Tuy nhiên, nguyên nhân lại nằm ở ý thức hệ hơn là kinh tế. Dưới đây là một bài phân tích.
Thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ/Liên Hiệp Quốc và giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ/Liên Hiệp Quốc đã hết hạn. Gia hạn thỏa thuận từ phía Nga được xem là việc không được tính đến. Theo Moscow, nguyên nhân nằm ở các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ngược lại, phương Tây cáo buộc ông Putin đang lợi dụng nạn đói trên thế giới. Tuy nhiên, có lẽ Trung cộng sẽ là bên khó chịu nhất về vấn đề này.
Thế nhưng điều này lại không mấy liên quan đến mối lo ngại cho rằng người dân thế giới có thể sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực. Nguyên nhân Bắc Kinh tức giận phần nhiều thiên về ý thức hệ hơn. Chính nỗi sợ hãi là điều đã chi phối nhà cầm quyền cộng sản này. “Đồng minh” Nga cũng đang chịu áp lực. Bắc Kinh cho biết họ hy vọng thỏa thuận ngũ cốc sẽ được thực hiện “đầy đủ” trở lại.
Chính trị thế giới trước nạn đói ngũ cốc
Ngày 22/07/2022, dưới sự trung gian của Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraine đã ký gia hạn “Sáng kiến vận chuyển ngũ cốc và thực phẩm an toàn từ các cảng của Ukraine”, hay còn gọi tắt là Thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải. Để đạt được mục tiêu này, hai quốc gia đã ký các thỏa thuận ngũ cốc riêng biệt giống nhau với Thổ Nhĩ Kỳ/Liên Hiệp Quốc nhưng không đàm phán trực tiếp với nhau. Các thỏa thuận này nhằm để bảo đảm việc vận chuyển an toàn các sản phẩm ngũ cốc, ngô, hướng dương, cũng như phân bón, v.v. từ vựa lúa mì của châu Âu ra thế giới.
Các tàu chở hàng xuất phát từ ba cảng Hắc Hải của Ukraine là Odessa, Chornomorsk, và Yuzhne, đi qua một hành lang hàng hải đã được rà phá bom mìn của Ukraine, rồi đi về phía nam trên tuyến đường thương mại qua Hắc Hải tới eo biển Bosphorus ở phía bắc của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đó, hàng hóa và nhân viên của các tàu sẽ được kiểm tra và tiếp tục vận chuyển đến các quốc gia cần thiết. Gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được vận chuyển ra khỏi Ukraine theo cách này. Tuy nhiên, giờ đây các chuyến hàng này sẽ bị chấm dứt.
Phản ứng trước thông báo của Nga, hãng thông tấn ZDF đã phát hành một bài báo với tiêu đề “Đây là cách ông Putin đang khiến mọi người chết đói”, nói rằng việc ngũ cốc của Ukraine không được xuất cảng “vì chiến tranh” sẽ làm gia tăng “số người chết đói trên toàn thế giới.”
Trung cộng tích trữ lượng lớn ngũ cốc
Theo số liệu cho năm 2021, với sản lượng chiếm gần 18%, Trung cộng là nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, vượt qua Ấn Độ (14%) và Nga (10%) và cũng vượt xa cả Ukraine (quốc gia hiện ở vị trí thứ sáu với 4%). Nhưng không phải tất cả các nước sản xuất ngũ cốc lớn đều hào hứng giao dịch mặt hàng này. Trong khi Nga xuất cảng nhiều ngũ cốc nhất trên toàn thế giới (14%) và Ukraine cũng đang xuất cảng thuận lợi ở vị trí thứ 5 với 10% tổng lượng xuất cảng ngũ cốc toàn cầu vào năm ngoái (2022), thì quý vị không thể tìm thấy Trung cộng quốc gia đứng đầu về sản xuất ngũ cốc trong danh sách mười nước xuất cảng ngũ cốc hàng đầu. Thậm chí ngược lại, Trung cộng hiện đang là nước nhập cảng lúa mì số một thế giới.
Trích dẫn thông tin từ báo cáo “Grain: World Markets and Trade” (Ngũ cốc: Các Thị trường và Giao thương Thế giới), do Cục đặc trách Nông nghiệp Ngoại quốc (FAS) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) phát hành, trang web của nhóm truyền thông World Grain Group cho biết Trung cộng hiện đã trở thành nhà nhập cảng lúa mì lớn nhất thế giới trong niên vụ 2022-2023. Ước tính Bắc Kinh đã nhập cảng 12 triệu tấn lúa mì, một kỷ lục chưa từng thấy ở Trung cộng kể từ năm 1995.
Chỉ một ngày sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu, Trung cộng thông báo với thế giới rằng họ hiện đang nhập cảng lúa mì từ Nga. Tại thời điểm đó, tờ Tagesschau đưa tin trích dẫn một tờ báo Trung cộng, nói rằng nhập cảng lương thực của Trung cộng từ Nga đã tăng hơn 40%, tương đương với 7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các ký giả của Tagesschau, hầu như không có bất kỳ dữ liệu đáng tin cậy nào. Bắc Kinh đang tích trữ một lượng lớn ngũ cốc với số lượng không xác định.
Theo ước tính, có lẽ hơn một nửa trữ lượng ngũ cốc của thế giới đang được chính quyền cộng sản này tích trữ. Nhà kinh tế nông nghiệp Lukas Korner nhận định rằng chiến lược của Bắc Kinh là “bảo đảm an ninh lương thực địa phương để bảo đảm giá thấp cho người dân” và cũng để “phòng ngừa khủng hoảng.”
Nhà cầm quyền Bắc Kinh mắc kẹt trong nỗi sợ hãi và lo lắng
Rõ ràng là việc đóng cửa “hành lang nhân đạo trên biển” đối với xuất cảng ngũ cốc qua ba cảng Hắc Hải của Ukraine và các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào cơ sở hạ tầng xuất cảng của Odessa và Chornomorsk đang tạo ra tâm lý khủng hoảng ở Bắc Kinh, không chỉ bởi vì 60,000 tấn ngũ cốc ở Chornomorsk, vốn đã được định sẵn là sẽ vận chuyển tới Trung cộng, đã bị phá hủy.
Bà Lâm Nhã Linh (Lin Yaling), một nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR) ở Đài Loan: “Trung cộng luôn là nhà nhập cảng lương thực lớn nhất. Ông Tập Cận Bình thực sự đã nói rằng bát cơm của người Trung cộng lúc nào cũng phải do người Trung cộng làm ra và nằm chắc trong tay người Trung cộng, thay vì ngày càng phụ thuộc vào lương thực ngoại quốc.”
Theo vị chuyên gia về Trung cộng này, vấn đề không liên quan nhiều đến cái gọi là an ninh lương thực của Trung cộng. Do Trung cộng cạnh tranh với Hoa Kỳ và bị các đồng minh của Hoa Kỳ bao vây, nên nước này đang ngày càng trở nên căng thẳng. Đó là lý do tại sao ông Tập nói rằng Trung cộng phải nắm chắc cái gọi là “sáng kiến an ninh lương thực.” Trước tình hình này, bà Lâm cho biết Trung cộng có cảm giác bất an rất lớn, chẳng hạn như nguy cơ nước này có khả năng sẽ phải đối mặt với những hạn chế về nhập cảng ngũ cốc từ phương Tây.
Cố Mẫn (Gu Min, bí danh), một cư dân Hoa lục làm việc trong ngành nông nghiệp, đã nói bóng gió về một điểm đặc trưng của Trung cộng: “Ở một nơi không an toàn (như Trung cộng), nơi hai người đi bộ lo lắng không biết liệu người kia có (bất chợt) tấn công mình không, chính quyền lo lắng liệu người dân có nổi dậy không, còn người dân thì lo lắng liệu chính quyền có tước đoạt các quyền của mình đi không. Thì (ĐCS_TC) có loại lo lắng này không phải là bình thường sao? Mọi người đều cảm thấy bất an và tôi cũng cảm thấy bất an.”
An ninh lương thực bị đe dọa về mặt ý thức hệ
Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một nhà thủy văn kiêm chuyên gia nổi tiếng về Đập Tam Hiệp người Trung cộng hiện đang sống tại Đức, gần đây đã giải thích ngắn gọn trên chương trình “News Talk” của đài truyền hình NTD rằng Nhật Bản và Indonesia đều phải nhập cảng tất cả các loại ngũ cốc cần thiết cho mình. Ông Vương cũng nói: “Nếu chính quyền cộng sản Trung cộng (ĐCS_TC) sẵn sàng chi ngoại tệ để nhập cảng ngũ cốc cho người dân Trung cộng, thì Trung cộng sẽ không bao giờ rơi vào khủng hoảng lương thực.”
Nhưng nếu họ không sẵn sàng chi tiền thì sao? Ông Vương nhớ lại những năm “1959, 1960, và 1961, khi họ không sẵn sàng chi ngoại tệ để mua ngũ cốc.” Nếu chính quyền Trung cộng không sẵn sàng sử dụng ngoại hối để mua lương thực, “thì bất kỳ thảm họa nào cũng có thể xảy ra vì chi phí sản xuất ở Trung cộng quá cao.”
Đối với câu hỏi: Liệu Trung cộng có sẵn sàng hạ mình chấp nhận mua lương thực từ Canada, Hoa Kỳ, và Úc để giải quyết các vấn đề trong nước hay không, ông Khâu Vạn Quân (Qiu Wanjun), một giáo sư tài chính tại Đại học Northeastern University ở Boston, trả lời: “Đó thực sự là một vấn đề về tâm lý. Thương mại tự do quốc tế, trong đó có xuất nhập cảng thực phẩm, là phụ thuộc lẫn nhau.”
“Trong thương mại tự do, tất cả các bên giao dịch công bằng và hỗ trợ lẫn nhau,” ông Khâu Vạn Quân giải thích, đồng thời đề cập đến bài diễn văn của ông Tập Cận Bình trước các cán bộ cao cấp của đảng hồi đầu tháng Sáu. Tại thời điểm đó, ông Tập đã nói về “những đại khảo nghiệm của sóng to gió lớn và thậm chí là giông bão” trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Do đó, ông Khâu đặt câu hỏi: “Tại sao họ lại tin là sẽ có những cơn giông bão (chỉ những biến động quốc tế)? Tại sao Hoa Kỳ không cảm thấy nguy cơ tứ bề? Tại sao Canada không cảm thấy nguy cơ tứ bề?”
Ông Khâu giải thích rằng Trung cộng vẫn có thể xoay xở được thương mại ngũ cốc quốc tế với Hoa Kỳ và Canada vì nước này sở hữu dự trữ ngoại hối và sức mạnh kinh tế to lớn. Tuy nhiên theo ông, vấn đề ở đây liên quan nhiều hơn đến vị thế cạnh tranh của Trung cộng trong chiến lược quốc tế hơn là về an ninh lương thực. Chính quyền Trung cộng có thể đang theo đuổi những mục tiêu phi kinh tế khác.
Steffen Munter _ Minh Ngọc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.