Những nhận định kiểu như “Chiến tranh thương mại cả hai đều thua” đã trở nên nhàm chán, và càng trở nên vô nghĩa dưới thời Donald Trump. Thắng ở chỗ đối phương không ngờ, thua ở chỗ chủ quan. Những đòn đánh “phá vỡ qui luật” của Trump khiến Trung cộng choáng váng. EU và một số quốc gia khác cũng bị Trump ra đòn trước khi đi đến một cái bắt tay hay một sự thỏa thuận mới có lợi cho nước Mỹ.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung cộng quá tham vọng và khoa trương. Tham vọng của Trung cộng thể hiện qua kế hạch “made in China 2025” và kế hoạch “một vành đai, một con đường”. Hai kế hoạch lớn này tiêu tốn của Trung cộng hàng nghìn tỷ USD và có nguy cơ thất bại hoàn toàn dưới những đòn đánh chí tử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong 15 năm qua, Trung cộng đã có chiến lược đối phó Mỹ nhưng không may, những chiến lược đối phó đã phản tác dụng và trở thành “gậy ông đập lưng ông”. Có thể kể 3 chiến lược của Trung cộng đã và đang bị Mỹ bẻ gãy: Tích trữ vàng, thu gom trái phiếu Mỹ, ăn cắp công nghệ để sản xuất hàng xuất khẩu nhất là ngành hàng điện tử.
Trung cộng tích trữ vàng
Trung cộng là quốc gia nhập khẩu vàng lớn, không những cho nhu cầu tiêu dùng mà còn nhằm dữ trữ. Trước khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, trong giai đoạn 2010-2015, TC nhập khẩu vàng ồ ạt, cuối tháng 6/2015 dữ trữ vàng của chính phủ TC đã lên đến 1.658 tấn. Đặc biệt trong 3 năm 2011-2012-2013 Trung cộng đã nhập trên dưới 2.500 tấn vàng với giá cao ngất ngưỡng từ 1.400 - 1.850 USD/ounce.
Tích trữ vàng số lượng lớn là tính toán sai lầm của Trung cộng, do TC căn cứ vào lý thuyết kinh tế cho rằng khi xảy ra CTTM thì giá vàng sẽ tăng. Nhưng điều TC không ngờ trên thực tế là khi Mỹ khai mào CTTM vào tháng 6/2018 thì giá vàng tụt dốc nhanh chóng, đến tháng 9/2018 giá vàng quanh quẩn 1.200USD/ounce so với mức 1.300USD/ounce tại thời điểm trước khi xảy ra CTTM.
Các chuyên gia đều dự đoán giá vàng tăng nhưng thực tế giá vàng giảm sâu
Không chỉ TC sai lầm vì tích trữ vàng, Nga cũng bị sai lầm tương tự. Nghịch lý, cho đến tháng 3/2018 có đến 99% các chuyên gia trên thế giới dự đoán sai giá vàng, họ cho rằng giá vàng thế giới sẽ tăng khi nổ ra CTTM, thực tế ngược lại hoàn toàn.
Trung cộng mua trái phiếu chính phủ Mỹ
Hiện nay, Trung cộng nắm giữ khoảng 1.180 tỷ USD TPCP Mỹ. Nhiều người cho rằng TC có thể bán tháo lượng trái phiếu khổng lồ của Mỹ để chống lại Donald Trump. Ý kiến này không đúng, vì nếu TC bán TPCP Mỹ thời điểm này sẽ bị lỗ nặng do lãi suất TPCP Mỹ đang rất cao so với lúc TC mua vào.
Trung cộng ăn cắp công nghệ hàng điện tử
Trung cộng phát triển mạnh các tập đoàn điện tử bằng cách làm hàng nhái và ăn cắp công nghệ. Hàng điện tử TC giá rẻ tung hoành thao túng thị trường thế giới và là mặt hàng “mũi nhọn” trong kế hoạch “made in China 2025”. Donald Trump đã thẳng tay áp thuế hầu hết các sản phẩm thuộc ngành hàng điện tử của TC nhập khẩu vào Mỹ khiến nhiều tập đoàn điêu đứng. Ngoài biện pháp thuế quan, Trump còn áp dụng biện pháp trừng trị khác như cấm các công ty Mỹ không được phép bán phần mềm và linh kiện cho ZTE trong 7 năm. ZTE đã phải nộp phạt 1 tỷ USD để được nới lỏng lệnh trừng phạt.
Trung cộng tổn thất CTTM nhiều hơn dự tính
Trong tháng đầu tiên của cuộc CTTM, thị trường chứng khoán Trung cộng bốc hơi 10% tương đương 600 tỷ USD. Đồng nhân dân tệ giảm giá 8% so với USD gây nên một cơn chấn động khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung cộng.
Trung cộng loay hoay đỡ đòn, biện pháp áp thuế trả đũa được thực thi nhưng TC bị hụt hơi nếu Trump tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa TC bởi vì chênh lệch Xuất-Nhập khẩu TC vào thị trường Mỹ lên đến hơn 350 tỷ USD!
Như vậy, cái lợi cho nước Mỹ là vừa thu được thêm hàng chục tỷ USD tiền thuế nhập khẩu từ TC vừa phá vỡ kế hoạch “made in China 2025”, giúp các tập đoàn điện tử viễn thông và công nghệ Mỹ giữ vững ngôi vị số 1 thế giới.
Mảnh hổ địch quần hồ
Con hổ Donald Trump không chỉ khai mào CTTM với TC mà còn đối đầu với hàng loạt quốc gia khác để phục vụ cho khẩu hiệu “Make America Great Again”. Có thể kể ra:
* Tháng 5/2018, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và trở lại cấm vận Iran. Những tưởng Iran sẽ đáp trả thích đáng và tạo ra sự nguy hiểm cho Trung Đông, nhưng có vẻ Trump là người hiểu rõ hơn hết sức mạnh của Mỹ và khả năng Teharan tới đâu.
* Trừng phạt Nga: Mặc dù Trump muốn có quan hệ tốt với Putin, nhưng dưới áp lực của các nghị sĩ trong tại quốc hội, các thành viên trong nội các và của EU, Trump phải đặt bút ký lệnh trừng phạt Nga vào cuối tháng 8/2018
* Áp thuế nhôm, thép của Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 10/8, nhằm đáp trả vụ việc Ankara bắt giam mục sư Mỹ Andrew Brunson, Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ lên tương ứng là 20% và 50% khiến cho đồng LIRA của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 20% trong vòng 48 giờ! May mắn thay, ngày 16/8 Quata tuyên bố rót 15 tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ giúp đồng LIRA hồi phục.
* Tăng thuế một số hàng hóa của EU, Canada, Mexico, Nhật và một số quốc gia khác: Tuy thuế suất và giá trị hàng hóa bị đánh thuế không lớn như đánh thuế hàng TC, nhưng hành động tăng thuế của Trump cũng đủ làm căng thẳng các bên và Mỹ phải chịu sự đáp trả.
Từ khi đắc cử tổng thống, Trump luôn bị phe đối lập công kích dữ dội, không chỉ thế, nhiều người phe Cộng Hòa cũng lên tiếng chỉ trích ông. Làn sóng phản đối Trump lên cao trong tháng 9, khi gần tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, kế hoạch luận tội và lật đổ Tổng thống Trump cũng được đối thủ tiến hành ráo riết.
Mặc dù phải đối đầu với “thù trong giặc ngoài” nhưng Trump vẫn mạnh mẽ, khó lường và chủ động với quyết tâm “make America Great Again”, đối tượng Trump phục vụ là công nhân và công ty Mỹ với mục tiêu trước mắt là tăng trưởng kinh tế cao, thất nghiệp thấp và TTCK tốt.
Một Tổng thống Mỹ khác biệt
Công kích báo giới là điều mà hầu hết các tổng thống và chính khách né tránh, nhưng với Trump thì khác, Trump đáp trả các hãng truyền thông vốn cổ xúy cho ứng cử viên đảng dân chủ Hillary Clinton. Không dừng lại ở cuộc bầu cử tổng thống, Trump bị các hãng truyền thông lớn thường xuyên bủa vây, và Trump đã sử dụng ngôn từ không cần kiềm chế để ăn miếng trả miếng, Trump viết: “tin tức giả mạo và truyền thông giả dối”. Nhiều lần Trump chỉ trích báo giới đưa “tin vịt, tin giả”, thẳng thừng tấn công trực diện CNN và NBC. Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May, Trump từ chối trả lời các câu hỏi của CNN bằng câu nói thật xốc: “Tôi không nhận câu hỏi từ CNN, toàn tin tức giả mạo”.
Nói “không” với báo chí, Trump sử dụng mạng xã hội Twitter với hơn 30 triệu người theo dõi. Ngôn ngữ Trump không chỉnh chu như đa số trí thức, do vậy phía đối lập cáo buộc Trump ăn nói thô tục. Nhưng điều cốt lõi khiến Trump bị Obama, George W. Bush, John McCain và đông đảo các nghị sĩ chống lại là vì Trump phá vỡ mọi chuẩn mực, phá vỡ mọi nguyên tắc xử sự và phá vỡ cả các giá trị quan hệ quốc tế mà nhiều quốc gia kể cả Mỹ trước đây đã dày công xây dựng. Không chỉ trong nước Mỹ mà cả kết cấu quốc tế cũng bị Trump thay đổi, có thể kể ra: Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ rút khỏi thỏa thuận đàm phán TPP, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ, Mỹ ép các quốc gia thành viên chia sẽ thêm chi phí cho NATO, Mỹ ngừng tài trợ an ninh cho Pakistan, Mỹ đe dọa rút khỏi WTO…
Có thể thấy, Trump không thích đàm phán đa phương, thay vào đó là đàm phán song phương. Trump không thích “đàm mà không đánh”, thay vào đó là đánh trước đàm sau hoặc vừa đánh vừa đàm để tận dụng sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới. Điển hình nhất là trong vấn đề giải trừ hạt nhân Triều Tiên, các đời tổng thống trước dễ dàng chấp nhận đàm phán đa phương để rồi sau đó Triều Tiên vẫn tiến hành phát triển hạt nhân và thỉnh thoảng lại dùng hạt nhân gây áp lực để xin viện trợ nhu yếu phẩm. Trump đã vây hãm Triều Tiên bằng hành động dồn ép đến đường cùng để Kim Jong Un phải chấp nhận giải trừ hạt nhân sau các cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Triều, Hàn – Triều và Mỹ - Triều. Tuyên bố chung Mỹ - Triều là một thắng lợi không những cho hai bên mà cho cả hòa bình thế giới.
Liên quan vấn đề Syria, người ta ngạc nhiên khi Mỹ bất ngờ đánh thuế nhôm thép Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc tình hình Syria sôi sục và phớt lờ cuộc gặp 3 bên Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người bảo như vậy Mỹ sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về Phía liên minh Nga – Iran, nhưng có lẽ Trump đã đoán trước được cuộc gặp 3 bên sẽ không có kết quả và Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đứng về phía Mỹ để tránh làn sóng tị nạn tiếp diễn bởi vì đã có 3 triệu người Syria hiện đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc CTTM Mỹ - Trung, Trump không những làm cho TTCK Trung cộng lao dốc mà còn làm cho thị trường ngoại hối thế giới chao đảo, mỗi quyết định hay chỉ đạo của Trump đều làm cho thị trường ngoại hối thế giới biến động mạnh. Điều đặc biệt ở Trump là ông có thể làm tỷ giá một cặp tiền tệ đảo chiều tức khắc chỉ bằng một câu phát biểu hoặc một dòng trạng thái trên Twitter.
Ví dụ: Trump cáo buộc EU phá giá tiền tệ khiến ngay lập tức cặp tiền tệ EUR/USD tăng giá, hoặc sau đó Trump bảo “đề nghị không đánh ô tô của EU không đủ tốt” khiến ngay lập tức cặp tiền tệ EUR/USD lao dốc…Nếu ai nghiên cứu Forex mỗi ngày sẽ thấy Trump có thể “điều tiết” xu hướng ngắn hạn của tỷ giá chỉ bằng “nước bọt” trong tíc tắc, không ít trader ôm hận vì đang lãi đậm bỗng cháy tài khoản chỉ trong vài giờ!
Chủ động và chiến thắng
Chiến tranh thương mại với TC là cuộc chiến lớn, được Trump tuyên bố ngay khi tranh cử tổng thống, là một vấn đề quan trọng không nằm ngoài mục đích “Make America Great Again”. Để bắt đầu cuộc chiến, cần có một nền kinh tế và tài chính vững chắc, nghĩa là cần tốc độ tăng trưởng GDP phải cao và ngân sách phải đủ mạnh, thêm vào đó là TTCK phải tốt. Vì vậy, Trump đã chuẩn bị cho cuộc chiến này ngay những tháng đầu tiên sau khi đắc cử, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra, kể cả Trung cộng. Những việc cụ thể có thể kể ra đó là: Trump ký thỏa thuận bán vũ khí cho Quata với hợp đồng 12 tỷ USD, bán vũ khí cho Arab Saudi với hợp đồng 110 tỷ USD, cắt giảm chi phí tài trợ cho biến đổi khí hậu, cắt giảm chi phí tài trợ cho NATO, rút quân khỏi Syria, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ, củng cố quốc phòng nhất là lực lượng hải quân HKMH hùng mạnh vô đối.
Trump đã có một năm rưỡi chuẩn bị và ông chính thức khai mào cuộc chiến tranh thương mại với Trung cộng ngay sau khi tạm xử lý xong vấn đề hạt nhân của Triều bằng tuyên bố Mỹ - Triều ngày 12/6/2018.
Dưới giác độ kinh tế vĩ mô, Trump thực hiện chính sách mở rộng tài khóa để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp.
Chính sách mở rộng tài khóa làm giảm thu và tăng chi ngân sách, để bù vào khoản thâm hụt ngân sách này, Trump đánh thuế cao hàng nhập khẩu mà chủ yếu là hàng hóa Trung cộng. Đến thời điểm ngày 15/9/2018, Trump đã thực hiện đánh thuế 50 tỷ USD hàng TC, ra lệnh đánh tiếp 260 tỷ USD và chuẩn bị cho 267 tỷ USD cuối cùng. Như vậy, khả năng Trump sẽ tăng thuế toàn bộ hàng nhập khẩu Trung cộng với thuế suất từ 10-25%.
Song song với chính sách thuế quan hàng nhập khẩu, Trump kêu gọi các tập đoàn viễn thông, các tập đoàn điện tử, các tập đoàn công nghệ rút vốn đầu tư ở nước ngoài về xây dựng nhà máy trên đất Mỹ nhằm tạo việc làm cho công nhân Mỹ.
Một câu hỏi đặt ra cho nước Mỹ là sau khi đánh thuế trên 500 tỷ USD hàng hóa Trung cộng một thời gian, nhỡ kinh tế Mỹ suy thoái kèm theo thị trường tiền tệ bất lợi thì Trump lấy “vũ khí” gì để đối phó? Câu trả lời là khi ấy chính sách tiền tệ sẽ phát huy tác dụng, Cục dự trữ liên bang sẽ giảm lãi suất để kích thích đầu tư, chống lại đà suy giảm tăng trưởng. Kinh tế Mỹ sẽ đảm bảo bình an trong suốt cuộc chiến.
Như vậy, Trump đã có những bước đi có cơ sở chứ không phải hành động theo ngẫu hứng. Sau 3 tháng diễn ra cuộc chiến thương mại, Trump tự tin với chiến thắng bước đầu vì đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cao, thất nghiệp thấp và các chỉ số kinh tế đều ổn. Trump cần chiến thắng những bước tiếp theo để hoàn thành sứ mệnh “Make America Great Again” mà thượng đế và nhân dân Mỹ giao phó.
Nước Mỹ sẽ quay lại những chuẩn mực, những giá trị quốc tế nhưng với vị thế khác, vị thế của nước Mỹ vĩ đại mà Tổng thống Donald Trump là người có công chỉnh sửa cấu trúc giúp Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về công nghệ, kinh tế và quân sự trong hiện tại cũng như tương lai.
Nguyễn Thiện Nhân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.