Tuy nhiên, quảng cáo rầm rộ trong nhiều năm nhằm hạ thấp chất béo và nỗi lo sợ vấn đề gây tăng cân đã khiến một số người không ăn các chất béo lành mạnh.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ các loại dầu chất lượng cao góp phần cải thiện sức khỏe mạch máu và giúp ngăn ngừa các tình trạng như huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao. Việc thêm các loại dầu lành mạnh vào khẩu phần ăn giúp nuôi dưỡng da, bảo vệ niêm mạc dạ dày, kích thích tiêu hóa và điều hòa hormone, giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa sỏi mật.
Táo bón, lão hóa sớm, sỏi mật
Theo y văn cổ Trung Hoa “Kim Quỹ Yếu Lược,” mỡ heo có khả năng nuôi dưỡng đường ruột và điều trị chứng táo bón nặng. Chất béo là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người. Chất béo chứa acid omega-3 và omega-6 cơ thể không thể tự tổng hợp mà phải bổ sung qua thực phẩm. Việc thiếu chất béo trong khẩu phần ăn kéo dài có thể dẫn đến các tình trạng như táo bón, lão hóa sớm và sỏi mật.
Một số người vì sợ tăng cân nên hạn chế tiêu thụ dầu và chất béo, kết quả là họ có thể cảm thấy đói ngay sau khi ăn. Việc nạp vào đủ chất béo sẽ làm tăng sự hiện diện của chất béo trong dạ dày, do đó làm tăng cảm giác no.
Dầu omega-3 góp phần dưỡng ẩm cho da, nếu khẩu phần ăn không cung cấp đủ có thể dẫn đến khô da, có khả năng đẩy nhanh quá trình lão hóa. Ngoài ra, sự tổng hợp nội tiết tố nữ phụ thuộc vào chất béo trong cơ thể, vì vậy việc kiêng dầu có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa buồng trứng và lão hóa.
Ăn không đủ chất béo cũng có thể góp phần hình thành sỏi mật. Túi mật là nơi dự trữ, cô đặc mật. Chất béo kích thích sự bài tiết mật. Ăn ít chất béo có thể cản trở việc tiết mật, dẫn đến mật ứ đọng theo thời gian và tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
Tất nhiên, không phải tất cả các loại dầu đều được tạo ra như nhau. Nhiều loại dầu được chế biến quá mức và dùng cho thực phẩm siêu chế biến. Chúng ta nên tránh những loại dầu này và sử dụng các loại dầu tốt cho sức khỏe.
Nuôi dưỡng dạ dày, cải thiện nhu động ruột, chống lão hóa
Mỡ động vật có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và nuôi dưỡng dạ dày. Ngoài việc sử dụng dầu ô liu thường xuyên, việc nấu ăn bằng mỡ động vật cũng rất tốt. Chất béo tự nhiên lành mạnh có thể bôi trơn ruột và kích thích nhu động ruột đều đặn, giúp cơ thể thải độc và duy trì sức khỏe đường ruột.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người nấu ăn bằng dầu thực vật (chủ yếu là dầu hạt cải và dầu mè) có tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch là 31.68%, so với 17.46% ở những người nấu bằng mỡ heo hoặc mỡ động vật khác. Dầu mè cho thấy nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch tăng đáng kể so với những người sử dụng mỡ heo/mỡ động vật khác. Điều này cho thấy rằng nấu ăn bằng mỡ heo hoặc mỡ động vật khác là lựa chọn tốt hơn cho người lớn tuổi.
Mỡ heo và hoa trà – Hai loại dầu mỡ tốt cho sức khỏe
Hai lợi ích chính khi dùng mỡ heo bao gồm:
1_ Tăng sức khỏe tiêu hóa và cảm giác thèm ăn
Trong cuốn “Bản Thảo Cương Mục” của y học gia Lý Thời Trân thời nhà Minh có ghi mỡ heo có tác dụng thải độc, bổ trợ tiêu hóa, lợi tiểu, giảm phù nề, kích thích mọc tóc. Có thể dùng mỡ heo cho món xào hoặc trộn với cơm để giải quyết tình trạng chán ăn của cả người lớn và trẻ em. Các món ăn chế biến từ mỡ heo đặc biệt thơm, có thể kích thích ăn ngon, bổ khí, bồi bổ nội tạng. Ngoài ra, rưới một chút mỡ heo lên cơm và các món ngũ cốc và rau củ có thể làm cho bữa ăn ngon miệng hơn.
2_ Nuôi dưỡng da và điều trị rụng tóc
Trong y văn “Bản Thảo Kinh Tập Chú” mỡ heo có đặc tính cải thiện làn da, được mô tả là “làm hài lòng làn da” và “có khả năng ngăn ngừa nếp nhăn khi dùng như một loại kem dưỡng da tay.” Mỡ heo giúp dưỡng ẩm da hiệu quả, góp phần duy trì làn da mịn màng, mỏng manh và đàn hồi, cũng như bổ trợ điều trị rụng tóc.
Dưới đây là công thức cho món rau lang chần mỡ heo – một món ăn cổ điển dùng mỡ heo:
Thành phần:
1 bó rau lang
1 đến 2 thìa cà phê mỡ heo
1 thìa cà phê nước tương
1/3 thìa cà phê muối
Chuẩn bị:
Nhặt những lá rau lang và thân non còn mềm, rửa sạch, để ráo nước. Chần rau lang trong nước nóng khoảng 3 phút, cho mỡ heo, nước tương, muối và một ít nước chần vào. Đảo đều tay, và thưởng thức.
Dầu hoa trà: Cải thiện sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa sỏi mật
Dầu hoa trà (hay dầu hạt trà) được mệnh danh là “dầu ô liu phương Đông” do thành phần dinh dưỡng tương tự dầu ô liu. Dầu hoa trà có tác dụng nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày, giảm viêm, làm dịu vết loét. Thêm một lượng vừa phải dầu hoa trà vào món rau xào hoặc thịt rang thường xuyên có thể nuôi dưỡng và bảo vệ dạ dày hiệu quả. Trước đây, dầu hoa trà thường được sử dụng trong y học dân gian để giải quyết các vấn đề về đường tiêu hóa.
Một nghiên cứu về các yếu tố kháng khuẩn của dầu hoa trà do Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan thực hiện cho thấy chiết xuất từ dầu hoa trà có tác dụng ức chế vi khuẩn Helicobacter pylori, làm dịu dạ dày. Hơn nữa, dầu hoa trà có thể cải thiện chức năng hệ tiêu hóa và ngăn ngừa sỏi mật.
Dưới đây là hai món ăn truyền thống được chế biến từ dầu hoa trà:
1_ Gà xào dầu trà
Thành phần:
Một nửa con gà thả rông (khoảng 0.7kg)
3 ounce (150g) củ gừng già
3 muỗng canh dầu hoa trà
1/2 thìa cà phê muối
1 muỗng canh rượu gạo
1 thìa cà phê nước tương
Chuẩn bị:
· Thịt gà rửa sạch, thấm khô, thêm muối và rượu gạo vào, trộn đều rồi để yên trong 20 phút.
· Cắt gừng già thành miếng dày 0.2 inch (0.5 cm) và trải ra.
· Làm nóng chảo, đổ dầu hoa trà vào và xào các lát gừng ở nhiệt độ cao trong 30 giây.
· Xào gà ở lửa lớn trong 5 phút, sau đó giảm lửa vừa và tiếp tục xào thêm 15 phút nữa.
· Để ráo dầu hoa trà, cho gà vào chảo xào trên lửa vừa với nước tương.
· Xúc thịt gà ra khỏi chảo và rưới một ít dầu hoa trà trước khi dùng.
2- Mì dầu trà
Thành phần:
· Một vắt mì
· Một nhúm muối
· Một lượng dầu hoa trà thích hợp
Chuẩn bị:
Đun sôi 16.9 ounce chất lỏng (500ml) nước với lửa lớn, sau đó giảm xuống lửa vừa và thêm mì vào. Khi mì đã mềm, vớt bún ra và cho vào tô.
Tùy theo sở thích mỗi người, cho một lượng dầu hoa trà nguyên chất vừa phải, nêm muối, khuấy đều trước khi dùng, vì mì đã có chút mặn nên có thể không cần thêm muối.
Chọn loại dầu phù hợp cho các phương pháp nấu ăn khác nhau
Các loại dầu khác nhau có chất lượng và chức năng riêng biệt, vì vậy điều cần thiết là phải chọn loại dầu dựa trên nhu cầu cụ thể.
1_ Mỡ heo, bơ động vật hoặc bơ ghee để chiên ngập dầu
Khi chế biến các món chiên ngập dầu, nên chọn các loại dầu mỡ thích hợp để chiên ở nhiệt độ cao như mỡ heo, bơ động vật, bơ ghee. Những loại dầu mỡ này có khả năng chịu nhiệt tốt nên ổn định hơn ở nhiệt độ cao hơn.
2_ Dầu ô liu, hướng dương hoặc đậu nành để trộn salad hoặc xào
Đối với các món trộn sal hoặc rau củ xào nên chọn các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành… Những loại dầu thực vật này thích hợp cho các món ăn nguội hoặc xào nhưng không nên dùng để chiên ngập dầu ở nhiệt độ cao, vì có thể dẫn đến phân hủy chất béo, có khả năng gây hại cho cơ thể.
Cách chọn dầu ăn
Khi mua dầu ăn, hãy cân nhắc thử các nhãn hiệu khác nhau và sử dụng nhiều loại khác nhau. Chọn loại dầu dựa trên các phương pháp nấu ăn khác nhau để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn.
Bảo quản dầu ăn
Tiếp xúc với không khí và gần nhiệt độ cao có thể làm oxy hóa và hỏng dầu ăn. Để bảo đảm chất lượng dầu, hãy bảo quản ở nhiệt độ thấp và sử dụng trong vòng ba đến sáu tháng. Nếu gia đình bạn ít người hoặc không thường xuyên nấu ăn, hãy cân nhắc việc mua những chai dầu nhỏ hơn.
Nhu cầu về ăn uống có thể khác nhau tùy theo từng người. Vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia về ăn uống hoặc sức khỏe để tìm ra điều phù hợp nhất với bạn.
Tú Liên
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.