Khi tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh, người Mỹ đã khẳng định rộng rãi các quyền bất khả xâm phạm của họ. Không trực diện nhưng không kém phần rành mạch, họ đã liệt kê 10 trách nhiệm đạo đức đi kèm với những quyền đó.
Khi tuyên bố chia cách vì chính trị, họ bắt đầu bằng cách thừa nhận nghĩa vụ tuân thủ “sự tôn trọng hợp lý đối với ý kiến của con người ” bằng cách nêu rõ nguyên nhân dẫn đến quyết định của họ.
1_ “Hợp lý” được định nghĩa là phù hợp, thích hợp; Các ý kiến của con người được tôn trọng một cách hợp lý bởi vì con người có năng lực xã hội, về sự hiểu biết lẫn nhau và đưa ra lý do cho hành vi của mình. Bất kỳ hành động công cộng quan trọng nào đều đi kèm trách nhiệm giải thích cho hành động đó trước dư luận.
Để giải thích cho bản thân, người Mỹ phải nêu rõ tiêu chuẩn công lý của họ. Tiêu chuẩn đó là các quyền tự nhiên bất khả xâm phạm, bao gồm quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc.
2_ Công lý được xếp vào bốn đức tính cổ điển chính yếu, được định nghĩa và giải thích bởi Plato, Cicero và các triết gia nổi tiếng khác, đều được các nhà lập pháp hiểu rõ. Hành vi chính đáng bao gồm các hành động bảo vệ các quyền tự nhiên trong một xã hội dân sự; để khẳng định những quyền đó, tách mình khỏi những người vi phạm chúng, tôn trọng các quyền đó của tất cả những người khác, vì “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”, tất cả đều có quyền hưởng các quyền tự nhiên của họ mà không bị các bạo chúa quấy nhiễu.
Các chính phủ bảo đảm các quyền đó được thiết lập với sự đồng thuận của người dân. Điều này có nghĩa là sự đồng thuận đó không thể chỉ là sự đồng ý hoặc tự nguyện. Nó chỉ có thể mang ý nghĩa là sự đồng thuận hợp lý.
3_ Sự đồng thuận hợp lý đối với quyền tự nhiên bao hàm một ít đức tính cổ điển khác: sự khôn ngoan. Trong trường hợp này, đó là cái mà Aristotle gọi là sự khôn ngoan về mặt “lý thuyết”, là khả năng hiểu biết được các nguyên tắc chung hoặc trừu tượng. Người Mỹ thừa nhận nghĩa vụ của họ là phải hiểu bản chất con người là gì — không chỉ bản chất của người Mỹ, người Anh, hay người Pháp, mà là của cả nhân loại.
4_ Aristotle xác định một sự khôn ngoan thứ hai: sự khôn ngoan về thực tế và cẩn trọng, là khả năng tìm ra những cách thức hợp lý để bảo đảm các quyền về bản chất của con người sẽ được thiết lập về mặt lý thuyết. “Sự thận trọng”, bản Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ, “sẽ quyết định rằng không nên thay đổi các Chính phủ đã được thành lập từ lâu vì những lý do đơn giản và nhất thời”. Các chính phủ lâu đời đã tồn tại trong một thời gian dài với những lý do chính đáng; họ đã đứng vững trước thử thách về kinh nghiệm và thực tiễn. Phần lớn bản Tuyên ngôn Độc lập đã nhằm chỉ ra lý do tại sao những người ký tên có trách nhiệm với nhân loại một nhiệm vụ không hề đơn giản và nhất thời. Đó là một nhiệm vụ sâu sắc và lâu dài, và sẽ thiếu thận trọng nếu không lường trước được những kết quả có thể xảy ra.
5_ Liên quan mật thiết đến tính thận trọng là đức tính cổ điển thứ ba: tính điềm đạm. Như toàn thể nhân loại, người Mỹ đã thể hiện sự kiên nhẫn trong việc chịu đựng những cái xấu “có thể chịu đựng được” khi là thuộc địa của đế quốc Anh. Chỉ “một loạt các ngược đãi” với ý định của đế quốc nhằm “hạ họ xuống một chế độ Chuyên quyền tuyệt đối” đã cho họ không chỉ quyền mà còn nghĩa vụ phải “từ bỏ” chế độ đó, đồng thời xây dựng một trật tự mới sẽ bảo đảm các quyền tự nhiên của họ. Cả thận trọng và điềm đạm đều thể hiện quyền cách mạng, và đồng thời, nghĩa vụ phải tìm ra một chế độ hoạt động tốt hơn trên thực tế.
6_ Đức tính cổ điển thứ tư là dũng cảm. Nếu không có nó, sự khôn ngoan, công bằng và điềm đạm sẽ khiến bạn trở nên tự cao và khô khan. Như một người quản lý bóng chày đã từng nói về một đối thủ: “Người tốt thì về cuối”. Theo đó, người Mỹ tuyên bố ý định bảo vệ quyền lợi của họ với “sự kiên định của nam nhân”. Cần lưu ý rằng bản lĩnh nam nhân trong tâm trí họ không có “giới tính”. Abigail Adams cũng không kém phần “nam tính” về sự kiên định so với John, chồng của bà. Ông ấy biết và đã nói ra điều đó. Nhìn lại cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, ông đã viết rằng đó là những thời điểm thử thách tâm hồn phụ nữ cũng như đàn ông, và phụ nữ Hoa Kỳ đã thể hiện sự dũng cảm không kém gì chồng và con của họ. Vài thập kỷ sau, Tocqueville đã đi xa đến mức nói rằng nước Mỹ có được phần lớn thành công trong việc tự quản trị nhờ “sự ưu việt của phụ nữ Mỹ” so với những phụ nữ ở các phòng khiêu vũ và sảnh hội họp ở Âu Châu, nơi mà các đức tính nghiêm khắc đã không còn hợp thời.
7_ Những người ký bản Tuyên ngôn cũng đề cao đức tính văn minh hơn sự man rợ. Sự man rợ này không có nghĩa là sự nguyên thủy, mà họ muốn nói đến sự xảo quyệt, ý định cai trị bằng vũ lực và lừa đảo, hay theo cách nói của họ, là sự tàn nhẫn và bội bạc. Theo tiêu chuẩn này, các chính sách của quốc vương nước Anh đối với thuộc địa Mỹ là man rợ, dù các nghi thức có thể khiến ông ta mang vẻ “văn minh” thế nào đi nữa.
Aristotle hiểu bản chất con người không chỉ là lý trí mà còn là chính trị hoặc dân sự. “Chính trị” nghĩa là khả năng cai trị và được cai trị, như những cặp vợ chồng tốt trong một gia đình có trật tự, cũng như giữa các công dân với nhau. Quy tắc chính trị hoặc dân sự khác với quy tắc của cha mẹ — quản giáo con cái vì “lợi ích của chúng”. Sự tương đương về mặt công dân của quy tắc này là vương quyền, chế độ một người cai trị vì lợi ích của thần dân, thường được mô tả là “những người con” của quốc vương. Quy tắc chính trị hoặc dân sự cũng khác với sự cai trị của chủ nhân đối với nô lệ, mà theo Aristotle, vốn được thiết lập vì lợi ích của chủ nhân chứ không phải của nô lệ. Đức tính văn minh sẽ đối xử với con người bình đẳng một cách tự nhiên, như những công dân bình đẳng trong một chế độ được thiết kế để mọi công dân được đại diện trong chính phủ — chế độ quản lý bằng sự đồng thuận. Sự văn minh cổ vũ cho chế độ cộng hòa, và sẽ thay thế chế độ chuyên chế của nước Anh.
8_ Người Mỹ cũng coi trọng một đức tính ít cổ điển hơn: tính khiêm tốn. Họ đã thỉnh cầu quốc vương Anh với “những lời lẽ khiêm tốn”. Kinh Thánh dạy rằng khiêm tốn là một đức tính tốt, vì Chúa Trời tạo ra con người bình đẳng, họ bình đẳng trước Chúa và dưới Chúa. Trong tiếng Do Thái, từ chỉ sự khiêm tốn, anav, thường gắn liền với người sáng lập vĩ đại nhất của Israel: ông Moses. Sự khiêm tốn của Moses cho phép ông đưa ra Mười Điều Răn, không phải là luật của riêng ông hay sản phẩm từ sự khôn ngoan của ông, mà là luật của Chúa Trời. Khi mô tả quyền được độc lập của họ như được thiết lập bởi các quy luật của Tự nhiên và của Chúa, những người ký bản Tuyên ngôn cũng thể hiện một sự khiêm tốn tương tự. Họ không kiêu ngạo trước nhân loại như những người Mỹ “đặc biệt”. Họ công bố ý định đòi quyền lợi của mình dựa trên nền tảng luật pháp tự nhiên do Chúa Trời tạo ra. Họ không phải là những vị thần sáng tạo, mà là những người nhận quà tặng của Chúa.
Trong khi thỉnh cầu quốc vương bằng những lời lẽ khiêm tốn, họ cũng kêu gọi “sự hào hiệp” của “những người anh em Anh quốc”, những người dân nước Anh.
9_ Sự hào hiệp — theo nghĩa đen, là sự vĩ đại của tâm hồn — tôn vinh và cô đọng những đức tính cổ điển. Aristotle mô tả người hào hiệp như một người có tâm hồn đủ rộng lớn để chịu đựng sự khắc nghiệt của đời sống chính trị mà không oán hận, không nhỏ mọn trả thù như những người có tâm hồn nhỏ nhen. Người Mỹ hiểu rằng hành động của họ sẽ khiến người dân Anh bất ngờ. Đế chế hùng mạnh của Anh, một nguồn tự hào dân tộc có thể hiểu được, sẽ bị suy giảm. Sau khi từ bỏ việc thể hiện sự khiêm tốn trước nhà vua — khiêm tốn nhưng không khúm núm — người Mỹ yêu cầu người dân của mình phải có tâm hồn vĩ đại. Họ có thể yêu cầu như vậy với chính bản thân, và theo đó coi người dân Anh là “kẻ thù trong Chiến tranh” nhưng là “những người bạn trong Hòa bình”. Họ thấy rằng một cuộc chiến tranh giành độc lập sẽ khơi dậy sự tức giận trong trái tim họ chống lại dân tộc Anh, ngay cả khi họ đang cảm thấy sự tức giận đó đối với Vua George và quốc hội Anh. Họ thề sẽ chào đón những kẻ thù cũ với sự hào hiệp, một khi hòa bình được lập lại.
Chưa bao giờ mà sự khiêm nhường trong Kinh Thánh và sự hào hiệp cổ điển lại dễ dàng kết hợp với nhau như vậy. Những người ký Tuyên ngôn Độc lập đã kết nối chúng. Họ có thể làm vậy vì họ hiểu sự khiêm tốn là một đức tính đi kèm theo sự tôn trọng — trong xã hội dân sự, đối với một quốc vương nếu ông tuân thủ các quy luật của Tự nhiên và Thượng đế; trong xã hội dân sự và tự nhiên, đối với Chúa Trời và luật của Ngài, được các dân tộc và quốc vương, thường dân cũng như quý tộc tuân theo.
10_ Cuối cùng, người Mỹ cam kết với nhau “Danh dự thiêng liêng”. Nếu người Mỹ dành sự tôn trọng xứng đáng cho các ý kiến của nhân loại, thì họ dành cho nhau niềm danh dự, đặc biệt là lòng trung thành cho một hành động chung tốt đẹp: việc thành lập chính phủ tự trị và công bằng ở đất nước mình. Họ sẽ không phản bội nhau. Họ sẽ tôn trọng ý kiến của người khác. Nhưng trong nhiệm vụ này, mỗi người sẽ xứng đáng nhận được đánh giá tốt từ đồng bào của mình.
“Đứng đầu trong chiến tranh, đứng đầu trong hòa bình, đứng đầu trong trái tim của đồng bào”, George Washington là người Mỹ mẫu mực đối với người dân Mỹ. Đứng đầu trong chiến tranh, ông đã thể hiện lòng dũng cảm trên chiến trường, và lòng dũng cảm của công dân sau chiến tranh, khi phải đối mặt với một cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra. Đứng đầu trong hòa bình, ông đã thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với nhân loại trong bài Diễn văn Chia tay, tránh các liên minh quân sự ở Âu Châu (lúc đó là vạc dầu chiến tranh) và dẫn dắt người dân của mình đến một hiến pháp được thiết kế để bảo đảm công lý cho tất cả công dân Mỹ. Ông đã chứng minh cho họ thấy mình có đủ trí tuệ để thành lập chính phủ bằng sự đồng thuận. Và ông đã giành được vị trí đứng đầu trong lòng những đồng bào, với sự lịch thiệp không phô trương, sự khiêm tốn khi phản đối bất kỳ đề nghị nào rằng ông nên được phong vương (Vua George không bao giờ nghĩ rằng ông có thể chống lại sự cám dỗ này). Và có lẽ trên tất cả là sự vĩ đại của tâm hồn và lòng danh dự — những đức tính “quý tộc” mà ông khiêm tốn dùng để phục vụ chủ nghĩa cộng hòa mà người Mỹ đã chiến đấu giành lấy, và đã chiến thắng.
Trong tất cả những điều này, Washington đã trở thành một hiện thân sống động của các nguyên tắc trong Tuyên ngôn Độc lập, là người thực hành hàng đầu, và là tấm gương cho người Mỹ về những đức tính mà họ quý trọng. Trong suốt quá trình thử thách tâm hồn của việc thay đổi chế độ cách mạng và xây dựng một chế độ hòa bình, Washington và những đồng bào Hoa Kỳ của ông không bao giờ coi những đức tính này là chỉ thuộc về người Mỹ, mà là di sản chung của nhân loại, theo quy luật của Tự nhiên và của Thượng Đế.
Will Morrisey _ Joe Nguyễn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.