Ông bà Trump tới Iraq "vào đêm Giáng sinh muộn" để cảm ơn quân đội Mỹ vì "sự phục vụ, thành công và sự hy sinh của họ", Nhà Trắng nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã có chuyến thăm Giáng sinh không báo trước tới quân đội Mỹ ở Iraq.
Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ không có kế hoạch rút khỏi Iraq.
Chuyến đi diễn ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức do chia rẽ trong quan điểm về chiến lược trong khu vực.
Mỹ vẫn còn khoảng 5.000 binh sĩ ở Iraq để hỗ trợ chính phủ trong cuộc chiến chống lại tàn tích của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, một cuộc họp theo kế hoạch giữa ông Trump và Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã bị hủy bỏ. Văn phòng của ông Mahdi nói rằng đó là do những bất đồng về cách tiến hành cuộc họp. Một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã được tổ chức thay thế, các quan chức cho biết thêm.
Chuyến thăm của ông Trump kéo dài khoảng ba giờ. Trên đường về Mỹ, ông dừng chân tại căn cứ không quân Ramstein, Đức, nơi ông sẽ gặp nhiều lính Mỹ hơn.
Điều gì xảy ra trong chuyến thăm của Trump?
Ông nói lý do của chuyến thăm là để cảm ơn các quân nhân Mỹ đã giúp đánh bại IS
Ông Trump, vợ và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã bay bằng chiếc Air Force One tới căn cứ không quân al-Asad, phía tây thủ đô Baghdad, để gặp gỡ các quân nhân trong nhà hàng của căn cứ.
Đó là chuyến thăm đầu tiên của ông đến khu vực này.
Trong chuyến thăm, ông Trump đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các quân nhân Mỹ khi ông bước vào phòng ăn và đi xung quanh chào họ, tạo dáng để selfie và ký tặng.
Ông nói lý do của chuyến thăm là để cảm ơn họ một cách cá nhân vì họ đã giúp đánh bại IS.
Ông Trump nói thêm: "Hai năm trước khi tôi trở thành tổng thống, họ [IS] là một nhóm rất thống trị, ngày nay họ đã không còn thống trị nữa."
Ông Trump từng lên kế hoạch nghỉ Giáng sinh tại câu lạc bộ golf tư nhân của mình ở Florida, nhưng sau đó lại ở lại Washington vì chính phủ hiện tại đã đóng cửa một phần.
Trump đã nói gì?
"Chúng ta không còn là những kẻ khờ khạo nữa," ông Trump nói với các quân nhân Mỹ. "Chúng ta được tôn trọng một lần nữa như một quốc gia."
Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng Iraq làm căn cứ tiền phương nếu "chúng tôi muốn làm gì đó ở Syria", hãng tin Reuters đưa tin.
Trong chuyến thăm, ông Trump bảo vệ quyết định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria. Ông nói: "Rất nhiều người sẽ đồng ý với quan điểm của tôi.
"Tôi đã nói rõ từ đầu rằng nhiệm vụ của chúng tôi ở Syria là loại bỏ các thành trì quân sự của Isis [tên gọi khác của IS].
"Tám năm trước, chúng ta đã đến đó trong ba tháng và chúng ta không rời đi. Bây giờ, chúng ta đang làm đúng và chúng ta sẽ hoàn tất việc này."
Ông Trump cũng nói về cuộc trò chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người được cho là đã ảnh hưởng đến quyết định của ông nhằm rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria.
"Tôi đã có một số cuộc nói chuyện rất tốt với Tổng thống Erdogan, người cũng muốn loại bỏ họ (IS) và ông ấy sẽ làm điều đó. Những người khác cũng sẽ làm thế," ông Trump nói.
"Chúng ta đang ở trong khu vực của họ. Họ nên chia sẻ gánh nặng nhưng họ đang không làm vậy."
Ông nói rằng sẽ không có sự chậm trễ trong việc rút quân và nói thêm rằng Hoa Kỳ "không thể tiếp tục là cảnh sát của thế giới".
"Thật không công bằng khi mọi gánh nặng dồn lên vai chúng ta, Hoa Kỳ," ông nói.
"Chúng ta không muốn bị lợi dụng bởi bất kỳ quốc gia nào và sử dụng quân đội của chúng ta để bảo vệ họ. Họ đã không trả tiền cho điều này, và giờ họ sẽ phải làm thế."
Tổng thống Mỹ cũng nói rằng những cân nhắc về an ninh đã ngăn cản ông đến thăm quân đội Hoa Kỳ trong khu vực này vài tuần trước.
Tại sao việc rút quân khỏi Syria gây tranh cãi?
Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria
Ông Trump tuyên bố quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria vào tuần trước.
Tuy nhiên, các đồng minh quan trọng bao gồm các đảng viên Cộng hòa cấp cao và các cường quốc khác vẫn còn đang tranh cãi việc liệu IS đã bị đánh bại ở Syria. Họ cho rằng việc Mỹ rút quân có thể dẫn đến sự trỗi dậy trở lại của phiến quân này.
Trong lá thư từ chức của mình, Tướng Mattis nói rằng ông không chia sẻ quan điểm của ông Trump.
Một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, Brett McGurk, cũng đã từ chức sớm. Ông được cho là đã mô tả quyết định của ông Trump là "sự đảo ngược chính sách" khiến "các đối tác đồng minh của chúng ta bối rối và các đối tác quân sự của chúng ta hoang mang".
Một liên minh do người Kurd lãnh đạo, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), cũng đã cảnh báo rằng IS có thể phục hồi.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.