Những lập luận ủng hộ này thường xoay quanh hai mối quan tâm.
Đầu tiên là quân đội Hoa Kỳ, hiện là một lực lượng hoàn toàn tình nguyện (AVF), không thể thu hút đủ số lượng nam nữ thanh niên đạt tiêu chuẩn nhập ngũ, khiến các lực lượng vũ trang của chúng ta thiếu nhân sự và “trống rỗng.”
Mối quan tâm thứ hai, còn quan trọng hơn, đó là việc không có chế độ quân dịch — nghĩa là, một số loại dịch vụ công bắt buộc mà tất cả nam thanh niên (và có lẽ cả nữ thanh niên) đều tham gia — sẽ có hại cho cấu trúc xã hội của đất nước theo cách này hay cách khác. Quân dịch được xem là một quy định để tập hợp thanh niên từ khắp các thành phần kinh tế, chủng tộc, và xã hội khác nhau của đất nước, kết hợp họ lại với nhau, và giúp họ hiểu được các giá trị và mục tiêu chung của mình.
Đây là hình mẫu của người “công dân-quân nhân,” được nâng lên thành lý tưởng từ những người dân quân thời kỳ Chiến tranh Cách mạng Mỹ (hay Chiến tranh giành độc lập của Mỹ). Và điều này được cho là đã mai một cùng với sự trỗi dậy của một đẳng cấp chiến binh gồm những binh sĩ chuyên nghiệp.
Ông Max Boot, một nhà sử học quân sự và là người phụ trách chuyên mục của tờ Washington Post, trích lời một đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu: “AVF đã đưa chúng ta trở thành lực lượng chiến đấu được huấn luyện, trang bị, và tổ chức tốt nhất trong lịch sử toàn cầu. Thế nhưng, chúng ta đã xa rời mô hình công dân-quân nhân vốn là một phần trong lịch sử dân tộc của chúng ta.”
Tất nhiên, giải pháp cho điều này là quay trở lại chế độ quân dịch và khiến chế độ này trở thành bắt buộc đối với tất cả mọi người. Tuy là một nhận thức tốt đẹp, nhưng điều này dựa trên một lời nói dối. Hơn nữa, việc quay trở lại chế độ quân dịch sẽ gây thiệt hại cho các lực lượng vũ trang của chúng ta.
Ngay từ đầu, Hoa Kỳ chưa bao giờ có một quân đội dựa trên “công dân-quân nhân.” Cho đến Đệ nhị Thế chiến, việc đi lính trong thời bình luôn là một chuyện không mấy quan trọng, bao gồm các quân nhân chuyên nghiệp. Trong thế kỷ 19, quân đội Hoa Kỳ chưa bao giờ có tổng số hơn 40,000 người, ngoại trừ trong các cuộc xung đột lớn (chẳng hạn như Nội chiến Hoa Kỳ hoặc Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ). Trong những thời kỳ đó, quân đội Hoa Kỳ sẽ mở rộng nhanh chóng, thường là thông qua các đợt kêu gọi nhập ngũ tự nguyện. Sau khi chấm dứt chiến sự, ngay lúc đó quân đội sẽ nhanh chóng thu hẹp lại thành một nhóm nòng cốt nhỏ gồm những quân nhân chuyên nghiệp.
Ví dụ, sau Nội chiến, Lục quân Hoa Kỳ đã giảm từ hơn 1 triệu quân nhân xuống chỉ còn 26,000 quân nhân, chủ yếu tham gia vào các chiến dịch chống lại người Mỹ Bản địa ở vùng Đại Bình nguyên Bắc Mỹ (Great Plains).
Hơn nữa, chế độ quân dịch đã là một điều hiếm thấy ở Hoa Kỳ, và không bao giờ trở thành một hình mẫu. Trước năm 1945, chế độ quân dịch chỉ được áp dụng ba lần: trong thời kỳ Nội chiến — lúc đó việc này đã kích động các cuộc bạo động chống quân dịch — Đệ nhất Thế chiến, và Đệ nhị Thế chiến.
Ngay cả trong thời chiến, chế độ cưỡng bách tòng quân không bao giờ là phổ biến. Ví dụ, trong Đệ nhị Thế chiến, có tương đối ít nam giới đủ điều kiện quân dịch thực sự được gọi nhập ngũ: Trong số 50 triệu người ghi danh, chỉ có 10 triệu người được tuyển chọn vào quân đội. Đây là lý do tại sao Hoa Kỳ luôn sử dụng thuật ngữ “tuyển binh.”
Trên thực tế, quân dịch thực sự ở Hoa Kỳ chỉ tồn tại từ năm 1948 đến năm 1969, và thậm chí là chỉ trên giấy tờ. Tất cả nam giới từ 18 đến 25 tuổi phải phục vụ trong quân đội trong 21 tháng. Tuy nhiên, trong suốt những năm 1950, rất ít nam giới thực hiện chế độ quân dịch, chủ yếu là do chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm, và nhiều người đã bị giải ngũ sớm.
Trong Chiến tranh Việt Nam, quân dịch vẫn dựa trên việc tuyển binh, với nhiều trường hợp miễn trừ hoặc hoãn lại do tình trạng hôn nhân, có người phụ thuộc, hoặc đang theo học đại học. Chương trình “xổ số quân dịch” của cựu Tổng thống Richard Nixon, được giới thiệu hồi năm 1969, không còn phổ biến hay công bằng nữa. Và vì chế độ quân dịch không bao giờ áp dụng đồng đều cho tất cả nam giới đủ điều kiện, nên điều đó đã tạo ra tình trạng bất ổn đáng kể về mặt xã hội và chính trị ở trong nước cũng như các vấn đề về nhuệ khí và kỷ luật quân đội.
Nhưng hãy giả sử chúng ta khôi phục chế độ cưỡng bách tòng quân và làm cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ, phục vụ một năm trong các lực lượng vũ trang. Điều đó vẫn không hẳn sẽ tạo ra những quân nhân giỏi nhất hoặc mang lại cho chúng ta loại quân đội mà chúng ta cần nhất.
Đầu tiên, chúng ta sẽ sắp xếp cho tất cả những người đến tuổi tòng quân bắt buộc này vào đâu? Hàng năm, có 4 triệu nam nữ thanh niên bước sang tuổi 18, nhưng quân đội Hoa Kỳ chỉ có 1.4 triệu quân nhân chuyên nghiệp. Ngay cả khi một nửa trong số họ được miễn trừ hoặc được phép thực hiện nghĩa vụ dân sự (và tất cả họ sẽ đi đâu, với cái giá phải trả cho điều này là gì?), thì đây vẫn là số lượng tân binh nhiều hơn mức mà các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cần đến.
Hơn nữa, trong thời buổi này thì một năm hầu như không đủ thời gian để đào tạo đầy đủ loại nhân sự cần thiết để bổ sung cho một lực lượng công nghệ cao như quân đội Hoa Kỳ. Có khả năng hơn là, quân dịch sẽ dẫn đến tình trạng nhiều binh sĩ tòng quân bắt buộc được đào tạo kém, hầu như là vô dụng mà quân đội — đặc biệt nơi tiếp nhận hầu hết những người này là Lục quân Hoa Kỳ — sẽ rất hân hoan khi sa thải họ.
Trên khắp thế giới, những người bị cưỡng bách tòng quân đã cho thấy tính hữu dụng ngày càng giảm của họ. Nga đã thể hiện kém ở Ukraine chủ yếu là do nước này dựa vào những binh sĩ bị cưỡng bách tòng quân được đào tạo kém và tinh thần sa sút. Và việc cưỡng chế hàng ngàn thanh niên Nga vào quân đội sẽ không giúp được gì nhiều.
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia từng có chế độ quân dịch đều đã từ bỏ chế độ này hoặc tạo ra các hệ thống kết hợp, chẳng hạn như ở Thụy Điển, nơi nam (và nữ) thanh niên có thể “tình nguyện đi quân dịch.” Các quốc gia khác, như Đài Loan hoặc Phần Lan, có thời gian quân dịch ngắn ở mức là bốn hoặc sáu tháng.
Tóm lại, quân dịch không phải là một giải pháp hữu hiệu. Chế độ này sẽ không giải quyết được các vấn đề về sự sẵn sàng của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hay giải quyết được các tệ nạn xã hội, và bản thân điều đó sẽ không tạo ra một quân đội tinh nhuệ hơn.
Trên thực tế, điều đó thậm chí có thể làm suy giảm sức mạnh của quân đội chúng ta. Quân đội được cho là chỉ làm đúng một việc: bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích của quốc gia thông qua việc sử dụng (hoặc đe dọa sử dụng) vũ khí. Quân đội làm được như vậy bằng cách trở thành một chế độ thực sự trọng dụng nhân tài và thu hút những tài năng tốt nhất, bất kể chủng tộc, giới tính, hay khuynh hướng tính dục.
Richard A.Bitzinger _ Thanh Nguyên
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.