Monday, January 28, 2019

Tục thờ cúng Tổ Tiên ở nước Nam

baomai.blogspot.com

Nhân loại gồm nhiều người chết hơn là người sống, Auguste Comte đã nói ở đâu đó như thế. Ở nước Nam câu nói ấy của nhà triết học thực chứng Pháp càng đúng hơn ở bất cứ nơi nào khác. Quả vậy, việc thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội của chúng ta. Nó đã trở thành một thứ giáo lý tôn giáo, và, theo một nghĩa nào đó, một tôn giáo quốc gia thực thụ. Nếu tôn giáo, đúng như ý nghĩa từ nguyên của nó đã chỉ rõ, là mối liên kết tinh thần nối liền con người với những lực lượng siêu cảm, việc thờ cúng hay tôn giáo về những người đã chết là cách biểu hiện những mối quan hệ giữa thế giới những người đang sống với thế giới những người đã chết.

baomai.blogspot.com
  
Các mối quan hệ ấy rất nhiều và liên tục. Những người chết thường xuyên can dự vào cuộc sống của những người đang sống; họ hướng dẫn, chỉ đạo, che chở cho chúng ta, bảo hộ chúng ta, gợi hứng cho những ý tưởng và hành vi của chúng ta, có thể nói nhìn theo chúng ta, bằng những đôi mắt có thể xuyên suốt bóng tối của sự sống và sự chết và rất có thể chính bằng những đôi mắt ấy mà nhân loại có được một hình dung thoáng chốc nào đấy về tương lai và số phận của mình; tóm lại họ sống trong ký ức của chúng ta, trong mọi công việc của chúng ta, trong mong ước của chúng ta về một cuộc sống còn sống động hơn cả cuộc sống trên trần thế này.

Bản chất của những mối quan hệ làm nên một trong những hình thức sống động nhất trong tôn giáo của người nước Nam đó là gì? Tôn giáo về những người chết ấy dựa trên những nền tảng tín ngưỡng nào? Các biểu hiện nghi thức và thực hành của nó ra sao? Từ đó có thể nhận ra những bài học luân lý và triết học gì?

baomai.blogspot.com
  
Khổng Tử, vốn là cả Socrate, Solon hay Lycurge cộng lại của Phương Đông, thường nói về các thần linh và các linh hồn. Quả là trong Luận Ngữ khi nói với các học trò của mình, đôi khi ông đã từ chối giải thích về bản chất của những điều ấy; ta đã biết câu trả lời của ông cho một học trò hỏi ông về vấn đề này: “Phục vụ người sống ngươi còn chưa biết cách, thì ta dạy ngươi cách phục vụ người chết làm gì?” – Nhưng chúng ta cũng lại biết rằng về chuyện này, ông luôn trung thành với các tín ngưỡng của Trung Hoa cổ đại, mà đặc biệt tác phẩm Kinh Lễ còn giữ lại cho chúng ta nhiều dấu vết. Theo các tín ngưỡng đó, con người có một cái phách và một cái hồn.

Khi chết, phách tan hủy cùng với thể xác, còn hồn thì tách ra; nó bay lượn trong khoảng không và sống một cuộc sống độc lập, thuần khiết, bay bổng. Đấy là cuộc sống của các linh hồn, của các vong hồn hay các bậc tổ tiên đã quá cố. Như vậy họ không chết đi hoàn toàn: họ tiếp tục sống một đời sống siêu nhiên, tinh thần. Nhưng cuộc sống chừng có thể nhạt nhòa đi, tan biến mất trong cõi vô cùng đó, được làm cho trở nên hiện thực hơn, đầy hiệu lực hơn, có thể nói như vậy, bằng ký ức mà những người còn sống lưu giữ về họ, bằng việc thờ cúng mà những người sống có bổn phận phải làm tròn đối với họ. Như vậy đấy những người đã chết vẫn còn tham dự mãi vào cuộc sống của gia đình mình, con cháu mình. Người ta lại nhắc đến họ trong mọi dịp long trọng, như khi có người mới ra đời, trong dịp cưới xin, v.v…

baomai.blogspot.com
  
Kinh Lễ viết: “Ba tháng sau lễ cưới, người vợ trẻ được giới thiệu với tổ tiên trước bàn thờ với lời khấn sau đây: – Đây là cô dâu mới đã bước vào gia đình chúng ta. – Rồi đến ngày đã chọn trước, cô dâng lễ vật lên trước bài vị tổ tiên, và từ nay cô trở thành thành viên trong gia đình chồng”. Lời bình còn nói thêm rằng nếu cô bị chết trước lễ ra mắt và lễ dâng lễ vật ấy, thì dù đã sống chung với chồng, cô vẫn chưa phải là vợ anh ta và thi hài cô được trả về nhà cha mẹ.

Kinh Lễ còn viết thêm: “Trong trường hợp một đứa con được sinh ra khi người cha đã chết, quan tài người cha còn quàn ở nhà, người làm lễ cúng sau khi đã gọi tên ông ta ba lần sẽ báo với ông ta: – Một thị đã sinh ra một cậu con trai: tôi xin báo cho người được biết… Nếu người chết đã được an táng, thì đứa trẻ sơ sinh sẽ được đưa trình báo trước bài vị của ông ta…”.

baomai.blogspot.com
  
Việc thờ cúng các linh hồn và tổ tiên đã quá cố đã tồn tại từ thời rất xa xưa, Khổng Tử trong Luận Ngữ kể rằng vua Vũ, một trong những vị vua đầu tiên nửa truyền thuyết nửa lịch sử của Trung cộng vốn rất giản dị, đã tỏ ra cực kỳ phóng khoáng khi dâng lễ vật cúng các vong hồn. – Khổng Tử viết trong Trung Dung: “Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và các quần áo tổ tiên đã mặc. Họ dâng cúng các thức ăn và hoa trái theo mùa.”

Trên đây tôi đã nói rằng Khổng Tử tôn trọng tôn giáo cổ xưa đó, các tín ngưỡng xưa đó của nước Trung Hoa cổ đại, lại còn vì chúng hoàn toàn phù hợp với học thuyết của ông về sự bảo tồn xã hội cơ sở trên việc thờ phụng quá khứ và truyền thống.

Nhưng tự ông có tin ở sự tồn tại của linh hồn không? Ông có tin ở sự hiện diện thật sự của linh hồn trong các lễ cúng và trong việc khấn vái không?

Qua những lời nói của ông, bao giờ cũng rất thận trọng khi đề cập đến những chuyện siêu hình, ta có thể nghi ngờ.

Chúng ta đã thấy câu trả lời của ông với một người học trò hỏi ông về cái chết. Sau đây là lời ông nói với một người học trò khác hỏi ông về chữ “trí”: “Làm tròn các bổn phận của một con người; tôn kính các thần; ấy là trí”.

baomai.blogspot.com
  
Tôn kính các thần, nhưng kính nhi viễn chi, thái độ của bậc hiền triết đối với thần thánh là như vậy.

Có thể các vong hồn và thần thánh là có thật; cũng có thể không có thật. Duy có một điều chắc chắn là ta tôn kính họ; hãy làm điều đó với tất cả sự thành tâm, không mê tín cũng chẳng nên cuồng tín, như là ta thực hiện một nghi thức đạo đức và xã hội rất quan trọng.

Nghi thức ấy, quả vậy, bắt nguồn từ đức hiếu đễ, trong hệ thống chính trị – đạo đức của Khổng Tử, vốn là nền tảng của mọi đức hạnh, cơ sở của tế bào gia đình, và do đó cũng là của xã hội và của đế chế.

Trong những điều kiện đó, cần phải tôn kính những người đã chết như thế nào, và trong tất cả những người đã chết những người gắn liền với ta nhất, tổ tiên của chúng ta?

Theo Kinh Lễ lời nói sau đây là của Khổng Tử: “Coi người chết như là đã chết rồi thì sẽ là vô nhân. Chẳng nên làm thế. Nhưng coi họ như những người đang sống thì sẽ là vô lý. Chẳng nên làm thế”.

baomai.blogspot.com
  
Như vậy không nên coi người chết như đã chết rồi, có nghĩa là không chăm nom gì đến họ nữa, quên bẵng luôn đi; cũng chẳng nên coi họ như còn sống, nghĩa là tin là họ còn sống thật. Đúng ra, họ sống bằng ký ức của chúng ta, bằng sự sống động, tính nồng nhiệt của cái tình cảm mà chúng ta gọi là đức hiếu đễ, biết tôn kính những người đã cho ta sự sống và ý thức, khiến cho họ còn tồn tại mãi mãi, nuôi giữ ký ức về họ, truyền nối việc thờ cúng mãi mãi cho con cháu chúng ta, bằng cách đó tạo cho ta cái ảo tưởng, – một thức ảo tưởng tốt lành, – về sự nối tiếp, về tính vĩnh hằng, tóm lại về sự bất tử, trong cuộc tồn sinh thoáng chốc, trong cõi thế gian biến ảo này.

Phải hiểu tình cảm sâu sắc của bậc hiền triết như vậy đấy. Tôn trọng truyền thống và các nghi lễ, ông không muốn bày tỏ rõ ràng ý kiến về vấn đề này. Tư tưởng của ông hẳn là như vậy. Đối với ông, việc thờ cúng người chết là tôn kính ký ức về họ, cơ sở trên đức hiếu đễ và tình cảm về sự vĩnh hằng của gia đình và nòi giống. Chính trong tinh thần đó mà ngày nay nó còn được thực hiện trong phần lớn thế giới Phương Đông ở đấy nó là tôn giáo chính và là tín điều thần khải hay siêu nhiên quan trọng nhất.

baomai.blogspot.com  
  
Việc thờ phụng này có nhiều nghi thức mà mô tả lại ở đây sẽ chẳng có ích gì. Vả chăng ta đều biết mỗi gia đình người nước Nam, dù giàu hay nghèo, đều có bàn thờ ông bà của mình, có thể là một ngôi đền tráng lệ hay một cái kệ đơn giản treo bên trên một chiếc chõng. Trên đó đặt bài vị của tất cả những người thân đã mất cho đến đời thứ năm. Những người này là đối tượng của các lễ cúng đặc biệt vào các ngày giỗ và tất cả các ngày lễ theo nghi thức trong năm. Những người khác, các vị tổ tiên xa hơn, được ghi tên trên một bài vị chung và được cúng chung vào những ngày lễ theo nghi thức vốn rất nhiều trong năm. Có hai ngày được đặc biệt dành cho những người đã mất: ngày 3 tháng 3 (thanh minh), ngày viếng mộ; ngày lễ của những người chết này chẳng có gì là tang tóc và diễn ra vào một trong những lúc thời tiết đẹp nhất trong năm khi:

Cỏ non xanh tận chân trời…

Ngày lễ của những người chết này, gọi là “tẩy mộ”, thường có kèm theo một lễ hội của những người sống, bởi ý tưởng về cái chết – và đây là điều đáng chú ý, – ở xứ sở này chẳng có gì là tang tóc:

baomai.blogspot.com   

Ngày thứ hai dành cho những người chết, là ngày rằm tháng 7. Đúng ra đây là một ngày lễ Phật giáo cúng các vong hồn, tất cả những người chết mà không có người nối dõi để thờ phụng. Bởi tai họa lớn nhất đối với một con người là biết rằng đến một ngày nào đó không còn ai thờ cúng mình, vì không có hậu duệ, và do vậy trở thành một linh hồn lang thang mà đức từ bi của nhà Phật dành cho một lễ cúng chung và vô danh tính.

Do vậy những người chết mà không có hậu duệ trực tiếp thuộc giới nam để tiếp tục thờ cúng, theo luật nước Nam được phép chọn một người bà con gần gọi là “người thừa tự”. Qua đấy ta thấy ý tưởng về việc thờ phụng trong tâm hồn người nước Nam sâu sắc đến dường nào.

baomai.blogspot.com
  
Việc thờ cúng người chết chủ yếu là thờ cúng tổ tiên.

Khổng Tử nói rằng: “Dâng lễ vật cho những vong hồn không phải là người thân của mình là một việc xu nịnh”.

“Mỗi người, mỗi gia đình phải dâng lễ vật cho những người thân của mình, chứ không phải cho những người khác. Nếu có ai đó dâng lễ cúng cho những vong hồn chẳng hề liên quan gì đến mình, thì rõ ràng là để nhận được một ân huệ mà họ chẳng có quyền được hưởng: một sự chiếm đoạt lấy ân huệ đáng chê trách”. (Wieger).

Như vậy, về nguyên tắc, mỗi người chỉ thờ cúng tổ tiên đã mất của mình. Nhưng có những con người trong đời mình đã làm nhiều điều tốt cho đồng bào mình, có công ơn đối với làng xóm của mình, tỉnh mình, đối với cả nước; có những vị vua, những vị quan đã xây dựng nên vinh quang của quốc gia; những vị tướng lĩnh đã cứu nước khỏi ách ngoại xâm; những nhà trí thức lớn đã đem lại vinh dự cho quốc gia do trí thông minh và tài năng của mình; những người đàn ông hay phụ nữ đã hy sinh vì danh dự hay đức hạnh; những người đó được quyền để cho đồng bào mình nhớ ơn và thờ phụng. Vậy nên các làng thờ phụng họ như những vị thành hoàng của làng; các tỉnh quê hương họ, hay cả nước lập đền thờ ở những nơi nổi tiếng để ghi nhớ công ơn họ. Đấy cũng là một hình thức thờ cúng tổ tiên; không phải là những bậc tổ tiên riêng của ai nữa, mà là tổ tiên chung của làng, của tỉnh thành, của quốc gia; đấy là thờ phụng các vị thần bảo hộ của đất nước, và theo một nghĩa nào đó, đó là việc thờ phụng những con người vĩ đại, những người anh hùng, mà Carlyle hết sức ca ngợi.

baomai.blogspot.com
  
Việc thờ cúng người chết được hiểu và được thực hiện ở nước Nam là như vậy đấy. Do tầm quan trọng to lớn của nó về phương diện thiết chế gia đình và xã hội nước Nam, cùng những nghi thức tỉ mỉ kèm theo, nó đã thật sự trở thành một tôn giáo, tôn giáo của gia đình và nòi giống, tôn giáo của ký ức và lòng biết ơn. Quả thật đây là một tôn giáo hợp lý, logic, phù hợp với lý trí và tình cảm, ít mang tính chất thần bí nhất để thỏa mãn những tâm hồn sùng tín, và nhiều lý tính nhất để làm vừa lòng những đầu óc duy lý. Đấy là một thứ tôn giáo đầy tính triết học và người nước Nam lấy làm vinh dự đã thực hiện nó suốt bao thế kỷ dài.




baomai.blogspot.com

Kamala Harris và California đang tìm cách hạ bệ Trump
Nhà hàng Kền kền và sứ mệnh bảo tồn loài chim châu Phi
Để đối phó với cơn đau đầu do say rượu bí tỉ
Venezuela thay đổi, cư dân mạng TC náo nhiệt hiếm thấy
Lừa đảo đánh tráo, đổi, cắt ghép tiền ở VN
Lập trường cứng rắn đối với TC có lợi cho Mỹ và cả thế giới
Las Vegas _ Diệu kỳ nước Mỹ
Ngân hàng Anh không cho Venezuela rút số vàng trị giá 1,2 tỷ USD
Trẻ em Úc có quyền nêu chính kiến kể cả phản đối quốc kỳ quốc ca
Đảng DC muốn mở cửa biên giới để có thêm cử tri ủng hộ?
Đế chế ra đời từ những đĩa CD lậu ở Campuchia
Bè lũ ba tên toan tính gì về số phận Maduro?
Quốc Hội Venezuela không Bù Nhìn như XHCN VC
Mầu nhiệm Mân Côi nhà thờ Đức Mẹ La Vang
20 nước đàn áp Thiên chúa giáo tệ hại nhất
Vì sao nhiều người Việt ở lại Đài Loan bất hợp pháp?
Ngoại trưởng Mỹ thúc giục các nước ‘chọn một phe’ ở Venezuela
10 điều được coi là bình thường ở các nước
Lợi ích thần kỳ của việc ngủ thêm một giờ
Cờ gài nhức não của Mỹ tại cuộc họp của HĐBA_LHQ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.