Đây là giây phút quyết định. Sau những cuộc bầu cử sơ bộ, các buổi tranh luận, vô số các cuộc thăm dò, vận động tranh cử và bao nhiêu là suy đoán, cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ cuối cùng đã tới.
Ở một số tiểu bang, các cuộc đi bầu sớm đã diễn ra từ nhiều tuần này và số cử tri đi bầu đã vượt qua những con số kỷ lục trước đó cho những mùa không bầu tổng thống.
Tại thời điểm này, đảng Dân chủ đang lạc quan một cách thận trọng về cơ hội lấy lại một số quyền lực lập pháp. Nữ Dân biểu Nancy Pelosi tuyên bố là đảng của bà sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Một kết quả như vậy sẽ có ý nghĩa lập tức và quyết liệt cho khả năng thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của tổng thống, và sự giám sát của đảng Dân chủ với chính quyền của ông.
"Làn sóng giữa kỳ" - một chiến thắng lớn của cuộc bầu cử định hình lại bản đồ chính trị quốc gia - là một hiện tượng thường được lặp lại trong chính trị Mỹ.
Liệu đảng Cộng hòa ở Washington đang sắp bị một chiến thắng như vậy đè bẹp?
Làn sóng giữa kỳ là gì?
Cho mục đích của bài phân tích này, làn sóng giữa kỳ là sự kiện một đảng giành thêm được ít nhất 20 ghế trong Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Điều đó đã xảy ra 8 lần trong 70 năm qua, đặc biệt là vào năm 1994 (một làn sóng Cộng hòa chống lại Bill Clinton) và năm 2010 (làn sóng chống lại Barack Obama).
Hiện Đảng Cộng hòa đang chiếm gần như số ghế cao kỷ lục trong Hạ viện, 241 so với 194 của đảng Dân chủ.
Thượng viện có thể là nơi thân thiện hơn với đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ phải bảo vệ 10 ghế ở các tiểu bang mà ông Trump thắng năm 2016, nhưng bầu không khí chính trị năm nay khiến người ta cho rằng cơn bão bầu cử có thể đang từ từ kéo đến.
Đảng Dân chủ có những ngọn gió chính trị ở phía sau, nhưng những sự kiện - như cuộc chiến xác nhận Brett Kavanaugh làm thẩm phán của Tối cao Pháp viện - có khả năng làm rung chuyển mọi thứ.
Tình hình bây giờ ra sao?
Những thước đo - và các bài học lịch sử dưới đây - sẽ cho chúng ta manh mối.
1. Quỹ vận động tranh cử
Tiền làm nên thế giới chính trị.
Mức tiền đổ vào cho các ứng cử viên, đảng phái và nhóm độc lập là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của số phiếu sẽ có thể giành được từ nỗ lực quảng cáo, tổ chức, và kêu gọi người đi bầu.
Tiền cũng phản ánh sự nhiệt tình của khối ủng hộ tài chánh của mỗi bên.
Việc gây quỹ tranh cử đặc biệt liên quan chặt chẽ với mọi làn sóng bầu cử giữa kỳ trong 25 năm qua, là thời gian mà tầm quan trọng của tiền bạc tăng vọt trong các chiến dịch tranh cử.
Hồi 1994, tiền quyên góp từ cá nhân cho các ứng cử viên Hạ viện - bị giới hạn theo luật tài chính - nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Đảng này sau đó lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Hạ viện kể từ năm 1955.
Năm 2006, lợi thế gây quỹ và việc kiểm soát Hạ viện nghiêng về Đảng Dân chủ.
Bốn năm sau, đảng Cộng hòa lại quyên được nhiều tiền - và giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Trong năm 2014, họ đã chiếm được đa số lớn nhất, với 83 ghế, và giành luôn quyền kiểm soát Thượng viện.
"Trong những làn sóng bầu cử giữa kỳ, những vị dân cử lâu năm có thể bị mất lợi thế khi họ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh tài chính," ông Geoffrey Skelley thuộc Trung tâm Chính trị của Đại học Virginia cho biết.
Triển vọng 2018: Những khởi đầu có vẻ như là lợi thế gây quỹ đối với các ứng cử viên Dân chủ đã trở thành một thành quả đáng kinh ngạc.
Con số mới nhất cho thấy đảng Dân chủ quyên được số tiền cao hơn gấp đôi tiền đóng góp của các nhà tài trợ cá nhân đảng Cộng hòa.
Tính đến ngày 2/11, đảng Dân chủ đã quyên được 649 triệu đôla, so với "chỉ" 312 triệu đôla của đảng Cộng hòa.
Sự ủng hộ đảng Dân chủ một cách nhiệt tình được thể hiện bằng những hầu bao mở rộng - và một cơn sóng triều vĩ đại đang nâng cao tất cả các tàu bè của đảng Dân chủ.
Dẫu sao thì không phải đảng Cộng hòa chỉ có những viễn tượng u ám và thảm vọng.
Họ có rất nhiều nhà tài trợ giàu có đổ tiền cho những chi tiêu độc lập, và Đảng Cộng hòa thì đang dồn tiền vào các cuộc đua quan trọng trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, khi nói đến sự nhiệt tình của thường dân và các nhà tài trợ nhỏ, thì tất cả sự phấn khích rõ ràng đến từ cánh hữu. Chỉ trong vòng riêng một tháng qua, đảng Dân chủ đã nhấn ga vụt xe đi, để đảng Cộng hòa đứng sau một đám bụi mờ trời.
2. Mức ủng hộ tổng thống
Cuộc bầu cử giữa kỳ được cho là cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống đương nhiệm.
Khi tổng thống không được ưa chuộng lắm, cử tri trút sự thất vọng của họ lên những dân biểu cùng đảng với ông.
Nếu vị lãnh đạo quốc gia được lòng dân, đảng của ông được thưởng bằng lá phiếu (hoặc, ít nhất, không bị trừng phạt quá mức).
Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến của Gallup về mức ủng hộ tổng thống trong vòng 60 năm qua cho thấy xu hướng này.
Mỗi khi một tổng thống phải đối mặt với mức ủng hộ thấp trong tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ - Ronald Reagan năm 1982, Bill Clinton năm 1994, George Bush năm 2006 và Barack Obama năm 2010 và 2014 - thì lần đó đèn cho đảng của ông sẽ bị tắt tính theo lá phiếu vào tháng Mười Một.
Các trường hợp ngoại lệ cũng cho thấy nhiều điều thú vị.
Mức ủng hộ Tổng thống Gerald Ford được tăng thêm 24 điểm vào tháng 10/1974, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông - sau khi quyết định ân xá gây đầy tranh cãi cho Tổng thống Richard Nixon tháng trước - đã bị sụt hẳn đi, giảm 15 điểm trong ba tháng kế tiếp. Đảng Dân chủ đạt thêm được 48 ghế tại Hạ viện và 5 ghế tại Thượng viện - những người sau này được gọi là "thành phần Watergate" của Quốc hội.
Lyndon Johnson vào năm 1966 có mức ủng hộ vừa phải, nhưng tình hình bất an về chiến tranh Việt Nam và tình trạng bất ổn dân quyền, kết hợp với số dân biểu quá lớn của đảng của ông sau một chiến thắng lớn hai năm trước đó, khiến đảng Dân chủ ở vào vị trí bị lật.
Triển vọng 2018: Mức ủng hộ Tổng thống Donald Trump ổn định đáng kể, bất chấp việc nội các ông trong một năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ đã có nhiều xáo trộn. Ông không có nhiều thời gian "tuần trăng mật" sau khi đắc cử, vì vậy không có nhiều thay đổi đột ngột.
Vào cuối tháng Tám, mức ủng hộ đối với tổng thống là 40%. Vào đêm trước cuộc bầu cử giữa kỳ, mức này vẫn là… 40%
Đó không phải là một dấu hiệu tốt cho đảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump từng thách thức trọng lực chính trị trong quá khứ, nhưng sự không được lòng dân của ông có thể sẽ khiến cán cân trở nên bất lợi hơn cho đảng Cộng hòa vào tối thứ Ba.
3. Thăm dò dư luận tổng quát
Thăm dò này liên quan đến việc chỉ đơn giản yêu cầu mọi người cho biết là họ ủng hộ ứng viên của đảng nào trong cuộc bầu cử.
Có 435 cuộc đua vào Hạ viện trong mỗi cuộc bầu cử giữa kỳ, có nghĩa là có ít nhất 870 ứng cử viên từ hai đảng chính, cộng với một số ứng cử viên độc lập nổi bật và các chính trị gia bên thứ ba.
Mỗi cuộc đua có đặc điểm riêng, mọi cử tri đều có những lợi ích riêng cần bảo vệ, và mỗi ứng cử viên vào quốc hội có một bản sắc nhân khẩu học độc đáo như một dấu vân tay.
Do đó, dường như rất khó tin là có thể tiên đoán kết quả của tất cả các cuộc đua dựa vào thăm dò đơn giản hỏi là cử tri có ủng hộ một ứng cử viên vô danh của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, thăm dò tổng quát từng được chứng minh là một yếu tố dự báo chính xác đáng kể về triển vọng bầu cử giữa kỳ cho hai đảng chính.
Ông Alan Abramowitz, giáo sư khoa học chính trị tại Emory University, người đã phác thảo một mô hình dự đoán bầu cử phần lớn dựa vào kết quả của thăm dò tổng quát, nhận định:
"Tôi xem nó như một thước đo về tâm trạng chính trị của giới cử tri."
Vào năm 1958, 1982 và 2006, kết quả thăm dò chung nghiêng về đảng Dân chủ đã bùng nổ trước các chiến thắng của đảng này trong ngày bầu cử.
Khi các làn sóng của đảng Cộng hòa năm 1994, 2010 và 2014 quét qua, lợi thế của đảng Dân chủ bị thu hẹp xuống dưới 10 ghế, hoặc thậm chí, đôi khi biến mất hoàn toàn.
Năm nay, ông Abramowitz nói, điểm nghiêng về sự giành kiểm soát Hạ viện của đảng Dân chủ nằm xung quanh một lợi thế bảy điểm của thăm dò tổng quát. Một lợi thế lớn hơn thế nữa, thì làn sóng có thể thấy được ở trên đường chân trời.
Triển vọng 2018: Thăm dò tổng quát của đảng Dân chủ đã thay đổi trong suốt năm qua.
Vào cuối mùa xuân, lợi thế này thu hẹp đến mức có vẻ đảng Cộng hòa đã ở trong tình trạng tuyệt vời, sẵn sàng bước vào tháng 11.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 9, đảng Dân chủ dẫn điểm với mức vượt trên Cộng hòa tới gần đạt mức 10 điểm. Lợi thế đó hiện đang thu hẹp một chút, nhưng biên độ tám điểm hiện tại nằm trong khu vực tiên đoán là sẽ có làn sóng xanh, dù đây có thể không phải là một cơn sóng thần.
4. Kinh tế
Donald Trump và các cộng sự của ông đang thúc đẩy các con số kinh tế tích cực và lấy đó làm lý do để chứng minh rằng họ xứng đáng được thêm hai năm kiểm soát hoàn toàn kiểm soát chính quyền tại Washington.
Tuy nhiên, xét theo lịch sử, một nền kinh tế đang phát triển không đảm bảo thành công cho đảng của tổng thống.
Năm 1994, khi đảng Dân chủ cầm quyền phải nhượng lại Quốc hội, nền kinh tế đã phát triển hơn 4%, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao hơn một chút so với mức hiện tại, ở mức 5,8%.
Trong những năm sóng khác, 2006 và 2014, nền kinh tế cũng không xấu.
Ngược lại, một nền kinh tế thảm hại có thể sẽ là một bản án tử hình cho triển vọng giữa kỳ của đảng đương nhiệm.
Năm 1958, đảng Cộng hòa trong Quốc hội phải đối mặt với một cuộc tắm máu phần lớn là do suy thoái kinh tế năm đó, trong đó bao gồm việc GDP bị thu hẹp -10% trong quý đầu tiên.
Tăng trưởng âm trong năm 1974 và 1982 cũng có thể đã góp phần khiến cho đảng Cộng hòa mất ghế trong những năm qua.
"Bạn muốn có một nền kinh tế mạnh hơn là một nền kinh tế tồi tệ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thoát khỏi sự phẫn nộ của cử tri," Abramowitz nói.
Triển vọng 2018: Mức tăng trưởng của tổng sản lượng quốc gia trong quý ba giảm một chút, sau khi quý II đạt 4,2%. Kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 49 năm và các dấu hiệu tăng lương, tuy nhiên, chắc chắn là các con số kinh tế tốt.
Ông Trump đã quyết định dùng việc kiểm soát nhập cư là lập luận cuối cùng của ông với cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ - trước sự thất kinh của một số dân cử đảng Cộng hòa, những người vốn chỉ muốn ông tập trung vào nền kinh tế mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ lịch sử, tổng thống có thể đã đúng khi đi tìm kiếm một vấn đề khác để cổ động, vì chỉ kinh tế phát triển không chưa đảm bảo cho một bầu cử giữa kỳ thành công.
5. Chính trị gia về hưu
Hãy bỏ các kết quả thăm dò ý kiến, cũng như số liệu kinh tế và các chuyên gia phân tích qua một bên.
Ai bắt được nhịp đập của khí hậu chính trị tốt nhất? Có lẽ chính là các chính trị gia!
Họ là những người có tên trên lá phiếu, và họ là những người có thể bị mất việc nếu bị làn sóng cuốn trôi đi.
Đối mặt với viễn cảnh bị ngượng ngùng khi thất cử, một số chính trị gia có thể lựa chọn con đường nghỉ hưu sớm hoặc đi trước đồng nghiệp trong việc tìm kiếm việc làm khác sau khi hết nhiệm kỳ.
Một cái nhìn về xu hướng hưu trí hiện đại cho thấy một hình ảnh hỗn hợp. Các số liệu về hưu vào năm 2010 đã cho thấy ít dấu hiệu của cuộc tàn sát cho đảng của ông Obama.
Tuy nhiên, vào năm 1994, một sự bùng nổ của các dân biểu đảng Dân chủ về hưu có thể đã làm lu mờ những thắng lợi lớn của đảng Cộng hòa vào mùa thu đó.
Triển vọng 2018: Nếu những vụ nghỉ hưu năm 1994 là một dấu hiệu u ám cho đảng Dân chủ, thì con số những người về hưu năm 2018 có thể gây rắc rối cho đảng Cộng hòa.
Một số ghế ủy ban chủ chốt và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã tham gia danh sách kỷ lục hiện đại cho số người nghỉ hưu từ đảng hiện đang nắm đa số - một dấu hiệu cho biết họ nghĩ rằng đảng Cộng hòa có thể không còn giữ được đa số bao lâu nữa.
Một số dân cử đương nhiệm - cả ở phe tả lẫn phe hữu - cũng bị buộc phải nghỉ hưu, vì họ đã thất cử trong các cuộc tranh cử sơ bộ.
Đó có thể là một dấu hiệu khác của một tâm trạng chống tổng thống đương nhiệm của cử tri. Vì hiện có nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa đang tranh cử hơn đảng Dân chủ, ̣điều này có thể giúp thúc đẩy sự thay đổi quyền lực tại Washington.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.