Vào thời nhà Thanh, ở vùng An Huy có một vị cử nhân thường được gọi là Hoa Thập Ngũ, không ai biết tên thật của ông.
Ông nghiên cứu sâu về cổ học, đưa ra những luận thuyết kỳ lạ, bởi vậy thường cậy tài khinh người, không chỉ chửi mắng các bậc Thánh hiền đời trước, mà còn xoi mói những khuyết điểm của các danh sĩ đương thời. Có người xin thỉnh giáo ông về kinh thư, ông bèn nói: “Các ông giống như con kiến, tuy rằng có chân, nhưng chưa từng bước ra khỏi cái sân nhà, lại còn muốn đàm luận chuyện trên Trời với thiên nga sao?”
Ở huyện bên cạnh có một thư sinh, học thức uyên bác, cũng vô cùng tự phụ, nhưng lại ngưỡng mộ danh tiếng của Hoa Thập Ngũ, cho rằng không có ai có thể đàm luận học vấn ngoại trừ Hoa Thập Ngũ. Vì thế thư sinh này mang theo những tác phẩm xuất sắc của mình đến bái phỏng Hoa Thập Ngũ. Khi đến nơi, Hoa Thập Ngũ vừa mới thức dậy, đầu tóc rối bù, đi chân trần ra gặp khách. Thư sinh vội vàng đặt túi đựng sách của mình lên bàn, rồi tiến lên chắp tay thi lễ với Hoa Thập Ngũ.
Hoa Thập Ngũ mở to hai mắt nhìn ngó xung quanh, tựa như không nhìn thấy có người đứng đó. Qua một lúc sau, người hầu bưng trà rót nước cho Hoa Thập Ngũ, nhưng không có trà cho khách. Hoa Thập Ngũ không coi ai ra gì, ung dung rửa mặt súc miệng, rửa mặt xong thì lấy sách của thư sinh lau bàn.
Thư sinh kia vô cùng tức giận, không thể nén nhịn được nữa, bèn nói: “Văn chương của tôi tuy rằng không ra gì, nhưng chữ chẳng lẽ không đáng quý tiếc hay sao?” Hoa Thập Ngũ ném sách xuống đất, nói: “Ta đây chính là chê nó có chữ viết. Nếu là luận cân bán giấy, giấy thấm nước không phải càng nặng hơn sao?” Thư sinh nhặt sách lên, oán hận rời đi. Sự bỡn cợt, tự cao tự đại của Hoa Thập Ngũ đã đạt đến mức độ này rồi.
Sau đó, Hoa Thập Ngũ lên đường đi xa, suốt gần mười năm, người trong vùng không có tin tức gì về ông. Mọi người đều cho rằng ông đã chết rồi. Vào năm nọ, đúng dịp Lễ bộ thi hội, sau khi kết quả thi được công bố mới truyền ra tin Hoa Thập Ngũ đỗ tiến sĩ. Khi bài thi đạt hạng nhất được sao chép truyền ra ngoài, các đồng môn đọc xong đều rất kinh ngạc, nói: “Đây quả đúng là giọng văn của Hoa Thập Ngũ, nhưng tại sao không sắc bén khoe tài giống như trước kia nữa vậy?”
Trước kia, khi Hoa Thập Ngũ thi đỗ Cử nhân, tiếng tăm vang dội. Có một vị thầy tướng số nhìn ông rồi nói: “Người này trên trán có đĩnh cốt (xương tài hoa), lộ rõ sự sắc sảo, mặc dù danh tiếng lớn, nhưng tương lai e rằng khó tránh khỏi chết đói chết rét.” Mọi người nghe nói vậy đều chê cười thầy tướng số nói xằng nói bậy.
Về sau, bởi vì Hoa Thập Ngũ làm người ngạo mạn, khiến mọi người đều chán ghét, ngay cả bạn bè thân thích cũng không quan tâm đến ông, cứ như thế nguồn sinh kế cũng bị cắt đứt. Lúc này ông mới bắt đầu sợ hãi, lo lắng rằng lời tiên đoán của thầy tướng số sẽ ứng nghiệm.
Hoa Thập Ngũ có một người họ hàng làm quan lớn ở vùng khác, ông dự định đến đó tìm nơi nương tựa, thế là bèn vội vàng lên đường. Hoa Thập Ngũ không tính toán chi tiêu tiết kiệm lộ phí, mới đi đến nửa chặng đường thì đã hết tiền, còn phải đem quần áo bán sạch. Vào lúc mùa đông giá rét, ông mang bụng đói cất bước đi trên đường làng.
Gió rét thấu xương, lại thêm mưa với tuyết, đường đi lầy lội trơn trượt, ông té sấp xuống bùn, mãi lúc sau mới bò vào một ngôi miếu cổ, nằm xuống phía dưới điện thờ. Một lúc sau, có mấy người ăn mày xách theo giỏ đi vào ngôi miếu, quát mắng Hoa Thập Ngũ: “Đây là địa bàn của bọn ta, ngươi sắp chết đến nơi rồi, vì sao còn ngủ ở đây?” Hoa Thập Ngũ nói không còn ra hơi, liền bị mấy người ăn mày lôi ra ngoài bỏ mặc ở ven đường.
Vừa lúc đó có một ông lão đi qua nơi này, thấy Hoa Thập Ngũ đáng thương nên đưa về trong nhà, đút cháo loãng cho ông. Sau một ngày một đêm, Hoa Thập Ngũ mới bắt đầu nói được. Ông lão biết được Hoa Thập Ngũ là một cử nhân, thì càng đối xử chu đáo hơn. Bởi vì bị nhiễm lạnh, toàn thân Hoa Thập Ngũ bị sưng đỏ, mấy ngày sau những nơi sưng đỏ đều bắt đầu lở loét thối rữa, mất ba năm bệnh của ông mới khỏi hẳn.
Sau khi khỏi bệnh, sức ăn của Hoa Thập Ngũ đặc biệt lớn, mỗi bữa có thể ăn một nồi cơm to và một bát lớn thịt. Lại qua nửa năm, thân thể của ông trở nên vạm vỡ cường tráng, hoàn toàn khác với trước kia.
Hoa Thập Ngũ cảm tạ ông lão: “Tôi nhận đại ân đại đức của ông, không có gì để báo đáp, xin được dạy học cho các con trai của ông.” Ông lão nghe vậy thì rất vui mừng. Vì thế Hoa Thập Ngũ ở lại nhà ông lão làm thầy dạy học, dạy suốt 5 năm không ngừng. Người hầu, tỳ nữ trong nhà đều khen ngợi thái độ đối nhân xử thế của Hoa Thập Ngũ, hàng xóm láng giềng trong thôn cũng đều tôn kính ông.
Do đó, ông lão đối xử với Hoa Thập Ngũ càng thêm kính trọng. Đến lúc Lễ bộ tổ chức thi hội, ông lão hỗ trợ rất nhiều lộ phí để cho Hoa Thập Ngũ lên kinh thành dự thi, nhờ vậy mà Hoa Thập Ngũ mới có thể thi đỗ Tiến sĩ.
Bởi vì Hoa Thập Ngũ đã trải qua rất nhiều khốn khó, ngạo khí của ngày xưa đã bị tiêu trừ hầu như không còn, văn là tiếng lòng, vậy nên văn chương tự nhiên cũng thể hiện sự bình dị gần gũi. Không lâu sau đó, ông được cử làm Tri huyện, nhậm chức hơn mười mấy năm, làm được rất nhiều việc hữu ích. Sau khi từ quan, lúc người thân bạn bè đến thăm, ông đều đối đãi khiêm tốn chân thành, làm tròn tình làng nghĩa xóm. Lại qua 20 năm sau, Hoa Thập Ngũ mới qua đời.
Tương truyền, quãng thời gian khi Hoa Thập Ngũ làm thầy dạy học ở nhà của ông lão, từng có người dân đi vào nhà vỗ vai Hoa Thập Ngũ rồi nói: “Tiên sinh bây giờ ăn no mặc ấm rồi, còn nhớ chuyện trong ngôi miếu cổ hay không?” Hoa Thập Ngũ vẻ mặt nghiêm túc, nói: “Tôi nào dám quên”. Có lần khi ông đi sang thôn bên cạnh, trẻ con trong thôn chỉ vào ông cười nói: “Đây chính là tên ăn mày trong ngôi miếu kia đó! Bây giờ trở thành thầy dạy học trong nhà người ta rồi.” Ông nghe xong nhưng vẫn không hề tức giận.
Hoa Thập Ngũ rất có tài năng, hơn nữa còn có thể hoàn toàn từ bỏ được những thói xấu của trước kia, trước và nay cứ như là hai người khác nhau một trời một vực vậy. Ông thi đỗ Tiến sĩ và trở thành vị huyện lệnh hiền đức sáng suốt, đều là nhờ bản thân biết ăn năn sâu sắc, biết sửa chữa lỗi lầm, nếu không đã rơi vào kết cục đói rét mà chết.
Bài học cậy tài khinh người trước kia của Hoa Thập Ngũ, đặc biệt đáng giá để cho những người chẳng để ai vào mắt lấy đó làm bài học răn mình.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.