Nhiều phụ nữ Ấn Độ đã chết khi triệt sản nhưng đây vẫn là cách tránh thai phổ biến nhất ở nước này và trên thế giới.
Tại sao cách này vẫn rất phổ biến và vấn đề chính gây nguy hiểm là gì?
Raji Kevat ở Ganiyari, Chhattisgarh, không hoàn toàn thoải mái khi kể lại lần mổ để thắt ống dẫn trứng, hình thức triệt sản phổ biến nhất cho nữ.
Đó là cuộc phẫu thuật bà phải chịu đựng một mình vào năm 2014 trong 'trại' triệt sản của chính phủ (mà nay nó nổi tiếng là tồi tàn) của Ấn Độ.
Nhưng sau bà cũng khuyên cô em dâu, Shiv Kumari Kevat, làm như vậy.
Là một trong những phụ nữ bị biến chứng trong đợt triệt sản hàng loạt năm 2014 làm 13 phụ nữ bị chết, Anita Bai đang chăm sóc con ở bệnh viện khi bản thân bà là bệnh nhân cần chăm sóc.
Shiv Kumari và 82 phụ nữ khác xếp hàng trong một bệnh viện tại thành phố Bilaspur vào tháng 11/2014. Bác sĩ phẫu thuật đã mổ bằng một dụng cụ duy nhất và đã không thay găng tay giữa các lần mổ.
Những người phụ nữ sau đó đã phải nằm trên sàn bệnh viện để phục hồi.
Đêm đó, Shiv Kumari bắt đầu nôn mửa và thấy đau đớn kinh khủng trong ruột. Vài ngày sau, cô chết.
Dù chính quyền giải thích nhiều vụ tử vong là do thuốc chưa đủ liều, nhưng xét nghiệm tử thi cho thấy Shiv Kumari chết do nhiễm trùng máu - có thể do nhiễm trùng khi phẫu thuật.
Cô là một trong 13 phụ nữ đã chết ở 'trại'.
Thế nhưng Raji nói nếu có ai hỏi bà thì bà vẫn sẽ khuyên họ làm thủ tục này, ngay cả sau khi đã mất một thành viên trong gia đình. Lý do là đơn giản.
"Nếu không khuyên, gia đình bạn sẽ đông quá," bà nói.
Luật ưu sinh đầu tiên trên thế giới đã được thông qua ở bang Indiana vào năm 1907, khi bang này yêu cầu những người sống ở cơ sở từ thiện phải triệt sản.
Giống như nhiều phụ nữ trên khắp thế giới, Raji coi triệt sản là lựa chọn tránh thai thực sự và duy nhất.
Trên thế giới nói chung, việc triệt sản phụ nữ là hình thức tránh thai phổ biến nhất.
Thí dụ, trong khi thuốc tránh thai thường là phổ biến hơn ở Tây Âu, Canada hoặc Úc, thì triệt sản thường là lựa chọn chính cho phụ nữ ở những nơi khác, phần lớn là ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Theo một cuộc khảo sát gần đây nhất của Liên Hợp Quốc năm 2015, trên toàn cầu trung bình 19% phụ nữ đã kết hôn hoặc 'sống chung' là dựa vào vào việc triệt sản phụ nữ- phương pháp phổ biến nhất tiếp theo là IUD (đặt vòng), dưới 14%, trong khi thuốc ngừa thai chỉ là 9%.
Và triệt sản là phổ biến ở Ấn Độ hơn là bất cứ nơi nào khác. Ở Ấn Độ, tỷ lệ triệt sản nữ là 39%, gần gấp đôi con số đó của thế giới.
Lịch sử triệt sản
Chương trình triệt sản của chính phủ bắt đầu tại Hoa Kỳ. Năm 1907, tiểu bang Indiana đã thông qua một đạo luật yêu cầu những người sống ở các cơ sở từ thiện phải triệt sản- luật ưu sinh đầu tiên trên thế giới.
Nhiều tiểu bang khác của Hoa Kỳ đã thông qua các luật tương tự.
Chế độ Đức Quốc xã sau đó coi kế hoạch sử dụng chương trình ưu sinh mang tính phân biệt chủng tộc của California như tiền lệ để đem vào áp dụng triệt sản người Do Thái.
Luật ưu sinh ở Mỹ đáng lẽ đã bị xóa bỏ vào những năm 1970, nhưng nó lại dính vào sang giai đoạn bùng nổ của thuốc tránh thai, nữ quyền và cuộc cách mạng tình dục.
Và chính trong thời gian này, chính phủ các nước mới đây còn là thuộc địa, gồm cả Philippines và Bangladesh, cũng như Ấn Độ, cũng sẽ bắt đầu triệt sản dân nước họ, với sự hỗ trợ của quốc tế.
Peru và Trung cộng cũng nhận viện trợ nước ngoài cho các chương trình triệt sản.
Con tem (bị hủy) quảng bá ủng hộ các chính sách kế hoạch hóa gia đình của Ấn Độ
Ngày nay, Ấn Độ vẫn là nước triệt sản được thực hiện nhiều nhất trên thế giới, cả về số lượng tuyệt đối và về tỷ lệ phần trăm dân số.
Những con số cao này có thể được giải thích một phần bởi lịch sử Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới lập hẳn một bộ kế hoạch hóa gia đình, nhấn mạnh việc triệt sản ngay từ đầu thành lập nước cộng hòa.
Chính phủ Ấn Độ bắt đầu thúc đẩy triệt sản mãnh liệt vào những năm 1970, và một số tổ chức quốc tế và chính phủ rất sẵn lòng hỗ trợ, bao gồm cả Ngân Hàng Thế Giới, chính phủ Mỹ và Quỹ Ford.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1977 với báo St Louis Dispatch, RT Ravenholt, Giám đốc Văn Phòng Dân Số Hoa Kỳ, nói rằng mục tiêu của chính phủ là triệt sản 1/4 phụ nữ ở tuổi sinh đẻ của thế giới- khoảng 100 triệu.
Lập luận của ông là: những tiến bộ về y tế của Mỹ là nguyên nhân cho việc tăng dân số thế giới, nên Hoa Kỳ cũng phải chịu trách nhiệm để giữ nó ở mức thấp...dù phải bằng cách tác động vào cơ thể phụ nữ, chứ không qua cơ thể đàn ông.
Ngày nay, USAID (Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế của Mỹ), ngành của chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình trên toàn thế giới, sẽ tiếp tục ủng hộ một số ý tưởng này.
Một sách trắng do USAID tài trợ năm 2014 cho rằng việc triệt sản đang tăng lên trên toàn cầu.
Sau một chiến dịch triệt sản nam cưỡng bức với hơn 6 triệu người đàn ông có thu nhập thấp bị triệt sản và với 2.000 người chết, chính phủ Ấn Độ bắt đầu thay đổi cách tiếp cận chính thức của họ đối với kế hoạch hoá gia đình.
Các bác sĩ đang chuẩn bị cho một giải phẫu triệt sản tại bệnh viện Sucheta Kriplani ở Delhi.
Các quan chức Ấn Độ đã từ bỏ việc đặt ra 'mục tiêu' về số người cần phải bị triệt sản và bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào các phương pháp tránh thai khả hồi, như dùng thuốc ngừa thai.
Trong hai năm qua, chính phủ Ấn Độ đã phát động 'Chiến dịch Parivar Vikas', sử dụng ba phương pháp tránh thai mới bằng hormone, gồm cả viên thuốc ngừa thai chỉ có progestin.
Mặc dù vậy, triệt sản kiểu cũ vẫn phổ biến và gia tăng tại Ấn Độ.
Theo thống kê của LHQ, trên toàn cầu tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn hoặc 'sống chung' đã được triệt sản đã giảm từ 20,5% xuống 19% trong một thập kỷ- nhưng ở Ấn Độ, tỷ lệ này đã tăng từ 34% lên 39%.
Các 'trại triệt sản' của chính phủ Ấn tiếp tục hoạt động đến năm 2016.
Việc không thể đảo ngược của việc triệt sản cũng có nghĩa là người ta không thể đánh giá xác đáng là nó được ưa chuộng tới đâu so với những phương pháp còn lại.
Hầu hết các nghiên cứu, bao gồm cả cuộc điều tra của LHQ, đã tính số lượng phụ nữ hiện đang sử dụng một loại biện pháp ngừa thai nhất định.
Trong khi phụ nữ có thể chọn (hoặc thực tế chọn) ngừng các phương pháp khác vào bất cứ lúc nào, nhưng một khi phương pháp tránh thai của họ là triệt sản thì hiếm khi thay đổi được: việc gỡ bỏ thắt ống dẫn trứng là vừa tốn kém và lại dễ thất bại.
Triệt sản ở Mỹ
Roop Chand Srivastava cầm hình ảnh người vợ Phool Bai của mình, người đã chết trong vụ triệt sản hàng loạt vào tháng 11/2014 tại Bilaspur
Tại sao phổ biến hơn viên thuốc ngừa thai?
Theo LHQ, con số đáng ngạc nhiên 22% của phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ của Mỹ và đang thực hành biện pháp tránh thai đã chọn triệt sản, so với chỉ có 16% dùng thuốc ngừa thai.
Sự phổ biến này khác với hầu hết các nước phát triển, đặc biệt là ở Châu Âu và Châu Đại Dương.
Bảo hiểm y tế có thể giải thích sự bất thường ở Mỹ vì các chính sách không phải lúc nào cũng bao gồm các biện pháp tránh thai, và việc triệt sản vĩnh viễn là rẻ hơn so với mua thuốc đều đặn. Trong quá khứ, các chính quyền tiểu bang cũng đã dùng triệt sản như một cách để kiểm soát khả năng sinh sản của phụ nữ sống dưới mức nghèo khổ, cũng như phụ nữ da đen và nhóm nói tiếng Tây Ban Nha (Hispanic), mà theo lịch sử để lại, ít có bảo hiểm y tế.
Thế nhưng từ năm 2008 đến 2014, phụ nữ, ở mọi mức thu nhập, bắt đầu áp dụng nhiều hơn các biện pháp tránh thai lâu dài và khả hồi, như việc đặt vòng.
Điều đó tạo ra sự khác biệt giữa số lượng phụ nữ được triệt sản trên toàn cầu so với con số ở Ấn Độ càng rõ ràng hơn.
Giải quyết vĩnh viễn
Trên toàn thế giới khi phụ nữ không muốn có con hoặc thôi không muốn sinh con thêm thì triệt sản thường là một lựa chọn an toàn và hiệu quả.
Thí dụ ở Mỹ, nhiều bà mẹ sinh lần đầu đã lựa chọn triệt sản ngay sau khi sinh, và những phụ nữ khác sẽ chuyển từ phương pháp quãng cách (như bao cao su hoặc thuốc viên) sang triệt sản khi đã có gia đình đủ con cái như họ muốn.
Ưu điểm là những phụ nữ này không bao giờ phải suy nghĩ về phương pháp tránh thai nữa. Họ cũng không gặp phản ứng sau phẫu thuật triệt sản.
Nhưng tại Ấn Độ thì có lúc phụ nữ chấp nhận triệt sản mà không hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó - và lại trong điều kiện không an toàn.
Điều đã xảy ra ở Bilaspur "là một bi kịch đang chờ để xảy ra", Yogesh Jain, giám đốc bệnh viện Jan Swasthya Sahyog ở Ganiyari, gần nhà Shiv Kumari (người phụ nữ Ấn Độ chết và triệt sản), nói.
Ông coi tử vong là hệ quả phụ, không thể tránh khỏi của chính sách làm giảm giá trị của phụ nữ nghèo. "Đáng lẽ tôi đã viết về điều này từ 10 năm trước rằng một điều gì đó sẽ xảy ra," ông nói, và thêm rằng thân phận một phụ nữ được coi không có giá trị hơn "một tử cung và một đôi bàn tay".
Trong một cuộc điều tra về những cái chết của trại triệt sản ở Chhattisgarh, Tổ Chức Dân Số Ấn Độ (PFI) phát hiện rằng chính quyền bang đã chi khoảng 20 lần số tiền khuyến khích phụ nữ làm thủ tục triệt sản và chi tiêu cho việc này - và phụ nữ chỉ được chi trả từ 600 đến 1400 rupee/1 người (7-15 bảng Anh) để được triệt sản.
Nhưng vì thảm kịch năm 2014, chính phủ quốc gia "đã thấy rõ thực tế về chất lượng chăm sóc y tế khủng khiếp ở các cơ sở này", giám đốc PFI của chương trình Sonal Sharma, nói.
Bà nói chính phủ Ấn Độ đã chấp nhận khuyến cáo của PFI rằng cách tiếp cận của 'trại' về triệt sản phải bị ngăn cấm.
Ngay cả khi được thực hiện trong điều kiện vệ sinh tốt, việc thắt ống dẫn trứng vẫn là nguy hiểm hơn việc thắt ống dẫn tinh - nhưng ở Ấn Độ và các nước khác nó là sự lựa chọn phổ biến nhất.
Chính phủ đã chuyển trọng tâm vào dịch vụ theo 'ngày cố định', nghĩa là phụ nữ phải đến các cơ sở cụ thể vào những ngày cụ thể trong tuần nếu họ muốn được triệt sản - việc này cho phép theo dõi và điều chỉnh tốt hơn các điều kiện của phòng mổ. Nhưng ở một số nơi, số giờ bị giới hạn thể hiện là không đủ để đáp ứng nhu cầu dịch vụ. Thí dụ, tại bệnh viện cấp huyện Mungeli cách Bilaspur khoảng 50km, một bác sĩ phẫu thuật bây giờ đến làm việc 2 ngày mỗi tuần.
Nhưng điều đó chỉ làm tăng thêm khoảng 20 ca phẫu thuật - mà điều này, giám đốc y tế Mukhya Chikitsa của quận này nói, không đủ cho tất cả những phụ nữ muốn đến điều trị.
Nếu việc triệt sản vẫn còn ở nhu cầu cao như vậy ngay cả với những phụ nữ ở Chhattisgarh, mặc dù nơi này nay bị mang tiếng xấu, nhiều phụ nữ vẫn buộc phải coi đó là lựa chọn tốt nhất của mình.
Nhưng cách làm vẫn còn là vấn đề tranh cãi - và không chỉ vì những cái chết có thể tránh được như những cái chết xảy ra ở Bilaspur.
Câu trả lời hoàn hảo
Ngay cả khi được được thực hiện đúng và vô trùng tốt, thì việc thắt ống dẫn trứng vẫn nguy hiểm hơn và phức tạp hơn việc thắt ống dẫn tinh. Mặc dù vậy, ở đa số các quốc gia, việc triệt sản nữ vẫn phổ biến hơn việc triệt sản nam giới.
Bản chất của thắt ống dẫn trứng cũng làm nảy sinh mối quan tâm về đạo đức: so với các loại thuốc ngừa thai khác, nó dễ thực hiện hơn khi không có sự đồng ý hoặc hiểu biết đầy đủ của người phụ nữ.
Với các phương pháp như bao cao su hoặc thuốc viên thì người phụ nữ phải làm theo hướng dẫn để sử dụng. Nhưng một khi một người phụ nữ được triệt sản, sự tham gia của người đó trong việc kiểm soát khả năng sinh sản của mình là kết thúc.
Các chính phủ đã lạm dụng điều này. Ví dụ, ở Peru vào cuối những năm 1990, các y sĩ công vụ có thể triệt sản các phụ nữ nghèo mà không nói cho họ biết, thay vào đó họ bảo là đang thực hiện một việc khác như tiêm vitamin tĩnh mạch.
Hầu hết phụ nữ bị triệt sản ở Ấn Độ chưa bao giờ sử dụng phương pháp ngừa thai nào khác trước đó.
Một khó khăn khác là sự nhấn mạnh và phổ biến triệt sản có thể khuyến khích phụ nữ không sử dụng các phương pháp khác. Hầu hết phụ nữ bị triệt sản ở Ấn Độ chỉ sử dụng phương pháp tránh thai này trong suốt đời họ. Nói cách khác, họ không bao giờ sử dụng trước tiên một cái gì đó như vòng đặt trong tử cung (IUD), miếng che hoặc thuốc viên để không bị mang thai. Điều này kéo theo những rủi ro đáng kể về sức khỏe: không phòng tránh mang thai có nghĩa là cả phụ nữ và trẻ em đều phải đối mặt với nguy cơ tử vong và các biến chứng khác.
Điều này đi đôi với thực tế là các biện pháp tránh thai khác, như thuốc viên hoặc vòng IUD, là ít có sẵn ở nước đó, cũng như các chuyên gia ít được đào tạo để đặt vong IUD. Và ở mọi tầng lớp xã hội, phụ nữ thường thiếu kiến thức về các phương pháp khác.
Madhu Goel là bác sĩ phụ khoa tại Fortis La Femme, một bệnh viện tư nhân cao cấp dành cho phụ nữ ở vùng lân cận Greater Kailash ở Delhi. Ngay cả trong số các bệnh nhân của bà, việc triệt sản vẫn là "phương pháp" tránh thai, bà nói.
Mặc dù điều đó đặc biệt đúng đối với phụ nữ lớn tuổi, nhưng bệnh nhân trẻ cũng có nhiều nghi ngại về các lựa chọn thay thế. Thậm chí hầu hết những phụ nữ trẻ nói chuyện với bà sau khi nghiên cứu biện pháp tránh thai trên internet đều có quan niệm sai lầm về thuốc viên- và, thí dụ, tin rằng nó gây ra vô sinh vĩnh viễn.
Nhưng Goel nói rằng, ít nhất trong số các bệnh nhân của mình, thay đổi xã hội ở Ấn Độ có nghĩa là ngày càng có nhiều phụ nữ tự tìm hiểu về các lựa chọn khác. Ví dụ, tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ đang tăng lên. Vì vậy nhiều phụ nữ muốn đảo ngược sự triệt sản của họ, hy vọng sẽ bắt đầu gia đình mới với người chồng thứ hai.
Chính sách cuối cùng rồi cũng có thể có tác động. 'Chính Sách Quốc Gia Cho Phụ Nữ' do Bộ Phụ Nữ và Phát Triển Trẻ Em đề ra năm 2016 nêu sự tập trung thay đổi từ việc triệt sản nữ sang nam. Nhưng theo các chuyên gia, chính sách này còn chờ để đưa vào thực tiễn.
Với guồng máy quốc tế mà nó làm cho việc triệt sản nữ trở nên phổ biến ở Ấn Độ, có thể phải cần nhiều thời gian để tạo ra sự đột phá thực sự trong sự không chế này.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.