Hôm thứ Ba (02/01/2024), một phi cơ chở khách của Nhật Bản, với 379 hành khách trên phi cơ, đã bốc cháy sau khi va chạm với một phi cơ của lực lượng Tuần Duyên trên đường băng tại Phi trường Haneda của Tokyo, với đoạn video cho thấy những hành khách bên trong phi cơ sợ hãi khi ngọn lửa bùng lên bên ngoài các cửa sổ.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Tetsuo Saito nói với các phóng viên hôm 02/01 rằng tất cả hành khách trên chuyến bay JAL-516 của hãng hàng không Japan Airlines đã được sơ tán an toàn trước khi phi cơ chìm trong biển lửa.
Ông Saito cho biết thêm rằng viên phi công trên chiếc phi cơ của lực lượng Tuần Duyên còn sống sót, nhưng năm thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Cuộc sơ tán đầy kịch tính
Hình ảnh về vụ việc được phát trên truyền hình địa phương và mạng truyền thông xã hội cho thấy lửa và khói bốc lên dữ dội từ bên hông chiếc phi cơ của hãng hàng không Japan Airlines khi chiếc phi cơ lao xuống đường băng ngay sau khi hạ cánh.
Sau đó, chiếc phi cơ trượt xuống đường băng với cánh bị bốc cháy, để lại một vệt dài nhiên liệu đang cháy.
Khoảng một giờ sau, một đoạn phim khác cho thấy chiếc phi cơ hoàn toàn chìm trong biển lửa, thân phi cơ bị gãy làm đôi.
Đoạn video kịch tính từ bên trong cabin cho thấy những người ngồi trong cabin lo lắng chờ được sơ tán khi ngọn lửa bùng lên bên ngoài các cửa sổ.
Tất cả hành khách đã thoát ra một cách an toàn khỏi chiếc phi cơ đang bốc cháy, đoạn phim cho thấy họ trượt xuống một cầu trượt thoát hiểm khi chiếc phi cơ gặp nạn phóng ra tia lửa và tiếp tục bốc cháy.
‘Đó là một phép màu’
Anh Tsubasa Sawa, một cư dân 28 tuổi ở Tokyo, đang trở về sau kỳ nghỉ ở Sapporo cùng người bạn gái. Anh nghĩ rằng họ không thể sống sót.
“Tôi thực sự nghĩ là mình sắp chết,” anh nói với hãng thông tấn Reuters.
“Sau khi tai nạn xảy ra, ban đầu tôi bật cười khi nhìn thấy một số tia lửa phát ra (từ động cơ), nhưng khi ngọn lửa bùng lên, tôi nhận ra đây không phải chuyện đùa.”
Video từ bên trong cabin cho thấy các chiêu đãi viên hàng không kêu gọi hành khách giữ bình tĩnh.
Ông Satoshi Yamake, 59 tuổi, đang trở về Tokyo sau khi thăm họ hàng ở quê nhà. Ông Yamake cho biết phi hành đoàn đã nhanh chóng khai triển các máng trượt sơ tán và giúp mọi người ra khỏi phi cơ một cách có trật tự.
“Ắt hẳn là phi hành đoàn đã làm việc rất xuất sắc. Dường như không có ai rời phi cơ mà mang theo hành lý xách tay. Đây là một phép màu khi tất cả hành khách đều thoát ra ngoài,” ông Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không thuộc công ty tư vấn hàng không Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh cho biết.
Một quan chức Bộ Giao thông Nhật Bản nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng việc sơ tán “đã được tiến hành một cách phù hợp.”
Ông Sawa cho biết đã có một vụ nổ trên phi cơ khoảng 10 phút sau khi mọi người được di tản.
“Tôi chỉ có thể nói đó là một phép màu. Nếu muộn là chúng tôi có thể đã thiệt mạng rồi,” ông nói.
Giới chức Nhật Bản cho biết một cuộc điều tra đã được tiến hành về các tình huống xung quanh vụ tai nạn bốc cháy này, điều mà các chuyên gia hàng không cho rằng rất bất thường. Việc theo dõi trên mặt đất tốt hơn và quy trình an toàn nâng cao tại các phi trường đã làm giảm đáng kể số vụ tai nạn do va chạm trên đường băng, vốn từng là một vấn đề an toàn tương đối phổ biến.
Haneda là một trong những phi trường nhộn nhịp nhất ở Nhật Bản, và có rất nhiều người đi du lịch vào dịp lễ Năm Mới.
Trong khi đó, tại các phi trường Hoa Kỳ, đã có một số vụ suýt va chạm trong năm nay, đưa đến việc kêu gọi một khoản đầu tư trị giá hơn 100 triệu USD để ngăn ngừa các vụ tai nạn trên đường băng và thành lập một ủy ban để điều tra tình trạng mệt mỏi của các nhân viên kiểm soát không lưu.
Đã có một số vụ tai nạn suýt xảy ra trong năm nay, chẳng hạn như ở Boston, Honolulu, New York, và Hoa Thịnh Đốn.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) và Cục Hàng không Liên bang (FAA), một số rắc rối xảy ra rõ ràng là do lỗi của kiểm soát viên và có thể dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Theo các kết quả điều tra của NTSB, trong một vụ tai nạn suýt xảy ra tại Phi trường Quốc tế Austin-Bergstrom ở Texas hồi tháng 02/2023, nhân viên kiểm soát không lưu có liên quan đã phải làm thêm giờ trong khoảng thời gian làm việc sáu ngày một tuần.
Hồi tháng 08/2023, FAA cho biết họ sẽ chi thêm 121 triệu USD để giảm thiểu tình trạng xâm nhập đường băng và trợ giúp các dự án cơ sở hạ tầng ở phi trường, bao gồm việc tái cấu trúc đường lăn và lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới.
Theo ông Tim Arel, giám đốc điều hành của Tổ chức Không lưu FAA, cơ quan này cũng đã bắt đầu một loạt các chương trình đào tạo hàng tháng dành cho lực lượng kiểm soát viên không lưu, tất cả nhằm nỗ lực “đạt được mục tiêu không xảy ra tình huống nguy hiểm nào.”
Mới đây, FAA đã triệu tập một hội đồng để điều tra về tình trạng mệt mỏi của các kiểm soát viên không lưu, những người bị căng thẳng và buộc phải làm thêm giờ do thiếu nhân sự.
FAA, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về an toàn hàng không cho biết trong một thông báo hôm 20/12/2023 rằng, “Hội đồng gồm ba thành viên này sẽ giám định về việc áp dụng khoa học hiện đại nhất về nhu cầu giấc ngủ và hội chứng mệt mỏi đối với các yêu cầu công việc cũng như lịch trình làm việc của các kiểm soát viên.”
Tom Ozimek _ Ánh Dương & Tuệ Chân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.