Từ bán đĩa CD lậu đến mở chuỗi cửa hàng phục vụ giới trung lưu, sự nghiệp của một doanh nhân song hành với sự phát triển kinh tế của Campuchia.
Chy Sila sinh năm 1974, một năm trước khi Khmer Đỏ chiếm quyền tại nước này.
18 tuổi, ông rời trường đại học, bắt đầu đi làm với công việc hướng dẫn viên du lịch.
Thế rồi vào 1998, ông bắt đầu việc kinh doanh đầu tiên, từ đó mở ra hàng loạt các loại hình làm ăn ngày càng phát đạt về sau.
Trong quá trình phát triển, Chy đã sưu tầm nhiều đồ vật có ý nghĩa. Tất cả chúng đều kể về hành trình của ông trong cuộc đời, và cũng phản ánh cả sự tăng trưởng của Campuchia với các cơ hội được mở ra qua năm tháng.
Thị trường mới với nhiều cơ hội
Trên 20 năm qua, những gì Chy đạt được song hành với sự mở cửa ngày càng rộng cho hoạt động kinh doanh của nước ngoài và sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia.
Nước này đã đạt mức tăng trưởng GDP trung bình là 7% mỗi năm trong suốt hai thập niên qua. Các nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh, các trung tâm mua sắm và các khách sạn hạng sang mọc lên như nấm.
Đĩa CD lậu trong thị trường đang nổi
"Hồi 1998, tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch rồi quyết định bắt đầu tự làm ăn kinh doanh cùng với những người bạn thuở thiếu thời của mình để kiếm thêm tiền," Chy nói. "Chúng tôi khi đó trẻ tuổi, không có mấy vốn liếng về cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm."
Họ đã suy nghĩ lao lung về các xu hướng, cơ hội, và quyết định mở cửa hàng bán đĩa CD lậu. Dẫu là bất hợp pháp, nhưng đây là một cách làm ăn khá phổ biến thời đó, bởi đĩa CD xịn thì quá đắt cho thị trường địa phương. Chy ước tính hồi đó có khoảng 20 cho đến 30 cửa hàng như vậy tại Phnom Penh.
Chiếc CD tạo nên sự khác biệt
Một khách hàng đưa cho Chy bản sao chiếc CD Buena Vista Social Club - giai điệu nhạc nền của bộ phim nổi tiếng hồi 1999 - và yêu cầu ông in bản sao. Người khách này gợi ý rằng các khách hàng khác, chẳng hạn như rất nhiều người nước ngoài và nhân viên của các tổ chức viện trợ nhân đạo, cũng sẽ thích có một bản sao.
"Đó là lúc tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể cung cấp cho họ âm nhạc từ trên toàn thế giới - thứ mà họ không thể kiếm được, như nhạc Cuba, reggae, nhạc Pháp, nhạc cổ điển, hip hop," Chy nói.
Trong vòng hai năm, ông đã bán ra gần 1.000 bản sao đĩa Buena Vista Social Club. Cửa hàng bán đĩa CD lậu của ông trở thành một trong những cửa hàng nổi tiếng nhất Phnom Penh.
Làm ăn hợp pháp với đồ ăn nhanh
Từ chuyện bán đĩa lậu, Chy muốn chuyển sang kinh doanh cái gì đó có tính hợp pháp hơn.
Ông bắt đầu tìm hiểu các xu hướng đang lên, và nhìn thấy một nền kinh tế mới bùng nổ trong khu vực với bốn "con hổ" châu Á - Singapore, Hong Kong, Nam Hàn và Đài Loan - vốn đã công nghiệp hoá nhanh chóng trong thời gian từ thập niên 1960 tới thời những năm 1990.
Vào 2001, Chy quyết định đã đến lúc tung ra một chuỗi nhà hàng ăn nhanh có tên gọi BB World, hay là Big Burger World. "Chúng tôi nghĩ rằng tên đó dễ gọi và nghe rất thuận tai," ông nói.
Công thức phục vụ mức độ xa hoa nho nhỏ
Cửa hàng BB World đầu tiên có diện tích 372 m2, là vô cùng rộng đối với thị trường thời đó. Nhưng Chy tin rằng giới trung lưu Campuchia tuy nhỏ nhưng đang ngày càng tăng lên - với nền kinh tế đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 1999 là 9% - sẽ chấp nhận sự xa hoa nho nhỏ là món bánh mỳ kẹp kiểu phương Tây, burger, và khoai tây chiên.
Ông đã đặt cược đúng cửa. Sáu tháng sau, ông mở một nhà hàng BB World khác ở trong một trung tâm mua sắm mới khai trương.
Dù Campuchia chưa được nhượng quyền bất kỳ cửa hàng McDonald nào, nhưng các thương hiệu như KFC và Burger King đã phát triển mạnh mẽ khắp nơi.
Cà phê
Vào 2003, Chy quyết định rằng cà phê sẽ là xu hướng tiếp theo mà ông muốn nhắm vào kinh doanh.
"Lúc đó, không có bất kỳ thứ gì như Starbucks ở Campuchia cả," ông nói.
"Văn hoá cà phê đã có từ nhiều năm, từ thời Campuchia còn là thuộc địa của Pháp, nhưng toàn là các điểm bán cà phê bên đường, rẻ tiền."
Starbucks mở tiệm đầu tiên tại Campuchia vào năm 2015, nhưng nay đã có 13 điểm phục vụ tại Phnom Penh.
Cuốn sách truyền cảm hứng
Ý tưởng mới về chuỗi cửa hàng của Chy, T&C, là nhằm giới thiệu văn hoá phục vụ thứ cà phê ngon, được rang, xay, pha tại chỗ trong môi trường tiện nghi, có máy lạnh. "Chúng tôi muốn bán cà phê với giá 1,5 đô la, gấp ba lần so với giá thị trường khi đó," ông nói.
Để tạo cảm hứng, ông đã mua một số cuốn sách về việc trồng, mua, chế biến và bán cà phê trên thế giới, trong đó có cuốn sách tiếng Trung này.
Chuỗi cửa hàng đã rất thành công, với 12 cửa hàng hoạt động vào thời điểm phát đạt nhất.
Thời bùng nổ internet
Năm 2007, Chy lại thay đổi kế hoạch kinh doanh. Internet đang bùng nổ vào thời điểm đó, tuy vẫn còn rất đắt tại Campuchia.
"Người dân vẫn chưa có công nghệ di động, kể cả điện thoại thông minh và máy tính xách tay," ông nói. (Theo phúc trình ra năm 2018 của Freedom House, mức thâm nhập internet vẫn thấp, đạt mức chỉ có 34% tại Campuchia so với gần 95% ở Anh Quốc tiếp cận được với internet).
Chy đặt tiền vào điều mà ông cho rằng sẽ là xu hướng bùng nổ mới, game online, khởi đầu với công ty 'Sabay' - nghĩa là 'hạnh phúc' trong tiếng Campuchia. "Từ lúc thơ ấu cho tới suốt tuổi thanh niên của tôi, lúc nào cũng là chiến tranh," ông nói. "Tôi thực sự tin rằng thế hệ tiếp theo xứng đáng được sống hạnh phúc hơn."
Phục vụ giới trung lưu
Sabay khởi đầu với bốn thành viên vào năm 2007 và nay có gần 200 nhân viên. Tỷ lệ GDP bình quân đầu người tại Campuchia đã tăng khoảng 70% trong thời gian từ 2006 đến 2011, cung cấp ngày càng nhiều người tiêu dùng cho dịch vụ của ông. Ngoài trò chơi điện tử trực tuyến, công ty này còn sở hữu các website, các trang blog, sản xuất và phân phối phim ảnh, TV và sở hữu các rạp chiếu phim.
"Chúng tôi luôn nhắm các hoạt động kinh doanh vào tầng lớp trung lưu; đó là một thách thức bởi ở đất nước này vẫn đang tồn tại khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo," Chy nói. "Chúng tôi luôn hy vọng sẽ có thêm ngày càng nhiều những người đủ khả năng dùng dịch vụ của chúng tôi."
Ăn mừng
Vào 2008, khi Sabay bắt đầu sinh lời, Chy quyết định mua cho mình một món quà nhỏ: chiếc đồng hồ Jaeger Lecoultre Reverso mà ông luôn ao ước. "Tôi không phải là người ham vật chất, nhưng tôi đã chi rất nhiều tiền cho món này," ông nói. "Đó là món quà cả đời của tôi. Nó nhắc tôi nhớ về sự làm việc chăm chỉ của mình và về những thành tựu tôi đã đạt được."
Tuy thị trường xa xỉ ở Campuchia vẫn còn nhỏ, nhưng hàng 'nhái' đang ngày càng nhường bước cho hàng xịn. Một hãng đại lý của Porsche, cửa hàng Hugo Boss và khách sạn 5 sao Rosewood Phnom Penh đều vừa khai trương trong vòng vài năm qua.
Xe đạp
Vài năm trước, Chy quan tâm đến việc đi xe đạp khi ông bắt đầu tìm kiếm điều gì đó có ý nghĩa để làm trong thời gian rảnh rỗi. "Tôi có người bạn chuyên đi xe đạp cùng, và chúng tôi đã đi qua những ngôi làng nhỏ, nơi khiến tôi gợi nhớ tuổi thơ. Đó là cách tôi duy trì mối liên hệ với phần này của Campuchia," ông nói.
Ông cũng mở đội đi xe đạp Sabay, đến nay đã có hơn 20 thành viên.
Hồi tháng Chín, họ cùng nhau đi leo núi ở Đài Loan. "Chúng tôi có thời gian trò chuyện, hiểu nhau hơn," ông nói. "Việc đạp xe cũng dạy cho ta tính kiên trì. Nó khiến bạn nhận ra rằng bạn thực sự có thể leo lên đỉnh núi."
Tôi nhớ là khi tôi còn nhỏ, mẹ đã phải tiết kiệm tiền trong ba năm mới mua được cho tôi cái xe đạp. Tôi không bao giờ tưởng tượng ra được là một chiếc xe đạp có thể có giá tới 10 ngàn đô la.
Cảm nhận được cơ hội
Kể từ khi Chy bắt đầu kinh doanh hồi 20 năm trước cho đến nay, đã có rất nhiều thay đổi diễn ra tại Campuchia. Hiện vẫn còn những thách thức đối với các doanh nhân, chẳng hạn như khó tìm được nhân viên giỏi trong một môi trường thiếu đào tạo căn bản, hay chuyện quy mô thị trường, chuyện tiếp cận tới nguồn tài chính và sự phân rẽ sâu sắc giữa nông thôn với thành thị.
Nhưng điều đó không làm Chy lui bước. Cảm nhận được một cơ hội nữa để trở thành người tạo ra xu hướng cho xã hội, ông nay có kế hoạch đưa ngành sữa vào Campuchia.
"Chúng tôi vẫn còn rất nhiều thứ để phát triển. Chúng tôi gọi đây là 'thời hoàng kim'," Chy nói. Các hoạt động kinh doanh đang mở ra, có rất nhiều thanh niên, và giá lao động vẫn còn khá thấp, cộng với việc tiến vào thị trường thì không quá tốn kém, cho nên mọi người đều có thể khởi đầu ở đây.
"Với tôi, được làm người tiên phong luôn là điều may mắn. Bạn phải thách thức chính mình để đưa những thứ này vào thị trường, nhưng nếu làm được thì bạn sẽ là nhà lãnh đạo."
Sarah Treleaven
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.