Lời bài hát của nhạc sĩ Reggae Jimmy Cliff có thể áp dụng trong hầu hết các tình huống trong cuộc sống: trở thành một người chồng và người cha tốt, được thăng tiến trong công việc, hoặc học tiếng Pháp. Thông thường, ai cũng sẽ đạt được thứ mà chúng ta thực lòng mong muốn, nếu ta sẵn lòng cố gắng, cố gắng và cố gắng làm điều đó.
Và điều này cũng đúng đối với giáo dục.
Giáo dục thời xưa
Khi xưa, chúng ta thường rất khó tiếp cận các hình thức học tập khác nhau.
Quay trở lại những năm 1860, toàn nước Mỹ chỉ có khoảng 40 trường trung học phổ thông công lập. Hầu hết, học sinh ở thời điểm đó đều học tại trường tư nhân quy mô nhỏ, trường học địa phương được nhà thờ và cộng đồng dân cư trợ giúp, hoặc được học ở nhà những môn căn bản như đọc, viết, toán. Sự thật là rất ít trẻ em đi học ở trường — và rất nhiều người đã đi làm mà không được giáo dục trọn vẹn — họ chỉ học ở trường được vài năm.
Xa xưa hơn nữa, chúng ta có thể thấy rằng không có trường học nào được Nhà nước trợ giúp, mặc dù giáo dục rất quan trọng đối với nhiều người dân Mỹ. Ví dụ, những người định cư tại các thuộc địa New England, chú trọng vào học đọc, một phần là để những người trẻ tuổi có thể đọc Kinh Thánh. Ở miền Nam, những người giàu có thường thuê gia sư riêng cho con, còn phần nhiều trẻ em là con của những người buôn bán hay nông dân chỉ được học kiến thức từ cha mẹ.
Sắc lệnh Tây Bắc Mỹ năm 1787, được ban hành và áp dụng trên một lãnh thổ rộng lớn bao gồm các tiểu bang ngày nay là Ohio, Michigan, và Indiana, đã tuyên bố “Tôn giáo, đạo đức và học thức rất cần thiết cho Chính phủ tốt và cho hạnh phúc của nhân loại, trường học và hoạt động giáo dục luôn luôn được khuyến khích.”
Để bảo đảm thực hiện ý tưởng đó, Chính phủ đã dành cho mỗi thị trấn một thửa đất để xây dựng trường học.
Một mô hình cho tất cả
Theo thời gian, ngôi trường với một phòng học đã trở thành kiểu mẫu tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ. Các bậc cha mẹ thường là người xây dựng cơ sở dành cho học tập, giáo viên được trả lương bằng hiện vật như vài bao gạo hay khoai tây, và còn được cung cấp cả chỗ ăn ngủ để trợ giúp thêm cho giáo viên. Vào cuối năm 1919, có khoảng 190,000 ngôi trường một phòng học trên khắp nước Mỹ.
Một trong những giáo sư đại học của tôi, ông Ed Burrows, đã học tại một ngôi trường như thế ở vùng nông thôn North Carolina dành cho các lớp từ 1 đến 7, với khoảng 50 học sinh và chỉ có hai giáo viên. Trường học hoạt động theo kiểu trường một lớp học, các lớp [lớn bé] đều học chung trong một phòng. Thầy Ed kể cho tôi nghe một điểm rất thuận lợi của cách sắp đặt này là ông có thể học hỏi khi nghe những học sinh lớn đọc to bài học của họ trong khi ông và những học sinh nhỏ tuổi hơn làm bài tập trong sách. Ở rất nhiều nơi khác, những ngôi trường kiểu như vậy sẽ nhỏ hơn, và học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 có cùng một giáo viên trong cùng lớp học.
Giáo dục ngày nay
Tất nhiên, thế kỷ đã trôi qua, những trường công lập lớn đã trở thành tiêu chuẩn của nền giáo dục. Hiện nay, có khoảng 100,000 trường hệ K-12 trên toàn nước Mỹ. Sáu mươi năm trước, nhiều ngôi trường kiểu cũ vẫn còn tồn tại, nhưng cũng nhiều trong số đó đã được sáp nhập.
Như ông bà tổ tiên của mình, chúng ta cũng có các tổ chức rất đa dạng. Nào là các trường học bán công (charter school), trường tư thục cả mới lẫn cũ, một số chúng là trường thế tục và một số là trường dòng, giáo dục tại gia giúp phụ huynh có các lựa chọn về việc giáo dục cho con cái.
Học sinh của những năm xa xưa
Nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ hệ thống trường học vào thế kỷ 18 và 19 sẽ thấy rất nhiều trong số đó không được quản lý bởi bất kỳ tổ chức Chính phủ nào, chúng ta sẽ hơi phân vân dựa trên cách tiếp cận có hệ thống về giáo dục của chúng ta, làm sao để một hệ thống như vậy có thể đào tạo thế hệ trẻ.
Thế nhưng, thế kỷ 18-19 đã sản sinh ra những nhà phát minh mới như Tom Edison và George Washington Carver, những chính trị gia khuôn mẫu như James Madison và Daniel Webster, và những phụ nữ xuất sắc, có học thức như bà Abigail Adams và bà Louisa May Alcott. Một số gương mặt lịch sử đã lớn lên từ những ngôi trường một phòng học, một số khác là từ những trường tư thục, và rất nhiều người, như Edison, John Adams, và vợ của ông, bà Abigail, ít nhất là được giáo dục phần nào đó tại gia.
Và câu hỏi được đặt ra là: Mô hình trường học này là thế nào, nó có quá đơn sơ khi so sánh với hệ thống của chúng ta, thế nhưng lại tạo ra rất nhiều thiên tài và xây dựng nên một nền tảng học tập cho hàng triệu người trong suốt cuộc đời họ?
Những phương pháp từ ngày xưa
Theo một vài phương diện nào đó, những ngôi trường ngày xưa này có một số lợi thế mà giờ đây ta không có. Trong các khu vực thị trấn và vùng nông thôn, những ngôi trường nhỏ nằm tại khu trung tâm cộng đồng, tạo ra nhiều gắn kết xã hội hơn. Hơn nữa, nền văn hóa thời bấy giờ hoàn toàn khác biệt với chúng ta bây giờ. Con nhà nông dân vào năm 1900 không biết gì về công nghệ và thiết bị điện tử.
Cho dù có rất nhiều khác biệt, nhưng ta có thể tìm hiểu nhiều cách thức và lời khuyên từ những người sống trong kỷ nguyên đó để có thể giúp chúng ta củng cố các phương pháp giáo dục của mình. Và đây là một trong số đó:
Trường học ngày xưa thường chú trọng đào tạo những kiến thức căn bản. Họ dạy cách đọc, văn phong, bổn phận, lịch sử, khoa học và toán học. Đó là giáo trình tiêu chuẩn cho đến những năm 1960, và cũng phải cảm ơn mẹ tôi và cuốn sổ lưu niệm của bà, tôi đã có tài liệu để minh chứng cho điều đó.
Môn học quan trọng nhất thời bấy giờ là đọc. Vào năm 1919–1920, tỉ lệ mù chữ của những người trẻ tuổi vào khoảng 6%. Giờ đây con số này là gấp đôi. Để mong đợi có một nền dân chủ phát triển, thì hầu như không thể có những người vẫn đang sinh tồn mà lại mù chữ. Nhiều trường học thời đó đã sử dụng ngữ âm và ghi nhớ để dạy các học sinh nhỏ tuổi giải mã các từ. Các trường học của chúng ta ngày này có lẽ muốn áp dụng theo cách này.
Cho đến gần đây, học thuộc lòng là một phương pháp học tại trường. Chúng tôi đã học thuộc lòng một số môn học ở lớp 3, ví dụ như bảng cửu chương. Bà Fleming đã giải thích cho chúng tôi cách làm, và chúng tôi đọc thuộc cả ở nhà và ở lớp: 2 lần 2 là 4, 3 lần 3 là 9, và cứ như vậy. Ngày nay, rất nhiều nhà giáo dục chế nhạo việc học thuộc, bỏ qua một cách học tập có lịch sử hàng ngàn năm từ quá khứ.
Người La Mã cổ đại có câu“Lặp lại là khởi đầu của các nghiên cứu (học tập)” và điều đó vẫn đúng trong ngày nay cũng giống như ngày xưa.
Điều cốt lõi
Có lẽ sự khác biệt lớn giữa hệ thống giáo dục ngày nay và năm 1900 là về mục tiêu của nền giáo dục.
“Tìm cho mình một nền giáo dục” là câu mà tôi thỉnh thoảng đã nghe được khi còn bé, và chắc chắn những câu nói đó dành cho người như ngài Abraham Lincoln, Thomas Jefferson, Amelia Earhart (những người học tại gia cho đến tận 12 tuổi), các chánh án Tối cao Pháp viện như bà Sandra Day O’Connor (một người học tại gia khác) và ông Clarence Thomas, và hàng loạt những người Mỹ khác.
Tất cả những nam hay nữ thanh niên đều hiểu rằng việc tiếp nhận giáo dục không phải là quá trình thụ động, việc học tập là tùy thuộc vào bản thân chứ không phải bất kỳ trường lớp nào. Với quan điểm như vậy rất nhiều người học trong suốt cuộc đời của họ. Ví dụ như, sau khi cha của mình qua đời, ông nội tôi đã miễn cưỡng rời trường học vào năm lớp 7 để phụ giúp công việc làm nông của gia đình. Tuy nhiên, trong cả cuộc đời của ông, ông vẫn là một người ham đọc sách, đặc biệt là sách về lịch sử và tiểu sử.
Ngày nay, chúng ta cần nhấn mạnh với con cái mình về khát khao mãnh liệt đối với việc học tập. Học tập không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là cả một con đường để theo đuổi, không chỉ để tìm kiếm công ăn việc làm, mà chính nền giáo dục vững chắc đã giúp chúng ta nên người.
Nếu chúng ta có thể thổi bùng ngọn lửa đam mê học tập cho con cái, chúng sẽ tỏa sáng cho dù theo học ở trường nào đi chăng nữa.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.