Tất cả chúng ta thỉnh thoảng đều bị nấc và đôi khi các cơn nấc dường như không biến mất. Thao tác Valsalva, uống đồ uống có đá lạnh và thao tác ấn nhẹ nhãn cầu có thể cắt cơn nấc.
Nấc cụt là sự co thắt không chủ ý của cơ hoành là cơ ngăn cách ngực với bụng và đóng vai trò chính trong việc thở sau đó là sự đóng đột ngột của các dây thanh âm.
Thuật ngữ y học để chỉ nấc cụt là singultus. Thuật ngữ này bắt nguồn từ từ singult trong tiếng La Tinh có nghĩa là “lấy lại hơi thở trong khi thổn thức.”
Đối với hầu hết chúng ta, nấc cụt gây khó chịu và không kéo dài lâu. Nhưng với một số người thì các cơn nấc cụt có thể dai dẳng, kéo dài hơn hai ngày.
Tin tốt là, có nhiều cách đơn giản để giảm nấc cụt thường xuyên và cũng có cách điều trị các cơn nấc kéo dài.
Nấc cục do đâu?
Nấc cụt do một cung phản xạ gây ra: một đường thần kinh vận động chuyển một cảm giác thành một phản ứng vật lý. Những cảm giác trong cung này đến từ não, tai, mũi và họng, cơ hoành và các cơ quan ở ngực và bụng.
Các tín hiệu cảm giác được truyền đến “trung tâm nấc cục” gồm một phần não cùng với đỉnh của tủy sống.
Từ trung tâm nấc cụt, các tín hiệu truyền trở lại cơ hoành và các cơ nằm giữa các xương sườn (cơ liên sườn) khiến chúng co giật.
Sự co giật của các cơ này hút không khí vào phổi và sự hít vào đột ngột này làm cho khe hở giữa các dây thanh âm, hay thanh môn (khu vực chứa các dây thanh âm), đóng chặt lại. Việc đóng chặt nhanh chóng này tạo ra tiếng “hic.”
Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cung phản xạ nói trên đều có thể dẫn đến nấc cụt. Phổ biến nhất là việc căng bụng do ăn một bữa ăn no nê hoặc uống nước ngọt có ga. Điều này có nghĩa là các tín hiệu cảm giác từ dạ dày có thể kích hoạt cung phản xạ.
Việc ăn ớt cay, uống rượu, hút thuốc và quá phấn khích cũng có thể kích hoạt cung phản xạ, dẫn đến nấc cụt.
Nấc cụt thậm chí còn được quan sát thấy ở những thai nhi khỏe mạnh trong quá trình siêu âm trước khi sinh. Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu tin rằng nấc cụt là một cơ chế giúp chuẩn bị cho phổi có thể thở được ngay sau khi sinh.
Nấc cụt kéo dài bao lâu? Làm sao hết nấc?
Một cơn nấc cụt kéo dài dưới 48 giờ nói chung không đáng lo ngại. Một “cuộc tấn công” như vậy thường tự kết thúc.
Khi nấc cụt không tự hết thì có nhiều cách để kìm nén cung phản xạ. Thao tác Valsalva, uống đồ uống có đá lạnh và thao tác ấn nhẹ nhãn cầu được cho là làm tăng hoạt động của dây thần kinh lang thang (vagus) đến não.
Các thủ thuật như hít lại hơi thở trong túi giấy hoặc túi nhựa có hiệu quả chữa nấc bằng cách tăng nồng độ carbon dioxide trong máu. Điều này giúp ngăn chuyển động của các cơ liên quan đến nấc cụt. Tuy nhiên, việc hít lại hơi thở có nguy cơ đau tim nhỏ nhưng nghiêm trọng vì vậy chỉ nên được thực hiện dưới sự giám sát y tế.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy các thao tác can thiệp này có hiệu quả.
Khi nào chúng ta nên lo lắng về nấc cụt?
Nếu nấc kéo dài hơn hai ngày thì được gọi là nấc dai dẳng. Nếu nấc cụt kéo dài hơn hai tháng thì được gọi là nấc cụt khó chữa.
Nấc dai dẳng và khó chữa được gọi chung là nấc mãn tính, khá khó chịu và có thể là dấu hiệu của một nguyên nhân tiềm ẩn nghiêm trọng vì vậy điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ.
Người bị nấc mãn tính cần được kiểm tra toàn diện. Lịch sử y tế của họ thường sẽ cung cấp manh mối có giá trị cho các yếu tố kích hoạt. Một số loại thuốc như thuốc chống động kinh cũng như việc uống rượu, hút thuốc và sử dụng thuốc giải trí đều có liên quan đến nấc cụt.
Vì các cơ quan ở ngực và bụng có liên quan đến cung phản xạ nên cần kiểm tra các cơ quan này như chụp ảnh phổi hoặc nội soi phần trên (dùng một ống có camera nhỏ đưa vào cổ họng để xem đường tiêu hóa trên).
Một nghiên cứu từ Pháp cho thấy 80% bệnh nhân bị nấc mãn tính có bất thường ở thực quản và dạ dày, trong đó bệnh trào ngược là phát hiện phổ biến nhất.
Bác sĩ lâm sàng cũng sẽ kiểm tra tai, mũi và cổ họng vì dị vật kích thích tai hoặc nhiễm trùng cổ họng cũng có thể là nguyên nhân gây nấc cụt.
Cũng có thể cần phải chụp hình ảnh não, đặc biệt nếu có các dấu hiệu đáng lo ngại như thay đổi giọng nói hoặc yếu cơ mặt và tứ chi.
Điều trị nấc cụt mãn tính thế nào?
Sau khi điều tra kỹ lưỡng thì các nguyên nhân cơ bản nên được điều trị nếu có thể.
Người bị nấc cụt thường có vấn đề trào ngược dạ dày nên trong việc điều trị có thể cần phải dùng thuốc chống trào ngược trong một thời gian ngắn.
Các loại thuốc khác có cơ sở bằng chứng mạnh mẽ dùng để chữa nấc cụt bao gồm thuốc chống buồn nôn metoclopramide và baclofen vốn được dùng để điều trị chứng co cứng cơ (căng cơ hoặc trương lực quá mức).
Có bằng chứng mới cho thấy gabapentin là thuốc dùng để điều trị co giật cũng có thể có hiệu quả đối với chứng nấc cụt.
Những phương pháp điều trị nào có thể thấy trong tương lai?
Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát triển một ống uống cứng có van đầu vào và đòi hỏi phải nỗ lực hút chủ động để hút nước từ cốc vào miệng. Ống này được gọi là ống hút và dụng cụ nuốt cưỡng chế hoặc FISST.
FISST được cho là làm cung phản xạ ngừng nấc bằng cách kích thích các dây thần kinh cảm giác gây co cơ hoành và thanh môn.
Trong một nghiên cứu, trong số 249 người tham gia thử nghiệm FISST, hơn 90% báo cáo kết quả tốt hơn so với các biện pháp khắc phục tại nhà.
Tuy nhiên, nghiên cứu FISST cho đến nay vẫn chưa so sánh được nhóm dùng dụng cụ này với một nhóm đối chứng không được điều trị vì vậy không rõ nó hiệu quả hơn bao nhiêu so với giả dược hoặc phiên bản giả.
Bài viết này được tái bản từ The Conversation theo giấy phép Creative Commons. Đọc bài báo gốc ở đây.
Vincent Ho _ Công Thành
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.