Dữ liệu do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổng hợp đã tiết lộ rằng khoảng 3.7 tỷ USD đã bị rút khỏi chứng khoán Trung cộng trong hai tuần đầu tiên của tháng Tám, đánh dấu dòng vốn lớn thứ hai chảy ra khỏi quốc gia này kể từ sau đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của Nikkei, số tiền rút ròng đã là 7.9 tỷ USD hồi tháng 10/2022, khi nền kinh tế Trung cộng sa lầy vào suy thoái do chính sách zero COVID của nước này.
Hôm thứ Tư (16/08), Reuters đưa tin trích dẫn một nghiên cứu của Goldman Sachs cho biết, các quỹ phòng hộ toàn cầu cũng đang bán “mạnh” tất cả các loại cổ phiếu Trung cộng, trong đó 60% là cổ phiếu hạng A, được niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước.
Theo IIF, diễn biến này trái ngược hoàn toàn với dòng vốn ròng chảy vào 6.9 tỷ USD trong tháng Sáu và tháng Bảy, gồm dòng vốn vào 1.9 tỷ USD trong tháng Sáu và 7.7 tỷ USD trong tháng Bảy.
Dòng tiền ròng chảy vào chứng khoán Trung cộng hồi tháng Sáu và tháng Bảy năm 2023 là một sự phục hồi so với những tháng trước đó, khi Trung cộng đã trải qua các dòng vốn ròng chảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như cuộc đàn áp quy định đối với lĩnh vực internet, việc nền kinh tế Trung cộng đang chững lại cùng sự khác biệt trong chính sách lãi suất giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.
Nhưng sự phục hồi của tháng Sáu và tháng Bảy đã nhanh chóng đảo ngược kể từ đầu tháng Tám khi các nhà đầu tư và quỹ phòng hộ chuyên về tài sản Trung cộng ở Hoa Kỳ ngày càng trở nên cảnh giác với nền kinh tế Trung cộng và mức độ liên quan của họ đến cổ phiếu Trung cộng hơn, một sự thay đổi thái độ lần đầu tiên kể từ ít nhất là năm 2012.
Ví dụ, Tiger Global đã giảm gần 12% số cổ phần nắm giữ ở cả JD.com và Kanzhun, từ 1.1 tỷ USD xuống còn 719.3 triệu USD.
Hồ sơ pháp lý của Coatue Management, do ông Philippe Laffont trước đây thuộc Tiger Management thành lập, cho thấy họ đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Alibaba, Baidu, JD.com, Kanzhun, KE Holdings, Li Auto, và PDD Holding.
Theo hồ sơ quy định, quỹ phòng hộ này đã giảm hơn 90% cổ phần của mình tại Alibaba trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Sáu. Tương tự, D1 Capital Partners đã bán toàn bộ 1.7 triệu cổ phiếu mà họ có trong Alibaba với giá 176.8 triệu USD.
Moore Capital Management, do ông Louis Bacon đứng đầu, đã thoái vốn tại Alibaba bằng cách bán cổ phần với giá hơn 200 triệu USD.
Ngoài ra, Scion Asset Management của ông Michael Burry đã thanh lý các tỷ lệ cổ phần nhỏ trong Alibaba và JD.com.
Các khoản rút tiền cũng đang tăng lên trên thị trường ngoại hối (FX). Trái ngược với dòng vốn chảy vào trị giá 6 tỷ USD được ghi nhận hồi tháng Sáu, một ghi chú của Goldman Sachs cho biết hôm thứ Tư (16/08) rằng dòng tiền ròng chảy ra từ ngoại hối tổng cộng là khoảng 26 tỷ USD trong tháng Bảy.
Ghi chú cho biết, “Mặc dù chúng ta đã thấy hoạt động mua ròng cổ phiếu trong tháng Bảy, nhưng tỷ lệ chuyển đổi ngoại hối và thương mại hàng hóa giảm, các dòng vốn liên quan chậm lại trong tháng Bảy, và thâm hụt thương mại dịch vụ gia tăng. Ngoài ra, các giao dịch chuyển tiền bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới cho thấy dòng tiền chảy ra ròng trong tháng.”
Kỳ vọng về sự tăng trưởng đột biến hậu COVID đã bị phá vỡ bởi dữ liệu thể hiện sự phục hồi không đồng đều, và căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng đã góp phần gây ra một cuộc tháo chạy khỏi tài sản Trung cộng.
Số liệu thống kê tài chính tháng Bảy cho thấy tín dụng đang thắt chặt, trong khi doanh số bán lẻ và các chỉ số kinh tế khác liên tục tụt hậu so với ước tính của thị trường. Chỉ số giá cả và sự suy giảm niềm tin kinh doanh đều cho thấy Trung cộng đang bước vào thời kỳ giảm phát.
Một trong những nhà phát triển địa ốc tư nhân lớn trong nước, Country Garden Holdings, đang gặp khó khăn về tài chính, và sự việc này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng của thị trường địa ốc.
Sau khi Công ty Cổ phần Tín thác Trung Dung (Zhongrong International Trust) do nhà nước hậu thuẫn không thể thanh toán tiền gốc và thu nhập cho các sản phẩm quản lý tài sản trị giá 140 triệu nhân dân tệ (19.3 triệu USD) được bán cho ba công ty niêm yết, những lo ngại cũng đã gia tăng vào cuối tuần qua rằng suy thoái kinh tế của Trung cộng có thể gây ra vấn đề thanh khoản trong lĩnh vực tài chính.
Cuộc khủng hoảng của Trung Dung cũng làm nổi bật khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản rộng lớn hơn trong ngành ngân hàng do sự suy thoái kinh tế của quốc gia.
Hồi đầu năm, các nhà đầu tư dự đoán lợi nhuận cao từ việc nền kinh tế Trung cộng mở cửa trở lại và đổ xô đến thị trường chứng khoán nước này. Nhưng sự suy thoái kinh tế của Trung cộng đã làm tiêu tan hy vọng của họ.
Hôm Chủ Nhật (13/08), Quốc vụ viện Trung cộng cũng đã ban hành các hướng dẫn nhằm cải thiện môi trường đầu tư ngoại quốc của đất nước và thu hút thêm đầu tư ngoại quốc, bao gồm cả tăng hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc, chẳng hạn như tạm thời miễn thuế thu nhập đối với lợi nhuận tái đầu tư tại Trung cộng của các nhà đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, xét đến tình trạng suy thoái kinh tế của Trung cộng, các biện pháp như vậy hầu như không còn tạo ra động lực nữa.
Với những vấn đề hiện hữu, các chuyên gia bắt đầu đồng ý rằng tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay của Trung cộng là một vấn đề mang tính cấu trúc hơn mang tính chu kỳ. Có thể cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi chứng khoán Trung cộng đang chỉ mới bắt đầu.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.