Ông Juan Guaido và người ủng hộ trong một cuộc biểu tình hôm 23/1.
Hơn 700 người chống đối Tổng thống Nicolas Maduro mới bị bắt giữ trong khi phe đối lập tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo có tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, theo AP, đáng chú ý các lực lượng an ninh nhà nước không đụng tới một nhà hoạt động chống chính phủ nổi bật, ông Juan Guaido, nhà lập pháp tự xưng là tổng thống lâm thời.
Hãng tin Mỹ nhận định rằng việc ông Maduro tới nay vẫn chưa hạ lệnh bắt ông Guaido cho thấy sự thiếu tin tưởng trong chính lực lượng an ninh của tổng thống đang vấp phải áp lực từ nhiều phía.
Tổng thống tạm quyền Guaido có thể làm gì tiếp theo để tái thiết đất nước trong khi ông Maduro vẫn tại vị và nắm trong tay quân đội
Một lý do khác đó là việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng bất kỳ một sự gây hại nào đối với nhân vật mà Mỹ coi là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela sẽ là hành động vượt qua lằn ranh đỏ.
Quan chức Mỹ hôm 28/1 lại lặp lại cảnh báo trên khi công bố các biện pháp từng phạt đối với công ty dầu khí nhà nước Venezuela.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Bolton, nói rằng bất kỳ hành động nào đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, ông Guaido hay Quốc hội mà ông hiện lãnh đạo, sẽ bị coi là một “sự tấn công nghiêm trọng” và “sẽ bị đáp trả bằng phản ứng lớn”.
Trong khi không đề cập cụ thể tới các hành động Mỹ có thể tiến hành, ông Bolton lặp lại rằng tất cả các giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng Venezuela vẫn trên bàn thảo luận, kể cả biện pháp quân sự, theo AP.
Hãng tin này dẫn lời ông Jose Miguel Vivanco, Giám đốc phụ trách khu vực châu Mỹ của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng “họ sẽ không dám đụng tới ông Guaido” vì ông nhận được “sự ủng hộ lớn từ quốc tế”.
Chính quyền của ông Maduro đã nhiều lần dọa bắt nhà lập pháp 35 tuổi, cáo buộc ông vi phạm hiến pháp và làm “con rối” trong âm mưu đảo chính của Mỹ.
Nhưng theo AP, ông Guaido hàng ngày vẫn được tự do đi lại khắp thủ đô Caracas, tổ chức các cuộc tuần hành và thiết lập một chính quyền song song.
Ông Maduro yêu cầu TT Trump ‘buông Venezuela’
Ông Maduro trong một cuộc diễn tập quân sự hôm 27/1.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Nicolas Maduro đã sử dụng tiếng Anh để gửi thông điệp trực tiếp tới Tổng thống Donald Trump.
AP dẫn lời nhà lãnh đạo này yêu cầu nguyên thủ Mỹ “không dính vào Venezuela” và “buông Venezuela ngay lập tức”.
Tổng thống hiện đối mặt với nhiều thách thức nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với công ty dầu khí nhà nước của Venezuela là hành động của “tội phạm”.
Nói trên truyền hình hôm 28/1, ông Maduro cũng cáo buộc Hoa Kỳ đánh cắp của người Venezuela tài sản dầu mỏ thuộc quyền sở hữu của họ.
AP nhận định, chính quyền của ông Maduro sẽ mất quyền tiếp cận đối với một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất, nhất là 7 tỷ đôla tài sản hiện bị Mỹ chế tài.
Nhà lãnh đạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa đang chật vật tại vị trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia quay sang ủng hộ lãnh tụ đối lập Juan Guaido làm tổng thống lâm thời.
Ông Maduro tuyên bố sẽ sớm thông báo một loạt các hành động đối phó với biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Venezuela cắt đứt quan hệ với Mỹ tuần trước sau khi chính quyền của ông Trump công nhận ông Guaido là tổng thống hợp pháp.
Dù ông Maduro vẫn nắm quyền ở Venezuela, Mỹ và các đồng minh đang gây áp lực kinh tế và ngoại giao để buộc ông phải từ nhiệm.
Nhà lãnh đạo này cáo buộc Mỹ công khai lãnh đạo một cuộc đảo chính để hạ bệ ông.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.