Một nhóm các nghệ sĩ đang đưa âm thanh trở lại với bức tường Bắc Sơn Bá Âm Thành, gần 30 năm sau khi nơi này bị bỏ hoang
Vào một chiều hè rực nắng, nhóm 30 người xếp hàng đi vào bên trong tháp bê tông bí ẩn trên hòn đảo nhỏ ngoài khơi Đài Loan.
Họ không phải là các du khách hiếu kỳ vào tham quan toà nhà ba tầng được làm từ 48 chiếc loa phóng thanh cỡ lớn.
Thật ra, họ tới để biểu diễn nghệ thuật - các thành viên của ca đoàn địa phương lần lượt hát trước chiếc microphone đặt bên trong toà tháp - đây là một phần của buổi trình diễn được thực hiện tại nơi từng là hiện thân cho sức mạnh âm thanh.
Bắc Sơn Bá Âm Thành (Beishan Broadcast Wall) là một bức tường gắn các loa phóng thanh cỡ lớn, nằm trên một trong các hòn đảo thuộc quần đảo Kim Môn (Kinmen) của Đài Loan, chỉ cách thị xã Hạ Môn (Xiamen) của Trung cộng có 2km.
Được xây vào năm 1967, bức tường còn là cứ điểm quân sự chiến lược, giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến âm thanh giữa hai bên eo biển.
Đây là nơi Đài Loan dùng để phát đi những thông tin tuyên truyền chống cộng sang đất Trung cộng.
Gần ba thập niên sau khi toà tháp ngừng hoạt động, một nhóm các nghệ sĩ từ Berlin và Đài Loan đang biến địa điểm lịch sử bị quên lãng này thành một sân khấu nghệ thuật thử nghiệm. Họ muốn tìm hiểu về 'lãnh thổ' không theo ý nghĩa quy ước thông thường.
"Cách duy nhất để thổi hồn vào các địa điểm bị quên lãng là phải làm chúng sống lại bằng những hình thức sáng tạo, thông qua nghệ thuật và âm nhạc," Augustin Maurs, nghệ sĩ đến từ Berlin, tác giả của dự án biểu diễn nghệ thuật âm thanh Sonic Territories, nói.
Là một nghệ sĩ chơi đàn cello được đào tạo bài bản, Maurs từng làm việc trong các dự án nhằm tái khái niệm hoá sân khấu âm nhạc và âm thanh truyền thống, trong đó có một buổi hoà nhạc với các nghệ sĩ hình ảnh của dàn nhạc giao hưởng Berlin's Phiharmonie hồi 2013.
Hồi một năm trước, anh tình cờ nhìn được những tấm ảnh chụp bức tường Beishan Broadcast Wall, và đã rất ấn tượng với cấu trúc cùng tính lịch sử của toà tháp vốn làm từ 48 loa phóng thanh cỡ lớn.
Sức mạnh chết người của âm thanh
Chương trình biểu diễn nghệ thuật được thực hiện vào dịp kỷ niệm 60 năm cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ hai, là sự kiện Trung cộng nã pháo vào quần đảo Kim Môn
Biến âm thanh thành vũ khí không phải là điều gì sáng tạo, mới mẻ trong thế giới hiện đại ngày nay.
Từ nội dung mô tả trong Kinh Thánh về Chiến trường Jericho, nơi các tu sĩ Israel thổi tù và làm từ sừng cừu đực hồi 3.500 năm trước, cho tới các cuộc xung đột giữa Nam-Bắc Hàn, âm thanh đã được dùng làm thứ vũ khí chết người bên cạnh những tên lửa, súng đạn. Nó có sức mạnh quấy rối và khiến kẻ thù hoang mang. Nó cũng gây thương tích.
Quần đảo Kim Môn, thực thể tạo thành vành ngoài của hạt Kim Môn của Đài Loan, là nơi diễn ra trận Kim Môn đăng lục chiến (hay còn gọi là Chiến dịch Cổ Ninh Đầu) trong cuộc Nội chiến Trung Hoa hồi 1949.
Đây là chiến trường hình thành nên tình thế hiện thời giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan, khi phe cộng sản không đánh bại được Quốc Dân Đảng và không chiếm được Đài Loan.
Trong các thập niên sau đó, cho tới tận hồi những năm 1990, bốn trạm phát thanh đã được xây dựng tại Quần đảo Kim Môn để phát đi các thông điệp tuyên truyền và âm nhạc vào Trung Hoa lục địa.
Âm thanh phát ra từ trạm Bắc Sơn có thể vang xa tới 25km.
Bức tường Bắc Sơn là một trong bốn trạm phát thanh được xây dựng trên quần đảo Kim Môn, nhằm tấn công Trung cộng bằng các thông điệp tuyên truyền
Trong số những thông điệp nổi tiếng nhất có phần thông điệp của cố ca sĩ Đài Loan Đặng Lệ Quân (Teresa Teng). Người ta đồn rằng cựu lãnh đạo Trung cộng Đặng Tiểu Bình rất yêu thích nữ ca sĩ này.
Một số bài hát nổi tiếng của cô, như Tian Mi Mi (Rất ngọt ngào), đã được phát đi. Cô cũng từng trực tiếp tới bức tường phát thanh để nói chuyện với Trung Hoa lục địa thông qua hệ thống phát thanh theo cách thức truyền thống.
Khi đó, cô nói với người dân bên kia eo biển rằng cô chờ họ tới thăm Kim Môn, và tự do là niềm hy vọng duy nhất cho tương lai đất nước họ.
Những thông điệp này hiện vẫn còn được phát đi, nhưng ở mức âm thanh nhỏ hơn nhiều, cho các du khách đi theo tour du lịch tới thăm Quần đảo Kim Môn.
Từ chiến tranh âm thanh tới nghệ thuật âm thanh
Sonic Territories, chương trình biểu diễn gồm bốn phần âm thanh và âm nhạc, do Maurs và ba nghệ sĩ nữa từ Đài Loan - Dương Khải Đình (Ada Yang Kai-ting), Trương Hạ Phỉ (Chang Hsia-fei) and Vương Phúc Thụy (Wang Fu-jui) - thực hiện.
Đây là dự án nghệ thuật đương đại đầu tiên diễn ra tại Beishan Broadcast Wall, lấy cảm hứng từ lịch sử hòn đảo và âm thanh.
Dương Khải Đình đưa các ca sĩ trẻ từ Đài Bắc tới Kim Môn để biểu diễn nhạc cổ điển vốn từng có thời bị cấm nghe tại Đài Loan
"So với các tác phẩm nghệ thuật bằng hình ảnh, thì âm thanh đem tới cho chúng tôi thêm một cung bậc tưởng tượng nữa, bởi người nghe sẽ phải hình dung ra những gì được vẽ nên bằng lời kể qua âm nhạc," Dương, người đi lại giữa Đức và Đài Loan nói.
Cô mang các ca sĩ trẻ từ Đài Loan tới Kim Môn để biểu diễn các tác phẩm kinh điển vốn từng một thời bị cấm tại Đài Loan trong thời gian nơi này áp lệnh thiết quân luật, từ 1949 đến 1987, trong đó có bài When Will You Return (Khi nào anh sẽ trở lại - 1978) của Đặng Lệ Quân, bản cover ca khúc hồi 1938 của nữ ca sĩ người Trung cộng Châu Tuyền (Zhou Xuan).
Trong số các bài nổi tiếng còn có Thời gian bị lãng quên (Forgotten Time) của Sái Cầm (Tsai Chin, 1979), và Tựa như sự dịu dàng của em (Just Like Your Tenderness, 1979), được Đặng Lệ Quân hát lại vào năm 1981, cũng nằm trong danh sách các ca khúc được phát đi.
Âm nhạc mà cô chọn để trình diễn gồm các giai điệu dễ chịu và phần biểu diễn của cô chỉ kéo dài 20 phút, hoàn toàn tương phản với những gì được phát đi ở cùng nơi đó thời gian trước. Các chương trình phát thanh trước đó khiến người dân cảm giác như bị chấn thương, nhất là với những ai sống trên quần đảo.
"Thời đó, những âm thanh ồn tới điếc tai phát đi từ bức tường đó cứ vang dội không ngừng nghỉ," Dương, người thu thập những kỷ niệm của người dân đảo để phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình, nói.
Người dân bị chìm trong thứ âm thanh ồn ã đó mà không cách gì thoát ra được, cô nói. "Cuộc chiến âm thanh là một trận chiến dài lâu, tra tấn thần kinh con người. Phải có niềm tin mạnh mẽ vào những giá trị mà mình đang đấu tranh cho thì người ta mới có thể chiến đấu được."
Trương biểu diễn các ca khúc từng được chơi cho các binh lính, và di chuyển từ bên trong toà tháp ra bãi cỏ bên ngoài
Trương cũng chơi nhạc theo chủ đề của Đặng Lệ Quân và hát karaoke các bài dành cho lính của các nữ ca sĩ như Dietrich và Đặng.
Mặc bộ xường xám, Trương đầu tiên hát vào microphone đặt bên trong tòa tháp phát thanh.
Giai điệu rất lớn, ồn dịu dần xuống và cô tiếp tục ngồi trên cỏ bên ngoài tòa tháp, hát với chiếc đàn ukulele cho khán giả nghe.
Tuy nhiên, sự giao lưu với người dân địa phương trong buổi trình diễn chỉ là một cầu nối mờ nhạt, nối giới trẻ Đài Loan với lịch sử.
"Với tôi, Kim Môn là một địa điểm điên loạn. Chúng tôi tới thăm quần đảo bởi đó là một bảo tàng lịch sử, là một cái tủ chứa đựng đầy những điều gây tò mò. Mọi người vẫn sống trong một kỷ nguyên khác, và giới trẻ Đài Loan không thể tưởng tượng được là họ cảm thấy thế nào khi sống dưới sự khủng bố và độc tài," Trương nói.
Wang có cách tiếp cận âm nhạc khác. Là người đi tiên phong trong nghệ thuật âm thanh ở Đài Loan, Vương đưa thứ âm thanh điện tử thử nghiệm vào, biến những âm điệu mã Morse thành những nhịp điệu âm nhạc, tạo thành thứ âm thanh như thôi miên.
Âm thanh đó khiến Linh Mã Đằng (Ling Ma-teng), người từng nhập ngũ trong thời chiến và là tác giả của năm cuốn sách về lịch sử Kim Môn, nhớ lại cuộc sống khó khăn trên quần đảo trong thời chiến tranh âm thanh.
Ngoài những âm thanh phát ra từ Beishan Broadcast Wall thì phía Cộng sản cũng đáp trả bằng thứ chiến thuật tương tự.
"Chúng ầm ào như sấm," người đàn ông 75 tuổi nói. "Chúng tôi bật nhạc, bật nhạc không ngừng nghỉ, và nó trở thành thứ âm thanh ồn ã. Nó khiến chúng tôi suy kiệt tinh thần."
Âm thanh im lặng
Sự yên lặng là một điều xa xỉ trên quần đảo này, và nó trở thành phần tâm điểm trong đoạn trình diễn của Maurs, Cho những chiếc loa phóng thanh tuyên truyền (For Propaganda Loudspeakers), và Những giọng ca (Singing Voices).
30 thành viên của ca đoàn hạt Kim Môn do người dân địa phương thành lập đứng xếp hàng để đi vào trong tháp, hát các trích đoạn về sự im lặng và câm nín vào chiếc micro duy nhất đặt trong bức tường.
Những trích đoạn này được soạn từ các nguồn khác nhau, từ "Tôi không có gì để nói và tôi nói ra điều đó" ("I have nothing to say and I'm saying it") của John Cage cho tới "sáu phút hai mươi giây" ("six minutes and 20 seconds"), nhằm ám chỉ bài diễn thuyết của nhà hoạt động tuổi teen người Mỹ, người cổ suý cho việc kiểm soát sử dụng súng, Emma Gonzalez. Cô đã phát biểu trong cuộc Tuần hành Vì Cuộc sống của Chúng ta (March For Our Lives) do giới sinh viên dẫn đầu hồi tháng Ba, sau vụ nổ súng nơi học đường ở Parkland, Florida, Hoa Kỳ.
Ca đoàn 30 thành viên đã ghi âm từng giọng nói riêng lẻ vào chiếc micro duy nhất có trong cấu trúc bê tông này
Trong buổi trình diễn, gồm 30 trích đoạn được hát bằng tiếng Trung, các thành viên ca đoàn được yêu cầu biểu diễn ngẫu hứng, tự tạo ra cách diễn giải riêng của mình bằng âm nhạc đối với các nội dung trích dẫn đó.
"Gần như là giống với một buổi nghi lễ," Maurs nói. "Trong phần tập dượt đầu tiên, các thành viên ca đoàn rất tò mò về mục đích của chúng tôi, bởi bức tường phóng thanh thì rất gần với Trung Hoa lục địa. Sau khi hiểu rõ hơn về dự án thì họ thấy rất thoải mái khi trình diễn như vậy. Nó biến thành một sự kiện sinh hoạt cộng đồng. Phần trình diễn này là dành tặng cho họ."
Tuy buổi biển diễn tại bức tường Beishan Broadcast Wall chỉ được tổ chức có một lần, nhưng Maurs tiếp tục thử nghiệm tại châu Á, trong sự kiện Busan Biennale vốn được tổ chức hai năm một lần, năm nay sẽ kéo dài đến 11/11/201. Anh dựng một bức tường bằng loa phóng thanh, lấy cảm hứng từ Beishan Broadcast Wall.
Hai màn trình diễn của người Hàn tại địa phương được thực hiện trong lễ khai mạc Busan Biennale ở Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan, và ghi lại những trích đoạn về sự im lặng bằng tiếng Hàn, được phát đi phát lại.
Phần tác phẩm của Maurs cũng là âm hưởng cuộc chiến âm thanh dai dẳng giữa Nam và Bắc Hàn, khi mà những bức tường gắn loa phóng thanh phát đi những thông điệp tuyên truyền và các ca khúc K-pop từ Khu Phi quân sự (DMZ) hướng sang đất Bắc Hàn cho tới tận 4/2018, khi các loa được dỡ bỏ.
Maurs nói sự im lặng là một cách để né tránh chính trị; nhưng đồng thời nó cũng có thể là một thái độ mang đầy màu sắc chinsh trị.
"Thay vì nói điều gì đó thật uyên thâm thì việc này nhằm nói về ước vọng được im lặng," anh nói.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.