Theo Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ đã về hưu Robert Spalding, có khả năng cường độ các hành động quân sự của Nga ở Ukraine và có thể là ở cả những nơi khác sẽ tăng lên khi Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn, và có một nguy cơ thực chất rằng chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra.
Ông Spalding nói rằng nếu không có viện trợ kinh tế, ngoại giao, và có khả năng là viện trợ quân sự từ Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCS_TC), thì lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẽ không thể chịu được những tổn thất đáng kể mà quân đội Nga đã phải gánh chịu.
“Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ thôi thúc ông Putin nhận được nhiều sự trợ giúp hơn từ Trung cộng, rõ ràng là như vậy,” ông Spalding nói. “Ông ấy đã có động lực trong suốt thời gian qua nhờ sự trợ giúp của Trung cộng.”
“Nếu không có sự hậu thuẫn của Trung cộng, Nga sẽ khó có thể tiến hành một cuộc tấn công vào mùa xuân này.”
Nga phụ thuộc vào sự trợ giúp của Trung cộng trong cuộc chiến ở Ukraine
ĐCS_TC đã liên tục đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của nước này về cuộc xâm lược của Nga, đồng thời lặp đi lặp lại tuyên truyền từ Điện Kremlin bằng cách mô tả cuộc chiến này là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” và kiểm duyệt những nội dung lên án cuộc xung đột này trên mạng xã hội Trung cộng.
Giờ đây, giới lãnh đạo Hoa Kỳ lo sợ rằng nhà cầm quyền này có thể đang chuẩn bị cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Nga, mặc dù Bắc Kinh đã luôn nhất quán ủng hộ Nga trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, về phần mình, ông Spalding tin rằng ĐCS_TC đã bắt đầu cung cấp những khoản viện trợ như vậy từ lâu.
Ông Spalding nói: “Tôi cho rằng họ đang giúp nước này bằng viện trợ vũ khí sát thương, nhưng những vũ khí đó có khả năng là thiết bị của Mỹ hoặc một quốc gia phương Tây khác mà các công ty Trung cộng giúp họ mua bằng cách bỏ qua lệnh trừng phạt.”
“Ít có khả năng người Trung cộng sẽ gửi thiết bị của chính họ vào ngay lúc này, vì vậy nếu những vũ khí như thế bị bắt gặp trên chiến trường, thì quý vị có thể thấy rằng những vũ khí ấy đến từ Trung cộng. Nhưng, nếu nó đến từ một quốc gia phương Tây nào đó, thì quý vị sẽ không nhất thiết biết được người Nga đã mua nó như thế nào.”
Thật thú vị, Tòa Bạch Ốc có thừa nhận rằng các công ty Trung cộng đã trực tiếp trợ giúp cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng đã không nói rằng sự trợ giúp đó tương đương với viện trợ vũ khí sát thương.
Ví dụ, khi Tòa Bạch Ốc ban hành các lệnh trừng phạt đối với nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến cuộc chiến của Nga vào ngày 24/02, thì họ cũng nhắm vào các tổ chức Trung cộng bị cáo buộc cung cấp thiết bị cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt một cách hiệu quả.
Tương tự như vậy, theo một bài báo trên tờ Der Spiegel, trước đây, Trung cộng đã làm giả các tài liệu vận chuyển để ngụy trang cho các thiết bị hàng không quân sự đến Nga dưới danh nghĩa là thiết bị dân sự, và sử dụng các mối trung gian ở UAE để giao các phi cơ không người lái lưỡng dụng cho Nga.
Cũng chính bài báo đó cáo buộc rằng ĐCS_TC hiện đang chuẩn bị một đợt vận chuyển các phi cơ không người lái cảm tử đến Nga để sử dụng ở Ukraine.
Ông Spalding nói: “Có rất nhiều lý do giải thích cho việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung cộng ngay bây giờ vì sự trợ giúp mà họ đã dành cho Nga.”
Khả năng răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ chưa sẵn sàng cho một thế giới đa cực
Với việc quan hệ giữa ĐCS_TC và Điện Kremlin đang ấm lên, và căng thẳng với Hoa Kỳ đang ở mức cao trong lịch sử, ông Spalding cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang bước vào lãnh thổ không xác định về mặt chiến lược hạt nhân.
Ông Spalding lưu ý rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ phải đồng thời răn đe hai cường quốc hạt nhân lớn, và khả năng ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine biến thành một cuộc thảm sát hạt nhân đang suy yếu dần theo từng ngày.
Ông Spalding nói: “Chúng ta phải rất cẩn trọng để cuộc chiến này không biến thành Đệ tam Thế chiến.”
“Quý vị không thể nói rằng Hoa Kỳ không bị hạn chế trong cách quốc gia này nhìn nhận cuộc xung đột này và khả năng nó leo thang vượt ra ngoài các ranh giới hiện hữu. Đó là điều có thể rất nguy hiểm cho Hoa Kỳ và cho NATO.”
Ông Spalding cảnh báo rằng việc mở rộng chiến tranh ở Ukraine có thể đe dọa thế giới trong một tình huống tương tự như Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, khi giao tranh giữa các cường quốc cộng sản phương Tây và Á-Âu suýt bùng nổ thành chiến tranh hạt nhân.
Ông Spalding nói rằng một phần quan trọng của vấn đề này là Hoa Kỳ hiện đang thiếu loại năng lực hạt nhân cần thiết để ngăn chặn cả Trung cộng và Nga khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Về căn bản, ông Spalding cho biết, các lực lượng của Trung cộng và Nga đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ, bao gồm cả cái gọi là vũ khí cho mục đích “sử dụng đầu tiên.” Những vũ khí như vậy được thiết kế để loại bỏ ngay từ đầu kho vũ khí hạt nhân của đối thủ, do đó tước đi khả năng chống lại kẻ xâm lược hạt nhân của đối thủ đó.
Ông nói, trừ khi Hoa Kỳ tăng cường kho vũ khí của chính mình, nếu không thì Mỹ quốc có nguy cơ trở thành nạn nhân của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Spalding nói: “Tất cả là một phần của việc tính toán xem chúng ta cần bao nhiêu để bảo đảm rằng Nga và Trung cộng biết đó không phải là ý hay để kết hợp tấn công phủ đầu các lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ.”
“Nếu Trung cộng và Nga có đủ lực lượng để về căn bản là có năng lực phá hủy khả năng của Hoa Kỳ trong việc tổ chức một cuộc phản công đáng tin cậy sau cuộc tấn công phủ đầu để răn đe Nga và Trung cộng không phát động một cuộc tấn công phủ đầu, thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị họ phát động một cuộc tấn công phủ đầu.”
Andrew Thornebrooke _ Thanh Tâm
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.