Monday, February 27, 2023

Năm 2023 của phi cơ không người lái hay năm của xe tăng?

 BM

Ngay trước cuộc chiến này, nhiều nhà phân tích phương Tây (những người lẽ ra thực sự nên biết rõ hơn) đã ca ngợi rằng quân đội Nga là một lực lượng được trang bị vũ khí thông thường rất tốt, được thành lập với những quân nhân chuyên nghiệp và có tính sẵn sàng chiến đấu cao hơn bao giờ hết. Nga đã “chuyển hướng” sang hiện đại hóa quân sự và hiện nay có khả năng cung cấp cho Moscow “một công cụ quân sự đáng tin cậy để theo đuổi các mục tiêu chính sách quốc gia.”


Song Nga đã không đạt được mục tiêu ban đầu là chiếm được Kyiv trong vài ngày đầu tiên của cuộc chiến và buộc phải rút lui một cách đáng tiếc khỏi vùng phía bắc Ukraine. Những thành công sau này của Moscow trong việc chiếm được hầu hết bốn khu vực ở phía nam và phía đông Ukraine — sau đó sáp nhập các khu vực này bằng các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo — đã bị một cuộc đại phản công của Ukraine ngăn trở vào cuối năm ngoái và dẫn đến thế bí.


Vậy thì chuyện gì đã xảy ra?


BM


Bên cạnh việc đánh giá quá cao sức mạnh quân sự về các vũ khí thông thường của Nga, các nhà phân tích ở cả Moscow và phương Tây đều không hiểu được các công nghệ mới đã thay đổi về căn bản các thước đo về hiệu quả quân sự trên chiến trường như thế nào.


Chúng ta hãy bắt đầu với các chiến thuật quân sự của Nga, ban đầu dựa vào các cuộc tấn công bằng xe tăng bọc thép hạng nặng — về căn bản là lực lượng lỗ mãng. Quân đội Nga đã cảm nhận rằng họ có thể đơn giản là ủi phẳng con đường tiến vào Kyiv của họ. Thế nhưng, cách tiếp cận này nhanh chóng trở thành nạn nhân của các chiến thuật đánh du kích rất phi tập trung của quân đội Ukraine, vốn được trang bị vũ khí chống tăng mạnh mẽ và chính xác cao, đặc biệt là [các loại tên lửa chống tăng] Javelin của Hoa Kỳ và NLAW của Anh-Thụy Điển.


BM


Đồng thời, người Ukraine đã có thể sử dụng thành công phi cơ không người lái có vũ trang nhằm chống lại các lực lượng Nga. Nguồn cung cấp bất ngờ và đáng ngạc nhiên cho những chiếc phi cơ không người lái như vậy là Thổ Nhĩ Kỳ và chiếc Bayraktar TB2 của nước này. Lúc bắt đầu chiến sự, TB2 đặc biệt hiệu quả trong việc phóng các loại đạn không đối đất, phá hủy thiết giáp, bệ phóng nhiều tên lửa, hỏa tiễn đất đối không và thậm chí cả các tàu tuần tra của Nga. TB2 này được cho là đã giúp đánh chìm tàu tuần dương Moskva của Nga.


BM


Trong khi đó, Nga là nước đi sau trong ý tưởng sử dụng phi cơ không người lái trang bị vũ trang, và nước này đã bất ngờ bị các hoạt động của phi cơ không người lái của Ukraine bắt được. Đáp lại, Moscow đã nhờ đến Iran để mua hàng ngàn phi cơ không người lái từ Tehran. Một trong những loại nổi tiếng nhất là phi cơ không người lái tự sát Shahed-136, một thiết bị bay không người lái (UAV) trông giống một cách đáng ngờ với chiếc Harpy của Israel. (Trên thực tế, công nghệ chế tạo Harpy có thể đã được truyền đến đến Iran thông qua Trung cộng, nước đã mua hàng trăm phi cơ không người lái Harpy trong những năm 1990, hoặc từ Nam Phi). Nga hiện đang chế tạo phi cơ không người lái của Iran theo giấy phép.


BM

Chiến tranh Nga-Ukraine đã chứng minh rõ ràng vai trò trung tâm trọng yếu của các phi cơ không người lái trên chiến trường này, và do đó, có hai diễn biến chính sẽ tác động đến các cuộc chiến trong tương lai.


Đầu tiên là sự phổ biến và sẵn có của phi cơ không người lái tác chiến dùng trong các hoạt động phức tạp tầm xa hơn sẽ vẫn tiếp diễn. Sự sẵn có và sức hấp dẫn của các phi cơ không người lái có vũ trang, tương đối rẻ từ các nhà cung cấp mới sẽ tác động đến việc mua phi cơ không người lái trên khắp thế giới, với việc các quốc gia đang xếp hàng để mua các loại UAV vốn đã được kiểm chứng qua thực chiến ở Ukraine.


Ví dụ, công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng sản xuất phi cơ không người lái Bayraktar, đã bán các loại phi cơ không người lái cho 27 quốc gia. Hồi năm 2022, 98% thu nhập của công ty này đến từ việc xuất cảng.


BM


Diễn biến thứ hai là việc sử dụng phi cơ không người lái chiến thuật rẻ tiền cho các hoạt động trợ giúp tầm gần. Đặc biệt, các quân đội nghèo hơn có khả năng chuyển sang sử dụng phi cơ không người lái thương mại giá rẻ (chẳng hạn như DJI do Trung cộng chế tạo) để giám sát và trinh sát, phát hiện ra pháo binh và các hoạt động thông tin khác. Người ta sẽ thấy nhiều UAV khác nhau hiện diện thường xuyên trên chiến trường hiện đại, với các đơn vị thậm chí nhỏ hơn ở cấp trung đội và đại đội sở hữu khả năng của riêng họ để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và thậm chí là chiến đấu.


BM


Đồng thời, sự phong phú của phi cơ không người lái làm tăng tầm quan trọng của khả năng chống UAV, ở cấp độ chiến thuật và tác chiến, với các hệ thống và công nghệ có thể gây nhiễu, vô hiệu hóa, và cuối cùng là hạ gục phi cơ không người lái của đối phương. Với cả các chiến binh Nga và Ukraine hiện đang sử dụng các hệ thống chống UAV cầm tay, các quốc gia quan tâm đến việc mua công nghệ tương tự sẽ xem các hệ thống như vậy hoạt động như thế nào trong cuộc chiến này.


BM

Vì vậy, các hệ thống không người lái đã thay đổi vĩnh viễn và không thể đảo ngược tính chất và cách tiến hành chiến tranh trong tương lai phải không? Giờ thì có phải là “toàn bộ đều là phi cơ không người lái vào mọi lúc” hay không?


Không nhất thiết là như vậy. Trên thực tế, chúng ta có thể đang đứng trước một bước phát triển quan trọng mới trong Chiến tranh Nga-Ukraine, nơi có thể đưa một hệ thống vũ khí khá quen thuộc và đáng gờm trở lại hàng đầu: xe tăng chủ lực.


Sự biến mất của xe tăng đã được dự báo từ trước. Trong những năm 1990 và thời kỳ đỉnh cao của cái gọi là “cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự” do công nghệ thông tin dẫn đầu (Info-RMA), những người ủng hộ đã xem thường loại xe tăng chủ lực này. Tương lai của chiến tranh tập trung vào các lực lượng nhẹ, cơ động cao, và “thông minh.” Như vậy, xe tăng quá chậm chạp và quá dễ bị tấn công. Info-RMA có ý định thay thế sự nặng nề đó bằng tốc độ và thay thế các lớp thiết giáp bằng việc trao đổi thông tin.


BM


Những cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đã sớm cho thấy một lập luận như vậy là sai. Trong những môi trường bất ổn, thì việc che chắn bản thân trong nhiều lớp áo giáp nặng nề là cách thông minh để di chuyển. Các quốc gia vốn đã dự trù loại bỏ hoặc cắt giảm các lực lượng xe tăng của họ sớm nhận ra bản thân họ phải mua thêm. Trên thực tế, hiện nay dường như chúng ta đang ở trong “thời kỳ phục hưng của xe tăng”, với việc số lượng xuất cảng các loại xe tăng M1 của Hoa Kỳ, Leopard 2 của Đức, và K2 của Nam Hàn Quốc đang tăng vọt.


Đa phần điều này được thúc đẩy do những dự đoán về một cuộc tấn công lớn vào mùa xuân ở miền nam và miền đông Ukraine. Người Nga có khả năng sẽ quay trở lại một chiến dịch quân sự cổ điển: các trận địa pháo lớn, được các cuộc tấn công bằng xe tăng lớn trợ giúp. Kết quả là, Kiev đã và đang cầu viện phương Tây cung cấp các loại xe tăng hiện đại. Sau một thời gian trì hoãn nhất định (đặc biệt là Đức), NATO sẽ sớm gửi hàng ngàn xe tăng thuộc các loại M1, Leopard 2, cũng như xe tăng Challenger của Anh tới Ukraine.


BM

Làn sóng tiếp theo trong Chiến tranh Nga-Ukraine có thể sẽ là sự trở lại của “cuộc chiến máy xay thịt”, với số lượng thương vong cao và tài sản bị phá hủy hàng loạt. Phi cơ không người lái và Info-RMA hứa hẹn chiến tranh tập trung cao độ, “nhắm chính xác.” Đáng buồn thay, tất cả lại quay trở lại với chiến tranh tổng lực — năm 2023 hứa hẹn sẽ là năm của phi cơ không người lái và năm của xe tăng.




Richard A.Bitzinger  _  Thanh Nguyên


https://baomai.blogspot.com/
Thủ thuật chuyển giới cho trẻ vị thành niên
Cà phê ảnh hưởng đến chuyển hóa như thế nào?
Chiến tranh Nga-Ukraine: Đâu là triển vọng cho hòa bình?
Trung cộng trợ giúp Nga ở Ukraine, có nguy cơ gây ra chiến tranh hạt nhân với Hoa Kỳ
Tại sao phụ nữ mạnh mẽ lại dễ kiệt sức
Nguyên nhân chính gây ung thư gan và cách phòng ngừa
Tốc độ lạm phát tại Hoa Kỳ tăng nhanh gấp 3 lần so với tháng 12/2022
Đường fructose cũng gây nghiện và không tốt như rượu?
Người ngoài hành tinh sẽ không đến một cách hòa bình
Dùng câu chuyện để hướng dẫn học sinh yêu thương người khác
Làm chủ cái tôi của bạn
Cảnh báo bão tuyết ở California lần đầu tiên kể từ năm 1989
Mức lương tối thiểu và nỗi sợ hãi lớn nhất của Fed
GOP đẩy mạnh xuất cảng dầu, sẽ không làm giảm hóa đơn năng lượng của người Mỹ
Quý vị gọi đây là lạm phát giảm sao?
Làm cách nào để cải thiện chất lượng cuộc sống khi về già?
Một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp
ĐCS_TC hiện đã bước vào một thời kỳ bất ổn
Phòng dịch để che đậy cuộc khủng hoảng cầm quyền của ông Tập
Biết sai và sửa chữa lỗi lầm

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.