Nhiều
năm qua, người dân ĐBSCL, nhất là dân vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long
Xuyên, không xa lạ gì những cư dân nuôi vịt chạy đồng sau mỗi mùa thu hoạch lúa.
Nghề
nuôi vịt chạy đồng lắm phần vất vả, cực nhọc; đời người nuôi vịt cũng chẳng kém
gian nan. Ăn bờ ngủ bụi, lăn lóc gió sương, mỗi chuyến chạy đồng có khi phải xa
nhà cả tháng. Nhưng tập quán của cư dân miền Tây xưa nay là vậy. Vịt thì chạy
đồng, còn gà thì thả vườn.
Bao
đời nay, ông bà ta đã đúc kết : Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn
nghèo nuôi vịt. Nhưng ở miền sông nước với trước vườn sau ruộng, chăn nuôi
gia súc gia cầm đã trở thành tập quán khó lòng thay đổi. Vậy nên đàn vịt vẫn
tiếp tục sinh sôi.
Nghề
nuôi vịt chạy đồng thường xuất hiện ở những nơi sản xuất lúa tập trung. Gọi là
“vịt chạy đồng” vì người nuôi không cần phải mua thức ăn cho vịt, mà chỉ cần
lùa vịt đi ăn mót lúa rơi vãi trên những cánh đồng vừa thu hoạch, hết đồng này
thì chạy sang đồng khác. Ngoài lúa mót , vịt còn có thể ăn các loại côn trùng
như dế, sên, ốc, cua, hến và nhiều động vật thủy sinh khác. Dân nuôi vịt chạy
đồng cũng hay khoe là đàn vịt còn trừ rầy… cho lúa.
Vịt
ăn nhờ lúa rơi lúa mót, nhưng vẫn lớn nhanh như thổi. Do vậy, nhiều cư dân miền
Tây đã chọn nghề nuôi vịt chạy đồng để mưu sinh.
Ở
miền Tây, có lẽ không ai rành mùa vụ từng vùng bằng những người nuôi vịt chạy
đồng , bởi họ cứ theo bầy vịt đi hết đồng này sang đồng khác để chăn thả, rày
đây mai đó. Lúa chín đến đâu, người chăn giữ lại cho vịt đi theo đến đó. Lấy
bầu trời che đầu, rạ rơm làm bạn, dù đi đâu, làm gì, người nuôi vịt cũng thường
mang phong thái lạc quan.
Dưới
cái nắng chang chang, anh Nguyễn Văn Nam – một người làm công ở tỉnh An Giang –
đang chậm rãi lùa bầy vịt đi ăn. Anh Nam theo nghề từ khi còn rất nhỏ,
mọi cánh đồng đã thuộc như lòng bàn tay. Tháng này ở đồng nhà, nhưng qua tháng
sau có khi phải xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu mới có đồng cho vịt
ăn. Tranh thủ lúc bầy vịt nghỉ ngơi uống nước, cha con anh vội vàng dọn
cơm, ăn tạm giữa cái nắng ban trưa.
Vật
dụng không thể thiếu của người nuôi vịt chạy đồng là cây diều, dùng để kiểm
soát không cho vịt nhập đàn và điều khiển đàn vịt theo ý muốn. Sau mỗi lần
vịt đi ăn về, người chăn phải ngó nghiêng kiểm tra quân số.
Để
tránh nhập đàn, chủ vịt thường dùng sơn màu phết lên mình vịt làm dấu. Màu sơn
phải chọn sao cho khác biệt với màu của các đàn vịt còn lại trong xóm. Nếu bị
nhập đàn cũng dễ nhận ra đàn vịt nhà mình.
Mỗi
đàn một màu nên cả cánh đồng trở thành bức tranh sinh động, nhiều màu
sắc. Hết đàn vịt này đến đàn vịt khác lướt qua cánh đồng, ở lại đôi hôm
rồi xuôi về miệt khác.
Khi
bầy vịt ra đi, đến lượt lũ trẻ trong xóm được hưởng mùa lượm trứng rớt chạy
đồng. Trong văn hóa ứng xử của đời sống dân dã ở miền Tây, có thể xem đây là sự
đền đáp mà người chăn vịt dành cho chủ ruộng vì đã chia sớt cho mình những hạt
lúa sót trên đồng.
Vẫn
là trứng vịt bình thường, nhưng do chính tay mình lượm được thì với lũ trẻ ở
quê, món ăn có vẻ như ngon hơn. Vậy là nghề nuôi vịt chạy đồng cũng đã gắn liền
với những món ăn dân dã đậm đà mùi rạ mới.
Nơi
xứ lạ, giữa bạn chăn vịt rất dễ tìm thấy sự cảm thông. Họ quy ước san sẻ các ô
ruộng để vịt nhà ai cũng có cái ăn. Khi chiều về, đêm xuống, họ cùng nhau hàn
huyên, chia sẻ chuyện đời, chuyện người. Trên đồng vắng, chút hơi cay đủ làm ấm
lòng người xa xứ.
Niềm
vui lớn nhất của người chăn vịt là khi cánh đồng vào độ chín vàng, lúa vừa cắt
chỉ còn trơ gốc rạ. Khi ấy, tha hồ cho chủ lẫn đàn cắm chân mình trên những
cánh đồng bạt ngàn mùi rơm mới.
Dãi
nắng dầm sương, ăn bờ ngủ bụi, chợp mắt dưới hàng tre, bên bờ cỏ hay dưới rặng
trâm bầu. Vậy mà vui. Vào mùa chạy đồng, trong nhà chưa chắc vui như ngoài
ruộng.
Chúng
tôi tìm về vùng nuôi vịt chạy đồng nhiều nhất ở tỉnh Đồng Tháp. Dọc con đường
có rất nhiều đàn vịt đang cố mò tìm những hạt lúa cuối cùng trên cánh đồng đã
trơ gốc rạ. Trên khuôn mặt những người nông dân hai tháng nay bám theo đàn
vịt của mình đã hằn lên những nét khắc khổ, phong trần.
Anh
Trần Văn Út có nhiều năm trong nghề nuôi vịt chạy đồng. Từ An Giang, anh đưa
đàn vịt gần 5.000 con sang Đồng Tháp cho chúng kiếm ăn. Mỗi lần di chuyển đàn,
anh phải mướn ghe, chở cả bầy đến cánh đồng mới. Sau đó, anh ở lại cùng những
bạn chăn cho đến hết mùa rạ.
Để
lưu lại dài ngày, những người nuôi vịt phải cất chòi ở tạm ngoài đồng, trên bờ
đê cao gần nơi vịt ở để tiện trông coi đàn vịt của mình. Đi đến đâu, họ cũng
phải cắm chòi ở tạm như thế.
Hôm nay, họ đang chuẩn bị cho một điểm đến mới. Chăn vịt cùng cánh đồng với anh Trần Văn Út còn có anh Nguyễn Văn Dợt. Còn chưa đến 20 ngày nữa, nơi đây sẽ vào mùa sạ mới nên anh Dợt đang tích cực liên hệ tìm đồng để “chạy” đàn.
Xuất thân từ gia đình “gốc rạ” chánh hiệu, nên mọi vất vả của nhà nông, anh đều nếm trải. Nhà rất nghèo, để kiếm đủ cái ăn cái mặc, tuổi thơ anh đã trải qua những tháng ngày cơ cực. Lớn lên, theo nghề nuôi vịt truyền thống của gia đình, anh cũng chạy hết đồng này sang đồng khác. Nhưng có khác là giờ đây, anh chỉ chạy một mình; còn gia đình, con cái, anh mang hết lên thị xã, cho con ăn học với mong muốn làm một cuộc cách mạng để đổi đời. Con anh sẽ thôi không phải theo cái nghề chạy đồng này nữa. Ước mơ đẹp của người chăn vịt nầy, hy vọng sẽ thành sự thật.
Cuộc
sống của người nuôi vịt chạy đồng mang hình thức chăn nuôi du canh. Dù đi đến
đâu thì người và của cũng sát bên nhau, không rời nửa bước. Có người đi một
mình như anh Dợt, nhưng cũng có người mang theo cả gia đình, vợ con. Lênh đênh
trôi nổi trên đồng theo từng mùa vụ.
Sáng
sớm là thời khắc hoàng kim của người nuôi vịt đẻ chạy đồng bởi đó là lúc thu hoạch
trứng. Từ nửa đêm đã nghe tiếng vịt kêu ổ, ba giờ sáng thức dậy đi gom trứng và
chuẩn bị một ngày mới cho vịt đi ăn. Cảm xúc buồn vui sẽ tùy thuộc vào thành
quả lượm hột buổi sớm mai.
Đa
số những người nuôi vịt chạy đồng là những nông dân không ruộng đất, không nghề
nghiệp. Nuôi vịt chạy đồng là lấy công làm lời. Chủ vịt họa hoằn còn có cơ may
để làm giàu, còn thu nhập của bạn chăn thuê chẳng có là bao.
Cuộc
sống của họ luôn phập phồng, vừa lo kiếm ăn cho bầy vịt, vừa lo vịt lạc bầy sẽ
bị trừ vào tiền công. Vất vả là vậy, nhưng ngoài bầy vịt và cánh đồng, có lẽ họ
vẫn chưa tìm ra lối khác trong cuộc mưu sinh.
ĐBSCL
hiện có khoảng 15 triệu con vịt chạy đồng, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh như
An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… Theo cách tính của nông dân, cứ 1.000
đến 1.200 con vịt cần một người chăn giữ, thì số lao động theo nghề này cũng có
đến hàng ngàn.
Khó
khăn lớn nhất của người nuôi vịt chạy đồng là rủi ro về bệnh tật, không ít hộ
đã phá sản hoặc phải bỏ nghề.
Một
khó khăn khác là phải di chuyển đồng xa, chi phí khá tốn kém. Đã vậy còn phải
“mua đồng”, tức là người nuôi muốn thả vịt vào cánh đồng nào thì phải trả cho
chủ đồng từ 15.000 đến 20.000 đồng trên mỗi công ruộng. Nuôi vịt chạy đồng ngày
càng lắm gian truân.
Tuy
nhiên, vì tập quán chăn nuôi truyền thống ở miền sông nước , cũng như những lợi
ích nhất định mà nghề mang lại nên nhiều nông dân miền Tây vẫn duy trì hình thức
nuôi vịt chạy đồng. Bên cạnh đó, những chủ vịt có điều kiện cũng đang chuyển
dần từ hình thức nuôi vịt trên đồng nước sang nuôi khô trên cạn , từ bán công
nghiệp sang công nghiệp.
Người
nuôi vịt chạy đồng là những con người vất vả, lam lũ nhưng chân chất, mộc mạc.
Trên những cánh đồng sau mùa gặt, mọi thứ tưởng chừng đã bỏ đi, nhưng thiên nhiên
miền Tây vốn hào phóng, bao dung, cũng như người miền Tây yêu lao động, quen
sống đời phóng khoáng. Nghề nuôi vịt chạy đồng thong thả, bình dị, lặng lẽ góp
phần giữ lại cho miền Tây những phong vị riêng có ở vùng sông nước phương Nam .
Thu
Trang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.