tổ tiên.
Trong cuốn The Writer as Migrant, Ha Jin, một nhà văn
Mỹ gốc Trung Quốc, nhận định hầu hết các nhà văn di dân đều có cảm giác có tội
khi sống xa quê hương và cảm giác phản bội khi phải viết bằng một ngôn ngữ
khác. Trong cuốn Alien Tongues: Bilingual Russian Writers of the ‘First’
Emigration, Elizabeth Klosty Beaujour cho nhiều nhà văn Nga nổi tiếng xem
việc viết bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nga là một sự phản bội, một chứng
bệnh và một cơn đau đớn. Elsa Triolet nhiều lần tuyên bố bà phát bệnh vì hiện
tượng song ngữ; với bà, là một người song ngữ giống như một người có hai chồng
(hoặc hai vợ) cùng lúc. Những chữ như song hôn (bigamy), ngoại tình hay ngay cả
loạn luân được các nhà văn song ngữ sử dụng khá thường xuyên. Ý nghĩa của tiếng
mẹ đẻ lại càng lớn đối với giới cầm bút Việt Nam, những người luôn tự hào là dù
bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, họ vẫn không bị mất gốc và đặc biệt, vẫn giữ
được tiếng nói riêng. Đầu thế kỷ 20, một trong những học giả xuất sắc nhất của
Việt Nam ,
Phạm Quỳnh, cho “tiếng Việt còn thì nước Việt còn”. Quan niệm này được rất
nhiều người Việt Nam
chia sẻ. Sau năm 1975, ở hải ngoại, nhiều người khuyên con cháu nên học tiếng
Việt trước hoặc cùng lúc với ngôn ngữ chính nơi họ đang ở. Trong một bối cảnh
như vậy, việc các nhà văn, nhà thơ chọn viết tiếng Việt không có gì đáng ngạc
nhiên.
Tuy
nhiên, lý do thứ ba này quan trọng nhất: độc giả. Trên lý thuyết, những người
viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ phổ thông nhất trên thế giới, hẳn có nhiều độc
giả nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, trừ phi là một tác giả lớn hoặc bán thật
chạy, người ta không thể có được một khối độc giả lý tưởng ấy. Phần lớn các tác
giả người Việt tại Úc, trừ Nam Lê, đều không may mắn như vậy. Cả số độc giả lẫn
tiếng tăm của họ, nói chung, đều khá khiêm tốn. Chỉ có vài người là được giới
người đọc Úc biết đến. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tạp chí Việt ra
đời vào năm 1998, cả Lê Văn Tài lẫn Tạ Duy Bình, những người trước đó viết bằng
tiếng Anh, đều lần lượt quay về với tiếng Việt. Từ năm 2001, khi Tiền Vệ ra đời
và trở thành một trong vài tờ báo mạng về văn học được đọc nhiều nhất, họ -
cùng với nhiều người khác - đều chỉ viết bằng tiếng Việt. Qua tạp chí giấy cũng
như báo mạng, họ có được một khối độc giả rất lớn không những tại Úc mà còn
hầu như khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam .
Nói
một cách tóm tắt, theo tôi, có ba lý do chính khiến hầu hết, nếu không nói tất
cả các cây bút Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất tại Úc chọn viết bằng tiếng Việt
là: ngôn ngữ, sự trung thành với ngôn ngữ và nhu cầu có độc giả, những người
đọc họ, hiểu họ và chấp nhận họ với tư cách một nhà văn hay một nhà thơ.
Tuy
nhiên, từ đây, một câu hỏi khác nảy ra là: Những cây bút này nghĩ gì về bản sắc
của họ?
Bản
sắc là một khái niệm rất rộng và phức tạp, thường thay đổi theo văn hoá, thế
hệ, phái tính và ngay cả kinh nghiệm cá nhân. Đây là một đề tài thú vị nhưng
quá dài. Tôi xin khất lại một dịp khác.
Tiến
sĩ Nguyễn Hưng Quốc
May
13, 2014
Chúng
ta lại có thêm sáu thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu tạo tiếng
Việt thành giàu âm sắc, chỉ cần khác dấu, chữ được phát âm khác nhau: thung
(thung dung), thúng (cái thúng), thùng (cái thùng), thụng (áo .
Aug
02, 2012
TIẾNG
VIỆT MỚI Đồng hồ không người lái có cửa sổ. Trên tay tôi, ba giờ rưỡi chỉ ngay.
Tôi lặng nhìn đất nước từ máy bay, Và thở dài, nhớ những ngày xưa cũ. Bên cạnh
tôi, người đồng hành hỏi nhỏ: -"Vẻ ông căng, bức xức ...
Aug
01, 2012
Muốn
dạy tiếng Việt – cũng như bất cứ ngôn ngữ nào - có hiệu quả, cần có bốn điều
kiện chính: một, xác định được đối tượng đang học tiếng Việt; hai, xác định bản
chất ngôn ngữ của đối tượng ấy; ba, từ bản chất ấy, chọn ...
May
26, 2012
Tiếng
Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không
được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi
thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa ...
Aug
27, 2012
Tiếng
Việt tuyệt vời. image. Bài thơ này có 8 cách đọc. Có lẽ chỉ có tiếng Việt mới
phong phú như thế ! 1. Bài thơ gốc (bài 1): Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời. Thú
vui thơ rượu chén đầy vơi. Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Jul
29, 2011
Ba
má tôi yêu cầu mọi thành viên trong gia đình phải nói tiếng Anh. Điều này vừa
có ích nhưng vừa có hại vì sau chỉ hai ba năm tôi gần như không biết tiếng
Việt. Còn nhớ khi nhỏ và khi có khách Việt Nam đến nhà, tôi hay ...
Apr
15, 2011
Nhất
là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung
Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng
sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng.
Apr
13, 2011
Tôi
cũng khá thán phục sự hiểu biết và thành thạo văn hóa Việt Nam của Johnson
khi nghe hắn thỉnh thoảng chêm vô câu chuyện mấy câu ca dao, thành ngữ tiếng
Việt. Thật thú vị khi nói chuyện với một người Mỹ bằng tiếng ...
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.