Các nhà khoa học tại Học viện Hoàng Gia London, Anh (King’s College London) đã phát hiện ra một loại enzyme thường được sử dụng trong hầu hết các loại bột giặt có thể giúp tái chế nhựa sử dụng một lần. Rất nhiều người đều biết, nhựa dùng một lần rất khó xử lý theo cách bền vững.
Vì vậy, các nhà khoa học đã nghĩ ra một phương pháp tái chế mới sử dụng enzyme để phân hủy vật liệu.
Nhựa dùng một lần thường được sử dụng làm cốc cà phê và bao bì thực phẩm trước khi được đưa đến bãi chôn lấp rác. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học đang nghiên cứu những cách đơn giản để tái chế các vật liệu này. Hiện nay, phương pháp tái chế các loại nhựa này là ủ phân công nghiệp. Tuy nhiên, việc này phải mất đến 12 tuần.
Theo báo cáo nghiên cứu, một phương pháp mới của các nhà khoa học tại Học viện Hoàng gia London, Anh có khả năng biến nhựa thành vật liệu có thể hòa tan trong vòng một ngày. Khi nhựa được bảo quản ở nhiệt độ cao trong 24 giờ, nó sẽ tiếp tục phân hủy thành các phân tử đơn lẻ, sau đó được sử dụng để tạo ra nhựa mới. Các nhà khoa học tin rằng đây là một phương pháp sáng tạo để tái chế loại vật liệu này.
Ông Alex Brogan, giảng viên hóa học tại Học viện Hoàng gia London, người tham gia nghiên cứu, nói với tờ Newsweek: “Chúng tôi đương nhiên rất kinh ngạc.” Ông nói: “Chúng tôi có cảm giác rằng nó sẽ hoạt động tốt dựa trên nghiên cứu trước đây về sinh khối, nhưng kết quả lại tốt đến không ngờ.”
Ông Brogan cho biết: “Sử dụng sinh học và cung cấp các giải pháp bền vững thông qua phương tiện hóa học cho phép chúng ta xử lý chất thải như một nguồn tài nguyên. Bằng cách này, chúng ta có thể tách khỏi các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như dầu mỏ, sáng tạo ra vật liệu cần thiết cho cuộc sống hiện đại.”
Một vấn đề cốt lõi của việc tái chế nhựa dùng một lần là nó phân hủy rất chậm. Nhựa dùng một lần được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và người tiêu dùng. Điều này tạo ra một vấn đề lớn. Việc sản xuất nó có thể rất có hại cho Trái Đất.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các phương pháp tái chế cơ học hiện nay tạo ra khí thải CO2. Hơn nữa, trong tình huống thông thường, các vật liệu này thậm chí không thể tái sử dụng được.
Ông Brogan nói với tờ Newsweek: “Chúng tôi hiện đang làm việc với các kỹ sư, nghiên cứu xem làm thế nào để thúc đẩy kỹ thuật này trở nên rộng rãi hơn.
“Vấn đề chính là chúng ta thực sự không có bất kỳ giải pháp tái chế hiệu quả nào đối với nhựa. Nhựa sinh học (bioplastics) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các vật liệu mà chúng ta cần cho cuộc sống hiện đại, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Nhưng việc thiếu cách tái chế nhựa sinh học có nghĩa là nó sẽ phải bị chôn lấp, điều này khiến nó trở nên kém hấp dẫn. Do đó, khi phát triển các phương pháp tái chế mới, chúng ta cố gắng khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa sinh học, để hạn chế tác động đến môi trường và giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất nhựa.”
Nếu phương pháp mới này được áp dụng, nó có thể giảm đáng kể lượng nhựa đưa vào bãi chôn lấp, từ đó giảm lượng nhựa đi vào tự nhiên.
“Nghiên cứu của chúng tôi là bước đầu tiên trong việc phát triển các công nghệ quản lý chất thải mới, nhằm tái chế và tạo ra nhựa sinh học có chất lượng tương đương với sản phẩm ban đầu. Cho đến nay, đây vẫn là thách thức lớn trong tái chế nhựa. Vì mặc dù nhựa sinh học được làm từ vật liệu sinh học, nhưng không phải tất cả chúng đều có thể được chia nhỏ và tái chế, và hầu hết các phương pháp tái chế hiện tại đều có hiệu quả thấp.” Bà Susana Meza Huaman, bác sĩ, nghiên cứu viên của dự án nghiên cứu này tại Học viện Hoàng gia London viết trong bản tóm tắt: “Phương pháp hóa học của chúng tôi đẩy nhanh đáng kể quá trình phân hủy nhựa sinh học, cho phép chúng được tái chế và tái sử dụng.”
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tập san Cell Reports Physical Science vào ngày 29/01.
Lâm Đạt _ Tường Vân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.