Khi Bắc Cực đang dần tan băng với tốc độ chóng mặt, người dân ở một thị trấn ở cực bắc của Greenland, dần nhận thấy nhà cửa, sinh kế và tập quán của họ đang ở bờ vực tồn vong.
Qaanaaq thuộc Greenland, một trong những thị trấn xa nhất ở cực bắc của thế giới, là một trong những tổn thương đầu tiên của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Rất nhiều người trong số 650 cư dân thị trấn sống trên băng vĩnh cửu - là loại nền móng thường xuyên duy trì ở nhiệt độ dưới 0 độ C trong hai năm liên tiếp hoặc lâu hơn.
Trong lịch sử, băng vĩnh cửu là nền móng vững chắc cho nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực. Nhưng khi nhiệt độ ấm dần lên, nền móng này trở nên yếu hơn không thể giúp các ngôi nhà ở Qaanaaq trụ vững, và điều này có thể trở nên nguy hiểm với người dân.
Các thị trấn khác ở Bắc Cực cũng xây trên nền băng vĩnh cửu. Nhưng họ xây dựng trên đá.
Trong khi đó, thị trấn Qaanaaq thành lập vào thập niên 1950, trước khi biến đổi khí hậu là vấn đề cần tính đến.
Nơi đây là thị trấn duy nhất ở Greenland xây dựng trên các loại vật liệu mềm hơn: như đất sét, phù sa và cát.
"Không như đá, các loại trầm tích này có chứa nước, và đây là thách thức lớn," Sebastian Zastruzny từ Đại học Copenhagen, người đã nghiên cứu băng vĩnh cửu trong vùng trong nhiều năm, nói.
"Khi nền đất đóng băng và sau đó băng tan, nền dịch chuyển lên xuống - khiến nhà cửa và hạ tầng chìm xuống, trượt và sụp đổ."
Những thay đổi xảy ra với lớp băng vĩnh cửu đã làm hư hại nhà của Orla Kleist, một người dân địa phương. Phòng khách và phòng tắm đã xuất hiện các vết nứt trên tường.
Trong phòng tắm, nền nhà đã trở nên bất ổn vì ngôi nhà chìm thấp xuống khiến cho gạch nền bị vỡ; trong bếp, như trong ảnh, tường đã có quá nhiều vết nứt đến mức gió có thể thổi vào.
Rất nhiều người dân đã phải dùng cách dán các vết nứt trong nhà để chống lạnh và chống ẩm.
Vòng quay đóng băng và tan băng có vẻ như xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Trong năm 2018, Greenland đã trải qua nhiều ngày nhiệt độ lên đến 23 độ C, cao hơn mức trung bình từ năm 1958 đến 2002, một sự kiện mà dữ liệu cho thấy ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực phía bắc của Bắc Cực.
Dù nhiệt độ trung bình trên thế giới chỉ mới tăng 1 độ C, nhưng ở khu vực gần Bắc Cực, mức tăng nhiệt là 3 độ C.
Hàng hoá nhập khẩu đến nơi này chỉ hai lần mỗi năm, và Qaanaaq là một trong những thị trấn cuối cùng của Greenland nơi mọi người sinh tồn bằng cách đi săn trên băng trên biển - mà giờ đây đang nhanh chóng tan dần.
Từ năm 1979, khi các ghi nhận từ vệ tinh bắt đầu, 12 năm tồi tệ nhất với băng trên bề mặt biển Bắc Cực bắt đầu xảy ra từ năm 2007.
Vào tháng 9/2018, lượng băng bao phủ Bắc Cực giảm 26,6% so với trung bình của các năm từ 1981 đến 2010, tính theo các khu vực có băng bao phủ đo bằng km2. Đây là xu hướng: năm 2017 là 24,8% dưới mức trung bình, năm 2016 là 29,4% dưới mức trung bình và năm 2015 là 28% dưới mức trung bình.
Độ dày của băng cũng giảm dần. Từ năm 1980 - 2008, băng trên biển Bắc Cực giảm trung bình gần một nửa độ dày, từ dày 3,64m xuống còn 1,89m.
"Mỗi năm, tình trạng của băng trên biển lại khác nhau," Jorgen Umaq, một thợ săn địa phương cho biết. Vì nhiệt độ nóng lên nghĩa là băng trên biển không còn dày như trước nữa, ông cho biết, thợ săn phải thay đổi những lộ trình đi săn mà họ đã có từ lâu, và họ không thể đi xa như trước nữa. Mùa săn ở Qaanaaq cũng ngắn lại theo từng năm.
Nhiều người đã mất mạng trên băng. Nhưng dù băng ngày càng trở nên nguy hiểm, một số thợ săn vẫn cắm lều trên băng trong suốt mùa săn.
Cũng như đi săn, người dân Qaanaaq phải dũng cảm trên mặt băng trên biển để có thể tìm được nước uống. Trong nhiều tháng mùa hè, họ lấy nước từ con sông gần đó.
Nhưng mùa đông, trời quá lạnh đến nỗi sông không chảy được.
Vậy là người dân phải đi lấy những tảng băng đá, mang băng đến một cơ sở đặc biệt nơi họ có thể làm tan băng và đem phân phối cho tất cả các ngôi nhà ở Qaanaaq bằng một xe bồn chở nước.
Điều này có nghĩa là ngay cả nhiệm vụ đơn giản như đi lấy nước ngọt cũng trở nên nguy hiểm hơn.
"Tình hình ở đây không mới và chắc chắn là chẳng thể tồi tệ hơn," Inukitsorsuaq và Genovira Sadorana, một cặp thợ săn địa phương nói.
Nhưng không may là khoa học cho thấy họ vẫn quá lạc quan. Khi khí hậu thay đổi, không chỉ có nhà cửa và sinh cảnh của họ bị đe doạ - mà còn là tập quán, danh tính văn hoá và sự sinh tồn cũng bị đe doạ.
Anna Filipova
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.