Năm 1874, dây kẽm gai ra đời và 2 năm sau đó là cái điện thoại có chuông rung do Alexander Graham Bell chế tạo. Dây kẽm gai chia cách đất đai, xác định chủ quyền của di dân, định hình giá trị tư hữu con người. Điện thoại thì đem con người đến gần nhau. Cả hai phát minh mới này tưởng chừng không dính dáng với nhau, vậy mà đã gắn bó một thời và làm nên một miền Tây phát triển, làm thay đổi đời sống nước Mỹ.
Tranh vẽ minh họa điện thoại qua dây kẽm gai
Việc lắp đặt các đường dây điện thoại vào thời ấy rất tốn kém, khi mà đạo luật đất đai còn mới mẻ. Các công ty điện thoại cho là không lợi nhuận khi lắp đường dây xa xôi, nơi đất rộng người thưa. Nên điện thoại chỉ phổ biến ở thành phố, còn ở các vùng nông thôn và trang trại xa xăm của miền Tây bao la thì không có. Miền Tây dường như bị cô lập trong núi rừng và đồng cỏ mênh mông. Thế rồi những hàng rào kẽm gai đã mọc lên quanh xóm làng trang trại. Dây kẽm gai “rẻ như đất” đã chạy ngoằn ngoèo đến khắp mọi nơi xa xôi hẻo lánh của đất nước.
Trong “cái khó ló cái khôn”, những chàng cao-bồi, chủ trang trại và nông dân, vốn có truyền thống hợp tác cùng nhau để tồn tại trên vùng đất mới này, họ đã lập các co-ops hợp tác về bảo hiểm, mùa màng, nước tưới, điện lực… và cũng tương tự với điện thoại. Họ góp vốn rẻ, chỉ trả 3 đến 18 đô một năm. Với số tiền hùn vốn này, họ mua điện thoại dùng pin hoặc quay tay để tạo điện bằng từ trường, dựa vào hàng rào kẽm gai có sẵn, nối điện thoại vào kẽm gai hàng rào. Mỗi xóm dân cư khoảng 20 nhà nhưng xa hàng chục dặm, họ nối điện thoại vào một đường dây kẽm gai chính ở ngoài đường. Họ có một nhà dùng làm trạm trung chuyển để chuyển cú gọi (swichboard), nơi này thường là cửa tiệm bán thực phẩm, tạp hóa… và thế là điện thoại liên lạc với nhau. Dùng đường dây chung như vậy rẻ tiền nhưng hễ một người gọi đến thì tất cả mọi nhà đều nghe chuông reng. Người ta phải phân chia ra từng code chuông reng riêng cho mỗi nhà, ví dụ 2 tiếng chuông ngắn 1 dài là của ai, tiếng chuông reo dài là của cứu hỏa hay khẩn cấp, báo động. v.v…
Điện thoại Bell năm 1877
Dĩ nhiên là phẩm chất cuộc gọi rất tệ, nhất là khi trời giông bão. Dây kẽm gai lắm khi bị sét rỉ, bị đứt, trâu bò giẫm ngã cột hàng rào hay cây bụi rậm mọc chen làm “chập mạch điện”. Các “thợ” sửa điện thoại đầu tiên là các chàng cao-bồi tình nguyện, đi dựng lại hàng rào, tìm ra chỗ đứt. Ðể cải thiện, họ đã tìm cách insulate, bọc các chỗ nối dây kẽm bằng da bò, cổ chai rượu, cùi bắp…
Có được các đường dây điện thoại, dù nhiễu tín hiệu và “chập chờn”. Nhưng đã giúp các bác sĩ, xe cứu thương, chữa cháy đến nơi kịp thời. Các tay liên lạc bằng ngựa được nghỉ ngơi. Nghe lén dù tình cờ hay cố ý qua điện thoại xảy ra hàng ngày vì bốc máy lên là nghe được điện đàm của người khác. Một di dân kể lại. “Lắm khi muốn nói chuyện riêng tư, tôi phải thét lên ‘cúp máy đi! Tôi đang nói chuyện’ Hẳn nhiên là không phải thét vào tai người yêu của tôi, mà vào ai đó đang tò mò nghe lén.” Nhiều khi muốn gọi thì hàng xóm lại đang gọi, đường dây bận.
Một trang trại ở Mỹ những năm 1800
Ðiện thoại qua dây kẽm gai còn giúp bà con làng quê nghe nhạc, đọc tin tức cuối tuần. Cứ nghe 5 tiếng reng là báo hiệu một gia đình nào đó có radio đóng vai trò tổng đài operator và bắt đầu phát tin tức, dự báo thời tiết, giá cả mùa màng, gia súc…cho mọi người nghe. Năm 1899 ở hạt Hidalgo, Arizona, 2 con bò giống đắt tiền bị tàu lửa cán chết khi chúng băng qua đường rầy. Công ty hỏa xa đã bồi thường bằng cách cho dùng hàng rào dọc đường rầy của công ty. Cư dân vùng đó đã vui với các tiếng điện thoại reo vang và nỗi cô quạnh được lấp đầy. Nhất là đối với các phụ nữ, khi vai trò của họ lúc ấy chỉ là nội trợ nhàm chán, quanh quẩn bên chuyện nhà cửa, nuôi con.
Nhờ điện thoại qua dây kẽm gai mà di dân định cư còn dùng nó như mạng intercom, thông báo cho nhau khi các thanh tra của chính phủ lái xe đến điều tra hay xử phạt chuyện gì. Hầu hết các trang trại xa xôi chỉ có 1 con đường duy nhất dẫn đến, thanh tra viên ngạc nhiên khi thấy các gia chủ đều ra đón trước cửa…
Ðiện thoại dù dần dà được dùng, nhưng vẫn còn mới mẻ và lắm phiền toái bởi người sử dụng, nhiều khi quên gác máy, các lớp trẻ thiếu niên mê đắm ngày đêm bên điện thoại chuyện trò vào thuở biết yêu (cũng như với smart phone hôm nay) nên đến năm 1946, công ty Bell và báo chí địa phương phải đăng các lời khuyên và etiquette như sau: Gọi cuộc gọi ngắn. Gọi cách khoảng cho người khác cần dùng. Nếu đường dây bận cúp máy nhẹ nhàng và gọi lại sau. Luôn ưu tiên cho các cuộc gọi khẩn cấp. Nên gọi vào lúc đường dây ít bận. Trả lời cuộc gọi kịp lúc và gác máy sau khi chấm dứt…
Một cửa hàng có switchboard làm trung chuyển cuộc gọi
Theo sau các đường hỏa xa, các cột dây thép, thì đến năm 1907 đã có hơn 18 ngàn tổ hợp Co-Ops trong 10 tiểu bang Trung Tây nước Mỹ, phục vụ cho 1.5 triệu gia đình nông thôn. Ðến cuối những năm 1930s thì mạng lưới hỏa xa, điện lực và công ty điện thoại Ma Bell (Viết tắt Mother Bell, sau này đổi tên là AT&T) đã lắp đặt mạng lưới điện thoại nhà (landline) toàn quốc. Chuyện các điện thoại nối qua dây kẽm gai đã đi vào quá khứ.
Như dấu tích phai tàn theo thời gian của các cột gỗ mục nát với các dây kẽm gai sét rỉ. Ðiện thoại quay tay, không có nút bấm, một loa nghe, một ống nói, treo trên vách tường hay để bàn như cây đèn cầy candle stick đã trở thành hoài niệm. Nhưng các điện thoại qua dây kẽm gai, không tốn lệ phí, không có đường dây riêng tư, nối vào nhau giữa các ngôi nhà, trang trại hẻo lánh trên khắp nước Mỹ bao la này chính là mạng xã hội Facebook, twitter, Minds… đầu tiên. Ðem con người đến gần nhau.
Trẻ em với điện thoại qua dây
Chuyện điện thoại qua dây kẽm gai này làm chúng ta nhớ lại trò chơi thời tiểu học: 2 đứa trẻ ngồi xa nói chuyện ê a, ù tai nhau qua sợi dây nối 2 lon sữa bò. Ðó là hình ảnh cái điện thoại của tuổi thơ nhất là ở nhà quê mà hầu như ai cũng từng chơi qua với khuôn mặt đầy rạng rỡ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.