Không khó hiểu tại sao rất nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa ngưỡng mộ ông Ronald Reagan.
“Người giao tiếp Vĩ đại” đã khởi xướng một cuộc phục hưng theo phái bảo tồn truyền thống làm rạn nứt những thứ còn sót lại của liên minh Thỏa thuận Mới cánh tả. Khi lên làm tổng thống, ông đã giúp kết thúc Liên Xô, qua đó giành chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh.
Bốn mươi ba năm sau cuộc Cách mạng Reagan, và tám năm sau khi cựu Tổng thống Donald J. Trump thay đổi cuộc chơi một lần nữa, không một ứng cử viên Đảng Cộng Hòa đã tề tựu tham dự cuộc tranh luận tổng thống sơ bộ đầu tiên hôm 23/08 lại không công nhận cựu Tổng thống Reagan. Thậm chí, cựu Tổng thống Trump còn lấy một hành động của cựu Tổng thống Reagan làm tiền lệ để tham chiếu cho quyết định bỏ qua cuộc tranh luận này.
Cả Fox News lẫn Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa, những nhà đồng tổ chức sự kiện rất được giới truyền thông quan tâm này, dường như đã đánh mất tình yêu dành biểu tượng của Mỹ quốc những năm 1980 rồi.
Câu hỏi cuối cùng mà người điều tiết Brett Baier dành cho các ứng cử viên đề cập đến tuyên bố mà cựu Tổng thống Reagan hay nói rằng Hoa Kỳ là một “thành phố tỏa sáng trên ngọn đồi” – một hình ảnh từ Phúc âm Matthew, lần đầu tiên được sử dụng để gợi lên chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ trong thời Thanh Giáo.
Việc sử dụng một câu nói của cựu Tổng thống Reagan thay vì cựu Tổng thống Trump có thể báo hiệu rằng GOP (Grand Old Party, Đảng Cộng Hòa) mong muốn phần nào tách khỏi người mang tiêu chuẩn cuối cùng và hiện đang gặp rắc rối này của họ.
Đó chưa phải là tất cả. Cuộc tranh luận lần thứ hai trong năm 2023, cũng giống cuộc tranh luận lần thứ hai hồi năm 2015, sẽ diễn ra tại Thư viện Tổng thống Reagan ở Simi Valley, California.
Lịch tranh luận có thể ghi là “2023,” nhưng đối với nhiều người trong GOP, tầm ảnh hưởng cựu Tổng thống Reagan vẫn còn giống như ở những năm 1980.
Doanh nhân Vivek Ramaswamy, người xuất sắc đột phá của cuộc tranh luận vừa qua, không bác bỏ di sản của cựu Tổng thống Reagan. Ông tuyên bố rằng mình là người duy nhất trong số các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa có thể “thực hiện một cuộc cách mạng Reagan hồi thập niên 1980.”
Tuy nhiên, màn đối đáp khác giữa vị doanh nhân Thế hệ Thiên niên kỷ này và cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã phản ánh một khoảng cách thế hệ về tính thận trọng và tính hiệu quả của chính sách và luận điệu theo phong cách Reagan. Là người giống với cựu Tổng thống Trump nhất tại Trung tâm Fiserv của Milwaukee Bucks, ông Ramaswamy đưa ra những lời bình luận làm nổi bật lên sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Reagan và Chủ nghĩa Trump.
Ông Paul Ingrassia, một luật sư trẻ tuổi của Đảng Cộng Hòa ủng hộ cựu Tổng thống Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Khối cử tri trung thành của Đảng Cộng Hòa đã vượt xa Chủ nghĩa Reagan hay còn gọi là chủ nghĩa liên hiệp chính trị, vốn nhấn mạnh rộng rãi đến chủ nghĩa tự do cá nhân trong chính sách đối nội và kinh tế cũng như chủ nghĩa tân bảo tồn truyền thống trong chính sách ngoại giao trong nhiều năm.”
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Theo Wold, một người kỳ cựu trong chính phủ ông Trump, cho biết: “Không có gì đáng xấu hổ khi Đảng Cộng Hòa tự hào tuyên bố những thành công của ông Reagan, nhưng cựu Tổng thống Reagan đã thành công bởi vì các chính sách của ông phù hợp với nhu cầu của đất nước vào thời đại của ông.”
‘Buổi sáng ở Mỹ quốc’ hay ‘Cuộc tàn sát nước Mỹ’?
Trong một màn đối đáp đáng nhớ, ông Ramaswamy đã nhắc đến quảng cáo tái tranh cử “Buổi sáng ở Mỹ quốc” năm 1984 của cựu Tổng thống Reagan để chỉ trích Phó Tổng thống Pence. Cựu phó tổng thống đã thách thức lối hùng biện mà đối thủ của ông thường xuyên đưa ra về “cuộc khủng hoảng bản sắc quốc gia,” cho rằng người Mỹ “không phải là đang tìm kiếm một bản sắc quốc gia mới.”
Cựu Phó Tổng thống Pence nói: “Người dân Mỹ là những người có đức tin, yêu tự do, có lý tưởng, và làm việc chăm chỉ nhất mà thế giới từng biết. Chúng ta chỉ cần chính phủ cũng tốt như người dân của chúng ta mà thôi.”
Ông Ramaswamy bắt bẻ lại, “Đó không phải là ‘Buổi sáng ở Mỹ quốc.’ Chúng ta đang sống trong một thời khắc đen tối, và chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng chúng ta đang ở trong một cuộc nội chiến trong lòng đất nước, kiểu như chiến tranh lạnh về văn hóa.”
Màn đối đáp đó đã phản ánh một sự mâu thuẫn sâu sắc hơn nữa giữa Chủ nghĩa Reagan còn sót lại và Chủ nghĩa Trump; ông Ramaswamy và Thống đốc Florida Ron DeSantis, tuy có phần kém hơn một chút, đều từng là người đại diện cho Chủ nghĩa Trump ở Milwaukee, và ông DeSantis cũng không tránh né nói về thời kỳ đen tối.
“‘Buổi sáng ở Mỹ quốc’ gợi lên sự lạc quan và sự đồng thuận trong một đại cử tri đoàn 525 phiếu. Ngược lại, ‘cuộc tàn sát nước Mỹ’ của ông Trump khiến họ run lên vì điều đó đòi hỏi phải lưu tâm đến sự suy thoái của nước Mỹ và xác nhận rằng chúng ta đang phải vất vả vượt qua một thời kỳ đầy chia rẽ và hết sức đen tối,” ông Wold nói với The Epoch Times, đề cập đến cách nói “cuộc tàn sát nước Mỹ” được ông Trump nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn nhậm chức hồi năm 2017.
Ông Ingrassia nói rằng, ngoài ông Ramaswamy, “các ứng cử viên khác tỏ ra bám chắc một cách ngoan cố vào những năm 1980, đặc biệt là ông Mike Pence, người dường như bẩm sinh không có khả năng đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay.”
Bà Angela McArdle, chủ tịch Ủy ban Quốc gia Những người theo Chủ nghĩa Tự do (Libertarian National Committee), cho biết: “Nhận định của ông Mike Pence rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên kiểu Reagan khác là hoàn toàn sai lầm.”
“Tôi rất muốn thấy sự lạc quan và phấn khích của thập niên 80 cũng như sự thịnh vượng kinh tế quay trở lại. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta sẽ quay về thời kỳ đó được,” bà nói.
Chính trị gia theo chủ nghĩa tự do này đã nêu lên một số khác biệt giữa cách nói chống chính phủ toàn trị của cựu Tổng thống Reagan và những hiện thực về chính sách mà ông đưa ra trong thời gian cầm quyền ví dụ, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, các quy định của các cơ quan nhánh hành pháp tăng lên và năm 1983, thuế quỹ lương tăng lên để bảo đảm An sinh Xã hội.
Bà nói: “Ai cũng thích biến thời đại Reagan lãng mạn như tiểu thuyết.”
Sự khác biệt lớn về chính sách ngoại giao
Trong khi lối hùng biện giống ông Trump của ông Ramaswamy khiến ông khác biệt với một số người khác trong cuộc tranh luận, thì chính sách ngoại giao rời bỏ chủ nghĩa Reagan của ông, nếu không muốn nói là tất cả các chính sách thiết thực của cựu Tổng thống Reagan, trở nên rõ ràng nhất.
Đáp lại sự phản đối của ông Ramaswamy về việc tiếp tục giúp đỡ Ukraine, một quan điểm phù hợp với lập trường của cựu Tổng thống Trump, ông Pence tuyên bố rằng “Học thuyết Reagan đã nói rõ chúng tôi đã nói, nếu quý vị sẵn sàng chiến đấu chống lại những người cộng sản trên đất của quý vị, thì chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị các phương tiện để chống lại họ.”
Ông Ramaswamy đáp trả, “Thưa cựu Phó Tổng thống Pence, tôi có tin mới đây: Liên Xô không còn tồn tại nữa.”
Ông Ramaswamy còn đấu khẩu với cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley về vị thế của Mỹ trên thế giới.
Bà Haley, người từng giữ chức đại sứ Liên Hiệp Quốc dưới thời cựu Tổng thống Trump, nói: “Anh không có chút kinh nghiệm nào về chính sách ngoại giao cả.”
Bà cho rằng ông Ramaswamy “muốn dâng Ukraine cho Nga,” “muốn để Trung cộng nuốt chửng Đài Loan,” và “muốn ngừng tài trợ cho Israel.”
“Không phải là Israel cần Mỹ, mà là Mỹ cần Israel,” bà nói.
Ông Ramaswamy cho biết ông sẽ hợp tác với Israel để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông nói với vị cựu quan chức dưới thời ông Trump: “Bà biết tôi thích điều gì ở Israel không? Tôi thích các chính sách biên giới của họ. Tôi thích các chính sách cứng rắn với tội phạm của họ. Tôi thích việc họ có bản sắc quốc gia và Mái vòm Sắt để bảo vệ quê hương của mình.”
Bà McArdle, người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, cho rằng Israel “là một quốc gia dường như đang vận hành rất tốt.”
“Tôi không hiểu tại sao họ lại cần viện trợ ngoại quốc,” bà nói thêm.
Bà cũng đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ có thể bị đe dọa trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay. Những người ủng hộ việc tiếp tục can thiệp nói rằng cuộc chiến đó đe dọa các nước đồng minh Âu Châu và liên quan đến các lợi ích trọng yếu khác của Mỹ.
“Trong phạm vi mà chúng tôi có bất kỳ mối quan tâm nào ở đó, thì có lẽ là điều gì đó nhằm che đậy một số sai lầm đáng xấu hổ đã xảy ra ở đó trong 10 năm qua,” bà McArdle nói thêm, lưu ý đến các mối liên hệ với Burisma của gia đình Biden, điều được cho là rửa tiền, và điều được cho là các chương trình vũ khí sinh học do Hoa Kỳ điều hành.
Bà nói thêm: “Cách mạng Maidan (Cách mạng Cam ở Ukraine) và sự thay đổi chế độ tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm thấy dấu vết của Hoa Kỳ trong phần lớn sự kiện này.”
Bà so sánh ông Ramaswamy với hai người diều hâu hơn là cựu Phó Tổng thống Pence và bà Haley: “Những người này có vẻ như đang tranh cử để trở thành một nhà độc tài toàn cầu chứ không phải Tổng thống Hoa Kỳ.”
“Ông Vivek nổi bật nhất về chính sách ngoại giao: lập trường không khoan nhượng trong việc tài trợ thêm cho Ukraine vốn chỉ là phần mới nhất trong tôn chỉ ‘các cuộc chiến tranh vĩnh viễn vì hòa bình vĩnh viễn’ của Đế quốc Mỹ theo chủ nghĩa toàn cầu mà họ đã theo đuổi cho đến sự ra đời chưa từng có của nhà nước an ninh quốc gia và việc thành lập các cơ quan tình báo hiện đại hồi cuối thập niên 1940.”
Ông Ingrassia cho rằng cựu Phó Tổng thống Pence tưởng tượng “thế giới có thể bị chia cắt thành hai nửa, một bên là Hoa Kỳ đại diện cho cái thiện và một bên là nước Nga cộng sản biểu hiện cho cái ác.”
“Việc ông Pence và một số người khác trên sân khấu, như bà Nikki Haley duy trì thế giới quan ấu trĩ này là vô cùng nguy hiểm, và đó là lý do giải thích tại sao phần lớn giới quyền uy ở Hoa Thịnh Đốn đã đẩy đất nước này đến gần hơn với Đệ tam Thế chiến hoặc ít nhất là chiến tranh hạt nhân so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi bắt đầu Chiến Tranh Lạnh,” ông nói thêm.
Ngược lại với cựu Phó Tổng thống Pence và các đối thủ khác của ông, ông Ramaswamy đã tìm cách liên kết mình với một tổng thống Đảng Cộng Hòa đến từ California mà Đảng Cộng Hòa dường như ít háo hức đón nhận hơn, đặc biệt trong thời đại hiện nay ông Richard Nixon.
Ông Ramaswamy đã vạch ra tầm nhìn chính sách ngoại giao của mình trong bài diễn văn gần đây tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Ông cho biết chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Nixon với Trung cộng nhằm phá vỡ bang giao của Trung cộng với Liên Xô là một hình mẫu để chính ông đề ra cách tiếp cận Nga nhằm chia rẽ liên minh của Nga với Trung cộng.
Cựu Tổng thống Nixon, giống như cựu Tổng thống Trump, đã bị đàn hặc khi còn đương chức và ông đã từ chức với mối đe dọa truy tố hình sự treo lơ lửng trên đầu. Khi ông Gerald Ford, cựu phó tổng thống của ông, lên nhậm chức tại Oval Office, ông đã trao cho cựu Tổng thống Nixon “sự ân xá hoàn toàn, không ràng buộc, và tuyệt đối” đối với bất kỳ hành vi phạm tội nào mà ông Nixon có thể đã phạm phải khi còn là tổng thống. Cựu Tổng thống Nixon đã không bị đàn hặc cũng như không bị kết tội.
Tại Milwaukee, ông Ramaswamy kêu gọi các đối thủ của mình “đưa ra một cam kết rằng vào ngày đầu tiên nhậm chức, các ông sẽ ân xá cho ông Donald Trump.”
“Đó là sự khác biệt giữa quý vị và tôi. Thực tế, tôi đã đưa ra các lệnh ân xá,” cựu Phó Tổng thống Pence trả lời và nói rằng “điều đó thường xảy ra sau khi những người bị kết án nhận thấy tội lỗi và ăn năn.”
“Nếu tôi là tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ cân nhắc một cách công bằng về bất kỳ lệnh ân xá nào,” cựu phó tổng thống của ông Trump tiếp tục trước khi quay trở lại vấn đề ít thách thức hơn một lần nữa đề cập đến ông Reagan.
“Tôi đặt tay trái lên cuốn Kinh thánh của ông Ronald Reagan, tôi giơ tay phải lên, và tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ,” ông nói.
‘Chủ nghĩa Reagan thây ma’ ở Milwaukee
Cảnh tượng bên Đảng Cộng Hòa, ngay cả sau thời kỳ của ông Trump, “lưỡng lự” với những công thức chiến thắng của hàng chục năm trước thậm chí còn được đặt cho một cái tên: “Chủ nghĩa Reagan thây ma.”
Mặc dù các nhà văn có tư tưởng bảo tồn truyền thống như ông Rod Dreher thường xuyên sử dụng nhóm từ này trong những năm gần đây, nhưng nhóm từ có thể đã trở nên phổ biến lần đầu tiên qua một video châm biếm từ The Onion vào năm 2009, “Zombie Reagan Raised from Grave to Lead GOP” (Reagan Thây ma Sống dậy từ Phần mộ để Lãnh đạo GOP.)
Ông Wold nói: “Sự nhảy vọt trở lại của Chủ nghĩa Reagan không khá hơn bất kỳ ban nhạc nào trình diễn lại các bài hát của thập niên 80 thường xuyên lui tới các quán bar bình dân: đó là để thỏa mãn một nỗi khao khát hoài cổ nào đó , nhưng phần nào trong đó là những âm thanh điện tử và cách trình bày lâm ly giả tạo.”
“Các ứng cử viên ngày nay cần đưa ra các chính sách để giải quyết những thách thức hiện nay. Một phần của việc làm đó là thừa nhận những sai lầm của cuộc Cách mạng Reagan ở Sacramento và ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn,” ông nói thêm.
Trong số những “điều sai lầm” của cựu Tổng thống Reagan, ông nêu lên dự luật ân xá cho hàng triệu người nhập cư mà ông Reagan đã ký hồi năm 1986. Ông cũng mô tả việc cựu Tổng thống Reagan lựa chọn bà Sandra Day O’Connor làm Thẩm phán Tối cao Pháp viện người phụ nữ đầu tiên mặc áo choàng thẩm phán phản ánh ông Reagan có quan điểm “nhấn mạnh vào chính trị bản sắc” trong các cuộc bổ nhiệm quan trọng.
Ông Ingrassia nói, “Năm 2016 lẽ ra phải là hồi chuông báo tử cho trường phái Reagan, vốn đã thống trị phong trào của phái bảo tồn truyền thống gần bốn thập niên. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong cuộc tranh luận tối qua, đây là một hệ tư tưởng sẽ không dễ dàng bị thoái trào.”
Trong khi nhiều người cánh hữu, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ hơn, đã phản đối nhóm từ “Chủ nghĩa Reagan thây ma” thì cũng không thiếu những người bên cánh tả ủng hộ ý tưởng này.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ mô tả cựu Tổng thống Reagan là người hà khắc.
Ví dụ, hồi năm 2009, giáo sư giáo dục Henry R. Giroux đã viết rằng “học thuyết Chủ nghĩa Reagan thây ma,” một nhóm từ mà ông gán cho nhà kinh tế học Paul Krugman, chung quy là “khái niệm mà trong đó, bất kỳ hành động nào của chính phủ đều là xấu, trừ phi điều đó mang lại lợi ích cho các tập đoàn và người giàu.”
Tuy bà McArdle theo chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là người hâm mộ chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ (hay, đối với một số người, là sự năng động và sự tham gia thích hợp) trên trường quốc tế, thường biện minh qua việc cựu Tổng thống Reagan nhiều lần kêu gọi chống lại Liên Xô, nhưng bà có vẻ thích thú với phiên bản hoạt hình của Trường phái kinh tế Reagan do một số địch thủ ý thức hệ ngoan cố nhất của cựu Tổng thống Reagan trình bày.
Bà McArdle nói: “Trong chừng mực mà ông kẹ cánh tả này cho rằng Chủ nghĩa Reagan thây ma là một thiên đường của chủ nghĩa tự do cá nhân, thì tôi muốn điều đó hết mức trở thành sự thật.”
Ông Reagan, ông Trump, và ‘đảo ngược sự suy thoái của chúng ta’
Ông Pence và bà Haley có lẽ là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Chủ nghĩa Reagan quen thuộc của Đảng Cộng Hòa cũng như chống lại Chủ nghĩa Trump tự do cá nhân của ông Ramaswamy tuy nhiên họ không hề đơn độc khi tự ví mình với vị tổng thống những năm 1980 này.
Trả lời câu hỏi của ông Baier về câu nói “thành phố tỏa sáng trên đồi” của cựu Tổng thống Reagan, cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson cũng so sánh mình với vị tổng thống đó khi nói rằng ông, cũng giống như tổng thống này, sẽ “mang đến những điều tốt đẹp nhất của người dân chúng ta.”
Ông Christie đã đưa ra một phép so sánh tương tự khi nêu lên những điểm tương đồng giữa việc ông giành được chức thống đốc trước người đương nhiệm Đảng Dân Chủ Jon Corzine với chiến thắng của cựu Tổng thống Reagan trước Tổng thống Jimmy Carter, một tổng thống đương nhiệm khác thuộc Đảng Dân Chủ.
Ông Christie nói: “Ông ấy Carter đã bị một thống đốc theo phái bảo tồn truyền thống đến từ một tiểu bang xanh đánh bại.”
Tuy nhiên, lời nhận định của ông Christie không phù hợp với thực tế về đường hướng chính trị và nhóm dân số của California.
Mặc dù California hiện là lãnh thổ của phái khuynh tả, nhưng hồi năm 1980, Tiểu bang Vàng đã theo khuynh hướng Đảng Cộng Hòa trong mọi cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1952, ngoại trừ chiến thắng vang dội của ông Lyndon Johnson trước ông Barry Goldwater, một thành viên Đảng Cộng Hòa theo phái bảo tồn truyền thống vào năm 1964.
Hơn nữa, từ một nơi có 2/3 dân số là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha vào năm 1980, California cũng đã có hơn 1/3 người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha vào năm 2020.
Ngay cả khi một số người theo phái bảo tồn truyền thống kêu gọi thoát khỏi “Chủ nghĩa Reagan thây ma,” thì thật khó để tranh luận về việc ông không ngừng nhận được sự yêu mến, kể cả từ khối người lâu nay vẫn ủng hộ cho chủ nghĩa này.
Một cuộc khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện vào tháng Bảy năm nay cho thấy 41% số người được hỏi thuộc Đảng Cộng Hòa và nghiêng về Đảng Cộng Hòa cho rằng cựu Tổng thống Reagan là tổng thống xuất sắc nhất trong bốn thập niên qua.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump lại đứng ở vị trí thứ hai, nhận được sự đồng tình từ 37% số người trả lời cuộc khảo sát.
Bà McArdle, người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, hy vọng rằng cái mà bà gọi là “Chủ nghĩa Reagan tích cực của thập niên 80” chú trọng kinh tế hơn chính sách ngoại giao thời Chiến Tranh Lạnh, sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử sơ bộ.
“Tôi hy vọng rằng ông Vivek hoặc bất kỳ ai khác có khả năng nhận được đề cử tiếp tục đi theo hướng đó rằng họ đe dọa sẽ bãi bỏ càng nhiều quy định càng tốt, rằng họ muốn giải tán càng nhiều cơ quan càng tốt. Tôi hy vọng rằng họ cảm thấy thực sự có động lực để làm điều đó trong suốt cuộc bầu cử này và mỗi người trong số họ cố gắng chiếm ưu thế hơn.”
Ông Ingrassia dự đoán rằng sự kiện không có ông Trump này “thực sự là hồi chuông báo tử cho nhiều chiến dịch tranh cử trên sân khấu đó, những người đang bị loại bỏ trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, một hình mẫu tốt nhất cho hệ tư tưởng MAGA đang tiến hành cuộc chiến chống Chủ nghĩa Reagan đã bị thui chột của giới quyền uy trong đảng này.”
Ông Ingrassia nói thêm rằng, “Nhiều người, trong đó có tôi, tuyên bố rằng ‘MAGA là điều không thể tránh khỏi’ một phần vì tình hình của chúng ta hiện nay rất nghiêm trọng, rằng vì đó là một vấn đề sống còn, nên chúng ta phải mạnh mẽ hơn trong chính trị và tài hùng biện của mình và hồi năm 2016, ông Donald Trump đã đưa ra lộ trình làm thế nào đạt được điều đó nếu chúng ta tiếp tục cuộc thực nghiệm này trong chủ nghĩa cộng hòa lập hiến cho một thế hệ khác.”
Ông Wold lo ngại rằng cuộc tranh luận sắp tới của Đảng Cộng Hòa tại thư viện Reagan sẽ quá nhàn nhã đối với họ vào một thời khắc quan trọng đối với cánh hữu và đối với toàn thể nước Mỹ.
Ông nói: “Bất chấp sự hủ bại rõ ràng về văn hóa và chính trị xung quanh khu vực Simi Valley ở SoCal, thì nơi này vẫn an toàn: đó là lý do tại sao các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa nói chung trên sân khấu ở Milwaukee bám rất sát chính sách ngoại giao thời Chiến Tranh Lạnh hoặc những quan điểm vô vị về lý thuyết kinh tế coi trọng cung cấp. Như thế thì an toàn. Và khi bám vào những ý tưởng ‘an toàn,’ thì không ứng cử viên nào lên tiếng phản đối thuyết động lực và tình trạng chia rẽ mà bản thân ông Reagan mang lại cho GOP.”
“Đã đến lúc phải đưa ra những ý tưởng ‘không an toàn’ các chính sách thực sự đảo ngược tình trạng suy thoái của chúng ta,” ông Theo Wold, từng là cư dân California đến từ Tiểu bang Vàng và đã từng giúp hai nhân vật biểu tượng theo phái bảo tồn truyền thống của thế kỷ 20 vào Tòa Bạch Ốc, cho biết.
Ông nói thêm: “Cử tri sẽ không ủng hộ bất cứ điều gì chưa đạt đến điểm đó.”
Nathan Worcester _ Thanh Nguyên
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.