Một sự kiện ngoại giao khác không được ông Trọng nêu trong bài phát biểu ấy nhưng cũng được coi là ‘có ý nghĩa lịch sử’ và rất quan trọng, ít ra đối với người Công giáo Việt Nam. Đó là việc lần đầu tiên kể từ 1975, Việt Nam và Vatican đồng ý hay nói đúng hơn Hà Nội đồng ý cho Vatican bổ nhiệm một Đại diện thường trú ở Việt Nam.
Việc bổ nhiệm này vừa là thành quả thiết thực của nhiều năm đối thoại giữa Toà Thánh và Hà Nội, vừa là một tín hiệu tích cực, dấu chỉ cụ thể cho thấy quan hệ giữa Vatican-Việt Nam sẽ có những thay đổi tiến bộ trong những năm tới.
Tiến triển từng bước, thiết thực
Sau năm 1975, mọi quan hệ giữa Việt Nam và Vatican hầu như bị cắt đứt. Trong hơn một thập kỷ sau đó, hai bên thường có nghi kỵ, căng thẳng, thậm chí đối đầu. Chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình, vào tháng 7 năm 1989 và cũng là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của một quan chức Toà Thánh kể từ năm 1975 giúp hai bên nối lại đối thoại.
Nhiều năm sau đó, Hà Nội và Vatican tiếp tục có các cuộc tiếp xúc, mở đường cho cuộc gặp lịch sử giữa Đức Giáo hoàng (ĐGH) Bênêđictô XVI và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Vatican năm 2007. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Giáo hội Công giáo tiếp một trong bốn lãnh đạo Cộng sản cao nhất (thường được gọi là ‘Tứ trụ’) của Việt Nam.
Hơn một năm đó, Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican được thiết lập và đến giờ Nhóm Công tác này có đến 10 cuộc gặp. Sau ông Dũng (tới Vatican vào 01/2007 và 10/2014), các lãnh đạo khác của Việt Nam - như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009), TBT Nguyễn Phú Trọng (01/2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (03/2014) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016) - được ĐGH Bênêđictô XVI hay ĐGH Phanxicô đón tiếp tại Vatican.
Chuyến thăm Tòa Thánh mới nhất và cũng có ý nghĩa quan trọng nhất là chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Văn Thưởng vào tháng 7 năm 2023. Trong chuyến đi này, Vatican và Hà Nội đồng ý thông qua Thỏa thuận ‘Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam’.
Trong một Lá thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp Vatican và Việt Nam công nhận Thỏa thuận này, Đức Phanxicô đã cho biết, “hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”.
Ngày 23/12/2023, Ngài đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - người Ba Lan và tới lúc đó là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam - làm Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Có ít nhất ba yếu tố giúp mối quan hệ này càng ngày càng được cải thiện.
Một, nhờ có các cuộc gặp gỡ, làm việc của Nhóm Công tác, hai bên đã cố gắng phát huy ‘những điểm tương đồng và cùng lúc biết ‘tôn trọng những khác biệt’. Như Đức cha Năng nêu bật trong Thư chung, việc bổ nhiệm Đại diện Thường trú ‘là kết quả của quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài, nhất là từ khi thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam Vatican năm 2008’.
Hai, các lãnh đạo Việt Nam lần lượt đến Vatican và được Đức Giáo hoàng đón tiếp. Hiếm có một quốc gia nào có nhiều lãnh đạo cấp cao đến Vatican và hội kiến với người đứng đầu Giáo hội Công giáo như vậy. Hàng năm, cũng có các phái đoàn Tòa Thánh ở cấp thứ trưởng đến Hà Nội. Cũng nhờ vậy, những nghi kỵ lẫn nhau dần dần được xóa bỏ và hai bên có sự tin tưởng nhau hơn.
Ba, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi gặp Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2007, xem ra ‘chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican’ và có những hành động cụ thể để cải thiện quan hệ với Vatican.
Đây cũng là những lý do tại sao, trong khi quan hệ giữa Vatican và Trung cộng, quốc gia cộng sản, láng giềng của Việt Nam, luôn bị bế tắc, tương quan giữa Hà Nội và Toà Thánh không ngừng được tăng cường.
Khác biệt, độc lập với Trung cộng
Dù có nhiều thiện chí, cố gắng, thậm chí nhượng bộ từ Vatican trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Toà Thánh và Bắc Kinh ký một thỏa thuận liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục tại Trung cộng vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, quan hệ của Vatican với Trung cộng không được cải thiện, nếu không muốn nói là thụt lùi.
Lý do là quan hệ Vatican-Trung cộng không có 3 yếu tố trên, đặc biệt là yếu tổ thứ ba. Bắc Kinh không coi trọng quan hệ với Tòa Thánh, thậm chí còn không tuân thủ những gì đã cam kết. Chẳng hạn, trong một thông cáo ngày 26/11/2022, Toà Thánh đã công khai chỉ trích Trung cộng không tôn trọng hiệp định ký kết năm 2018 vì hai ngày trước đó, Bắc Kinh đã bổ nhiệm một phụ tá giám mục đứng đầu một giáo phận không được Tòa Thánh công nhận.
Tất nhiên, quan hệ Bắc Kinh-Vatican phức tạp hơn nhiều so với quan hệ Hà Nội-Vatican, trong đó có việc Toà Thánh vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, trong khi Bắc Kinh không công nhận đảo quốc này là một quốc gia độc lập.
Vì vấn đề Đài Loan và hơn nữa Trung cộng là nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh và Hà Nội đều có chung ý thức hệ (độc đảng, Cộng sản, xã hội chủ nghĩa), trước đây có ít ý kiến cho rằng, vì sợ làm phật lòng lãnh đạo ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo Việt Nam không dám nâng cấp quan hệ với Mỹ hay có những bước đột phá trong tương quan với Vatican.
Nhưng Hà Nội đã có những bước đi được coi là mạnh dạn, độc lập về ngoại giao trong năm qua. Sau nhiều năm chần chừ, Hà Nội đã mạnh dạn ‘nhảy vọt’ (‘một bước, hai bậc’), nâng cấp quan hệ với Mỹ từ ‘đối tác toàn diện’ lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’. Trong khi quan hệ Bắc Kinh với Vatican vẫn cứ ‘giậm chân tại chỗ’, quan hệ giữa Hà Nội với Vatican từng bước được cải thiện.
Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô sang thăm Mông Cổ vào đầu tháng 9 năm 2023, Bắc Kinh đã ngăn cấm không cho các giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân sang quốc gia láng giềng gặp hay tham dự các hoạt động, nghi lễ của ngài. Trong khi ấy, bảy giám mục (trong đó có Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng) và nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam được tự do đến Thủ đô Ulaanbaatar và tham gia các sự kiện, sinh hoạt của Đức Phanxicô trong suốt bốn ngày Ngài viếng thăm quốc gia rộng lớn ở Đông/Trung Á này.
Sớm thiết lập ngoại giao?
Với những điểm sáng, nổi bật của ngoại giao của Việt Nam nói chung và trong quan hệ với Vatican nói riêng trong năm 2023, có thể nói sớm hay muộn Hà Nội sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican.
Không chỉ thế, người Công giáo Việt Nam cũng hy vọng sớm được đón tiếp Đức Giáo hoàng ngay trên quê hương của mình - một điều mà họ đã mong đợi từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa được. Được biết Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và kể từ khi lên ngôi vị Giáo hoàng hơn 10 năm nay, Đức Phanxicô đều rất mong muốn được sang thăm viếng Việt Nam.
Tuy vẫn được coi là thiểu số (hiện tại khoảng 7,2 triệu người hay 7,2% dân số Việt Nam), người Công giáo ở Việt Nam khá đông so với nhiều nước châu Á và khu vực (đứng thứ năm ở châu Á sau Philippines, Ấn Độ, Trung cộng và Indonesia). Hơn nữa, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam rất có tổ chức, sống động.
Thái Lan, một quốc gia đa phần là Phật giáo và chỉ có khoảng 400.000 người Công giáo, đã đón tiếp Đức Gioan Phaolô II năm 1984 và Đức Phanxicô năm 2019. Đức Phanxicô cũng viếng thăm Mông Cổ, một quốc gia rộng lớn nhưng chỉ có khoảng gần 2000 giáo dân (bằng số giáo dân một giáo xứ nhỏ, vừa ở Việt Nam) vào tháng 9 năm 2023.
Khi thấy Thái Lan, Mông Cổ và một số nước trong châu lục đã một, hai, ba hay bốn lần đón tiếp Đức Giáo hoàng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Singapore - người Công giáo Việt Nam cảm thấy buồn và luôn tự hỏi đến bao giờ họ mới được đón tiếp vị Cha chung ngay trên chính quê hương mình.
Đến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế ngày 14/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thông báo với Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh là ông vừa ký Thư mời Đức Giáo hoàng Phanxicô sang thăm Việt Nam để ‘chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.’ Tin này làm người Công giáo Việt Nam rất vui mừng và nóng lòng mong đợi một chuyến đi như vậy sớm diễn ra.
Cho phép hiện nội dung từ Google YouTube?
Google YouTube. Chúng tôi cần sự đồng ý của quý vị trước khi bất kỳ nội dung nào được tải xuống, bởi việc này có thể đi kèm việc sử dụng cookies và các công nghệ khác. Quý vị có thể đọc chính sách cookie của Google YouTube trước khi đồng ý. Để xem nội dung này, hãy chọn 'chấp nhận và tiếp tục'.
Đồng ý và tiếp tục
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao và đón Đức Giáo hoàng tới thăm không đơn giản và đòi hỏi nhiều thiện chí, cố gắng từ hai phía. Chẳng hạn, khi có quan hệ ngoại giao, người đại diện của Toà Thánh ở Việt Nam sẽ là khâm sứ hay sứ thần ngang hàng với đại sứ. Như vậy, Toà thánh cũng cần có một đại sứ quán ở Việt Nam.
Đến giờ, quan hệ Việt Nam và Vatican vẫn trong tình trạng ‘có đi nhưng chưa có lại’. Dù các lãnh đạo cao cấp Việt Nam lần lượt đến Vatican, dẫn đầu các phái đoàn Tòa Thánh đến Việt Nam chỉ mới ở cấp thứ trưởng.
Nhưng trước những diễn biến tích cực trong quan hệ Vatican-Việt Nam trong năm 2023, nhiều người tự hỏi Việt Nam và Vatican sẽ thiết lập ngoại giao năm 2024 và Đức Phanxicô cũng sẽ sang thăm Việt Nam năm nay?
Có thể nói Toà Thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam đã sẵn sàng cho hai sự kiện này. Khi cho một đại diện của Toà Thánh được thường trú tại Việt Nam và công khai thông báo rằng Hà Nội đã chính thức mời Đức Giáo Hoàng sang thăm, ông Võ Văn Thưởng đã cho thấy ít nhiều phía Hà Nội cũng đã có những chuẩn bị.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định hai sự kiện đó có thể diễn ra trong năm 2024. Nhưng ‘cú nhảy vọt’ của Việt Nam trong bang giao với Mỹ và những diễn biến, tín hiệu tích cực trong quan hệ với Toà Thánh trong năm 2023 làm nhiều người, đặc biệt giáo dân Việt Nam, hy vọng, trông mong rằng chúng sẽ sớm trở thành hiện thực.
TS Đoàn Xuân Lộc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.