Sang một năm mới,
cũng là năm đánh dấu hai thập niên quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt nên bàn về
Hoa Kỳ là điều cần thiết, nhất là khi ông Obama đang có các bước đi mới.
Nhìn một cách thực
tiễn, Hoa Kỳ có cả sức mạnh sát thương, tàn phá lẫn động lực to lớn, tiềm năng
xây cất, nuôi dưỡng tương lai hết sức sáng tạo.
Ngoài túi đôla to,
các đại học lớn, nước Mỹ luôn có trong tay có một quả chùy sắt và một cây
gậy bông.
Tại Tây Bán Cầu, điều
khá rõ là Venezuela bị tẩy chay nhưng Cuba đang được ‘nâng đỡ’.
Tại Trung Đông, Tòa
Bạch Ốc vừa tuyên bố ông Obama sẽ không tiếp Thủ tướng Israel Benjamin
Netanyahu khi ông này tới Washington lần tới.
Quan hệ lạnh đi vì
ông Obama đã định ra ván cờ mới và đang mềm mỏng với Iran, bất chấp phản đối từ
phe hữu Israel.
Còn về cá nhân, ông
Netanyahu bị tẩy chay vì công khai phê phán ông chủ Tòa Bạch Ốc và nhận lời từ
phe Cộng hòa để đến đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội cũng vào tháng 3
này.
Ở châu Âu, ai cũng
thấy ông Putin bị Hoa Kỳ đẩy ‘xuống hạng’ và có làm mình làm mẩy thì Nato và Mỹ
vẫn cứ lên kế hoạch tập trận năm 2015 tại ngay vùng Baltic, đồng thời trợ
giúp các tân đồng minh Đông Âu.
Nhìn sang châu Á,
Hoa Kỳ ‘xoay trục’ để không cho Trung Quốc thoát ra biển lớn.
Ta không thể áp đặt
ý chí, giá trị, tiêu chuẩn, các định chế của mình vào những xã hội khác Chuck
Hagel
Cùng lúc, Việt Nam
nhận được cái bắt tay mềm mại của Hoa Kỳ, thể hiện khá tế nhị qua chuyện đại
sứ Ted Osius sang Việt Nam nhậm chức đã đổi tên trên Facebook thành Hanoi
Ted.
Khác trước, tôi
không nghe thấy ông Ted Osius giao lưu thân mật với một số tên tuổi trong
cộng đồng gốc Việt tỵ nạn trước khi đi Hà Nội nhậm chức.
Dù Quốc hội có phê
phán Hà Nội về nhân quyền, bên Hành pháp có nhắc cũng chỉ là ‘đánh khẽ’ bằng
‘gậy bông’.
Đây là sự thay đổi
180 độ vì mọi người còn nhớ vào giai đoạn 1975-1995, chính sách của Hoa Kỳ với
Việt Nam và Trung Quốc lại hoàn toàn ngược lại: cả Jimmy Carter và Ronald
Reagan đều ủng hộ Đặng Tiểu Bình và cô lập Việt Nam thân Liên Xô.
Nhưng ngoài các tính
toán địa chính trị, khác ở Tây Bán Cầu, châu Âu và Trung Đông, trong cách nhìn
Việt Nam của chính giới Mỹ chưa quên cuộc chiến Việt Nam lại đã có thêm ám ảnh
về chiến tranh Iraq.
Không ai thể hiện
quan điểm này rõ hơn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sắp từ nhiệm, người
vẫn nhớ lần ông bị thương vì trúng mìn tại Nam Việt Nam năm 1968 như chuyện
'mới xảy ra tối hôm qua'.
So sánh chiến cuộc
của Hoa Kỳ tại Iraq và Việt Nam, ông Hagel nâng lên thành triết lý rằng
"không thể áp đặt giá trị Mỹ" cho các xứ sở có văn hóa khác.
"Tôi học được
bài học đó khi có 12 tháng đi qua cuộc chiến năm 1968...Ta không thể áp đặt ý
chí, giá trị, tiêu chuẩn, các định chế của mình vào những xã hội khác, những
quốc gia khác. Điều đó đã không làm được và sẽ không bao giờ làm nổi."
"Người ta muốn
tự do, muốn nhân quyền nhưng họ cũng muốn sự kính trọng, nhân cách. Điều đó có
nghĩa là chúng ta phải tôn trọng các nền văn hóa, tôn giáo và lối sống
khác..."
Tôi hoàn toàn chia sẻ
cách nhìn của ông Hagel về lịch sử các nền văn hóa vì mọi sự áp đặt về giá trị,
tư tưởng không được xã hội đồng tình thì chẳng sớm thì muộn cũng hỏng.
Chọn ai cho tương
lai?
Tân đại sứ Mỹ nói tiếng
Việt và còn lấy tên Facebook là Hanoi Ted
Nhưng người Việt
Nam cũng không quá ngây thơ để nghĩ rằng văn hóa của họ sẽ chỉ ngày một ngày
hai, nhờ ăn McDonald’s là trở nên giống như người Mỹ.
Và khác với Iraq có
hai phái Hồi giáo kình chống nhau nhiều đời, xã hội Việt Nam lại rất đa dạng,
cởi mở, mong chờ hiện đại hóa.
Bệnh dị ứng với tự do,
dân chủ, pháp quyền chủ yếu đến từ ý thức xã hội công dân còn lạc hậu, các
sáng kiến khai mở quan trí và tăng dân quyền chưa rộng khắp và còn bị ngăn
chặn.
Việc hình dung ra
một xã hội hiện đại sẽ ra sao không chỉ là bài toán khó với chính quyền mà cả
với nhiều người dân, giới trí thức, các nhà vận động xã hội.
Các biển chỉ đường lại
đang xoay chuyển nháo nhào làm nảy sinh câu hỏi ai sẽ là tác nhân chính để thúc
đẩy xã hội tiến lên một đẳng cấp cao hơn về dân chủ, văn minh trong những năm
tới, phái nào sẽ nắm chắc ngọn cờ tương lai thắng lợi?
Hoa Kỳ đang đặt cược
vào hệ thống quyền lực vốn không thiếu người đủ năng lực và nhận thức tốt
nhưng cũng thừa quan chức bảo thủ, tham nhũng?
Hay nước Mỹ chọn khu
vực tư nhân, xã hội dân sự, các nhóm vận động dân quyền, các tổ chức tôn
giáo?
Dù chọn một hay cả
hai, Hoa Kỳ sẽ làm được một việc tốt nếu biết khuyến khích những xu hướng tiến
bộ, lý tưởng ở Việt Nam phát triển hơn nữa và để xã hội tự chọn thay vì
nghiêng về chủ nghĩa định mệnh về văn hóa.
Bởi nếu quá đà, đây
sẽ chỉ là quan điểm phân biệt chủng tộc thô sơ thời thuộc địa rằng một số
giống người không đủ khả năng trở thành văn minh.
Rất may mắn là ông
Hagel không nói như vậy mà cho rằng "các quốc gia đều có lịch sử từ xưa
khác nhau và sẽ phải tự vượt qua các vấn đề của xã hội họ để tới được điểm họ
muốn đến..."
Nhưng ở đây, ông
Hagel cũng không nên quên rằng Việt Nam luôn là vùng cạnh tranh của các luồng
văn hóa, các trào lưu rất khác nhau, thậm chí đối nghịch và điểm đến là gì thì
còn đang phải bàn.
Mọi xu hướng, trào
lưu, kiểu cách đều tìm đường tới Việt Nam
Nếu Mỹ và châu Âu
không tích cực hơn nữa thì đã có các luồng gió khác từ Trung Quốc, thậm chí
Trung Đông, từ Siberia, Vladivostok thổi tới.
Với người Việt Nam,
tôi nghĩ việc bỏ quả chùy sắt để dùng ‘gậy bông’ của Mỹ nên được xem là cơ
hội hiếm hoi để cầu tiến chứ không phải cầu lợi trước mắt.
Bởi vòng xoay ‘thân
ái - cay nghiệt’ của Mỹ cũng biến thiên theo thời cuộc, cứ nhìn ví dụ của ông
Netanyahu thì biết.
Nước Mỹ vừa có uy
quyền của Đế quốc La Mã, vừa nuôi dưỡng giá trị Khai Sáng từ Pháp, lại có đầu
óc thương mại Ăng-lê nên đã đầu tư vào đâu thì đều muốn thấy kết quả.
Thế hệ người Mỹ còn
hoài niệm cuộc chiến như Hagel, Clinton, McCain rồi sẽ qua đi cùng tuổi của họ.
Chớp được cơ hội
hay không còn tùy vào tầm nhìn và ứng xử của Việt Nam.
Cây gậy bông hóa ra
là để đánh trái bóng sang phía sân người Việt.
Nguyễn Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.