Friday, May 13, 2022

6 loại ‘thuốc hạ đường huyết’ có sẵn trong nhà bếp

 BM

Khi mọi người nấu ăn, thường thêm vào các loại gia vị để làm phong phú thêm màu sắc và hương vị của món ăn. Những loại gia vị này có tác dụng thúc đẩy tích cực rất lớn đối với sức khỏe con người, trong đó không ít loại gia vị có thể kiểm soát lượng đường trong máu, chẳng khác nào “thuốc hạ đường huyết” trong nhà bếp vậy. Vậy đó là những loại gia vị nào?

 

Theo ông Lương Gia Vĩ (Liang Jiawei), chuyên gia dinh dưỡng tư vấn tại “Health on Table”, các loại gia vị như quế, tỏi, gừng, ớt, nghệ, đinh hương đều có thể giúp giảm lượng đường trong máu.

 

1_ Quế


BM


Quế nổi tiếng có tác dụng giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm tăng độ nhạy Insulin, giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

 

Vào năm 2009, Tạp chí y học “Diabetes, Obesity and Metabolism” (Bệnh tiểu đường, béo phì và chuyển hóa) đã công bố một nghiên cứu trên người cho thấy, quế làm giảm lượng đường trong máu lúc đói từ 10 – 20%.

 

Ngoài ra, quế còn có tác dụng ức chế sự thèm ăn, ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều. Khi ăn ít đi cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

 

2_ Tỏi


BM

Tỏi vốn có nhiều công dụng, có thể ngăn ngừa ung thư, giảm cholesterol, tránh xơ cứng động mạch v.v… Đồng thời, tỏi còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Vào năm 2014, một nghiên cứu mang tính hồi cố đã ủng hộ quan điểm ăn tỏi thường xuyên có thể giúp giảm lượng đường trong máu.

 

Chuyên gia dinh dưỡng Lương Gia Vĩ cho biết, các chất dinh dưỡng như Allicin, Polyphenol, Quercetin trong tỏi có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ví như Allicin là một hợp chất lưu huỳnh hữu cơ, có thể làm giãn nở các mạch máu, không chỉ giúp giảm huyết áp mà còn có thể thúc đẩy thúc đẩy quá trình sản xuất Insulin giúp giảm lượng đường trong máu.

3_ Gừng 


BM


Gingerol chứa trong gừng có thể kích thích các dây thần kinh giao cảm, tăng tuần hoàn toàn thân và tiêu thụ calo, đồng thời tăng độ nhạy cảm của Insulin.


 BM

Một số nghiên cứu đã chứng minh gừng có thể giúp giảm lượng đường trong máu, đồng thời giúp điều tiết phản ứng Insulin ở những bệnh nhân tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2015 trên “Tạp chí Nghiên cứu Dược phẩm Iran” (Iranian Journal of Pharmaceutical Research) cho thấy, những bệnh nhân tiểu đường type 2 sau khi dùng bổ sung bột gừng trong 12 tuần đã cải thiện lượng đường trong máu lúc đói.

 

4_ Ớt


BM

Ớt có thể kích thích đẩy nhanh chu trình trao đổi chất của cơ thể. Khi quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, đồng nghĩa với việc lượng đường trong máu có thể được chuyển hóa nhanh chóng, sẽ không lưu trữ quá nhiều đường trong máu, và đường huyết có thể được kiểm soát tốt hơn.

 

Vào năm 2006, Đại học Tasmania của Úc (Australia’s University of Tasmania) đã so sánh các mẫu máu của 36 người trưởng thành khỏe mạnh sau khi ăn bữa ăn thanh đạm, và sau khi ăn bánh Hamburger gia vị ớt. Nhóm nghiên cứu phát hiện, so với những người ăn bánh Hamburger gia vị ớt, thì nhóm người sau khi ăn bữa ăn thanh đạm có mức Insulin trung bình cao hơn. Khi Insulin trong máu quá cao, sẽ dễ gây ra tình trạng kháng Insulin, điều này đã được giới y học công nhận là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường type 2.

5_ Nghệ


BM  

Màu vàng cam tươi ngon của món cà ri là có từ củ nghệ. Những công dụng bảo vệ sức khỏe của nghệ, bao gồm làm giảm lượng đường trong máu, đều liên quan đến chất Curcumin.

 

Vào năm 2013, tạp chí y khoa “Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine” đã xem xét lại hơn 200 bài luận văn nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và chất Curcumin. Kết quả cho thấy, Curcumin có thể giúp bệnh nhân tiểu đường cải thiện tình trạng kháng Insulin và mức cholesterol. Một nghiên cứu khác phát hiện, Curcumin có thể giúp đảo ngược tình trạng tiền tiểu đường, và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường.

 

6_ Đinh hương


BM


Đinh hương cũng là gia vị chính trong ẩm thực Ấn Độ, nó chứa nhiều Polyphenol có khả năng chống oxy hóa, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

 

Trong một nghiên cứu năm 2019 ở Ấn Độ, 13 người khỏe mạnh đã uống chiết xuất polyphenol từ đinh hương trong 12 ngày liên tục, sau đó phát hiện lượng đường huyết sau bữa ăn giảm xuống đáng kể.

 

Các loại gia vị giúp hạ đường huyết có thể được phối hợp theo 2 cách này để tăng hiệu quả kiểm soát đường tốt hơn.


BM


Trên thực tế, nếu thực sự muốn các loại gia vị này có tác dụng hạ đường huyết tốt hơn, phải cần một liều lượng lớn, và có thể cần dùng các chất chiết xuất liên quan. Tuy nhiên, nếu thường xuyên thêm các loại gia vị này vào trong các món ăn, thì vẫn có thể có hiệu quả bảo vệ sức khỏe.

 

Bột quế là nguyên liệu kiểm soát lượng đường trong máu rất tiện lợi, có thể rắc trực tiếp lên cà phê, trà sữa, trà đen, hoặc lên táo rồi cho vào lò nướng, sẽ trở thành món điểm tâm thơm ngon. Chuyên gia Lương Gia Vĩ cho biết, cũng có thể dùng quế để làm một thanh năng lượng thể thao đơn giản: bột yến mạch cho thêm các loại hạt, táo, và một ít bột mì, rắc bột quế lên trên và cho vào lò nướng.

 

Bệnh nhân đường huyết và tiểu đường mặc dù không thích hợp ăn những loại bánh được làm từ tinh bột, nhưng nếu thỉnh thoảng muốn ăn, thì có thể lựa chọn bánh quế cuộn (bánh mì cuộn hương quế). Ăn bánh quế cuộn vừa giúp thỏa mãn cơn đói, vừa có thể ngăn đường huyết tăng quá nhanh.

BM

Tỏi có thể dùng để xào rau, nấu món mì Ý, hoặc súp gà tỏi. Khi nướng cánh gà hoặc nướng thịt, sườn cừu, thì có thể rải tỏi cắt lát lên trên rồi nướng. Những người thích mùi vị cay nồng của tỏi, thì có thể cắt tỏi ra thành lát rồi đem sấy khô, làm thành món ăn vặt lành mạnh, hoặc lấy tỏi sống băm nhỏ, trộn vào món salad rau xà lách hoặc salad khoai tây.

 

Gừng cũng thích hợp dùng để xào rau, hoặc nấu thành trà gừng. Chuyên gia Lương Gia Vĩ giới thiệu cách nấu gừng với sả chanh thành thức uống, loại hương thảo này chứa nhiều Polyphenol, cũng giúp ích trong việc khống chế lượng đường trong máu. Cũng có thể lấy cà rốt và gừng và xay nhuyễn, sau đó cho thêm sữa hoặc nước rồi nấu lên, sẽ được một món súp đậm đặc thơm ngon và hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết.


BM


Trong bữa ăn, khi sử dụng các loại gia vị này để kiểm soát lượng đường huyết nên lưu ý 2 điều để có thể thu được hiệu quả cao, đó là: chú ý lượng tinh bột, và sử dụng trong thời gian dài.

 

Chuyên gia Lương Gia Vĩ chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất trong việc kiểm soát lượng đường huyết là chế độ ăn uống, tiêu thụ thực phẩm giàu tinh bột với lượng thích hợp. Các loại gia vị này một lần không thể dùng quá nhiều, ngoài ra nếu chỉ dùng vài lát gừng mà ăn nhiều tinh bột thì đường huyết cũng sẽ tăng cao.

 

Ví dụ, cà ri nấu với đinh hương và nghệ, cũng sẽ được kết hợp với các thực phẩm giàu tinh bột như gạo và khoai tây, vì vậy phải chú ý đến lượng tinh bột.


BM

Một điểm nữa là hãy tìm loại gia vị mà mình yêu thích, đồng thời thường xuyên dùng nó trong thời gian dài. Một số người có thể không thích hương vị của quế, thì có thể sử dụng tỏi và gừng để thay thế. Chỉ những loại gia vị mình thích mới có thể cho vào các món ăn và ăn trong thời gian dài, không phải thỉnh thoảng mới ăn.

 

Chuyên gia Lương Gia Vĩ nói: “Hãy chú ý đến từng bước nhỏ trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như thường xuyên thêm gia vị vào bữa ăn, khống chế lượng tinh bột trong mỗi bữa ăn, mới có thể duy trì được lâu nhất và thấy được hiệu quả”.

 

 

 

Lý Thanh Phong  _  Tiểu Minh

***


Bệnh & Hỏi đáp y khoa

 BM
https://baomai.blogspot.com/2015/03/benh-hoi-ap-y-khoa.html

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.