Giám đốc CBO Phillip Swagel cho biết hôm 15/02: “Nếu mức trần nợ không thay đổi, chính phủ sẽ không có khả năng vay nợ bằng các biện pháp đặc biệt từ tháng Bảy đến tháng Chín năm 2023.”
Ông Swagel nói trước các phóng viên khi ông công bố Tuyên bố về Nợ liên bang và Giới hạn theo luật định Tháng 02/2023 của CBO.
Chính phủ đã đạt mức trần nợ gần đây nhất là 31.4 ngàn tỷ USD hôm 19/01. Điều đó đã cho phép sử dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn Hoa Kỳ vỡ nợ.
Các biện pháp đặc biệt là các thông lệ kế toán giúp quốc gia không bị vỡ nợ trong khi Quốc hội và tổng thống đàm phán. Tuy nhiên, các biện pháp đặc biệt chỉ kéo dài thời gian và một khi chúng hết hiệu lực thì vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết đất nước sẽ không vỡ nợ.
Mặc dù ban đầu Tổng thống Joe Biden có quan điểm cứng rắn về những nhượng bộ mà ông sẽ thực hiện để nâng mức trần nợ, nhưng kể từ đó, ông đã bớt khắt khe về quan điểm này. Ông đang đàm phán với ông McCarthy về cách tăng mức trần nợ.
Ông Biden và các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ tuyên bố rằng Đảng Cộng Hòa muốn cắt giảm An sinh xã hội và Medicare để phù hợp với mức chi tiêu. Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội cương quyết phủ nhận tuyên bố đó.
Dân biểu mới đắc cử của Đảng Cộng Hòa Josh Brecheen (Cộng Hòa-Oklahoma) đã lặp lại lời của các nhà lãnh đạo đảng của mình.
Ông nói, “Không ai nói về việc cắt giảm Medicare và An sinh xã hội. Việc cắt giảm sẽ đến nếu chúng ta không làm gì cả. Khi chúng ta mất khả năng thanh toán, thì chúng ta cứ thế mà in tiền phải không?”
Theo CBO, rất khó để nói chắc chắn khi nào vỡ nợ có thể xảy ra vì có nhiều yếu tố tác động. Ông Swagel cho biết hôm 15/02 rằng dự báo mới nhất lưu ý rằng ngày cuối cùng sẽ được xác định bởi doanh thu thuế mà IRS nhận được vào tháng Tư; CBO sẽ công bố một ước tính khác vào tháng Năm có tính đến doanh thu thuế.
Những thay đổi trong chi tiêu cũng có thể ảnh hưởng đến mốc thời gian này.
Thâm hụt chi tiêu hơn 1 ngàn tỷ USD
Khi dân số Hoa Kỳ già đi, dự kiến chi tiêu bắt buộc sẽ tăng vọt do chi phí An sinh xã hội và Medicare tăng cao. Chi phí chăm sóc y tế liên bang cũng đang tăng lên.
An sinh xã hội hiện tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD hàng tháng, và các chương trình sức khỏe Medicare Advantage và các chương trình thuốc theo toa của Medicare Phần D lên tới 40 tỷ USD mỗi tháng.
Mức thâm hụt chi tiêu đang tăng nhanh hơn dự kiến. CBO dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2023 sẽ đạt 1.4 ngàn tỷ USD, cao hơn 400 tỷ USD so với dự kiến. Thâm hụt dự kiến sẽ tăng khoảng 20%, tương đương 3.1 ngàn tỷ USD, trong vài năm tới.
Mức thâm hụt năm nay là 5.3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số có thể tăng lên 6.9% vào năm 2033, vượt xa mức trung bình 3.6% được ghi nhận trong vài năm qua.
Theo CBO, thâm hụt gia tăng chủ yếu là do luật pháp gần đây, lạm phát cao và lãi suất tăng. Các dự luật chi tiêu như CHIPS và Đạo luật Khoa học năm 2022, trị giá 52 tỷ USD và Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2022 trị giá 738 tỷ USD đã giúp làm tăng gánh nặng nợ của quốc gia.
Nợ liên bang do công chúng nắm giữ hiện chiếm 98% GDP. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 118% vào năm 2033. Điều này sẽ xảy ra do chi phí lãi vay và chi tiêu bắt buộc vượt xa mức tăng trưởng của doanh thu và nền kinh tế. Nếu không được kiểm soát, mức này dự kiến sẽ đạt 195% GDP vào năm 2053.
Michael Clements _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.