Rõ ràng họ đang chật vật. Tôi thì đang mang giày chạy. Tôi không cầm theo gì cả. Tôi không vội. Tôi có thể tới giúp họ một tay.
Nhưng nếu tôi giúp, liệu người phụ nữ có nghĩ là tôi cho rằng cô ấy không thể xoay sở bởi vì cô ấy là phụ nữ? Tôi nghĩ đến đây thì họ đã đưa được tấm nệm vào vườn sau và bắt đầu kéo lôi nó lên cầu thang ngoài trời.
Hàng rào cao quá nên họ không nhìn thấy tôi, do đó để đề nghị giúp họ tôi sẽ phải bước vào vườn một cách đường đột. Tôi có xâm phạm quyền riêng tư của họ không? Họ có khó chịu không?
Đến lúc này thì đã là quá muộn, họ đã lên được nửa cầu thang.
Bài kiểm tra lòng tốt
Có lẽ tôi đã nghĩ quá nhiều, nhưng có vẻ như không chỉ mình tôi mới thận trọng khi đề nghị làm điều tử tế cho người lạ.
Hồi tháng 8/2021, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô với Bài kiểm tra lòng tốt trên kênh BBC Radio 4. Đó là bảng câu hỏi trực tuyến do nhóm nghiên cứu tại Đại học Sussex dẫn đầu bởi nhà tâm lý học Robin Banerjee tạo ra. Hơn 60.000 người từ 144 nước đã tham gia, khiến nó trở thành nghiên cứu tâm lý lớn nhất thế giới về chủ đề tử tế.
Cũng như thang đo tính cách, sự an lạc và sự thấu cảm, lòng tốt được đánh giá bằng cách hỏi mọi người xem họ làm một loạt các việc tử tế có thường xuyên không.
Có khác biệt lớn trong các câu trả lời, với một số người thành thật thừa nhận rằng họ không thường xuyên tử tế, và những người khác tỏ ra họ là người tốt bụng.
Khi được hỏi lần cuối cùng họ được ai đó đối xử tốt là khi nào, 16% trong số họ nói là trong vòng một giờ trước và hơn 43% nói rằng đó là trong một ngày trước. Rõ ràng là bất kể họ bao nhiêu tuổi hay sống ở đâu, lòng tốt ở đâu cũng có.
Nhưng có những rào cản khiến chúng ta ít tốt bụng hơn và chúng tôi rất nôn nóng khám phá chúng trong Bài kiểm tra lòng tốt.
Khi mọi người được yêu cầu liệt kê các yếu tố khả dĩ ngăn họ có các hành động tử tế, lý do phổ biến nhất mà mọi người đưa ra là họ sợ họ có thể bị hiểu sai. Điều này gợi cho tôi nhớ lại về sự do dự của mình khi đề nghị giúp bê tấm nệm; không phải vì tôi không muốn giúp đỡ, mà bởi vì tôi sợ có thể thể hiện sai ý định, khiến người tôi muốn giúp lại cảm thấy như họ bị xúc phạm.
Đôi lúc những hành động tử tế có thiện chí có thể gặp trục trặc, như nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho phụ nữ có hoặc không có thai. Và đôi khi chúng ta không hành động do sợ mất mặt hoặc bị từ chối.
Giúp khi được nhờ
Điều này có thể giải thích tại sao hành động tử tế phổ biến nhất mà mọi người nói họ làm là "ăn có mời làm có khiến", nghĩa là sẽ chỉ giúp nếu như được nhờ.
Điều này nghe có vẻ hơi miễn cưỡng. Làm thế nào một hành động thực sự là tử tế nếu phải nhờ mới làm? Nhưng đối với tôi, có vẻ như việc điều này đứng đầu danh sách các yếu tố khiến ta có hành động tốt với người khác.
Có lẽ là chúng ta cảm thấy lo khi mình chủ động ngỏ ý giúp người, nhưng rất vui vẻ giúp họ khi ta biết rằng sự giúp đỡ của mình được hoan nghênh, đón nhận.
Có một phát hiện khác có thể làm sáng tỏ sự e dè của chúng ta.
Yếu tố lớn nhất liên quan đến lòng tốt không phải là tuổi tác hay thu nhập, mà là tính cách.
Chúng tôi sử dụng một thang bậc đo lường các yếu tố tính cách được gọi là Năm Tính cách lớn. Không ngạc nhiên khi những người tốt nhất đạt điểm cao về 'sự dễ chịu' nhưng họ cũng đạt điểm cao về hướng ngoại và cởi mở.
Tôi tự hỏi liệu những người này có cảm thấy mình có thể giúp đỡ nhiều hơn không, không nhất thiết bởi vì họ muốn giúp đỡ hơn bất kỳ ai khác, mà vì sự hướng ngoại và cởi mở của họ (sự say mê trải nghiệm mới) khiến họ ít sợ hãi về những gì có thể xảy ra khi họ giúp.
Và đối với những ai trong chúng ta ngần ngại giúp đỡ, chúng ta có thể thấy an lòng từ những câu trả lời mọi người đưa ra khi chúng tôi hỏi họ cảm thấy thế nào sau khi nhận được một hành động tử tế.
Các từ được sử dụng phổ biến nhất là 'hạnh phúc', 'biết ơn', 'yêu thương', 'nhẹ nhõm' và 'hài lòng'. Chưa tới 1% nói rằng họ thấy ngại ngùng.
Chúng tôi cũng thấy rằng ngay khi đã tính đến tính cách, những ai nói chuyện với người lạ nhiều hơn không chỉ quan sát thấy, mà chính họ cũng nhận được nhiều sự đối xử tử tế hơn.
Gillian Sandstrom từ Đại học Sussex, thành viên tham gia nhóm phân tích Bài kiểm tra lòng tốt, phát hiện ra rằng nỗi sợ của chúng ta khi nói chuyện với người lạ thường không đúng với thực tế và mọi người có xu hướng hài lòng với việc nói chuyện đó hơn là họ tưởng.
Thiếu thời gian
Khi so sánh giữa các nơi trên thế giới, nỗi sợ bị hiểu sai ở Mỹ thấp hơn ở Anh hay các nước châu Phi. Ở Mỹ, việc dùng mạng xã hội thường được đưa ra như thể đó là rào cản đối với lòng tốt.
Trên toàn thế giới, lý do phổ biến thứ hai mà mọi người giải thích tại sao họ không tử tế hơn là do thiếu thời gian, nhất là ở Tây và Bắc Âu. Điều này dường như ít hơn ở Bắc Mỹ hoặc Nam Âu.
Dĩ nhiên, nếu bạn muốn tình nguyện, bạn cần có thời gian rảnh, nhưng rất nhiều việc tốt khác không mất thời gian. Việc tốt phổ biến nhất mà mọi người nói với chúng tôi họ đã làm gần đây là nói điều gì tốt đẹp với ai đó, mà việc này thường không mất quá nhiều thời gian.
Chỉ hơn một phần tư trong số họ lo lòng tốt của mình sẽ bị xem là điểm yếu. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết từ Bài kiểm tra lòng tốt rằng sau khi có hành động tử tế, họ không chỉ thấy gắn kết hơn với người khác và hạnh phúc hơn, mà còn cảm thấy như thể họ là người tốt, và điều đó khiến cuộc sống của họ ý nghĩa hơn.
Và đó mới là phía người cho.
Nhận lòng tốt cũng làm ta thấy vui và đem đến mức độ hạnh phúc cao hơn.
Đó mới là khởi đầu phân tích dữ liệu từ kiểm tra lòng tốt và sẽ có thêm nhiều bài viết nữa về các phát hiện sẽ được công bố trên các tạp chí khoa học.
Nhưng nếu tính đến tất cả bằng chứng này, có lẽ chúng ta nên bắt đầu xem lòng tốt không phải điểm yếu, mà là điểm mạnh.
Và có lẽ lần tới khi tôi chạy qua ai đó đang khiêng nệm, tôi sẽ lấy hết can đảm để đề nghị giúp đỡ họ.
Claudia Hammond
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.