Đi dạo một vòng quanh bãi biển nhiều đá sỏi, Clair Waluda thỉnh thoảng cúi xuống để nhặt thứ gì đó mắc kẹt giữa đá. Đó là một cái nắp chai nhựa màu sáng - chỉ là một trong hàng trăm mảnh nhựa mà bà thấy trôi dạt vào bờ biển trên hòn đảo lộng gió xa xôi ở Nam Georgia.
Nằm ở miền nam Đại Tây Dương, sát bờ Nam Cực, nơi này cách vị trí có người sinh sống đến 1.500km.
Vậy mà ngay ở đây Waluda, nhà sinh thái học từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh Quốc, vẫn nhìn thấy những dấu hiệu đáng lo ngại từ việc con người thải rác thải nhựa xuống biển.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Bà thường xuyên bắt gặp hải cẩu bị vướng vào mảnh nhựa hoặc chim hải âu con ho ra mảnh phim bằng nhựa.
Đó chỉ là một vài ví dụ từ rác thải nhựa con người gây ra cho môi trường.
Hơn 78 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất mỗi năm trên toàn thế giới trong ngành công nghiệp trị giá gần 198 tỷ đô la Mỹ. Chỉ một phần rất nhỏ được tái chế trong khi đa số sẽ bị thải ra ngoài môi trường.
Rác thải nhựa ngày nay bừa bãi khắp nơi trên hành tinh của chúng ta, từ những nơi xa xôi như Nam Cực đến những vùng đại dương sâu thẳm nhất.
Những chiến dịch uy tín và chương trình truyền hình như phần kết của loạt phim tài liệu Blue Planet II của BBC, với Sir David Attenborough nhấn mạnh vấn đề rác thải nhựa đang gây ra cho đại dương khắp thế giới, đã giúp công chúng ngày càng ý thức về vấn đề này hơn.
Phản ứng với áp lực ngày càng gia tăng, các chính phủ, nhà sản xuất và bán lẻ bắt đầu cùng nhau giải quyết làn sóng rác thải nhựa.
Nhưng việc thay đổi căn bản cách thức chúng ta vẫn mua bán hàng hóa này sẽ tốn bao nhiêu tiền?
Nhiều công ty nỗ lực xử lý số lượng rác thải nhựa từ sản phẩm của họ thừa nhận việc này sẽ làm giảm lợi nhuận. Chẳng hạn như Coca-Cola sản xuất ra 38.250 tấn bao bì nhựa ở Anh Quốc mỗi năm và ước tính cho thấy công ty này bán hơn 110 tỷ chai nhựa sử dụng một lần khắp toàn cầu.
Coca-Cola cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng chất liệu tái chế trong lượng chai nhựa hãng dùng ở Anh Quốc và đang thử nghiệm loại chai sử dụng nhiều lần. Dù từ chối đưa ra con số chi tiết, Coca-Cola nói nỗ lực này sẽ khiến họ bị tăng chi phí.
Thậm chí những công ty không thích thú gì việc này cũng sẽ sớm phải giải quyết số lượng bao bì nhựa mà họ sử dụng. Hơn 60 quốc gia đang đưa ra các đạo luật nhắm vào việc giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa và các loại chất liệu nhựa dùng một lần khác.
Trong tháng 7/2018, đảo quốc Vanuatu nhỏ xíu trên Đại Tây Dương trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng bao bì nhựa, ống hút và các loại hộp đựng thức ăn làm từ polystyrene [chất liệu nhựa đa năng thường được dùng làm bao bì thực phẩm].
Cái giá của đổi thay
Rất nhiều siêu thị lớn, các công ty đa quốc gia như Tesco và Walmart đã hứa sẽ giảm số lượng bao bì nhựa khi bán hàng.
Cùng với Coca-Cola, nhà sản xuất thức uống Pepsi, công ty đa quốc gia về thực phẩm và sản phẩm tẩy rửa Unilever, nhà sản xuất thực phẩm Nestle và công ty mỹ phẩm L'Oreal đã cùng cam kết sẽ đảm bảo bao bì họ sử dụng có thể sử dụng lại được, tái chế được hoặc tự phân hủy từ năm 2025.
Nhưng bất chấp những cam kết đó, phần lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống vẫn đang cố gắng tìm cách đạt được mục tiêu mà họ tự đặt ra.
Một số chuyên gia lo ngại nếu không có cách tiếp cận đúng đắn, sự vội vàng cấm bao bì nhựa trong việc mua sắm sẽ chỉ khiến hàng hóa ta mua đắt tiền hơn.
"Mọi việc không chỉ đơn giản là 'nhựa thì tệ hại' cho nên mọi người hãy sử dụng chất liệu khác đi," Eliot Whittington, giám đốc chương trình chính sách tại Viện Lãnh đạo Bền vững thuộc Đại học Cambridge cảnh báo, khi ông khuyên các nhà sản xuất thức uống nên giảm rác thải xuống.
"Việc này đòi hỏi chúng ta thay đổi hoàn toàn cách thức đóng gói sản phẩm như hiện thời. Hầu hết bao bì hiện nay được sử dụng một lần rồi bị vứt bỏ. Chúng ta cần thay đổi từ đó. Việc này đòi hỏi nỗ lực từ lãnh đạo của chính phủ."
Hơn một phần ba thực phẩm bán ở Châu Âu hiện nay được gói trong bao bì nhựa và mỗi người trong 510 triệu cư dân Châu Âu thải ra 31kg bao bì nhựa mỗi năm.
Một lý do khiến bao bì nhựa cực kỳ phổ biến là vì nó rất đa dụng với chi phí cực thấp: ví dụ, người ta cần rất ít chất liệu để sản xuất ra chai nhựa đựng thức uống thay vì chai thủy tinh.
"Nhựa rất rẻ, nhẹ và có thể linh hoạt sử dụng trong rất nhiều cách mà các nguyên liệu khác không thể," Susan Selke từ Đại học Michigan nói.
Hồi 50 năm trước, trước khi cuộc cách mạng về nhựa bùng nổ, hầu hết thức uống được bán với bao bì là chai thủy tinh. Ngày nay, hầu hết thức uống đóng chai đều làm từ loại nhựa cứng có tên gọi polyethylene terephthalate, hay còn gọi là PET.
Dù chi phí sản xuất chai có thể khác biệt tùy theo chất liệu ban đầu và giá năng lượng tại thời điểm sản xuất, nhưng chi phí để làm ra chai thủy tinh cũng không đắt đỏ hơn bao nhiêu so với chi phí làm ra chai nhựa PET - chỉ khoảng hơn một xu Mỹ một chút, theo một số phân tích.
Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất bắt đầu vận tải sản phẩm đựng trong chai thủy tinh, chi phí bắt đầu tăng lên.
Một chai nhựa đựng thức uống 330ml có khoảng 18 gram vật liệu, trong khi một chai thủy tinh có thể cân nặng từ 190g đến 250g.
Vận chuyển thức uống trong những container hàng nặng hơn đòi hỏi tăng 40% nhiên liệu, và thải ra môi trường nhiều khí CO2 ô nhiễm hơn, khiến chi phí vận tải tăng lên gấp 5 lần trên mỗi chai.
"Trong nhiều trường hợp, nhựa thực ra tốt cho môi trường hơn các chất liệu khác," Selke giải thích. "Điều này thật đáng ngạc nhiên cho đến khi bạn nhìn sâu vào vấn đề."
Một báo cáo của Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ và công ty kiểm toán môi trường Trucost ước tính chi phí môi trường - loại chi phí mô tả giá trị mà một sản phẩm gây ra ô nhiễm bao nhiêu - sẽ có thể cao hơn gấp 5 lần nếu ngành công nghiệp thức uống thay thế chất liệu bao bì thành thủy tinh, thiếc hay nhôm thay vì sử dụng nhựa.
Vì nhiều chính phủ tìm cách phạt các công ty bằng thuế carbon và các loại thuế, chi phí này có thể sẽ đè lên vai người tiêu dùng.
"Giá thực phẩm sẽ tăng lên - không nghi ngờ gì điều đó sẽ xảy ra," Dick Searle, giám đốc điều hành Liên hiệp Bao bì Anh Quốc, đại diện cho ngành công nghiệp này tại Anh nhận định. Chẳng hạn, sử dụng chai sữa thủy tinh thay vì chai nhựa sẽ có thể tăng thêm chi phí cho nhà sản xuất.
Nhưng liệu điều này có nghĩa chi phí sẽ bị đẩy về phía người mua hàng không?
Iceland, một siêu thị Anh Quốc cam kết loại bỏ túi nhựa khỏi quy trình đóng gói vào năm 2023, đã chuyển từ việc sử dụng các khay nhựa đen cho thực phẩm ăn sẵn thành hộp làm bằng giấy và sẽ sử dụng các chất liệu bao bì khác như thủy tinh và cellulose làm từ gỗ.
"Thay đổi này sẽ tốn tiền," Richard Walker, giám đốc quản lý chuỗi siêu thị cảnh báo. "Nhưng chúng tôi quyết định rằng khách hàng sẽ không phải chịu chi phí này."
Bao bì nhựa giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn
Tuy nhiên, một số người cảnh báo rằng việc bỏ nhựa sau gần 70 năm sử dụng để đóng gói thực phẩm có thể gây ra những hậu quả đắt giá và không lường trước.
Chẳng hạn, túi bao bì nhựa gói quả dưa leo thoạt nhìn có vẻ là một miếng rác thải nhựa nhưng thực ra lại là công cụ tinh tế để tăng vòng đời thực phẩm của bạn. Các nghiên cứu kéo dài nhiều năm đã giúp nhựa nâng thời gian sử dụng thực phẩm từ nhiều ngày lên đến nhiều tuần.
"Tôi nghĩ mọi người đã đánh giá thấp lợi ích của nhựa trong việc chống lãng phí thực phẩm," Anthony Ryan, giáo sư hóa học và giám đốc Trung tâm Grantham về Tương lai Bền vững tại Đại học Sheffield cho biết.
Ví dụ như miếng màng bọc thực phẩm co dãn sử dụng cho dưa leo có thể giúp tăng vòng đời rau củ lên gấp đôi, khiến người ta có thể giữ chúng trong tủ lạnh đến 15 ngày và cắt giảm lãng phí thực phẩm đến một nửa. Một quả dưa leo không được bọc kín có thể chỉ còn ăn được sau hai ngày trong nhiệt độ phòng và chín ngày nếu để trong tủ lạnh.
Thịt bò được gói trong khay nhựa polystyrene với màng bọc thực phẩm bằng nhựa có thể giữ được từ ba đến bảy ngày. Tuy nhiên, nếu được đóng gói chân không trong nhiều lớp bao bì nhựa, nó có thể giữ được tới 45 ngày mà không bị hỏng. Công ty kiểm toán môi trường Trucost ước tính thịt thăn bò đóng gói chân không có thể cắt giảm lãng phí thực phẩm đến một nửa so với các loại nhựa truyền thống.
Hầu hết thực phẩm ta mua từ siêu thị được gói chặt trong màng bọc thực phẩm kín và khay bảo vệ. Cách này khiến thịt tươi được giữ trong môi trường không có oxy, giúp chống ôi thiu. Các loại trái cây đắt tiền và rau cũng tránh khỏi bị trầy xước làm giảm giá trị, nghĩa là chúng sẽ dễ bán hơn. Đóng gói nho thành từng hộp nhựa riêng được cho là cắt giảm lãng phí thực phẩm đến 75%.
Màng bọc thực phẩm bằng nhựa có thể giữ trái cây và rau quả trong không gian tách biệt riêng - trong ngành công nghiệp gọi là phương pháp thay đổi khí quyển trong bao bì - có thể giúp trái cây không chín quá nhanh.
Khi được giữ trong bao bì thay đổi khí quyển, ớt ngọt có thể giữ được từ bốn ngày đến 20 ngày, theo Hiệp hội Bao bì. Tăng thời hạn sử dụng của thực phẩm có thể giúp giảm thiểu chi phí do lãng phí thực phẩm ở siêu thị gây ra. Tăng thời hạn sản xuất chỉ một ngày có thể giúp người mua hàng ở Anh Quốc tiết kiệm đến 500 triệu bảng Anh (tương đương 661 triệu đô la Mỹ), theo tổ chức từ thiện chống lãng phí tên Wrap cho biết.
Chi phí do lãng phí thực phẩm gây ra trên toàn cầu ước tính gần một triệu tỷ đô la Mỹ mỗi năm, phần lớn do các công ty sản xuất và hãng bán lẻ chịu.
Dù một số người tin rằng bao bì sử dụng một lần thực ra dẫn đến tình trạng lượng thực phẩm mà ta vứt tăng lên vì văn hóa vứt bỏ đồ ăn được khuyến khích, thì rất nhiều người trong ngành công nghiệp nhựa lập luận rằng khi không sử dụng bao bì nhựa, chi phí do lãng phí thực phẩm sẽ tăng lên.
Lựa chọn khó khăn
Ở góc độ này, có vẻ như cấm hẳn nhựa không đúng đắn lắm, mà là hãy làm nhựa tốt hơn.
"Thay vì quay trở lại trước kia, có lẽ nhìn vào sự đổi mới sẽ hữu ích hơn," Eliot Whittington nói. "Ngày càng có nhiều công ty đưa ra sáng kiến tái sử dụng nhựa với các loại phụ gia khiến chúng phân hủy hoặc làm nhựa có khả năng tự phân hủy sinh học."
Whittington đề cập đến ngành công nghiệp nhựa sinh học đang phát triển, sử dụng tinh bột hoặc protein từ cây trồng như mía đường để sản sinh ra các nguyên liệu hydrocarbon cơ bản cần thiết cho sản xuất nhựa. Một số loại nhựa sinh học không phân hủy chút nào cả, nhưng một số loại khác - như polylactic acid (PLA) - có thể tan rã theo thời gian và một số khác có thể phân hủy, nghĩa là chúng có thể phân hủy hoàn toàn chứ không đơn thuần là rã thành những hạt "nhựa vi mô" nhỏ hơn.
Một công ty đã chuyển sang sử dụng nhựa sinh học là công ty sản xuất sản phẩm dưỡng da của Anh tên Bulldog. Công ty này đã thay đổi các tuýp chứa sản phẩm bằng nhựa truyền thống thành bao bì bằng polyethylene làm từ mía đường.
Các tuýp mới đắt tiền hơn nhưng "chúng tôi vẫn nghĩ đó là việc đúng nên làm," Simon Duffy, nhà sáng lập công ty cho biết.
Một công ty dẫn đầu khác trong nhựa sinh học là Coca-Cola, hai năm trước vừa đưa vào sản xuất PlantBottle, một loại nhựa PET làm từ cây mía Brazil. Công ty này cũng sản xuất chai từ thực vật với giá cao cấp hơn, dù vậy công ty không chia sẻ với BBC Capital giá sản xuất loại chai này.
Tuy nhiên, khi nhìn vào một số ví dụ, rõ ràng ta có thể thấy nhựa sinh học đắt đỏ hơn tới đâu.
Chẳng hạn một hộp bánh burger làm từ cây mía đắt gần gấp đôi so với hộp làm từ nhựa polystyrene. Một cái nĩa ăn cho thực phẩm mang đi có thể tự phân hủy sinh học làm từ tinh bột thực vật đắt gấp 3,5 lần cái nĩa nhựa trắng cơ bản thông thường.
Cả Bulldog lẫn Coca-Cola đều không sử dụng loại nhựa sinh học có thể tự phân hủy hay tự tan rã, thay vì vậy họ khuyến khích khách hàng tái sử dụng nhựa sinh học của họ. Và trong thực tế, nhựa phân hủy sinh học gặp phải một số sự chống đối không cho sử dụng rộng rãi.
"Nhựa sinh học như PLA là sự ô nhiễm cực lớn với ngành tái chế truyền thống," Dick Searle nói.
Đáng ngạc nhiên là do giá dầu tăng nên nhựa tái chế lại rẻ hơn nhựa mới làm từ dầu mỏ. Một tấn nhựa PET mới sản xuất có giá khoảng 1.000 bảng Anh trong khi nhựa PET tái chế chỉ có giá 158 bảng Anh một tấn.
Tuy nhiên, khi nhựa PET bị pha với nhựa PLA thì chai làm ra sẽ yếu hơn và không sử dụng được, nghĩa là toàn bộ khối nhựa phải bị vứt bỏ. Khi các nhà sản xuất cố gắng giảm thiểu nhựa bằng cách sử dụng các loại nhựa tự phân hủy sinh học tốt hơn cho môi trường, thì nguy cơ bị trộn lẫn nhựa truyền thống càng tăng lên, có thể đẩy giá vật liệu tái chế tăng lên.
"Sử dụng sản phẩm công nghệ mới trong hệ thống đã quen với các loại chất thải truyền thống là điều cực kỳ khó khăn về mặt kinh tế," Whittington cho biết.
Vấn đề là phải tìm ra phương thức mới để xác định, phân loại và xử lý các vật liệu nhựa khi chúng bị thải ra môi trường để đảm bảo các loại vật liệu phân hủy sinh học được tách riêng không lẫn với các loại có thể tái chế.
Nhưng Anthony Ryan nhận thấy nhiều vấn đề khác khi các loại bao bì phân hủy sinh học tăng lên.
"Nó chỉ chữa được triệu chứng, chứ không trị được căn bệnh," ông nói. "Nếu căn bệnh là xã hội luôn vứt đi mọi thứ, thì bao bì tự phân hủy sinh học chỉ khuyến khích mọi người vứt bỏ thêm nhiều thứ hơn."
Thay vào đó, ông đề nghị một giải pháp khác: đó là sử dụng nhựa nhiều hơn.
"Trong bao bì thịt hay trái cây mềm hiện đại, bạn có thể thấy có nhiều lớp mỏng để giữ chắc hơn, để cản các loại khí thấm qua và để dính vào bề mặt," ông giải thích. "Bạn có thể có tất cả các đặc tính trên từ một lớp nhựa polyethylene dày hơn. Sau đó bạn có thể giảm số lượng chất liệu này xuống, và điều này cũng giúp việc tách và tái sử dụng chất liệu này dễ dàng hơn."
Ông tin rằng nếu ta làm nhựa bền hơn có thể giúp giải quyết vấn đề rác thải hiện tại đang gây ô nhiễm hành tinh. Thay vì vứt bỏ nhựa, ông đề xuất ta có thể tái sử dụng các loại bao bì mà hiện nay ta đang vứt bỏ.
Mô hình thu nhặt và tái sử dụng - với chai nhựa được thu lại với một khoản tiền ký gửi và sau đó chai được sử dụng lại - giờ đã có ở Phần Lan, Đức, Đan Mạch và nhiều nơi ở Úc.
Tuy nhiên, theo phúc trình của Ủy hội Châu u, các mô hình tái chế và tái sử dụng trên có thể vận hành với chi phí cao gấp 5 lần so với sử dụng bao bì một lần và vứt đi. Nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận thấy phương pháp tái sử dụng kiểu mới thực ra có thể giảm chi phí bao bì xuống ít nhất 8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, phần chi phí này có thể tác động đến người tiêu dùng.
Ngày càng nhiều quốc gia tìm cách ra đạo luật mới với các loại thuế mới áp lên túi nhựa và cấm một số loại bao bì sử dụng một lần, lựa chọn tái sử dụng và dùng lại chai có thể hấp dẫn hơn.
Với Claire Waluda, với nhóm quan trắc mức độ rác thải nhựa ở Nam Georgia, cái giá của thay đổi là xứng đáng.
"Chúng tôi đang chứng kiến những con hải âu bố mẹ đi lại và cho con chúng ăn nhựa," bà nói. "Bất cứ gì có thể giảm lượng rác thải nhựa vào môi trường đều là một bước đi đúng hướng."
Richard Gray
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.