Đối với rất nhiều dân văn phòng, sự trở lại này khiến họ hoảng sợ.
Alexis tin rằng tâm trạng lo âu khi phải tiếp xúc với mọi người của cô bắt đầu từ hồi cô còn nhỏ.
Cô gái 21 tuổi sống ở North Carolina (Mỹ) thường xuyên di chuyển và luôn chật vật để hòa nhập với môi trường xung quanh.
Khi bắt đầu đi làm, sự vật vã tâm lý ngày càng quyết liệt - cô nhận ra là mình thường ngồi lì ở bàn làm việc cả ngày, chỉ mong khỏi phải tiếp xúc với đồng nghiệp.
Việc phong tỏa giúp cho tâm lý Alexis được nới lỏng đôi chút. Cô thậm chí còn bắt đầu làm thêm việc từ xa trong ngành xuất bản. Nhưng công ty cô hiện yêu cầu nhân viên phải trở lại làm việc tại công sở vào tháng 5. Điều này khiến Alexis lo lắng.
"Khi nhận được email, tôi như muốn rụng tim," cô nói. "Không hẳn chỉ vì tôi không muốn chuyện đó sớm xảy ra, mà còn vì tôi nhớ mình đã kém cỏi tới đâu trong việc thể hiện mình ở văn phòng. Người ta thì đến sở, bắt chuyện hoặc xem xem tôi đang làm trên máy tính. Nơi làm việc thì không có phòng riêng, thế nên tôi không chừa cho mình được chút khoảnh khắc riêng nào."
Alexis là một trong nhiều người chật vật với hội chứng lo âu xã hội sau hai năm ít tiếp xúc với người khác, do trong thời gian đại dịch hầu hết mọi người đều làm việc từ xa.
Các chuyên gia cho rằng sự lo lắng đã tăng vọt trong đại dịch ở những người trẻ, và mặc dù có rất ít dữ liệu chính xác cho biết có bao nhiêu người đang đối phó với tình trạng tâm lý này, ước tính có 12,1% người Mỹ trưởng thành mắc chứng lo âu xã hội vào lúc này hay lúc khác trong suốt cuộc đời họ.
Dân công sở chỉ mới bắt đầu túc tắc trở lại văn phòng, do đó chúng ta vẫn ở giai đoạn đầu để hiểu đến cơ quan làm việc sẽ ảnh hưởng ra sao tới những người có hội chứng sợ xã hội.
Tuy nhiên, các trường học ở châu Âu báo cáo rằng tỷ lệ trẻ em không muốn trở lại học đường tăng đột biến do có vấn đề về sức khỏe tâm thần, vốn trầm trọng hơn trong đại dịch.
Nếu tình trạng ở trẻ là một thứ chỉ dấu - nhất là khi chứng lo âu xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với người trẻ - thì có khả năng xu hướng tương tự cũng tồn tại nơi công sở.
'Tôi phải cố gắng lắm mới rời khỏi nhà'
Meg thường xuyên lo lắng về việc sẽ phải đến sở làm. Cô gái 24 tuổi đến từ London (Anh) được chẩn đoán mắc chứng lo âu xã hội sau khi bị suy nhược hồi học đại học; cô cảm thấy chật vật mỗi khi phải đi bằng phương tiện công cộng, đến nơi đông đúc, gặp gỡ làm quen người mới hay duy trì tình bạn.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thứ xoay quanh công việc mà cô đang làm - quản lý dự án - từ việc phải đi lại đây đó cho đến việc giao lưu để gây dựng quan hệ, lại là những thứ khiến cô lâm vào tâm trạng chật vật.
Trước đại dịch, Meg đã có sẵn nhiều biện pháp đối phó với sự lo lắng của mình. Nhưng nhiều đợt phong tỏa và một thời gian dài làm việc tại nhà đã khiến cô sợ hãi khi phải quay lại văn phòng.
"Tình trạng phong tỏa đã khiến 'lãnh địa an toàn' của tôi bị thu hẹp lại," cô nói. "Trong nhiều năm, tôi đã tìm cách giảm nỗi lo xã hội của mình. Trước đại dịch, tôi đạt được mức độ là có thể giơ tay trong các cuộc họp hoặc chia sẻ ý kiến trong nhóm mà không cần suy nghĩ gì nhiều. Trong gian dịch bệnh, tôi thấy thoải mái khi không phải ở nơi đông người, và điều này đã tái kích hoạt tâm lý lo âu xã hội của tôi. Tôi đã phải cố gắng lắm mới rời khỏi nhà được, hoặc thấy cực kỳ hoảng sợ khi bị nhắc tới trong các cuộc họp trực tuyến."
Giống như Alexis và Meg, giới trẻ là những người chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất bởi hội chứng lo âu xã hội, đặc biệt là người từ 18 đến 29 tuổi. Tiến sĩ Eileen Anderson-Fye, giám đốc giáo dục, đạo đức sinh học và nhân văn y tế tại Trường Y khoa Case Western Reserve, Mỹ) cho biết đó là bởi tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên là thời điểm mà giao tiếp đồng trang lứa là hết sức quan trọng.
Về mặt phát triển, người trẻ vẫn đang tạo bản sắc ổn định, vốn phụ thuộc vào tương tác và phản hồi từ người khác. Khi điều này mất đi, họ sẽ hết sức lo lắng về những gì họ nói và làm trong các tình huống xã hội, và về việc họ được nhìn nhận thế nào.
Mặc dù đối với một số người, điều này có nghĩa là nỗi sợ có sẵn trở nên trầm trọng hơn, nhưng nó cũng có nghĩa là những ai chưa bao giờ bị lo lắng xã hội trước dịch hiện phải vật lộn với nó. Anderson-Fye nói số người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này hiện cao hơn bao giờ hết.
Đặc biệt bị ảnh hưởng là người trẻ bước vào nơi làm việc trong đại dịch. Với kinh nghiệm duy nhất mà họ có được trong thế giới công sở là qua các cuộc gọi Zoom và trong chính ngôi nhà họ, việc quay lại công sở có thể gây mất phương hướng.
Trong khi nhiều nhân viên có kinh nghiệm có thể không nao núng khi trở lại văn phòng, lớp nhân viên mới đã trải qua những tháng hoặc những năm đi làm đầu tiên một mình.
Đối với một số người, sự thiếu kinh nghiệm và tình trạng cô lập này đã biến thành nỗi lo là họ sẽ vấp phải các tình huống như phải nói chuyện phiếm hoặc dự cuộc họp trực tiếp với người khác.
Tại sao sức khỏe tâm thần bị bỏ qua
Đại dịch đã định hình lại xã hội chúng ta theo nhiều cách - nhiều công ty đã chấp nhận rằng nhân viên có nhu cầu và ý thích khác nhau và có thể làm việc hiệu quả ở nhà nếu họ cần.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Caroline Leaf, nhà thần kinh học và chuyên gia sức khỏe tâm thần ở Mỹ, tác giả cuốn 'Clean Up Your Mental Mess', tin rằng không có mấy không gian để nhân viên thảo luận về việc sức khỏe tâm thần ảnh hưởng ra sao đến khả năng họ làm việc tại công sở.
"Ngay khi đã có những cải thiện thì việc thảo luận cởi mở về sức khỏe tâm thần nơi công sở vẫn chưa phải là điều mọi người có thể dễ dàng nói ra mà không cảm thấy căng thẳng, mà lẽ ra là không nên như vậy," bà nói.
Leaf tin rằng điều này là do nhiều người vẫn coi các vấn đề sức khỏe tâm thần là sai sót tính cách, và những ai có vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn bị kỳ thị, mất mặt và xấu hổ.
Khi nhận thức sâu sắc được là người khác nhìn nhận về mình ra sao thì chuyện nêu vấn đề sức khỏe tâm thần của mình ra với đồng nghiệp hoặc sếp dường như là điều không thể.
Meg tin rằng việc nhân viên muốn làm việc từ xa do phải chăm sóc người khác hay do phải di chuyển xa là điều vẫn còn khá nhiều không gian để thảo luận, thế nhưng không ai dám lên tiếng về chứng lo âu xã hội. "Các cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần vẫn diễn ra trong phòng kín, khiến người ta phải dè dặt về việc này," cô nói.
Công ty cô hiện yêu cầu cô trở lại làm việc hai ngày một tuần, điều mà Meg tin rằng cô sẽ có thể xử lý vào những ngày cô kiểm soát được lo lắng xã hội - nhưng nói rằng nó có thể 'đáng sợ' khi tâm trạng lo âu của cô rơi xuống mức xấu nhất.
Công ty có thể giúp đỡ thế nào?
Tương tự như việc trẻ em không muốn đi học gia tăng kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hội chứng lo lắng xã hội khiến mọi người không muốn quay lại công sở.
"Chúng ta đã thấy sự phản đối viêc quay lại nơi làm việc trực tiếp," Anderson-Fye nói. "Rất may là nhiều công ty đang có những cải thiện để hỗ trợ những người gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Thế nhưng vẫn có , nhưng một số nơi không chịu thay đổi gì, vẫn bám vào mô hình lỗi thời là cần đối xử với mọi nhân viên ai cũng như ai."
Anderson-Fye nói những người bị lo âu xã hội thường phát huy năng lực ở những công ty có cho phép làm việc linh hoạt, chẳng hạn như làm việc từ xa hay đan xen làm từ xa và vào sở.
Mặc dù không có mấy dữ liệu về cách những người bị chứng lo âu xã hội ứng phó trong thời gian phong tỏa, bà lưu ý bà đã nghe vô số câu chuyện về những người bị ảnh hưởng lại phát huy năng lực khi làm việc từ xa - cả về sự an lạc và hiệu quả - và lập luận rằng việc đem đến cách tiếp cận linh hoạt, kết hợp vừa làm việc tập trung vừa làm việc từ xa, theo đó cho phép các kiểu tiếp xúc khác nhau là cách tốt nhất để thích ứng với sự đa dạng của con người và đa dạng tâm lý.
Đây là ý tưởng được Vanessa Matsis-McCready, tư vấn tổng quát tại công ty tư vấn nhân sự Engage, hưởng ứng.
Bà chỉ ra rằng ở nhiều quốc gia, luật có thể yêu cầu rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả những người mắc chứng lo âu xã hội, cần phải được hỗ trợ một cách hợp lý, và vì vậy điều quan trọng là chủ sử dụng lao động phải cân nhắc xem mình có thể hỗ trợ những nhân viên có vấn đề bằng cách hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc cho phép áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.
Nhưng ngay cả khi công ty thấu hiểu, việc đòi hỏi phải hỗ trợ thêm nữa có thể là chuyện trở nên phức tạp.
Một mặt, những người bị lo lắng xã hội gần như chắc chắn sẽ chọn làm việc từ xa càng nhiều càng tốt. Nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyên rằng cách trị tốt nhất những nỗi sợ như lo lắng xã hội là phải đối diện, cho nên lựa chọn này của họ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm nỗi sợ làm việc trong văn phòng, gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa họ và đồng nghiệp.
Mà ngay cả việc yêu cầu làm việc linh hoạt ngay từ đầu cũng đã có vấn đề. Khi ai đó lo lắng về cách người khác cảm nhận họ, thì việc đi ngược trào lưu - những người khác chọn quay lại công sở hay tiết lộ tình trạng sức khỏe tâm thần - thì điều đó thậm chí còn gây lo lắng hơn.
"Tôi không nghĩ nơi làm việc của tôi có tính đến sức khỏe tâm thần khi yêu cầu nhân viên trở lại làm việc," Meg nói. "Ngay cả khi cho phép làm việc linh hoạt, mọi người được cấp lãnh đạo khuyến khích quay trở lại văn phòng. Điều này khiến nó thậm chí còn khó xử hơn nếu ai cũng quay lại, còn bạn thì không."
Vòng luẩn quẩn của sự lo lắng
Đối với cả Alexis và Meg, tương lai vẫn bất định về cách họ sẽ xử lý nỗi lo lắng xã hội của mình khi trở lại văn phòng.
Meg vẫn lạc quan - kinh nghiệm cá nhân đã thúc đẩy cô bắt đầu mở dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần, và làm việc với các trường và đại học để hỗ trợ cho thanh thiếu niên và sinh viên. Cô hy vọng đại dịch sẽ thúc đẩy các công ty nhận ra họ có thể xây dựng cộng đồng và văn hóa mà không phải yêu cầu nhân viên quay lại.
Nhưng Alexis vẫn lo. Cô đã được cho làm việc hỗn hợp, nhưng cô lo đó chỉ là một bước tiến tới quay lại toàn thời gian. "Tôi tin công ty của tôi có ý nghĩ rằng họ có văn hóa làm việc và họ muốn nhân viên quay lại để xây dựng văn hóa," cô nói. "Họ muốn chúng tôi hòa nhập nhiều hơn với đồng nghiệp, nhưng tôi không muốn làm bạn với đồng nghiệp ở mức họ muốn."
Đối với những người như Alexis, trở lại văn phòng là thách thức, và việc cho phép làm việc hỗn hợp là con dao hai lưỡi. Mặc dù nó giúp đem lại những quãng nghỉ khỏi những tiếp xúc gây lo âu, nhưng nó cũng làm gia tăng lo lắng và thậm chí là sự xa lánh của những đồng nghiệp vốn thấy thoải mái khi trở lại văn phòng - vòng luẩn quẩn của lo lắng.
Cuối cùng, Alexis vẫn hy vọng cô sẽ có thể tiếp tục né văn phòng càng nhiều càng tốt.
"Làm việc tại nhà đem lại cho tôi cảm giác kiểm soát mà chúng tôi không có được trong văn phòng," cô nói. "Ở văn phòng, chúng tôi không có những khoảnh khắc để kiểm tra và tự nói rằng nó ổn. Một khi đã ngồi xuống bàn làm việc, đó là cảm giác hoàn toàn khác. Đó là áp lực mà bạn không gặp phải trong nhà của mình."
Katie Bishop
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.