Là một xã hội, chúng ta phải ghi nhớ di sản văn hóa của mình để phát triển và phồn thịnh. Theo câu nói nổi tiếng của ông Matthew Arnold thì, một nền giáo dục chân chính phần lớn là làm quen và lưu giữ trong mình “những điều tốt đẹp nhất từng được nghĩ và nói.” Trẻ em cũng như người lớn đều nên được định hình bằng những gì đã đi trước họ, cần đưa những điều này vào ký ức của họ.
Bài viết này sẽ tiếp tục cuộc thảo luận đó bằng việc đưa ra các gợi ý về những loại thông tin cụ thể cần được lưu giữ trong ký ức.
Tất cả chúng ta đều biết rằng, chúng ta “là những gì chúng ta ăn vào.” Mọi thứ ta nạp vào đều trở thành một phần của ta. Nhưng ta thường phớt lờ hệ quả tất yếu của chân lý sinh học này rằng mọi thứ ta đưa vào tâm trí cũng trở thành một phần của ta và bắt đầu định hình nên con người ta, theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Vì vậy, điều quan trọng đối với học sinh (và cả người lớn), là tiếp thu những ảnh hưởng tích cực để có thể lưu giữ lại trong trí nhớ như một kho đá quý.
Dưới đây là một số ý tưởng về những điều nên giữ dưới khung trời này:
Thơ ca
Học thuộc thơ là tiêu chuẩn vàng khi nhắc đến việc tăng cường hệ cơ của bộ nhớ (memory muscle). Học thuộc thơ không chỉ giúp học sinh phát triển cảm nhận về tiết tấu, nhịp thơ, các biện pháp tu từ, thậm chí cả diễn xuất, mà còn cung cấp cho các em một kho tàng những trí tuệ vĩ đại nhất mà nền văn hóa của chúng ta mang đến. Bằng cách vận dụng cả âm thanh và ý nghĩa trong ngôn từ để tạo nên một thể thống nhất có ý nghĩa hoàn thiện hơn so với một trong hai yếu tố trên. Thơ ca diễn đạt những chân lý nhất định theo cách mà không gì khác có thể sánh được. Khi được bao bọc và thăng hoa trong ngôn từ đẹp đẽ, những chân lý này sẽ được khắc sâu vào tâm khảm.
Theo trải nghiệm của riêng tôi, đã có những thời khắc quan trọng hoặc khó khăn trong cuộc đời, khi mà thanh âm của một áng thơ lướt qua tâm trí tôi và đột nhiên mang đến cho tôi sức mạnh và sự hiểu biết sâu sắc.
Nếu bạn muốn học thuộc những áng thơ kinh điển, thì tôi khuyên bạn nên thử xem tuyển tập “The Classic Hundred Poems” (Một Trăm Áng Thơ Kinh Điển), do William Harmon biên tập, đây là bộ sưu tập có nhiều bài thơ tuyển chọn nhất mọi thời đại.
Các bài hát
Trong khi nhiều áng thơ cổ điển được phổ nhạc (ví dụ như bài “Red, Red Rose” (Bông Hồng Đỏ Thắm) của thi hào Robert Burns), thì lời bài hát của nhiều khúc dân ca cũng đậm chất thơ (ví dụ như bài hát “The Parting Glass” (Ly Rượu Chia Tay). Hai loại hình nghệ thuật kinh điển này đã hội ngộ tại đây.
Không có gì sánh bằng việc lấy ra cây đàn guitar, ngồi bên đống lửa trại hoặc trong phòng khách khi hoàng hôn buông xuống và bắt đầu ngân nga một bài hát đồng quê hoặc dân ca xưa đặc biệt là khi những người xung quanh bạn cũng hưởng ứng một cách ngẫu hứng. Điều này đưa chúng ta đến một ích lợi khác của việc ghi nhớ: Cho phép bạn chia sẻ vẻ đẹp của những điều mà bạn biết với người khác, ngay cả trong khoảnh khắc ngẫu hứng. Bạn không cần phải luôn mang theo bản nhạc bên mình khi bản thân đã thuộc lòng một số bài hát. [Lúc này] trí nhớ trở thành một món quà.
Triết gia Aristotle tin rằng âm nhạc là nền tảng của giáo dục. Ông nói, “Âm nhạc có sức mạnh định hình nên nhân cách, và vì thế, cần được đưa vào giáo dục cho người trẻ.” Âm nhạc tốt định hình nhân cách tốt, và chỉ có ghi nhớ âm nhạc tốt mới đề cao được quá trình đó.
Những đoạn trích từ tác phẩm văn học
Giống như thơ ca, các đoạn văn xuôi có thể mang lại trí tuệ, vẻ đẹp, và nguồn cảm hứng rất lớn. Mặc dù thơ có thể dễ nhớ hơn nhờ nhịp điệu và vần điệu, nhưng bạn vẫn có thể ghi nhớ các đoạn văn xuôi chẳng hạn như, vào thời Trung Cổ, các tu sĩ thường học thuộc phần nhiều hoặc toàn bộ Kinh Tân Ước. Các nam sinh vào thời của đại văn hào Shakespeare thì học thuộc các đoạn biên niên của các sử gia La Mã.
Mặc dù, một đoạn văn của sử gia Herodotus có thể không hấp dẫn bạn, thế nhưng đoạn cuối trong tác phẩm “The Ro” (Con Đường) của cố văn sĩ Cormac McCarthy thì sao?, chẳng hạn vậy. Ai mà không muốn quay trở lại ký ức này nhiều lần nữa với sức mạnh của ký ức:
“Ngày xưa, cá hồi suối sống dưới những con suối trên núi. Bạn có thể thấy chúng đứng yên trong dòng nước màu hổ phách, các mép vây màu trắng uốn lượn nhẹ nhàng giữa dòng. Chúng tỏa ra mùi rêu trên tay bạn. Những chú cá hồi bóng nhẫy, săn chắc và uốn lượn. Trên lưng chúng là các họa tiết vân [như] những tấm bản đồ thế giới đang hình thành. Những tấm bản đồ và mê cung. Của điều gì đó không thể quay lại. Không thể sửa lại cho đúng. Trong những thung lũng sâu hẹp nơi cá hồi từng sinh sống, mọi thứ đều cổ xưa hơn nhân loại và chúng vẫn ngân nga giai điệu bí ẩn.”
Cỏ hoa, cây cối, và động vật
Ghi nhớ cỏ hoa, cây cối, động vật, côn trùng, và những thứ tương tự mang lại cho chúng ta trải nghiệm phong phú hơn về thế giới tự nhiên so với khi chúng ta không ghi nhớ. Tôi vẫn thường ấn tượng trước khả năng gọi tên vô số loài cỏ cây, hoa lá, và cây cối của vợ mình, trong khi tôi phải vật vã nhận dạng một loài gì đó phổ biến như hoa cúc hay đó là cúc mắt đen? Tôi chống chế rằng, cô ấy không biết tên nhiều loài khủng long như tôi đâu (tôi biết nỗi ám ảnh năm 10 tuổi của bản thân cuối cùng sẽ có tác dụng).
Nhớ tên một sự vật nghĩa là hiểu nó một cách tường tận hơn. Đây là một phần những gì làm nên con người chúng ta. Bản chất duy lý cho phép chúng ta sắp đặt các từ ngữ thành các ý tưởng, khái niệm, và các loại hình thái, và khi làm như vậy, chúng ta đang hoàn thiện một đặc tính quan trọng trong tiềm năng con người, đó là tạo ra sự kết nối giữa vạn vật.
Chòm sao
Chúng ta có thể nói rằng mọi suy nghĩ sâu sắc đều bắt đầu từ việc ngước nhìn các vì sao. “Chính nhờ sự hiếu kỳ mà giờ đây con người bắt đầu và vốn đã bắt đầu triết lý; bắt đầu từ việc băn khoăn trước những điều rối rắm hiển nhiên, rồi dần dần tiến tới đặt câu hỏi về các vấn đề lớn lao hơn, chẳng hạn như sự thay đổi của mặt trăng và mặt trời, các vì tinh tú và nguồn gốc của vũ trụ.”
Như đã nêu ở trên về cỏ cây và động vật, khi chúng ta đặt tên cho vạn vật, chúng ta đang bước vào một mối quan hệ sâu sắc hơn với chúng. Điều tương tự cũng đúng với bầu trời đêm. Khi chúng ta biết tên các chòm sao, chúng ta bắt đầu thấy một trật tự nhất định trên bầu trời và vị trí của chúng ta trong đó. Kiến thức về mối liên hệ giữa các chòm sao và thần thoại sẽ càng làm sâu sắc thêm cảm giác hiếu kỳ và bí ẩn trong chúng ta.
Hãy để tôi kết thúc bài viết này bằng những lời của triết gia Ralph Waldo Emerson về giá trị của ký ức:
“Nhờ sức mạnh từ đôi tay thiêng liêng của ký ức, mà con người mới thực hiện được điều tưởng như bất khả thi gắn kết quá khứ và hiện tại, nắm giữ cả hai, tồn tại trong cả hai, thuận theo dòng chảy [của thời gian], mang đến sự tiếp nối và phẩm giá cho cuộc sống con người. Ký ức gắn kết chúng ta với gia đình, với bạn hữu. Nhờ đó, tạo nên một mái ấm … Ký ức chính là bạn đồng hành, người thầy, thi nhân, thư viện, sẽ cùng bạn du hành suốt cuộc đời.
Ông Walker Larson dạy văn học và lịch sử tại một học viện tư nhân ở tiểu bang Wisconsin, nơi ông đang sinh sống cùng vợ và con gái. Ông có bằng Thạc sĩ về văn học và ngôn ngữ Anh, và có những bài viết được đăng trên các ấn phẩm The Hemingway Review, Intellectual Takeout, và nền tảng Substack của ông, “TheHazelnut.”
Walker Larson _ Linh Đan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.