Con người được phân
chia ra làm hai loại: những người có thể ra khỏi giường sớm vào mỗi sáng và những
người cố ngủ nướng thêm vài tiếng nữa.
Nhưng câu chuyện của
cô Claudia Hammond dưới đây cho thấy mọi việc không phải hoàn toàn như vậy.
Thích sống về đêm
Những người thức
khuya có phải là lười biếng?
Cả đời tôi rất ghét
dậy sớm. Bố tôi từng phải nắm chân kéo tôi ra khỏi giường để tôi đến trường
đúng giờ. Lúc chuông báo thức reo vào sáng sớm cũng là lúc tôi cảm thấy khó chịu
vô cùng và tôi không có bụng dạ nào để ăn uống gì cho đến giữa buổi sáng.
Ban đêm thì lại hoàn
toàn khác. Tôi rất thích ở trong phòng thu đến tận khuya để phỏng vấn những
người thuộc các múi giờ khác nhau hay những người sống ở phía bên kia của quả
đất. Tôi sẽ làm mọi thứ để ngày mai khỏi phải dậy sớm.
Tuy nhiên tôi cũng
biết rất nhiều người cứ khăng khăng rằng sáng sớm là khoảng thời gian tốt nhất
trong ngày.
Khi tôi đến sở làm với
đôi mắt mơ màng thì mọi người đã thức dậy từ đời nảo đời nào và dường như rất
vui vẻ. Nhưng khi đêm xuống thì mọi thứ đảo ngược. Trong khi những người khác
thì ủ rũ và thậm chí gục lên gục xuống trên bàn ăn thì những người thức khuya
như tôi lại rất hào hứng nói chuyện phiếm. Đó là lúc tôi được là chính mình.
Thức khuya hay dậy
sớm là do gien con người?
Nhưng thật là điều
hoang đường khi nói rằng xã hội chia ra làm hai loại: người dậy sớm và người
sống về đêm.
Những bản câu hỏi
tìm hiểu thời gian nào trong ngày thì mọi người thích làm hoạt động như chạy
bộ, họp công việc cho thấy chỉ khoảng 20% trong số chúng ta thật sự là những
người thức khuya hay dậy sớm. Trong số 80% còn lại, phân nửa có xu hướng đi về
một trong hai thái cực kia còn nửa còn lại không theo khuynh hướng nào cả.
Xã hội dậy sớm
Đó là sự an ủi nho
nhỏ cho những ai sống về đêm trên khắp thế giới vốn phải tồn tại trong một xã
hội xoay xung quanh những người dậy sớm. Trường học hay công sở thường phải bắt
đầu rất sớm. Những người dậy sớm còn được xem là có tổ chức tốt trong khi những
ai thức khuya bị cho là lười biếng.
Một người dậy sớm
còn thú nhận với tôi rằng nếu anh ta sống chung với nhiều người thì anh ta
thích là người đầu tiên thức dậy để tận hưởng cảm giác mọi người khác đều lười
biếng.
Thời gian có ý nghĩa
nhất trong ngày là vào sáng sớm?
Nhưng những người thức
khuya có thật sự là lôi thôi không? Một số người làm việc đến tận khuya
nhưng không ai nói những người dậy sớm là lười biếng khi họ đi ngủ sớm còn người
thức khuya vẫn phải làm việc suốt đêm.
Điều may mắn là khoa
học đứng về phía tôi. Tôi không dành cả cuộc đời để ngủ hay đánh mất khoảng thời
gian đẹp nhất trong ngày. Đơn giản đó là do gien di truyền của tôi. Các nhà
nghiên cứu tại Đại học Surrey của Anh đã nhận ra rằng việc ngủ tùy tiện của
ai đó phần lớn là do kết quả của di truyền. Họ đã tìm ra rằng những người ở hai
thái cực thức khuya hay dậy sớm có một số biến thể nhất định trong gien đồng
hồ sinh học của họ.
Những biến thể này
có tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động sinh lý của chúng
ta.
Những người dậy sớm
thường có thân nhiệt cao nhất vào giữa trưa trong khi những người thức khuya
thì phải mấy tiếng sau mới như thế. Điều đầu tiên xảy ra đối với người dậy sớm
vào buổi sáng là sự gia tăng đáng kể cortisol, loại hormone làm căng cơ thể,
trong người họ, giống như một liều thuốc đáng kể để giúp họ chuyển từ trạng
thái ngủ sang trạng thái thức. Còn những người sống về đêm thì phải sau đó một
lúc lâu họ mới trải qua tình trạng giống như vậy.
Có tập luyện được
không?
Đồng hồ báo thức có
thể giúp chúng ta thay đổi thói quen?
Do đó, nếu như tôi cố
mà dậy sớm thì điều đó có nghĩa là tôi đang chống lại gien di truyền của mình.
Điều này dẫn đến câu hỏi là liệu tôi có thể tập luyện để bỏ thói quen này được
hay không.
Đáng buồn là điều
này khó mà làm được. Với một chiếc đồng hồ báo thức bạn có thể buộc mình phải
dậy sớm cũng như những người đi làm ca có thể thức nguyên đêm. Nhưng một khi
bạn quên vặn đồng hồ báo thức thì gien của bạn sẽ đưa bạn trở về với tập quán
trước đây.
Những người sống về
đêm có con nhỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chiến đấu với đồng hồ
sinh học của mình để dậy sớm nhưng cơ thể của họ sẽ quay trở lại như cũ nếu có
cơ hội. Sức ảnh hưởng của gien là rất lớn. Cú đêm thì không bao giờ nhảy nhót
trong công viên vào lúc bình minh.
Về mặt lý thuyết
thì người ta có thể tìm ra loại thuốc để can thiệp ở cấp độ phân tử. Vấn đề
là bạn phải uống thuốc liên tục để tránh trở lại với thói quen cũ.
Chỉ có một hy vọng
cho người thức đêm là vấn đề tuổi tác. Khi người ta trở nên lớn tuổi thì thói
quen sinh hoạt của họ có khuynh hướng điều chỉnh một chút về phía sáng sớm. Đối
với tôi thì điều đó sẽ xảy ra. Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, ít nhất tôi có thể
tận hưởng cuộc sống về đêm.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.