Mùa hè ở Delhi có thể nóng đến dã man, nhiệt độ ở mức 47 độ C không phải là chuyện hiếm.
Vừa chuyển đến khu vực dành cho người nước ngoài ở thủ đô Delhi Nizamuddin West (vốn cũng là nơi đặt nullah, tức kênh thoát nước, của thành phố), nhà báo người Anh Dean Nelson muốn lắp đặt máy điều hòa cho nơi ở mới.
Lật nhanh qua các trang báo The Hindu, ông tình cờ phát hiện một bài viết về 'Snowbreeze', chiếc máy làm mát dựa trên nước đá do một nhà báo Ấn Độ đã nghỉ hưu sáng chế ra để giúp dân nghèo ở nông thôn Ấn Độ.
Sự tò mò của Nelson trỗi dậy, nhất là khi giá thành của nó chỉ là một phần nhỏ so với giá của chiếc máy điều hòa có thương hiệu.
Tinh thần 'cái gì cũng làm được'
Mặc dù để lắp ráp được Snowbreeze thì cần phải có sự giúp đỡ của thợ điện hay thợ mộc ở gần đó, Nelson vẫn đặt hàng một chiếc.
Khi chiếc máy được giao đến nhà một tuần sau đó, về mặt hình thức thì trông nó không cảm tình cho lắm.
"Đó là một cái thùng rác nhựa màu xanh lớn với chiếc nắp giở lên bên trên một miếng ván trượt màu xanh nước biển," Nelson nhớ lại và giải thích rằng Snowbreeze là một ví dụ điển hình của 'jugaad', một từ trong tiếng Hindi có ý nghĩa chính xác nhất là một phát minh giúp tằn tiện hay một mẹo sáng tạo.
Đi về nông thôn Ấn Độ chúng ta có thể thấy jugaad ở khắp nơi.
Đó có thể là một chiếc xe tải xiêu vẹo giúp cung cấp điện cho toàn bộ ngôi làng, hay chiếc ăng ten TV tự chế từ những chiếc móc áo.
Nó có thể được thể hiện ở những chiếc xe đạp ba bánh được sơn phết sặc sỡ vốn cũng được gọi là 'jugaads' mà đôi khi có thể chở đến 20 người bất chấp việc nó được nạp nhiên liệu từ một động cơ bơm nước kêu ầm ầm và được ghép lại từ những phụ tùng rời như những bộ phận của chiếc xe máy cũ hay những tấm ván gỗ.
Tinh thần cái gì cũng có thể làm được cũng được thể hiện ở hàng ngàn người dabbawallahs đội mũ trắng mà bằng cách nào đó lái hàng chồng những hộp cơm trưa bằng inox nằm chông chênh đi qua những con đường hỗn loạn ở Mumbai mỗi ngày để giao bữa trưa nóng hổi và trà trưa đến cho 200.000 nhân viên văn phòng của thành phố.
Tỷ lệ phạm sai sót ước chừng là một trên 16 triệu lần giao hàng, do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi hãng chuyển phát nhanh FedEx đã đến gặp họ để khám phá bí quyết làm sao mà họ có được sự đáng tin cậy ấn tượng như thế.
Hoàn cảnh phải ứng biến
Trong những năm gần đây, jugaad đã trở thành một từ cửa miệng của các doanh nghiệp với các chuyên gia về quản lý khuyên các doanh nghiệp phương Tây sử dụng tinh thần doanh nghiệp tằn tiện như là phương châm để thành công trong những lúc kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, từ khóa #jugaadnation trên Twitter đã trở thành cội nguồn của lòng tự hào ở thanh niên Ấn Độ, khiến cho những thiết bị được lắp ráp vội vã để tiết kiệm thời gian - chẳng hạn như bàn ủi dùng để nướng thịt hay màn hình máy tính cá nhân gấp đôi làm gương cạo râu - được lan truyền mạnh mẽ.
"Người Ấn Độ có truyền thống ứng biến để tìm giải pháp ngay lập tức cho các vấn đề," doanh nhân Kannan Lakshminarayan ở Chennai nói với tôi.
"Nếu bạn sống ở một ngôi làng xa xôi bị cúp điện thường xuyên, thì có ai đó sẽ khởi động xe máy và cấp điện cho ngôi nhà."
Công ty của Lakshminarayan, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tư nhân Kỹ thuật Vortex, đã sáng tạo ra máy ATM Gramateller, máy rút tiền sử dụng năng lượng điện tương đương với bóng đèn 70 watt.
Được tạo ra với ngân sách giới hạn, thiết bị này có chức năng nhận diện dấu vân tay cho những người sử dụng không biết chữ được tích hợp với một bình ắc quy dự phòng để cho nó có thể hoạt động ngay cả khi không có điện.
Chi phí chỉ bằng một phần tư giá trị của máy ATM bình thường, thiết bị này đã chứng tỏ vai trò không thể thiếu đối với các cộng đồng nông thôn - nơi mà máy rút tiền gần nhất có thể cách xa đến hàng trăm dặm.
Không chỉ sáng tạo mang tính tiết kiệm của chiếc máy này thể hiện jugaad mà người phát minh còn cho biết là nguyên tắc thử nghiệm và sai sót được áp dụng để sáng tạo ra nó nữa: "Chúng tôi áp dụng phương cách jugaad khi thiết kế máy móc… nó giúp chúng tôi có thể nhanh chóng chứng tỏ được một ý tưởng hay nhận ra nếu có gì đó không đúng."
Ở một đất nước mà, theo Ngân hàng Thế giới, có đến 270 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, vận dụng sự sáng tạo để chế ra những thiết bị mới mẻ là hết sức cần thiết.
Như Nelson, tác giả cuốn 'Jugaad Yatra: Khám phá Nghệ thuật Giải quyết Vấn đề của người Ấn Độ', nói: "Khi bạn kết hợp tính bền bỉ nảy sinh từ gian khó với văn hóa cạnh tranh của Ấn Độ thì bNJ sẽ có những giải pháp khác nhau mà bạn không thể có được ở nơi khác."
Đi vào vũ trụ
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ gần đây mới áp dụng jugaad ở quy mô táo bạo hơn.
Vào 11/2013, Ấn Độ phóng tàu thăm dò Mangalyaan đi vào quỹ đạo sao Hỏa từ một hòn đảo nhỏ ở Vịnh Bengal. Mười tháng sau đó, nó đã trở thành phi thuyền châu Á đầu tiên bay quanh quỹ đạo sao Hỏa.
Với giá thành 75 triệu đô la Mỹ, Mangalyaan chả đáng là gì so với các dự án không gian khác (cho đến năm 2014, phí tổn cho Trạm Không gian Quốc tế được ước tính là 160 tỷ đô la).
Nó hoạt động với ngân sách khiêm tốn như thế là nhờ vào việc tái sử dụng các mô-đun phi thuyền và tiến hành ít thử nghiệm mặt đất hơn (và do đó hiệu quả hơn); các đoạn băng được Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ đăng tải thậm chí còn cho thấy các nhà khoa học đội những chiếc mũ nhựa thay vì đúng ra là mũ bảo hộ. Thủ tướng Narendra Modi sau đó còn tự hào khoe rằng phóng một hỏa tiễn vào vũ trụ còn ít tốn kém hơn ngân sách cho bộ phim Gravity của Hollywood.
"Với tên lửa vào sao Hỏa đó, các nhà khoa học khác có lẽ đã nói: 'Xin lỗi, không thể nào làm được'," Nelson nói. "Nhưng người dân Ấn Độ có sự bền bỉ; họ không dễ dàng đầu hàng."
Với tàu Mangalyaan hiện đang bay quanh quỹ đạo hành tinh Đỏ, thế giới kinh doanh cũng tìm cách thực hiện cắt giảm chi phí một cách sáng tạo theo phương pháp jugaad.
Hãng khổng lồ Tata ở Mumbai đã phát minh ra phiên bản giá thấp, không xài điện của thiết bị lọc nước Swach của chính họ cho những người dân Ấn Độ không có điều kiện uống nước sạch.
Công ty này cũng giúp cho việc đi lại của dân thường Ấn Độ nằm trong tầm tay của họ hơn bằng cách liên tục cắt giảm giá thành xe hơi của họ. Hồi năm 2009, mẫu xe Nano của hãng đã lên tít các trang báo khi nó được tung ra như là 'mẫu xe rẻ nhất thế giới', tiết kiệm chi phí bằng cách bỏ qua những tính năng như túi khí, tần số bắt sóng, khóa trung tâm và điều hòa.
Ăn sâu vào văn hóa
Các công ty khởi nghiệp phương Tây cũng có thể được lợi từ việc áp dụng nguyên tắc jugaad, ông Jaideep Prabhu, đồng tác giả cuốn: 'Sáng tạo Juggad: Suy nghĩ tiết kiệm, Linh động, Tạo ra Tăng trưởng Đột phá', nói.
"Giờ đây anh có những công ty khởi nghiệp tiết kiệm làm được việc nhanh hơn và chi phí thấp hơn các công ty lớn. Hãy nhìn vào Raspberry Pi (máy tính có kích thước cỡ thẻ tín dụng để giúp thanh niên hứng thú với mã hóa) vốn được phát minh tại Đại học Cambridge. Công nghệ đã giúp những nhóm nhỏ ở các trường đại học làm được những điều mà chỉ có công ty lớn hay các chính phủ mới làm được 10 cho đến 20 năm trước đây."
Đương nhiên, có thể cho rằng không chỉ Ấn Độ mới có jugaad. Suy cho cùng, nhiều nước phát triển khác cũng vận dụng phát minh mang tính tiết kiệm do sự cần thiết.
Người Brazil gọi đó là gambiarra. Người Trung cộng gọi là tự chủ sáng tân. Như Nelson đã chỉ ra, hai nhân vật hoạt họa Wallace và Gromit của Anh (nhà sáng chế yêu phó mát và chú chó, người bạn của ông) và những nhà phát minh tại gia cũng có thể được gọi là tinh thần jugaad.
Nhưng ở Ấn Độ dường như tinh thần đó là cái gì đó đã ăn sâu, thậm chí mang ý nghĩa tâm linh.
Như Nelson đã lưu ý, ngay cả vị thần Hindu mình người đầu voi Ganesh có được cái đầu voi như thế cũng là nhờ vào tinh thần jugaad thật sự: chuyện kể rằng sau khi bị thần Shiva chặt đầu thì không thể tìm được một cái đầu người khác để thay thế, do đó mà phải dùng đầu voi để ráp vào.
Cẩu thả và tùy tiện
Còn về tinh thần jugaad đương đại, Nelson tin rằng nó phát xuất ở Ấn Độ vào những năm 1950 dưới thời của Thủ tướng Nehru, giai đoạn mà do thiếu hàng nhập khẩu mà "người dân Ấn Độ phải biến tấu những sản phẩm của phương Tây mà họ có được bởi vì chúng không thể thay thế được… Thời kỳ khó khăn đó đã hình thành một bản sắc Ấn Độ mới: 'Chúng tôi là dân tộc sáng tạo và sẽ tìm ra giải pháp trong những hoàn cảnh khó khăn nhất'."
Tuy nhiên, mặc dù tinh thần jugaad phổ biến như vậy, một số dân Ấn Độ nhìn nhận nó với thái độ tiêu cực. Đối với họ, jugaad có ngụ ý về tinh thần làm việc cẩu thả, bẻ cong luật lệ, làm hỏng việc và một cảm giác ứng biến rõ ràng.
Khi cuốn sách của ông ra mắt, Prabhu lưu ý rằng 'người Ấn Độ lớn tuổi công khai ghét bỏ việc phải ủng hộ một điều mà họ cảm thấy thật sự xấu hổ'.
Jugaad xấu này có thể là người dân Delhi làm quấy quá những bảng số xe khi thành phố đưa vào một quy định môi trường hạn chế xe có biển số chẵn hay lẻ vào một số ngày cố định trong tuần. Hay là hiện tượng 'cuộc gọi nhỡ' tức là một số người nhá máy cho một số điện thoại nào đó rồi sau đó cúp ngay không để cho đầu dây bên kia bắt máy, nhờ đó mà tiết kiệm được cước phí vì đầu dây bên kia sẽ phải gọi lại.
Nghiêm trọng hơn, jugaad xấu còn có nghĩa là không tuân thủ những quy định về sức khỏe và an toàn hay hối lộ các quan chức. Ngay cả mẫu xe Nano được tung hê của hãng Tata cũng thất bại vào năm 2014: bị ngưng sản xuất sau khi không vượt qua được các kiểm nghiệm an toàn.
Tiến đến kinh tế kỹ thuật số
"Những gì mà phương Tây cho là không thể làm được, người Ấn Độ sẽ nhìn thấy cơ hội cho dù là tốt hơn hay xấu đi," Nelson giải thích. "Đó là lý do tại sao sứ mạng của Ấn Độ là thanh lọc sự yếm thế của jugaad xấu và tận dụng những gì tốt nhất của jugaad tốt…
Nếu không nó sẽ kéo lùi Ấn Độ không để họ phát huy được tiềm năng trở thành một nước đi đầu thế giới."
Một lần nữa, công nghệ có thể sẽ dẫn đường. Ấn Độ hiện là thị trường di động lớn thứ hai thế giới và Thủ tướng Narendra Modi có kế hoạch đưa đất nước trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số (trong đó có tạo ra cơ sở dữ liệu sinh trắc của tất cả 1,3 tỷ dân).
Prabhu tin rằng kết hợp tinh thần tái chế của người dân Ấn Độ với công nghệ di động có thể đưa đến sự bùng nổ của jugaad tinh vi hơn.
Chiếc máy Snowbreeze của Nelson có lẽ không phải là công nghệ cao - nhưng nó hoạt động tốt.
Tuy nhiên, để có hiệu quả, nó cần một khối nước đá nặng 20 kg được giao tới nhà mỗi ngày. Đối với Nelson, "tính kinh tế của Snowbreeze không thật sự đáng cho lắm."
Nhưng cũng giống như nhiều sản phẩm jugaad khác, tinh thần sáng tạo cái gì cũng có thể làm được ở đằng sau nó rất dễ lây lan. Đó là một lý tưởng giúp tạo nên tinh thần quốc gia.
Christian Koch
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.