Trong cuốn sách có nhan đề “Live Life in Crescendo: Your Most Important Work Is Always Ahead of You” (Sống Cuộc Đời Ở Đỉnh Cao: Công Việc Quan Trọng Nhất Của Bạn Luôn Ở Phía Trước), tác giả Stephen Covey đã đặt ra những câu hỏi cần giải đáp như “Làm thế nào bạn có thể thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên?” và “Bạn có thể đóng góp như thế nào sau khi đã đạt được thành công?” Ông Covey qua đời trước khi hoàn tất cuốn sách trên, nhưng con gái ông, bà Cynthia Haller, người làm việc kề cạnh ông, đã hoàn thành cuốn sách.
Ở phần đầu của cuốn “Crescendo,” ông Covey và bà Haller đề cập đến một số thách thức mà cả những người đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi cuối 30 đến đầu 60 phải đối mặt, đặc biệt là ở những thời điểm khó khăn khi họ làm việc quá sức và bị đánh giá thấp, bế tắc trong hôn nhân, hoặc nghĩ rằng họ đã không thể phát triển hết tiềm năng của mình.
Các dấu hiệu của sự mệt mỏi và cảm giác thất bại đó bao gồm kiệt sức, trầm cảm, thiếu định hướng, hoặc cố gắng tìm lại tuổi trẻ đã mất bằng cách “ăn vận và hành xử như một thiếu niên” hoặc tệ hơn là bỏ rơi gia đình “để tìm lại chính mình.”
Sau đó, ông Covey và bà Haller đã đưa ra cho độc giả lời khuyên và sự trợ giúp trong các chương có nhan đề “Con người quan trọng hơn mọi thứ,” một lời nhắc nhở thông thái về việc phải trân trọng những người thân yêu của chúng ta hơn là công việc.
Nhưng nhan đề khiến tôi chấn động lại thuộc về chương đầu tiên, “Cuộc đời là một sứ mệnh, không phải một sự nghiệp.”
Người Mỹ chúng ta rất xem trọng sự nghiệp và định hướng công việc. Tin chắc rằng giáo dục sẽ mang lại thành công, nhiều người trong chúng ta nhảy hết vòng này đến vòng khác — trường trung học, đại học, đào tạo nâng cao chuyên môn, thực tập — tất cả với hy vọng tìm được công việc mang lại sự hài lòng và tiền bạc.
Bạn hãy hỏi mọi người xem họ làm công việc gì, và họ dễ dàng đáp lời: bác sĩ phẫu thuật, thợ xây, đại diện bán nhu liệu, bà mẹ tại gia (người mẹ nghỉ việc để ở nhà chăm con).
Câu hỏi đó nảy ra với tôi trong khi đọc chương đầu tiên của cuốn “Crescendo,” và câu trả lời có vẻ khó. Tôi là một ông lão có thể đã có những thành tựu và thất bại của mình, nhưng liệu tôi đã sống cả đời với một ý thức về sứ mệnh dẫn dắt tôi trên những con đường đầy chông gai của cuộc đời chưa? Chưa hẳn là vậy.
Ví dụ như, trong cuốn giáo lý Baltimore, được học sinh Công giáo sử dụng nhiều năm trước, chúng ta thấy câu hỏi “Tại sao Thượng Đế tạo ra bạn?” và câu trả lời: “Để biết Ngài, tôn kính Ngài, và phụng sự Ngài trên thế gian này, và được hạnh phúc với Ngài mãi mãi nơi Thiên Đàng.”
Bây giờ, có một tuyên bố sứ mệnh, rõ ràng và đơn giản.
Tôi hoài nghi rằng, rất ít người trong chúng ta có một tuyên bố sứ mệnh rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, tác giả Covey đã nói với chúng ta rằng khái niệm này rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta. Gói gọn trong thuật ngữ đó là những điều như mục đích sống, các mục tiêu, và tình yêu của chúng ta. Và nếu chúng ta thực sự trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, thì tình trạng tồi tệ đó có thể bắt nguồn từ việc lãng quên hoặc không nhận ra và sống với sứ mệnh của mình, lý do chúng ta tồn tại trên cõi đời này.
Đọc cuốn “Crescendo,” tôi nhận ra rằng mỗi chúng ta thực sự đang theo đuổi những sứ mệnh khác nhau. Vị luật sư 40 tuổi đã kết hôn, có hai con và huấn luyện đội túc cầu của con gái ông có nhiều sứ mệnh: phục vụ khách hàng, yêu thương và chăm sóc vợ, nuôi dạy con cái trưởng thành, và dạy các cô gái trẻ các quy tắc và chiến thuật của một cuộc thi đấu, cũng như tinh thần thể thao.
Toàn bộ sứ mệnh của ông sau đó trở thành một chủ đề về những ưu tiên và cân bằng. Điều gì quan trọng nhất đối với ông nên nằm ở đầu danh sách này.
Và bởi vì tất cả các sứ mệnh đều hoàn thành khi đạt được một mục tiêu cuối cùng, chắc chắn kết quả của sứ mệnh cuộc đời là di sản của chúng ta. Chúng ta để lại trong lòng người khác những kỷ niệm và bài học gì? Chúng ta sẽ đóng góp gì cho thế giới này?
Jeff Minick _ Linh Đan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.