Trong cuốn thứ 6 của bộ sách Thế Chiến Thứ II, Thủ Tướng Anh, Sir Winston Churchill, tả lại một cảnh tại hội nghị Postdam vào tháng Bảy năm 1945, kể rằng đứng từ xa, vị Thủ Tướng Anh nghe Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman nói với Thống Chế Nga Joseph Stalin về một sự kiện lớn sẽ xảy ra trong tháng sau.
Đó là một chiến thắng vẻ vang mới nhất của một thiên tài phương Tây, một kiệt tác gây ảnh hưởng sâu xa đến lịch sử thế giới. Vị Thống Chế Nga lắng nghe, ra vẻ thích thú lịch sự xã giao, và hiếu kỳ nhưng không dấu được sự thờ ơ lãnh đạm. Thật ra, ông ta chẳng hiểu điều Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman muốn nói đến. Thủ Tướng Anh, Sir Winston biết rõ điều này và ghi lại rằng:
Ông ta chẳng hề biết điều gì về sự kiện quan trọng được nhắc đến... Nếu ông ta biết chút đỉnh về cuộc cách mạng trước các vấn đề quan trọng của thế giới đang diễn tiến thì chắc chắn ông ta không ngơ ngác và thờ ơ như thế... Nhưng gương mặt ông ta vẫn cứ lộ nét vui vẻ một cách ngây ngô...
Theo Tổng Thống Truman, khi nghe nói đến điều này, Thống Chế Stalin của Nga cũng chẳng buồn hỏi thêm câu nào.
Điều Thống Chế Stalin được nghe không phải là, dù có sự trùng hợp ngẫu nhiên, sự xuất hiện của một cuốn tiểu thuyết nhỏ có tựa đề Trại Súc Vật, được bày bán trên các kệ sách cùng trong một tháng khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Dù Tổng Thống Truman có nhắc đến cuốn truyện này thì rõ ràng phản ứng của Thống Chế Stalin có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã đưa hai sự kiện này cùng xảy ra vào tháng Tám năm 1945, dù cả hai đều phải mất thời gian khá lâu để chuẩn bị. George Orwell đã dành cả cuộc đời của mình để chuẩn bị cho quyển tiểu thuyết Trại Súc Vật.
Trong sách ghi hàng chữ “tháng 11, 1943 – Tháng 2, 1944, cũng là khoảng thời gian chương trình Manhattan đạt đến cao điểm [Mahattan Project là chương trình bí mật trong sa mạc thuộc tiểu bang Arizona của Hoa Kỳ để chế tạo bom nguyên tử trong đệ nhị thế chiến]. Sự trùng hợp này chắc hẳn đã đem đến cho George Orwell một sự thỏa mãn đầy đau buồn và mỉa mai. Có người cho rằng hai quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng cho một mục tiêu chính trị hoàn toàn khác hẳn, chẳng liên hệ gì đến cuộc chiến tranh với Nhật Bản.
Cũng có người cho rằng quyển tiểu thuyết Trại Súc Vật cũng nhắm vào mục tiêu chính trị – cả hai đều như nhau. Bản thân George Orwell có lẽ cũng phải chấp nhận và đồng ý với hai lối diễn dịch trên, nhưng chắc chắn ông sẽ nhấn mạnh rằng kẻ thù này không phải là riêng một cá nhân hay một chính phủ nào, mà là một hệ thống xã hội trên thế giới có khả năng sản xuất và sử dụng bom nguyên tử. Trong trường hợp này, sự trùng hợp trong tháng Tám năm 1945 càng trở nên có nhiều ý nghĩa hơn. Đồ đệ của giáo sư Toynbee, dù chưa ra đời, chắc chắn sẽ nhìn điều này như là một sự kết hợp khó khăn nhất trước những thử thách và phương cách giải quyết trong lịch sử nhân loại.
Truc Lam
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.