Cảm xúc đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Cuộc tình lãng mạn kết thúc; những người thân yêu qua đời; bạn bè khiến chúng ta thất vọng: Tất cả những trải nghiệm thường gặp này đều có thể mang lại kết cục không tốt cho sức khỏe của chúng ta.
Đó là điều mà nhà báo khoa học Florence Williams đã khám phá ra sau khi người chồng 25 năm của cô bất ngờ đòi ly hôn. Cô Williams cảm thấy hụt hẫng, chấn động, và đau khổ, thậm chí còn bị bệnh.
“Về mặt thể chất, tôi cảm thấy như cơ thể mình được cắm vào một ổ cắm điện bị lỗi,” cô viết. “Ngoài việc bị giảm cân, tôi đã không ngủ được. Tôi sắp bị bệnh tới nơi: Tuyến tụy của tôi không hoạt động bình thường. Thật khó để nghĩ ra tại sao lại như vậy.”
Để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với mình, cô Williams đã từ chối những lời khuyên từ sách self-help – chẳng hạn như “học cách yêu bản thân trước” hoặc “cẩn thận với những mối quan hệ mới chỉ vì trống trải” – cô tìm kiếm trong khoa học. Kết quả là cuốn sách của cô có nhan đề ‘Đau khổ’ (Heartbreak) – là một tác phẩm dưới dạng hồi ký, một phần khám phá khoa học, và thực hành chữa lành cảm giác đau lòng đã đem lại hy vọng và hướng dẫn cho bất kỳ ai từng trải qua nỗi đau xé lòng.
Bằng cách tìm hiểu nghiên cứu, cô Williams phát hiện ra rằng cảm xúc đau khổ có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta hơn mọi người thường nghĩ. Đau khổ ảnh hưởng đến tim mạch; một nghiên cứu cho thấy cả nam và nữ từ 30 đến 65 tuổi có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng đáng kể trong năm đầu tiên sau khi một mối quan hệ lãng mạn bị tan vỡ, lần lượt là 25% và 45%.
Cô cũng học được từ nhà khoa học thần kinh Helen Fisher rằng các phần của não liên quan đến chứng nghiện và đau đớn sẽ sáng lên trong lúc đau khổ, và mô hình này gắn liền với ám ảnh, hành vi thất thường – chẳng hạn như nghĩ về người phụ bạc mình đến 85% thời gian, xuất hiện tại nơi làm việc của người xưa một cách bất ngờ, và để lại những lời nhắn dài đầy giận dữ, tuyệt vọng, và tình yêu nồng cháy.
Tiến sĩ Fisher nói với cô Williams rằng những người bị phụ bạc sẽ trải qua giai đoạn phản kháng, trong đó dopamine và norepinephrine tràn ngập trong não của họ, khiến họ hành động như thể đang trong tình trạng bị đe dọa. Điều đó hợp lý, khi sự phụ bạc tác động vào phần đó của chúng ta, nơi ta nhận ra rằng ta cần những người chung quanh vì sự an toàn và sống còn. Tuy nhiên, khi nạn nhân đau khổ trở nên cam chịu hơn, mức dopamine và serotonin giảm xuống, có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm.
Với tất cả những tin tức làm nản chí này, cô Williams quyết tâm tìm ra cách vượt qua nỗi đau nhanh chóng hơn và hoàn toàn quên đi.
“Tại sao lại khó vượt qua nỗi đau khổ?” cô ấy viết. “Nếu tôi biết được câu trả lời, có lẽ tôi có thể tăng tốc và cảm thấy dễ chịu hơn.”
Dưới đây là một số mẹo đã giúp cô ấy vượt qua nỗi đau của chính mình.
Đừng tự ôm trách nhiệm vào mình
“Khi cảm thấy không được người quan trọng trong cuộc sống của mình yêu thương, chúng ta dễ cho rằng mình là người khó ưa,” cô Williams viết. Mặc dù điều cần thiết là phải hiểu vai trò của mình trong cuộc chia tay, nhưng chúng ta không nên cảm thấy có trách nhiệm về việc bị phụ bạc, cũng như không xem đó là chuẩn mực đánh giá mình vô giá trị.
Có thể tìm ra một số quan điểm và nhắc nhở bản thân về con người thật của chính mình; điều này giúp giảm bớt cảm giác bị từ chối. Một cách là viết ra những cảm xúc trong lòng; điều này đã được chứng minh là giúp mọi người đối diện với những trải nghiệm đau đớn tốt hơn và tìm thấy sự bình yên hoặc ý nghĩa nào đó trong đó. Sáng tác một câu chuyện, trong đó bạn là trung tâm của câu chuyện (chứ không chỉ là một nạn nhân), có thể giúp giảm bớt các vấn đề tâm lý sau này – có lẽ vì phương cách này làm giảm sự tư lự và đem lại cho chúng ta cảm giác tự chủ.
Giảm căng thẳng
Như Williams đã phát hiện ra, đau khổ khiến bạn rơi vào trạng thái cảnh giác quá mức; điều này sẽ tàn phá não bộ và cơ thể bạn, đặc biệt nếu xảy ra thường xuyên. Để vô hiệu hóa, bạn cần tìm cách giảm căng thẳng, cho dù điều đó có nghĩa là thử thiền (điều mà Williams thấy ít hữu ích hơn) hoặc đi bộ thường xuyên trong rừng (tốt hơn đối với cô ấy).
Một lý do tốt để giảm căng thẳng là điều này có thể mở ra cho bạn những hướng suy nghĩ khác có thể giúp bạn vượt qua khổ đau.
Cô viết: “Khi chúng ta bình tĩnh lại, sự chữa lành thực sự có thể xảy ra: sự phát triển về mặt cảm xúc, hiểu biết sâu sắc về nhận thức, lập kế hoạch cho tương lai, và khả năng kết nối với những người khác theo những cách tương hỗ và có ý nghĩa.”
Làm nguôi ngoai niềm đau
Vì nỗi đau của sự tan vỡ ảnh hưởng đến các bộ phận của não giống như nỗi đau thể xác, những thứ giúp giảm bớt nỗi đau thể xác có thể hữu ích. Ví dụ, những động chạm yêu thương có thể là một yếu tố giảm đau và cũng đã được chứng minh là làm giảm niềm đau bị phụ bạc.
Một ý tưởng thú vị mà Williams đã thử là chườm nóng cơ thể bằng cách tắm nước nóng, dùng bình nước nóng đặt trên chiếc giường lạnh lẽo vào ban đêm, và uống thức uống ấm. Nhiệt, đã được phát hiện để xoa dịu nỗi đau cô đơn, cũng có liên quan đến các tương tác xã hội “ấm áp hơn”.
“Thông thường người ta không đọc thấy điều này trong những bí quyết vượt qua đau khổ khi chia tay, nhưng bây giờ khoa học đang len lỏi vào: Tìm kiếm nhiệt,” cô viết.
Hướng đến sự nâng đỡ của xã hội
Sự cô đơn là dấu hiệu của trái tim đau khổ. Rốt cuộc, nguồn đồng hành chính đã ra đi, và bạn không còn có thể dựa vào sự hiện diện của người đó để cung cấp kết nối xã hội và quan tâm.
Mặt khác, nghiên cứu cho thấy kết nối xã hội lành mạnh làm giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe – điều mà cô Williams cần vào thời điểm rất khó khăn trong cuộc đời.
Tại một đoạn trong cuốn sách của mình, cô mô tả một chuyến đi bè trên sông Green River; điều này thật tốt khi cô đi cùng với những người khác, nhưng lại không tốt lắm khi cô thực hiện chuyến đi một mình. Ở một mình trên một con sông đầy nguy hiểm, vừa thử thách vừa tăng sự tự tin, cũng khiến cô trở nên quá cảnh giác và cho cô quá nhiều thời gian suy ngẫm.
“Tôi đến đây để chấp nhận sự cô độc – hoặc ít nhất là đối mặt với nó – chứ thực ra tôi thích có những người khác ở chung quanh,” cô nói. “Đôi khi dựa vào một ai đó tốt bụng – hoặc một nhóm thân thiết những người tốt bụng – luôn luôn là siêu nhiên liệu di động của chúng ta.”
Trầm trồ tán thưởng
Khi trải nghiệm những sự việc khiến chúng ta trầm trồ tán thưởng, chúng ta không chỉ cảm thấy hạnh phúc hơn mà còn có cảm giác bản thân là một phần của điều gì đó lớn lao hơn chúng ta. Nó có thể giúp chúng ta sáng tạo hơn và thậm chí cải thiện hệ thống miễn dịch của chúng ta. Cách nhìn vấn đề bao quát và những sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề, kèm theo trải nghiệm thán phục có thể tốt cho người đang đau khổ.
Một cách để tìm thấy sự tán thưởng trầm trồ là hòa mình vào vẻ đẹp. Đối với cô Williams, một người say mê thiên nhiên, điều đó có nghĩa là dành thời gian đi ngắm phong cảnh thiên nhiên.
Chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn, ngắm nhìn những chi tiết tinh tế của những bông hoa, hoặc thực hiện một cuộc tĩnh tâm ở nơi hoàn toàn hoang dã đã giúp tâm trí của cô bước ra khỏi những đau khổ nội tâm để có sự tập trung lành mạnh hơn, hướng ngoại hơn.
“Có lẽ sự tán thưởng có thể giúp chúng ta trở nên hữu ích hơn, có mục đích và kiên cường hơn, hoặc hướng tới bất kỳ mục tiêu nào khác,” cô viết.
Tìm kiếm mục đích
Giúp đỡ người khác, thực hiện những công việc có ý nghĩa, tạo dựng cộng đồng – tất cả những điều này đều có thể đem lại cảm giác có mục đích; điều này tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nhà nghiên cứu Steven Cole, người nghiên cứu cách cảm xúc ảnh hưởng đến biểu hiện gen của chúng ta nói rằng, tình nguyện là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn những tác động tiêu cực của sự cô đơn lên gen của chúng ta.
“Nếu chúng ta có thể giúp cho tình trạng của thế giới lạc quan hơn, và thậm chí tốt hơn, nếu chúng ta cảm thấy mình đang tích cực đóng góp vào sự cải thiện đó, gene của chúng ta sẽ cảm ơn chúng ta,” cô Williams viết.
Ngoài những điều này, cô còn đưa ra nhiều đơn thuốc để vượt qua nỗi đau và cố gắng tạo ra một con đường mới – bao gồm cả việc trở nên cởi mở hơn với những trải nghiệm mới. Mặc dù không có một phương pháp nào là hoàn hảo, nhưng kết hợp lại với nhau, nhiều phương pháp đã giúp cô vượt qua sự đau khổ tốt hơn – ngay cả khi nó không bao giờ là một đường thẳng.
Cô nói, “Tôi đã hy vọng thông qua quá trình lâu dài này, tôi sẽ tìm ra điểm tận cùng của nỗi đau. Nhưng giải quyết không dễ dàng như vậy. Hầu hết những điều tôi đã thử đều hữu ích, một số thì không. Điều tốt nhất tôi có thể hy vọng lúc này là khoảng cách, viễn cảnh, và thời gian.”
Jill Suttie, Psy.D., _ Huyền Cầm
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.