Phải chăng 'côn đồ'
đã đang được phép sử dụng công khai để 'hành hung, trấn áp' thường dân và các
nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, đó là chủ đề của cuộc Hội luận Bàn tròn http://bit.ly/1utxpA6 (Hangout)
cuối tuần này giữa BBC Việt ngữ với các nhà báo độc lập từ trong nước.
Vụ bạo lực ở cuộc tưởng
niệm Hải chiến Hoàng Sa hôm 19/01/2015 ở cạnh Hồ Gươm, Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm
25/01/2015, các blogger, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy và JB Nguyễn Hữu
Vinh khẳng định đã trực tiếp chứng kiến sự kiện mà các ông cho là người của
chính quyền 'đội lốt côn đồ' để 'phá đám', 'hành hung' lễ tưởng niệm 41 năm trận
Hải chiến Hoàng Sa hôm 19/01 vừa qua tại chân Tượng đài Vua Lý Công Uẩn, bên Hồ
Hoàn Kiếm, Hà Nội, cũng như trong sự việc một đoàn khách tới thăm nhà cựu tù
nhân, Trung tá Trần Anh Kim mới đây bị hành hung ra sao.
Trước hết, ông Tường
Thụy, người đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức dân
sự được thành lập hồi tháng Bảy 2014:
"Từ trước đến
nay, trong những năm gần đây, anh em hoạt động ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như là ở
các nơi khác, nếu như có các hoạt động tưởng niệm về những vấn đề mà họ không
thích như là tưởng niệm ngày 17/2 Chiến tranh Biên giới (1979), tưởng niệm ngày
19/01, đặc biệt là ngày 19/01 là ngày mất Hoàng Sa (1974).
"Chúng tôi đều
làm lễ tưởng niệm để tri ân những người đã bỏ mạng mình và hy sinh cho Tổ quốc
và kể cả ngày 14/3 là ngày Trung Quốc tấn công Trường Sa (1988) và chiếm một số
đảo của Việt Nam.
"Thì tất cả những
hoạt động ấy đều bị cản trở, và những người cản trở chúng tôi ít khi, rất ít
khi là những người mặc sắc phục công an, hoặc là dân phòng, mà cái chính là họ
cho những nhóm gọi là 'cựu chiến binh', rồi 'hội phụ nữ' chẳng hạn để mà ra quấy
rối."
Bảo kê kẻ phá rối?
Ông Thụy cho rằng kẻ
quấy rối cuộc Tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa bị quấy rối ở Tượng đài Lý Thái Tổ
hôm thứ Hai (19/01) 'rõ ràng' đã được chính quyền, an ninh, dân phòng 'bảo kê',
'bảo vệ'.
Nhà báo độc lập nói:
"Mà thậm chí sử dụng một số thành phần bất hảo để ra gây rối chúng tôi. Vậy
thì vấn đề đặt ra ở chỗ này: cái điều ấy có phải là tự phát hay không? Tôi khẳng
định rằng đấy không phải là quần chúng tự phát.
"Mà họ đã bố
trí cho những kẻ lưu manh ấy, họ không dám ra mặt, nhưng họ đứng đằng sau một
cách hết sức lộ liễu. Lộ liễu ở chỗ hôm mà chúng tôi làm Lễ tưởng niệm các Tử sỹ
Hoàng Sa, khi một kẻ lưu manh, côn đồ mà sau này chúng tôi, anh em phát hiện ra
là đấy là một Thiếu úy quân đội ra đập vòng hoa, lăng mạ chúng tôi, chửi bới.
"Thí dụ những
câu như 'Tao căm thù bọn Ngụy, tao ghét bọn Ngụy, bọn Ngụy là bọn bán nước"
chẳng hạn. Thì tất cả những lực lượng an ninh, những người an ninh chúng tôi đã
quen mặt, dân phòng đứng xung quanh đấy để xem và ghi hình.
"Như vậy nếu đó
là kẻ phá rối, thì họ sẽ có hành động can thiệp, nhưng đây họ chỉ can thiệp khi
mà chúng tôi bắt kẻ lưu manh này đi, thì họ mới can thiệp để giải thoát cho kẻ
lưu manh này.
"Một điều nữa
mà mọi người hết sức dễ nhìn thấy là họ tìm cách giải thoát và đưa người này trốn
chạy bằng xe của Công an Phường. Như vậy thì điều này không thể giải thích bằng
cách nào hơn cả.
"Tại sao họ đứng
đấy họ trông cho một kẻ phá rối và khi kẻ phá rối bị chúng tôi bắt đi, giải về
Công an Phường, JB Nguyễn Hữu Vinh hô là 'Giải thằng phá rối về Công an Phường!',
thì tất cả ào lại để gỡ nó ra, giải thoát cho nó và cuối cùng đưa lên xe, cũng
xe của Công an Phường để trốn chạy. Thế thì điều này rõ ràng rồi."
Côn đồ hay công an?
Blogger JB Nguyễn Hữu
Vinh và một số thành viên đoàn thăm ông Trần Anh Kim sau khi bị 'trấn áp' ở
Thái Bình.
Nhà báo Tường Thụy
nói với Bàn tròn Cuối tuần của
BBC rằng cả 'công an' và 'côn đồ' đã 'phối hợp' trong việc 'hành hung', 'trấn
áp' công khai thường dân và một nhóm nhà hoạt động dân chủ khi nhóm này tới
thăm nhà của cựu Trung tá quân đội, cựu tù nhân chính trị Trần Anh Kim, người vừa
được phóng thích về với gia đình ở tỉnh Thái Bình, hôm 21/01/2015.
Còn nhà báo, blogger
JB Nguyễn Hữu Vinh, người cũng tham gia đoàn khách thăm hôm thứ Tư, thì nói:
"Nói rằng đội lốt
côn đồ hoặc một người nào đó chưa xác định được, thực chất ra mà nói chúng tôi
khẳng định rằng những người đánh đập chúng tôi là công an ở Tỉnh Thái Bình.
"Từ đầu ngay
khi họ ra chặn xe chúng tôi, đó là Công an Phường Trần Hưng Đạo, tỉnh (thành phố)
Thái Bình. Khi chặn chúng tôi lại là đội dân phòng, tất cả những người đó do
công an chỉ đạo, trực tiếp Thiếu tá Cao Thị Minh Toàn, cô đó... trực tiếp đứng
đó chỉ đạo.
"Và đồng thời
khi dẫn xe chúng tôi về trước cửa Công an Phường, cách đó khoảng 100 mét thì dừng
xe lại và tiếp tục đánh chúng tôi ở trước cửa Công an Phường, khi chưa mở cửa
Công an Phường.
"Và đặc biệt
khi họ đánh đập tôi, bốn năm sáu người họ xông vào đánh đập tôi, sau đó rồi lúc
bấy giờ họ mới đưa tôi vào trong sân của Công an Phường.
"Đặc biệt sau
đó, rất nhiều người đánh đập tôi và đưa tôi vào phòng, và tôi yêu cầu rằng tất
cả những người là côn đồ đi ra khỏi Công an Phường, để có thể nói chuyện, làm
việc.
"Họ yêu cầu tôi
làm việc, thì tôi yêu cầu như vậy, thì tất cả những người đó nói với tôi rằng
chúng tôi là công an. Tôi bảo rằng nếu các anh là công an, yêu cầu mặc sắc phục
đầy đủ, và tôi khẳng định lại một lần nữa, tất cả những người đánh chúng tôi đó
là công an, hoặc là côn đồ cũng được lệnh của chính công an ở đó để đánh đập
chúng tôi."
Chà đạp pháp luật
Blogger JB Nguyễn
Hữu Vinh nói ông có các bằng chứng khẳng định vụ 'bạo lực', 'trấn áp' ở
Thái Bình với ông và đoàn khách thăm có những dấu hiệu 'chà đạp pháp luật' mà
theo ông là nghiêm trọng vì diễn ra ở ngay một cơ quan 'công quyền' là trụ sở
Công an Phường.
Ông nói: "Chúng
tôi khẳng định điều đó bằng rất nhiều cách, bằng rất nhiều hình ảnh, bởi vì
ngay từ đầu khi xông vào cướp máy ảnh và xông vào hành hung tôi ở trước cửa nhà
ông Trần Anh Kim, thì cô Cao Thị Minh Toàn là người đứng chỉ đạo ngay từ đầu ở
đó.
"Và vào trong đồn
Công an, khi chúng tôi đòi lại tài sản, chỉ mặt rất rõ ràng rằng 'khi cô đứng
ngoài đó là đóng vai một côn đồ', thì cô ta đã im lặng. Tất cả những điều đó,
chúng tôi đã chứng minh rất rõ ràng bằng hình ảnh, bằng lời nói.
"Đặc biệt khi
chúng tôi vào trong đồn, thì rất nhiều người bị đè ra, bị dùng bạo lực để trấn
lột, bị cướp lấy tài sản, điện thoại, rồi máy tính bảng và rất nhiều thứ. Và
khi chúng tôi đòi lại thì cô ta trơ trẽn bảo rằng 'phải làm đơn vì chúng tôi
không phải là người nhận này khác.
"Thì tôi có nói
với cô rằng: 'Cô đừng có trơ trẽn đến mức độ như vậy, bởi vì đây là đồn Công
an, chứ không phải là hang trộm cướp.' Nhưng cô ta vẫn cố tình chầy bửa và cố
cách này khác, thậm chí khi chúng tôi đang ở trong đồn thì một tên côn đồ xông
vào chửi bới tục tĩu, rồi lăng mạ tất cả mọi người.
"Nhưng sau đó,
tôi hỏi 'Anh là ai?', thì ông ta buột miệng bảo rằng tôi là công an. Nó rất rõ
ràng, trong khi tất cả công an từ Trưởng đồn, Phó đồn ngồi đó đều không có một
lời nào để can thiệp.
"Điều đó chứng
minh và khẳng định một điều rằng những người đã đánh đập chúng tôi, đã làm những
hành động trái pháp luật, chà đạp lên lương tâm của con người, chà đạp lên đạo
đức của con người, chà đạp lên pháp luật chính là hàng ngũ công an ở đó, tôi khẳng
định điều đấy.
"Và cho đến cuối
cùng, sau đó chỉ có mấy phút sau thì chính cô Cao Thị Minh Toàn, Thiếu tá, đã
phải mang toàn bộ tài sản mà đã cướp giật mà cách đó mấy phút cô chối leo lẻo,
cô lại đưa ra trả những người đó, trước áp lực của anh em."
Nhà nước cảnh sát?
Các nhà báo độc lập
đưa ra câu hỏi liệu có việc 'công an' Thái Bình đã được chỉ đạo tiến hành vụ
'trấn áp'.
Nhà báo JB Nguyễn
Hữu Vinh cho rằng đã có sự 'núp bóng' của giới chức cảnh sát ở đây dưới vỏ
bọc 'côn đồ', 'thường dân' khi tiến hành các hành động trấn áp các nhà vận động
dân chủ, nhân quyền.
Ông nói: "Điều
đó chỉ nói lên một điều là ở một chế độ mà khi đã phải dùng côn đồ để thay công
an, hoặc nói một cách khác là khi công an mà đã phải núp dưới danh nghĩa côn đồ,
thì có nghĩa rằng dưới con mắt của người dân, cái đánh giá là 'côn đồ hơn công
an' một bậc.
"Thường người
ta chỉ làm giả những cái hàng tốt hơn thôi!," nhà báo, ông Vinh nói thêm.
BBC chưa có dịp kiểm
chứng các thông tin phản ánh nói trên với chính quyền Việt Nam ở thủ đô Hà Nội
hay tỉnh Thái Bình, tuy nhiên hôm thứ Sáu, trong một cuộc trao đổi với BBC, bà Lê
Hiền Đức, công dân chống tham nhũng từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế
(Transparency International) trao Giải thưởng Liêm chính, nói với BBC bà sẽ báo
cáo vụ việc hành hung này khi có dịp 'làm việc' với Bộ trưởng Công an.
Hôm thứ Bảy,
24/01/2015, cựu Trung tá quân đội Việt Nam, cựu tù nhân chính trị Trần Anh Kim khẳng
định với BBC đã có việc đoàn khách đến thăm ông hôm thứ Tư bị bắt giữ, hành
hung, trong đó ngoài các ông Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường Thụy bị tấn công, kể
cả người già 80 tuổi như Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang cũng bị 'dọa đánh và chửi bới',
trong khi phụ nữ như nữ nghệ sỹ Kim Chi và một vài người nữ giới khác cũng bị
xô đẩy, chế áp.
Ông Kim cũng nói từ
khi ông được phóng thích về với gia đình, không ít lần các khách khứa, bạn bè tới
thăm ông và gia đinh đã bị an ninh, công an gây khó khăn.
Ông còn nói 'thậm
chí có trường hợp' mà khách thăm đã bị 'khiêng đi như khiêng lợn', hoặc có nhân
viên an ninh 'xô cửa' bước vào nhà và 'ngồi giữa nhà ông' đòi 'hỏi han, làm việc'
mà không cần xin phép, báo trước cho ông.
Ông Trần Anh Kim (thứ
năm, trái sang) khẳng định có xảy ra vụ 'trấn áp' với đoàn khách thăm nhà ông.
Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn
Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cũng lên tiếng quan ngại về
việc chính quyền, công an, an ninh Việt Nam thường xuyên trấn áp thường dân và
các nhà vận động dân chủ, nhân quyền.
Bài báo của ông đăng
trên trang Bauxite Việt Nam và được đăng lại trên nhiều trang truyền
thông mạng khác có tựa đề "Đừng biến nước ta thành Nhà nước cảnh
sát!."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.