Chất làm ngọt nhân tạo gây tranh cãi và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới đã bị bộ phận nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dán nhãn “có thể gây ung thư cho con người” nhiều thập niên sau khi các nhà khoa học lần đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về đặc tính gây ung thư của chất thay thế đường này.
Aspartame có khả năng gây ung thư có trong hơn 6,000 sản phẩm
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ban hành quy định đầu tiên về aspartame vào năm 1974. Cơ quan này đã cho phép sử dụng aspartame làm chất làm ngọt trong thực phẩm, chất thay thế đường để tạo ngọt cho đồ uống nóng, trong ngũ cốc (cereal) ăn sáng lạnh, làm chất làm ngọt, tăng hương vị cho kẹo cao su và làm chất nền khô cho trà cà phê hòa tan, bánh pudding, mứt, các sản phẩm từ sữa và topping. Việc sử dụng aspartame đã được mở rộng theo thời gian và hiện nay chất này được sử dụng trong hơn 6,000 sản phẩm.
Dưới đây là một số thực phẩm phổ biến có chứa aspartame:
· Nước ngọt có ga không đường dành cho người ăn kiêng, bao gồm Diet Coke
· Kẹo cao su không đường, như Trident, Extra và Orbit
· Thức uống hỗn hợp, bao gồm Crystal Light
· Gia vị giảm đường và không đường
· Thạch không đường
· Nước ép ít đường
· Bạc hà và trà đá
· Sữa chua, bao gồm Dannon Activia và Weight Watchers hương vị vani và kẹo bơ cứng
· Cereals, bao gồm General Mills Cheerios, Kellogg’s Special K và Post Honey Bunches of Oats
Theo FDA, aspartame, hay L-aspartyl-L-phenylalanine methyl ester, là một loại bột màu trắng, không mùi có nguồn gốc từ hai acid amin: phenylalanine và acid aspartic. Trong quá trình tiêu hóa, khoảng 50% aspartame theo trọng lượng phân hủy thành phenylalanine, 40% phân hủy thành acid aspartic và 10% phân hủy thành metanol có khả năng gây độc trong ruột non, nơi nó chuyển đổi thành formaldehyde.
Aspartame ít calorie và ngọt gấp 200 lần so với đường, khiến một số người tin rằng mọi người sẽ tiêu thụ ít đường hơn, ít gặp phải các tình trạng liên quan đến lượng đường cao và tiêu thụ ít calo hơn bằng cách thay thế đường bằng aspartame.
Về quan điểm, một lon coca thông thường 355ml chứa khoảng 10 muỗng cà phê đường và 156 calorie, trong khi một lon coca cho người ăn kiêng 355ml được làm ngọt bằng 180mg aspartame không chứa đường và chỉ có 7 calorie. Một gói aspartame 1g chứa 4 calorie nhưng tương đương với độ ngọt của 2 muỗng cà phê hoặc 8g đường, có 32 calorie.
FDA chấp thuận Aspartame dựa trên bằng chứng khoa học do ngành công nghiệp tài trợ
Các nhà khoa học trong FDA và các nhà khoa học độc lập đã đưa ra lo ngại về những hậu quả sức khỏe có thể xảy ra của aspartame và những điểm yếu trong khoa học được ngành công nghiệp tài trợ do nhà sản xuất gốc, G.D. Searle đệ trình lên FDA.
Khả năng gây ung thư của aspartame lần đầu tiên được FDA chú ý vào năm 1974 sau khi cơ quan này chấp thuận. Sau khi kết luận một số nghiên cứu của Searle là đáng nghi ngờ, vào năm 1975 FDA đã quyết định cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem liệu aspartame có gây ra khối u não hay không và thu hồi sự chấp thuận aspartame.
Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của FAO/WHO về phụ gia thực phẩm, bao gồm một người tham gia từ FDA, ban đầu đã thiết lập lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được (ADI) vào năm 1981 đối với aspartame ở mức 40mg/kg trọng lượng cơ thể.
Khi FDA chấp thuận việc sử dụng aspartame trong đồ uống có gas như nước ngọt có gas dành cho người ăn kiêng vào năm 1983, đã thiết lập ADI là 50mg/kg trọng lượng cơ thể. Điều này có nghĩa là một người nặng 68 kg có thể tiêu thụ khoảng 3,400mg aspartame mỗi ngày một cách an toàn tương đương với 17 lon coca ăn kiêng 355ml.
Trong một phân tích về các nghiên cứu được sử dụng để thúc đẩy sự an toàn của aspartame, Erik Paul Millstone, giáo sư danh dự về chính sách khoa học và là một trong những học giả độc lập hàng đầu của Vương quốc Anh về chính sách an toàn thực phẩm, đã phát hiện ra rằng 90% các nghiên cứu về tính an toàn của đường hoá học được tài trợ bởi các tập đoàn hóa chất lớn sản xuất và bán aspartame.
Giáo sư Millstone cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 2023 với BBC Panorama rằng, “Có một khuôn mẫu ở đó gợi ý rằng ngành công nghiệp này thiết kế và tiến hành các nghiên cứu cung cấp bằng chứng chắc chắn. Tôi coi đó là biểu hiện của một thành kiến rất sâu sắc và rất nguy hiểm.”
Nhiều nghiên cứu liên kết Aspartame với ung thư
Mặc dù FDA tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản đối về việc liên tục mở rộng sử dụng aspartame nhưng họ đã xác định rằng không có “dữ liệu khoa học hoặc thông tin nào khác khiến cơ quan này thay đổi kết luận về sự an toàn của aspartame.”
Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu năm 1996 được công bố trên Tập san Bệnh học thần kinh & Thần kinh thực nghiệm đã liên kết việc sử dụng aspartame với sự gia tăng mạnh về tỷ lệ mắc và mức độ ác tính của khối u não, kêu gọi đánh giá lại khả năng gây ung thư của aspartame.
Ba nghiên cứu về tuổi thọ do Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Cesare Maltoni của Viện Ramazzini (RI) ở Ý thực hiện đã cung cấp bằng chứng nhất quán về khả năng gây ung thư ở loài gặm nhấm tiếp xúc với aspartame.
Một nghiên cứu năm 2012 trên Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, các đã báo cáo về mối liên hệ tích cực giữa lượng aspartame hấp thụ từ nước ngọt có gas dành cho người ăn kiêng và việc tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư hạch không Hodgkin và đa u tủy ở nam giới cũng như bệnh bạch cầu ở nam giới và nữ giới.
Một nghiên cứu năm 2020 của RI đã liên kết bệnh ung thư ở chuột nhắt và chuột cống với aspartame. Tuy nhiên, FDA cho biết “không thể rút ra kết luận hợp lệ nào” từ phân tích đang diễn ra của RI và cáo buộc viện sử dụng các mẫu được cho là đã bị can thiệp trước đó.
Một phân tích lại mới nhất dữ liệu RI năm 2021 đã xác nhận rằng aspartame là chất gây ung thư cho loài gặm nhấm. Kết quả cho thấy 92% các tổn thương quan sát được ở động vật tiếp xúc với aspartame là ác tính, cung cấp sự xác thực mạnh mẽ cho các kết luận ban đầu.
Một nghiên cứu quan sát vào tháng 03/2022 được thực hiện ở Pháp trên 100,000 người trưởng thành cho thấy chất làm ngọt nhân tạo, đặc biệt là aspartame và acesulfame-K, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
Bằng chứng cũng liên kết aspartame với các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm tăng cân, tăng cảm giác thèm ăn, các bệnh liên quan đến béo phì, mất trí nhớ, đột quỵ và rối loạn hệ thần kinh. Vào tháng 05/2023, WHO khuyến cáo mọi người không nên tiêu thụ chất làm ngọt không đường để giảm cân, bao gồm cả aspartame. Khuyến nghị này dựa trên một đánh giá có hệ thống về bằng chứng khoa học hiện tại liên quan đến việc tiêu thụ chất làm ngọt không đường với việc tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.