Với tôi, cứ mỗi lần đến Ngày Hiền Mẫu, tâm trí tôi đều ngập tràn những vần thơ đã cũ của Rudyard Kipling:
Với những nghiệt ngã của số phận được dự đoán sẽ xảy đến với tâm hồn đáng thương này, tôi đồ rằng những dòng thơ này phần nhiều dành cho nam giới hơn là cho nữ giới. Chẳng với một chút nghi ngờ nào, tôi biết rằng dù cho điều gì có xảy đến, “Con biết tình ai mãi vẫn còn.” Bà là mẹ của tôi, đúng thế đấy, nhưng khi vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, bà cũng là một người bạn thân thiết nhất của tôi.
Khi Ngày Hiền Mẫu đang đến trong tiết xuân này, chẳng có duyên cớ rõ ràng nào khiến tâm trí tôi phiêu đãng trôi về phía những người phụ nữ và những bà mẹ của các nàng ấy, đặc biệt là đến với những cô con gái của tôi mà giờ đây cũng đã trở thành những người mẹ. Tôi đã biết món quà nào mẹ đã ưu ái ban cho, nhưng bấy lâu tôi vẫn ngẫm nghĩ, điều quý giá gì mà các bà mẹ để lại cho con gái mình? Những điều đáng quý nhất về tấm gương và lời khuyên nào của bà để rồi họ sẽ lại truyền cho những người con của mình?
Tôi hoàn toàn không hay biết.
Và tôi quyết định sẽ tìm ra bằng được.
Nhưng trước khi tôi chia sẻ đến các bạn khám phá của mình, tôi có một vài dòng lưu ý. Với những độc giả đã mất đi đứa con yêu quý của mình dù là ở độ tuổi nào, hay với những ai đã mất đi người mẹ thân yêu bởi sinh ly tử biệt thì Ngày Hiền Mẫu hẳn là thời khắc của sự đày ải. Nếu bạn chẳng may là người đó thì tôi chẳng có lời sẻ chia nào, chẳng có một câu danh ngôn hay một câu châm ngôn nào để nói với bạn ngoài câu, “Tôi rất lấy làm tiếc cho mất mát của bạn.”
Lòng trắc ẩn và trái tim quả cảm
Katharine Miller sống tại Pennsylvania là một người vợ trong độ tuổi 30 và một người mẹ của một em bé bảy tuổi. Vào đêm trước lễ tốt nghiệp đại học, mẹ cô có triệu chứng phình động mạch não. Và năm ngày sau, bà đã ra đi.
Với một ánh nhìn dịu dàng thăm thẳm nơi đáy mắt, Miller nhớ lại những ký ức của mình. “Tôi nghĩ rằng món quà đầu tiên của Mẹ chính là lòng tốt,” cô nói. “Bà là một tấm gương mẫu mực về cách đối nhân xử thế, về nụ cười, về phong thái hòa nhã và có duyên. Khi còn là một đứa trẻ, tôi ra ngoài để tham gia một buổi cắm trại, mẹ tôi đã bảo tôi hãy quan sát xung quanh phòng xem người bạn nào đang cô đơn nhất, và tôi hãy đến nói chuyện với bạn ấy.”
Miller dừng lại ngẫm nghĩ một lúc, rồi lại lên tiếng, “Bà luôn nói tôi hãy đứng về phía chính nghĩa, đứng về phía đức tin của mình, và hãy dũng cảm lên. … Bà nói rằng tôi sẽ luôn phải đối diện với một vài nỗi sợ hãi, và tôi cần phải biết chống lại nỗi sợ đó.”
Đức tin
Annie là một người vợ và mẹ của bốn đứa con, cô cũng đồng thời sinh sống tại Pennsylvania. Annie là người gốc Benin ở Tây Phi, khi còn là một thiếu nữ, cô đã du ngoạn khắp Phi Châu bởi cha cô là một nhà ngoại giao. Chúng tôi trò chuyện qua điện thoại, và qua chất giọng nhẹ nhàng ấy, tôi đã có thể nghe thấy tình cảm mà cô dành cho mẹ của mình.
Cô tâm sự, “Phần lớn người Phi Châu đều nhận được sự giúp đỡ từ họ hàng – từ các cô, dì, chú, bác và các anh em họ – nhưng bởi vì chúng tôi đã xa gia đình quá thường xuyên nên mẹ của tôi đều phải tự thân làm mọi việc. Bà và cha tôi đều là những được giáo dục tốt – mẹ tôi đã hoàn thành bậc cao học về văn học Pháp – và khi nơi chúng tôi sống trở nên tôn sùng tiền bạc và quyền lực – mẹ tôi đã đưa chúng tôi vượt qua bằng món quà về niềm tin tôn giáo của bà. Bà đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc bảo vệ đức tin, và khi chứng kiến điều đó, chúng tôi cũng thờ phụng và xưng tội. Bà đã sống cùng đức tin của mình, đến độ bạn có thể cảm nhận được điều đó là sự thật.”
Giờ đây, Annie đang dành toàn vẹn tâm trí để truyền món quà của mẹ cô cho những đứa con của mình.
Đối đãi tử tế với người khác
Người mẹ trẻ nhất mà tôi trò chuyện đang ở độ tuổi gần 30, đó là Donna Lagle sống tại North Carolina. Cô là vợ của một người lính cứu hỏa và là mẹ của hai bé trai. Từng là một giáo viên, hiện giờ cô là một người mẹ toàn thời gian và làm việc tại nhà với công việc của một nhân viên kinh doanh.
Cô Lagle biết ơn mẹ vì đã truyền cho cô ý thức về việc đối đãi tử tế với người khác: “Bà rất thương người và thích được giúp đỡ họ: từ gia đình, bạn bè đến những người trong nhà thờ. Đôi khi điều này có cả phúc và họa, bởi bà thường xuyên không có đủ thời gian cho bản thân. Nhờ tấm gương của bà, tôi trở thành một người mẹ tốt, một người vợ tốt và một người bạn tốt. Hôm trước, một người bạn từ thời trung học đã gọi và hỏi tôi về sản phẩm đang kinh doanh, và rồi, cô mở lòng nói về các vấn đề mình đang gặp phải. Cô đang gặp khó khăn trong một vài việc, và chúng tôi đã chia sẻ với nhau. Dành thời gian để đối tốt với người khác là điều tuyệt vời nhất mà mẹ đã dạy tôi.”
Chăm chút cho đời sống gia đình
Anne sống ở phía Tây của tiểu bang North Carolina, là một người vợ, người mẹ của bốn đứa con, và là một người bà đã từng làm bác sĩ thú ý. Mẹ cô nay đã 103 tuổi, bà mắc phải căn bệnh suy giảm trí tuệ và đang sống căn một căn nhà hỗ trợ cách nhà cô 45 phút. Mỗi tuần một lần, Anne đều đến đây thăm bà.
Anne nói, “Bà đã đặt ra một nhịp điệu [sống] trong nhà chúng tôi, và không phải là một cách kiểm soát độc tài nào cả. Tôi đã không nhận ra điều này tuyệt vời đến như thế nào cho đến khi tôi dần trưởng thành hơn. Ngôi nhà của chúng tôi thật yên bình với những giới tuyến được vạch ra hợp lý, và đó luôn là một cơ chế hỗ trợ lành mạnh với tôi. Bà nhân hậu và chưa khi nào nói lớn tiếng. Hồi tưởng lạị, tôi thật sự trân trọng tất cả. Cần phải có nghệ thuật để gìn giữ ngôi nhà được yên bình và gắn bó. Là một phụ huynh, tôi nghĩ rằng mình sẽ cố gắng thực hiện điều này.”
Trò chuyện với Anne, tôi có thể nghe được âm hưởng tốt lành từ người mẹ tỏa ra từ giọng nói của Anne.
Đức hy sinh
Rebecca McMahon sinh sống tại tiểu bang Virginia, là vợ và mẹ của ba người con, một bé đang nằm trong bụng cô. Và cô cũng đã dành lời ca ngợi cho đức tính vị tha của mẹ mình. “Tôi nhớ rằng có rất ít lần mẹ mua gì cho bà,” và cô nói trong tràng cười giòn giã, “Khi bà đã 52 tuổi, và chị gái tôi kết hôn, và tất cả chúng tôi đều đi làm móng tay.
Mẹ tôi nói khi bước vào cửa tiệm rằng, ‘Mẹ không biết hành xử như thế nào cả. Mẹ chưa từng để ai làm móng cho mình bao giờ.’”
McMahon trân trọng tấm gương nội trợ của mẹ cô. “Là một người mẹ tự tay nuôi dạy sáu người con trưởng thành, bà nấu ăn, nướng bánh nhiều đến mức cả ngôi nhà ngập trong những mùi hương tuyệt vời, và là người gìn giữ toàn vẹn ngôi nhà của mình. Tôi sẽ cố gắng để có thể làm được như mẹ vậy.”
Cũng như một vài người tôi phỏng vấn, McMahon biết ơn mẹ vì đã truyền cho cô đức tin tôn giáo. “Bà và Cha thường đưa chúng tôi đến tham dự Thánh lễ hàng ngày, và mẹ chuyên tâm tụng kinh rosary, bà đọc mỗi đêm cho dù bà mệt như thế nào.”
Bài học để lại
Vào ngày đặc biệt này, chúng ta có thể tặng những người mẹ bó hoa và thiệp chúc xinh xắn, đãi mẹ ăn trưa, và thậm chí là tặng mẹ những món quà xa xỉ. Tất cả những cử chỉ này đều để thể hiện tình yêu của chúng ta dành cho mẹ và cho tất cả những gì mẹ đã làm. Nhưng sau khi trò chuyện với những người phụ nữ này, tôi tin rằng món quà tuyệt diệu nhất mà chúng ta có thể tặng cho những bà mẹ chính là những lời biết ơn chân thành từ trái tim và việc truyền lại cho con cái những bài học từ họ.
Dành cho những ai đã mất mẹ, tôi cho rằng bạn cũng nên kể câu chuyện về mẹ cho lớp trẻ, cho con, và cháu của bạn. Hãy san sẻ tình yêu và trí tuệ bạn đã thu nhặt được cho những thế hệ sau.
Lời cuối dành cho những bà mẹ của các bé con, bạn đang có những đôi giày lớn để lấp đầy. Như William Makepeace Thackery đã viết trong tác phẩm Vanity Fair (Tạm dịch: “Sự hư ảo của phái đẹp”) “Mẹ là danh xưng của Đức Chúa trên môi và trong tim trẻ thơ.”
Những đứa trẻ cần có Mẹ. Và tất cả chúng ta đều cần có Mẹ.
Jeff Minick _ Hạnh Dung
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.