Là giám đốc chuỗi phòng khám, bệnh viện điều trị ung thư và các bệnh lý về máu lớn nhất bang Michigan với số lượng bệnh nhân lên đến 17.000 người, nhưng dưới sự phù phép của Tiến sĩ Farid Fata, ngoại trừ 1 người duy nhất thực sự mắc bệnh, những người còn lại đều bị Farid Fata biến thành 'ung thư' rồi điều trị dài ngày bằng hóa chất để trục lợi tiền bảo hiểm y tế…
Dấu hiệu đầu tiên của một tội ác y học
Vụ việc bắt đầu hé lộ vào tháng 1-2010 khi y tá Angela Swantek, người đã có 19 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân ung thư đến Bệnh viện điều trị ung thư và các bệnh lý về máu Michigan, Mỹ (Michigan Hematology Oncology - viết tắt là MHO) để phỏng vấn xin việc làm.
Sau này lúc trả lời câu hỏi của tờ The Detroit News, Angela nói: “Trong khi đợi gặp tiến sĩ Fata, giám đốc MHO, tôi đi xem một số khoa phòng. Tại khoa điều trị ung thư, tôi thấy có khoảng 70 bệnh nhân đang được truyền dịch. Một y tá ở đây cho tôi biết tất cả đều bị ung thư tuyến giáp, ung thư tụy, gan, đại tràng, vòm họng, máu và một số loại ung thư khác”.
Vẫn theo y tá Angela, trong quá trình quan sát cô nhận thấy có nhiều điểm khiến cô nghi ngờ. Ấy là một số bệnh nhân được truyền dung dịch IVIG - là loại dùng cho người suy giảm miễn dịch, vốn không được chỉ định trong điều trị ung thư vì nó có thể gây sốc phản vệ, hay như một bệnh nhân khác lúc vừa được truyền xong hóa chất 5FU thì lập tức y tá cho truyền tiếp dung dịch Neulasta thay vì phải đợi sau 24 tiếng.
Nói với tờ The Detroit News, Angela cho biết bất kỳ một nhân viên y tế nào đã được đào tạo bài bản về chăm sóc bệnh nhân ung thư đều hiểu rằng quy trình điều trị của MHO không phù hợp, thậm chí là nguy hiểm. Nhưng khi cô nêu vấn đề này với một số y tá trong khoa, câu trả lời mà cô nhận được là: “Chúng tôi thực hiện theo y lệnh của tiến sĩ Fata. Ở đây trước giờ đều như thế”.
Và thế là thay vì gặp tiến sĩ Fata, Angela bỏ về. Suốt 3 tháng sau đó, cô nhiều lần trở lại MHO trong vai tìm người nhà để thu thập thêm chứng cứ. Đầu tháng 3, Angela gửi một báo cáo cho Văn phòng Y tế bang Michigan, nêu lên những nghi ngờ của mình về phương pháp điều trị ung thư ở MHO nhưng mãi đến tháng 5-2011, cô mới nhận được thư trả lời của Cục Điều tiết và cấp phép y tế (LARA) bang Michigan, nội dung cho biết: “Qua kiểm tra, LARA và Văn phòng Y tế bang Michigan không phát hiện bất cứ một sai trái nào của MHO và tiến sĩ Fata”.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Detroit News, Angela nói: “Họ kết luận mà không hề gặp tôi để tìm hiểu những gì tôi đã nêu trong báo cáo”. Ban biên tập của tờ The Detroit News cũng cho biết Văn phòng Y tế bang Michigan từ chối tiết lộ chi tiết của cuộc điều tra vì Luật bảo mật không cho phép tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến nhân thân người bệnh”.
Với bác sĩ Soe Maunglay, ông bắt đầu làm việc cho MHO vào giữa năm 2012. Và cũng như y tá Angela, bác sĩ Soe sớm nhận ra những bất thường trong điều trị. Khi phản ánh nhưng việc này với tiến sĩ Fata, ông bị Fata chuyển sang một cơ sở khác cũng thuộc chuỗi MHO nhưng tại nơi này, Soe không còn được tiếp cận với các bệnh nhân ung thư nữa. Mối nghi ngờ của Soe càng tăng lên khi tháng 6-2013, Tiến sĩ Fata tuyên bố MHO đã được Bộ Y tế Mỹ cấp chứng chỉ “Sáng kiến thực hành chất lượng trong điều trị ung thư” nhưng khi nhờ một số bạn bè có quan hệ với Bộ Y tế kiểm tra, Soe biết Fata nói láo!
Cuối tháng 6, bác sĩ Soe dự định sẽ nộp đơn nghỉ việc ở MHO nhưng ngày 1-7, trong lúc tiến sĩ Fata về thăm quê nhà ở Li Băng, Soe tình cờ gặp một bệnh nhân là Monica Flagg 54 tuổi, bị gãy chân sau đợt hóa trị đầu tiên để chữa bệnh đa u tủy - là bệnh ung thư buộc phải áp dụng phương pháp hóa trị liệu suốt đời. Tuy nhiên khi đọc kết quả xét nghiệm máu của Monica, bác sĩ Soe vô cùng sửng sốt khi thấy các chỉ số của bà đều nằm trong giới hạn bình thường.
Soe nói: “Hôm sau, tôi đến Phòng Hồ sơ để xem bệnh án. Nếu quả thực bà ấy bị đa u tủy thì hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu phải có những thay đổi - dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để một bác sĩ chuyên khoa nhận ra nhưng bệnh án của bà không ghi nhận bất kỳ một khác thường nào. Vì thế trong trường hợp này, khi được Tiến sĩ Fata kết luận là ung thư, cứ mỗi lần hóa trị thì số tiền bảo hiểm y tế của bà Monica sẽ được chuyển vào tài khoản của MHO cho đến hết cuộc đời bà ấy”.
Và thay vì nghỉ việc, bác sĩ Soe quyết định ở lại để vạch trần sự trục lợi bỉ ổi của tiến sĩ Fata, người mà ông gọi là “ác quỷ y khoa”. Soe nói: “Từ trường hợp của bà Monica, tôi bí mật tìm hiểu thêm hồ sơ của các bệnh nhân khác. Do không có thời gian, tôi chỉ xác minh được hơn 1.000 trường hợp mà trong đó, chẳng ai có một dấu hiệu gì về bệnh ung thư nhưng tất cả đều được Fata chỉ định hóa trị. Riêng với 553 bệnh nhân, Fata đã hóa trị cho mỗi người ít nhất 12 liều, mỗi liều cách nhau 6 tuần lễ!”.
Người biểu tình mang theo di ảnh thân nhân họ và hàng chữ “45 năm tù là chưa đủ” sau khi tòa tuyên án Fata.
Sự ra đời của MHO và sự trục lợi trên nền tảng dối trá
Farid Fata sinh năm 1965 ở Liban. Sau khi lấy bằng bác sĩ tại Đại học Y khoa Beirut, ông ta di cư đến Mỹ rồi bắt đầu sự nghiệp bằng vai trò bác sĩ nội trú thuộc Trung tâm Y tế Maimonides ở Brooklyn, New York. Tiếp theo, Fata làm việc ở Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Manhattan cho đến năm 1999. Từ năm 2000 đến 2003, ông ta là bác sĩ điều trị ở Trung tâm Y tế Geisinger, bang Pennsylvania.
Cuối năm 2003, Fata nghỉ việc rồi thành lập Bệnh viện Điều trị ung thư và các bệnh lý về máu Michigan (MHO), cơ sở đặt tại Rochester Hill, thành phố Detroit, bang Michigan. 10 năm sau, MHO phát triển thành 7 cơ sở, là chuỗi bệnh viện điều trị ung thư lớn nhất bang. Bên cạnh đó, Fata còn sở hữu 3 phòng thí nghiệm, 20 nhà thuốc và 1 khu điều trị bức xạ, trong đó ông ta mạnh dạn đầu tư nhiều loại thiết bị tối tân, đắt tiền như máy chụp cắt lớp phát xạ positron.
Về điều trị, nhằm trục lợi tối đa tiền bảo hiểm y tế của những bệnh nhân bị Fata kết luận là “ung thư”, ông ta chỉ định khá nhiều những loại thuốc đắt tiền nhưng hoàn toàn không cần thiết, chẳng hạn như thuốc tăng trưởng tạo máu, muối sắt và gamma globulin tiêm tĩnh mạch (IVIG).
Chưa hết, Fata còn nhồi nhét cho người bệnh vô số các loại vitamin và thực phẩm chức năng. Các quyết toán của các đơn vị bảo hiểm như Medicare, Blue Cross, Blue Shield… cho thấy cứ một lần hóa trị, trung bình mỗi đơn vị bảo hiểm phải chi cho mỗi người bệnh là 40.000 USD!
Năm 2007, thủ đoạn gian dối của tiến sĩ Fata suýt nữa thì bại lộ. Một bệnh nhân là bà Maggie Dorsey khởi kiện Fata với lý do “chẩn đoán sai về bệnh ung thư gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe sau 7 tháng điều trị bằng hóa chất”. Tuy nhiên, bằng các mối quan hệ của mình, Fata được tòa án thành phố Detroit, bang Michigan đồng ý cho ông ta tiến hành hòa giải.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, Fata tổ chức lại MHO một cách kín kẽ hơn. Các phòng xét nghiệm được đặt xa nơi điều trị và kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm phải cam kết “không tiết lộ kết quả xét nghiệm cho bất kỳ ai ngoài tiến sĩ Fata theo Luật bảo mật Y khoa”.
Bác sĩ Soe nói: “Bằng cách ấy, các kỹ thuật viên chẳng hề biết rằng các xét nghiệm do họ thực hiện với kết quả bình thường lại được Fata thông báo với bệnh nhân là họ bị… ung thư! Điều tàn ác nhất của Fata là dù biết bệnh nhân không bị bệnh nhưng ông ta vẫn chỉ định truyền hóa chất bởi lẽ cứ mỗi lọ hóa chất do chính chuỗi nhà thuốc của MHO cung cấp, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán lại cho ông ta…”.
Việc điều trị của Fata đã dẫn đến nhiều bi kịch. Ông Steinbeck được Fata chẩn đoán là ung thư tuyến giáp rồi được điều trị bằng axit zoledronic kéo dài suốt 3 năm đã khiến xương hàm ông bị hoại tử với một lỗ rò chạy sâu vào xoang hàm khiến răng ông rụng hết. Trong lúc những xét nghiệm thực hiện sau khi Fata bị bắt đã chứng minh ông không hề bị ung thư. Hay như ông Brown, được Fata chẩn đoán là ung thư máu rồi được đa hóa trị liệu trong suốt 1 năm.
Kết quả là đến nay, ông vẫn phải chạy thận nhân tạo vì biến chứng của hóa chất đã khiến ông suy thận mãn, chưa kể còn hàng trăm người khác, người thì tử vong bởi những loại thuốc điều trị căn bệnh mà mình không hề mắc phải, người thì sống dở chết dở do những phản ứng phụ của thuốc gây ra.
Tội ác phải bị trừng phạt
Sau khi thu thập xong những chứng cứ quan trọng, bác sĩ Soe tìm cách đưa vụ việc ra trước ánh sáng công lý. Soe nói: “Tôi liên lạc với George Karadsheh, phụ trách quản lý thực hành của MHO. Kinh hoàng trước những tài liệu mà tôi nêu ra, George Karadsheh hứa sẽ làm tất cả mọi điều có thể”.
Ngày 21-9-2013, tiến sĩ Fata bị Cục Điều tra liên bang (FBI) bắt giữ. Kết quả xác minh cho thấy trong suốt những năm điều hành MHO, có 17.000 bệnh nhân được ông ta kết luận là ung thư nhưng chỉ duy nhất 1 người là có bệnh thật! 553 trong số những người này bị biến chứng do hóa chất dẫn đến không thể tự chăm sóc bản thân. Số còn lại bị tổn hại sức khỏe và tâm lý từ trung bình đến nặng.
Tổng số tiền mà các đơn vị bảo hiểm y tế phải trả cho Fata là 34 triệu USD. Ngoài ra Fata còn nhận 18 triệu USD từ hai công ty bảo hiểm địa phương và một công ty bảo hiểm tư nhân, trả cho các phòng xét nghiệm chẩn đoán của chính ông ta để thực hiện những xét nghiệm không cần thiết.
Trước tòa, Fata bị cáo buộc 23 tội danh, bao gồm gian lận trong chăm sóc sức khỏe, gian lận bảo hiểm, rửa tiền, gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng người khác, nhập tịch bất hợp pháp... Phía công tố đề nghị tòa tuyên phạt Fata 175 năm tù giam đồng thời thu hồi 9 triệu USD tài sản bất minh và quốc tịch Mỹ của ông ta.
Cũng tại phiên tòa, luật sư của Fata đề nghị bồi thẩm đoàn cho phép ông ta được tại ngoại với số tiền thế chân là 170.000 USD nhưng sau khi xem xét, bồi thẩm đoàn quyết định nâng tiền thế chân lên 9 triệu USD, bằng với giá trị của tài sản bất minh. Tuy nhiên ngay khi thấy Fata bị bắt, vợ ông ta đã nhanh chóng thu gom tiền bạc, nộp đơn ly dị rồi bỏ về Liban nên việc tại ngoại của Fata bất thành.
Ngày 3-7-2015, tòa án bang Michigan tổ chức buổi điều trần trước khi tuyên án. Trong buổi điều trần, hàng trăm nạn nhân của Fata đã kể lại những phương pháp điều trị của ông ta, trong đó có người được Fata hóa trị đến 177 lần nên khi xuất hiện ở tòa, người này vẫn phải đeo trên người hai cái túi đựng phân và nước tiểu.
7 ngày sau, Fata bị tòa kết án 45 năm tù giam không ân xá vì các tội danh nêu trên. Nói lời cuối cùng, Fata bày tỏ sự hối hận sâu sắc vì đã để lòng tham chế ngự: “Tôi đã lạm dụng tài năng của mình vì quyền lực và đồng tiền. Chính những điều đó đã hủy hoại bản thân tôi. Tôi vô cùng ăn năn và xấu hổ. Tôi đã cầu nguyện hàng ngày để những người vì tôi mà tổn hại sức khỏe, tha thứ cho tôi…”
Medical Daily _ Vũ Cao
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.